Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI" - Giáo sư Trịnh xuân Đính: Lên Bangkok lấy Tàu đi Galăng
Posted: Saturday, November 24, 2018 by ttnbg in
0
Lên
Bangkok lấy Tàu đi Galăng
Ngày mười tháng tám tôi
lên xe buýt đi Băng Cốc, ở lại đó ba ngày, rồi lên tầu lớn cùng cả năm bẩy trăm
người đi đảo Ga Lăng ở ngoài khơi biển Nam Dương. Từ Băng Cốc đến Galăng, phải
chịu năm ngày, bốn đêm khốn khổ trên con tàu chạy như con rùa, chẳng khác nào
chúng tôi đi vượt biển. Người người nằm la liệt trên boong tầu, ăn ngủ ngay tại
đó, ốm đau nằm rên khừ khừ cũng tại đó, ngày đêm tại một nơi, chẳng khác nào hồi
di cư từ bắc vào nam năm năm mươi tư, có khác chăng là không đi loại tầu há mồm,
và dân tị nạn không có nhiều đồ mang theo như dân di cư.
Chúng tôi đến đến Ga lăng ngày mười tám tháng tám, nơi
đây chúng tôi làm thủ tuc chót trước khi đi định cư tại Hoa Kỳ. Tại đó tôi được
cho số căn cước mới là T#282616, và tạm trú tại Barrack 193, room 7, Zone E,
RPC Galang 2.
Trại Ga lăng có nhiều cảnh thiên nhiên rất đẹp,
có núi, có bờ biển với những bãi cát trắng, sóng nhấp nhô làm cho tôi nhớ đến Vũng
Tầu hay Đồ Sơn, có bến tàu nơi những ca-nô chạy cả trăm cây số giờ đưa những
nhân viên các tổ chức quốc tế giúp người tị nạn từ Nam Dương hay Tân Gia Ba tới
lui nơi này.
Nhớ đến bến tầu ấy, tôi nhớ
đến những hình ảnh không vui của những ghe thuyền mà dân vượt biển đã dùng để đến
nơi đây, những ghe thuyền đó nay nằm chết ở đấy, và sẽ còn là những chứng tích
lịch sử đấu tranh của những con người đã ra đi vì cộng sản. Bao nhiêu người đến
được nơi đây rồi chết nơi đây? Chỉ cần đếm những nấm mồ chôn cất tại nghĩa địa
trên hòn đảo này, cái nghiã điạ mang danh Ga lăng 3 thì biết. Bởi vì hòn đảo
này được chia ra làm ba khu vực, khu vực một cho những kẻ vượt biển đi thẳng đến
Nam Dương lúc đó, còn phải chờ được phỏng vấn, còn nhiều lo âu; khu vực hai cho
những người đang hạnh phúc như tôi, đã được chấp nhận đi Mỹ, đến đây để chờ
ngày đi; và khu vực ba, như đã vừa kể ở trên, cho những kẻ đã cố công đi đến
đây để rồi ở lại đây vĩnh viển. Kể ra chết và được chôn ở cái nơi khá thơ mộng
này cũng sướng, đó là một đặc ân của trời cho, còn hơn những ai chết bờ chết bụi
trong rừng thiêng Kămpuchia, hay chết một cách khốn nạn ngoài biển khơi để thân
mình làm mồi cho cá.
Ga lăng hai có những căn nhà gổ hai từng tương đối khang
trang cho dân tị nạn, và tôi đã được cấp cho một căn phòng ở từng trên, có cây
cầu thang gổ để đi lên đi xuống. Tôi hay ngồi trên nấc thang chót ngắm cảnh
sinh hoạt của trại, hay nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây nhớ đến gia đình, và các
bạn bè còn ở lại Saigon. Tôi đã phải ở nơi đó gần hai tháng, hai tháng mà tôi
có cảm tưởng như hai năm, vì nay thủ tục đã xong hết, không còn gì để mà còn phải
lo lắng hay theo dõi.
Những lúc không biết làm gì, tôi đi sang bên ga lăng một
thăm ngôi chùa Phật Giáo có bức tượng rất to và đẹp, và tôi ngồi trên cái đu cột
trên cành cây ngoài sân, trước lối vào, để ngửi mùi hương và suy nghĩ về niềm
tin và con người.
Những buổi chiều mát ở Ga lăng, tôi thường đi dạo trên những
con đường sỏi đá chạy từ khu vực một đến khu vực hai, đi hàng mấy cây số để đến
những quán lá bán cá phê ngồi nghe nhạc vàng, nhớ về quê hương nay đã xa cách.
Ôi những buổi chiều buồn day dứt ấy, nhưng lại đáng sống, đáng hưởng, những buổi
chiều mang bao ý nghiã của cuộc sống của con người, trải qua bao đắng cay mới đến
được bến bờ này, nay ngồi hưởng những phút suy tư trong tiếng nhạc tiếng hát,
bên hương vị của tách cà phê và những điếu thuốc. Tôi đả từng ngồi như thế, đôi
khi với những người bạn mới, nhưng thường thì là một mình, bởi vì mình đâu có đến
đó để vui, để nói chuyện, để cuời. Mình đến đó để buồn, để nhớ, để trầm tư mặc
tưởng.
Tôi nhớ nhất là những lần ngồi với người em
gái Nam Dương xinh như mộng, tuổi chưa ba mươi, em là bác sĩ làm việc trong
phái đoàn y tế Nam Dương phụ trách khám sức khỏe cho những ai sắp được đi Mỹ.
Em đã khám cho tôi, em đã nói chuyện tâm tình trong lúc gặp tôi, và do định mệnh
đã sui khiến hay sao, em đã mến tôi và sau đó chúng tôi thường đi chơi với
nhau. Em kể cho tôi nghe về quê hương em, tôi kể cho em nghe về quê hương tôi,
hai quê hương trái ngược một sướng một khổ, và em đã mủi lòng khi nghe đến chiến
tranh, chết chóc, tàn phá, những chịu đựng và đau đớn của con người. Khi nghe
nhạc Việt buồn, em bắt tôi dịch lời ca ra tiếng anh cho em thông cảm, em thông
cảm với người viết bài ca, người hát bài ấy, hay với tôi thì không biết, nhưng
có một điều chắc là em biết tôi đang buồn. Em cứ nhìn tôi không nói gì, vào những
lúc tôi như muốn khóc, nhưng tôi có khóc đâu? Ngày tôi sắp đi em buồn lắm, em
nói em cũng muốn đi Mỹ, đi để làm gì tôi không hỏi. Bây giờ chỉ còn bức hình chụp
với em và các em của em, trên con tầu đưa tôi đi Tân Gia Ba để lấy máy bay đi
đinh cư. Em đã muốn tiễn chân tôi đi và không đành ở lại bến tầu Galăng, phút
chót em đã theo con tầu hay theo tôi? Tôi có cãm tưởng như có cái gì đã liên kết
hai đứa tôi vào lúc đó. Em đã tiếc tôi ra đi quá nhanh, em đang xin giấy cho
tôi tới đất liền để em đưa tôi đi thăm nơi em ở là Gia Các Ta (Djakarta) mà
không kịp. Có những tuần em không về nhà liền vào chiều thứ sáu mà lại ở lại
ngày thứ bẩy, em đưa tôi đi ăn ở những quán rẻ tiền ở Ga lăng một, làm tôi cứ bứt
rứt, nghĩ buồn cho thân phận, mình đã không có khả năng bao em, phải để em bao
mình. Không hẳn là tôi không có tiền, vì tôi chẳng đi làm cho cơ quan thiện
nguyện Save The Children và được một
đô la một ngày là gì? Nhưng số tiền ấy chỉ đủ
cho cà phê và thuốc lá. Thôi thì vì hoàn cảnh, tôi cũng chẳng thiết gì ăn, tôi
đã chỉ muốn được bên em, được đi cạnh em, nắm tay em cho bớt thấy cô đơn. Lần
chót đi uống cà phê với nhau, trong bóng tối của lá cây um tùm, em đã để cho tôi
ôm, cho tôi hôn, nhưng chỉ có thế, có thế thôi, không gì hơn nữa.
Đến Tân Gia ba, em đưa tôi đi ăn, đi sắm một cái quần tây
rẽ tiền, một chiếc sơ mi dét (chemisette, sơ mi ngắn tay) và một đôi giầy ba
ta, thứ giầy vải có đế mỏng mà mẹ tôi bắt tôi đi khi tôi còn đi học.Tôi đâu có
nhiều tiền để mua đồ sỉn như hồi xưa, khi tôi còn là sinh viên.
Những ngày tôi còn thanh niên, tôi cử tạ cho
thân người nẩy nở, tôi đi xe mô-tô, mặc quần áo may theo mẫu trong ca-ta-lốc
(catalogue), và đi giầy i-ta-li (Italie). Bao nhiêu tiền đi dạy kèm trẻ tại tư
gia, đưa hết cho tiệm may Văn Quân ở đường Gia Long, gần rạp hát Lê Lợi, và các
tiệm giầy gần đó, để rồi đi chơi với các em, đôi khi phải để em bao, vì sờ túi
thấy không còn tiền. Được cái các em con nhà giầu, mà lại thích “anh” nên chẳng
sao, nhất là các em biết tôi là tay chịu chơi, không bao giờ hà tiện, bủn sỉn.
Ngồi sau mô-tô anh phóng như bay, em cứ ôm sát vào lưng anh, dựa đầu lên vai
anh, và lấy bàn tay xoa những bắp thịt vai cứng như đá của anh, em thấy ngây ngất
trong lòng, quên đi lúc em phải mở ví. Vả lại tôi cũng đâu phải dân bẩn, sau đó
để trả lại những món nợ do hoàn cảnh, tôi thường mua tặng em những món quà đắt
tiền như cái vì da hay lọ nước hoa để rồi em vui, em cười, em nói “ Sao anh dễ
thương quá vậy?”
Tiền bà cô tôi gởi cho,
năm mươi đô la, đến vào đúng giờ đúng lúc, vì nếu không thì tôi chẳng biết phải
làm sao, không lẽ đi với em chỉ dòm dòm, ngó ngó. Trên đường phố sang trọng của
thành phố đẹp nhất nhì Đông Nam Á này, tôi đang ngắm những cặp giò cao của những
cô gái gốc Triều Châu thì em đã hỏi “Để chuẩn bị đi Mỹ, anh còn phải mua gì nữa
không?”. Tôi đã cứ giả vờ không nghe thấy và đùa với mấy đứa em của em cho thời
gian chóng qua đi. Lúc tôi trở về trại và em phải chia tay tôi vĩnh viển, dường
như tôi thấy đôi mắt em long lanh, em cứ nhìn tôi mà không biết nói gì. Để chấm
dứt sự căng thẳng, tôi cám ơn em đã ưu đãi tôi và hứa rằng khi qua đến Mỹ tôi sẽ
biên thư cho em. Quả thật tôi đã viết liền cho em khi tôi đến Nữu Ước, nhưng
không nhận được thư hồi âm. Có lẽ em đã bổng ý thức rằng tôi đã có vợ, có con,
mơ mộng viển vông không đưa đến đâu cả. Thế nhưng đối với tôi, em đã là một
nàng tiên, bổng nhiên từ trên trời rơi xuống, để mang đến cho tôi những giây
phút đẹp nhất trong cuộc đời, và hạnh phúc tôi có được bên em đã tô điểm cho cuộc
ra đi của tôi những nét mầu hồng, những nét hồng phác nhẹ trên nguyên cái nền mầu
đen.
Tôi đã phải ở lại Tân Gia Ba hai ngày, rồi được cho ký giấy
nợ với cái cơ quan quốc tế ICEM (Intergovernmental Committee of European Migration),
cơ quan liên chính phủ lo cho những di dân ở Âu Châu. Cái chữ M(igration) nó đã
làm cho tôi liên tưởng đến những đàn chim, đàn cò, cứ đến mùa lạnh là bay về những
chân trời phía nam, nơi có ánh nắng mặt trời ấm cúng. Tôi không đi về phía nam,
nhưng tôi cũng đang đi tìm một chân trời ấm cúng, nơi mà các con tôi, nếu một
ngày nào chúng tôi được đoàn tụ, sẽ chắc chắn thấy được ánh nắng ấm của hạnh
phúc, của tương lai.
Trên con đường đến đất Tự Do
Ngày hai mươi ba tháng chín, tay trái cầm một
cái túi lát-tích (plastique) trắng bự có in dấu hiệu ICEM ở hai bên, trong đó
có một đống giấy tờ gì tôi không biết, và những tấm hình to tướng chụp phổi chụp
gan gì đó, tay phải ôm khư khư cái túi trong có mớ quần áo cũ, kỷ niện cuộc đi
băng Kămpuchia, tôi đã bước lên máy bay đi Cựu Kim Sơn, cái thành phố nổi tiếng
mà ai cũng biết đến, trừ những thằng nhà quê như tôi. Trên ngực tôi, người ta
đã dán một nhãn giấy, trên ghi nơi tôi sẽ đến, chuyến bay tôi sẽ đi và hội từ
thiện đã đứng ra giúp đỡ tôi đi định cư. Trong túi tôi còn tờ mười đô la, mà
tôi lâu lâu cứ sờ sờ vì sợ bị đứa nào móc túi lấy mất, tâm trạng tôi vẫn là tâm
trạng của kẻ đã sống bẩy năm đưới chế độ cộng sản chuyên chế.
Chiếc máy bay đáp xuống phi trường Cựu Kim
Sơn vào buổi chiều, khi trời đã xẩm tối. Chúng tôi đã được đai diện ICEM và những
cơ quan thiện nguyện ra đón và đưa lên những xe buýt to tướng. Tôi đã quá mệt
vì chuyến đi dài chưa bao giờ tôi tưởng tượng nổi, nên tôi cứ thấy ai làm gì
thì tôi làm theo. Trời hơi lành lạnh mà tôi chỉ phong phanh có chiếc áo mới mua
ngắn tay, làm tôi nổi da gà và rùng mình. Ngồi trên chuyến xe buýt, tôi như anh
nhà quê ra tỉnh, nhìn những xe hơi đi vùn vụt qua, thấy vừa chóng mặt vừa nhức
đầu. Và chắc hẳn là tôi có cái mã của anh nhà quê, vì bẩy năm trời tôi đã sống
trong một thế giới thiếu văn minh, nếu không muốn nói là man rợ, một thế giới
đã xoay trở lại hai ba mươi năm về quá khứ.
Tôi được đưa đi đâu khi đó tôi không biết,
tôi chỉ nhớ tôi đã thấy xe chạy qua một cây cầu dài tôi chưa từng thấy trên đời,
rồi sau đó còn đi cả tiếng đồng hồ đến một nơi đồng không mông quạnh như một
khu quân sự. Sau này thì tôi mới hay đó là trại Ha Min tơn (Hamilton), gần chùa
Vạn Phật, và cây cầu đó là cây cầu nổi tiếng Gâu Đơn Ghết (Golgen Gate) bắt
ngang qua vịnh Cựu Kim Sơn. Chúng tôi được đưa đến một trại lính cũ, vào một
căn phòng lớn mênh mông chứa cả mấy trăm người, hai người chia nhau một giường
hai tầng.
Để đồ
vào những hộc tủ có khóa xong, chúng tôi được hướng dẫn xuống nhà ăn, nơi đây,
lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nhiều đồ ăn đến thế! Nào thịt gà, thịt bò, nào
rau, nào khoai tây, đủ thứ nước chấm , trái cây đủ loại, cam táo nho lê mận chuối,
ôi tha hồ ăn, vừa ăn vừa bỏ túi. Tôi mới từ một thế giới chết đói đến một thiên
đường dư thừa mọi thứ, trông cái gì cũng hoa mắt, cũng thèm, cũng muốn. Nghĩ lại
bây giờ thấy sao tôi đã thảm hại đến như vậy? Chẳng gì ở Việt
nam trước kia, tôi cũng là ông này bà nọ, chứ
có phải là dân cu li đâu? Thế mới thấy cộng sản
đã đầy đọa con người, đã làm cho con người
không còn phẩm giá vốn dĩ của mình nữa.
Sau bữa cơm tối, tôi ra sân nhìn trời nhìn đất
mà lòng bâng khuâng không bìết mình vui hay buồn, nay mình đã ở đất Mỹ. Thật là
quá sớm cho tôi có được một ý niệm rõ ràng về mảnh đất mà tôi sẽ phải gọi là
quê hương này.
Trời lạnh làm tôi rét run, đứng chưa được mươi phút, tôi
phải chui trở vào trong nhà. Tất cả đã trở về phòng ngủ sau khi ăn xong, tôi cũng
vội vã đi theo những người sau chót. Đêm ấy tôi ngủ như chết vì mười mấy giờ
trên máy bay tôi đâu có chợp mắt được.
Trên con đường đi định cư, đa số có những người thân thuộc
bên cạnh, chỉ riêng tôi và một số thanh niên là cô độc. Trong cái hoàn cảnh đó,
tôi đã được một số thanh niên chấp nhận, và chúng tôi đã thành một nhóm, đi đâu
cũng có nhau. Như thế cũng phần nào làm cho mỗi đứa chúng tôi thấy ấm lòng hơn,
khi chân ướt chân ráo đến nơi xứ lạ quê người, bao nhiêu lo nghĩ, bao nhiêu băn
khoăn, đang tràn ngập đầu óc chúng tôi.
Đến ngày hôm sau, các cơ quan thiện nguyện đã dán danh
sách với đầy đủ chi tiết như tên người đi định cư, nơi đi định cư, tên người bảo
lãnh, ngày giờ và tên chuyến máy bay. Khi tôi tìm tên tôi thì tôi được biết cơ
quan lo cho tôi đi là USCC, nơi tôi đi là một tỉnh ở Alabama, người bảo lảnh
tôi là bà bác vợ tôi, và chuyến máy bay tôi đi là bốn giờ sáng ngày hôm sau.
Nhìn thấy cái tên Alabama là tôi đã mất hồn, mất vía. Tôi không biết Alabama ở
đâu, tôi chỉ biết qua báo chí rằng nơi ấy có nhiều Mỹ da đen, có bọn KKK, và đó
không phải là một tiểu bang ngon lành như Ca li phọc ni a, Tếch xát, hay Nữu Ước.
Do vậy mà tôi cuống cuồng đi hỏi nơi đặt văn phòng của USCC để đến xin đi Nữu Ước,
nơi có người bảo lảnh tôi là dân biểu Norman Lent.
Khi tôi cùng môt thanh niên tôi quen đi tới văn phòng ấy,
thì một người Việt nam làm việc cho cơ quan USCC đã tỏ ra hổng hách, dọa nạt
tôi, coi tôi như một tên mọi mới ở Phi châu đến. Khi tôi nói tôi không muốn đi
Alabama mà muốn xin đi Nữu Ước thì tên khốn nạn đó đập bàn quát lên với tôi rằng
tại sao không đi Alabama, tại sao đòi đi Nữu Ước, mới ở Việt Nam qua đã biết gì
mà đòi thế này thế nọ, giấy tờ USCC bảo đi đâu thì phải đi đó và không có đổi
chác gì hết, tối hôm đó phải lên máy bay đi Alabama.
Tôi nghe thằng chó chết ấy, thay vì giúp đỡ
tôi là dân tị nạn, lại dở trò quan liêu, bắt nạt tôi, coi thường tôi, nên máu
cu li của tôi nổi lên, tôi văng tục tùm lum, đòi đánh nhau với nó, và chửi cha
cả tổ chức USCC lẫn nó lên. Tôi bảo nó tôi đâu có nhờ USCC hay USKK bảo trợ cho
tôi bao giờ đâu, tôi chẳng biết USCC là cái quái gì, tôi không hề làm đơn hay
ký tên trên giấy tờ của cái cơ quan đó, tôi chỉ biết có cái giấy của dân biểu Mỹ
ở Nữu Ước bảo lãnh cho tôi vân
vân và vân vân. Mỗi câu tôi nói, vào cái lúc
tôi điên tiết đó, đều có hai chữ ĐM hay CCC, tên đó nghe hoảng hồn bèn đổi giọng
nói với tôi là để rồi hắn lo.
Đêm hôm đó trên chuyến bay đi Alabama, không
có tôi. Ba hôm sau, khi hầu hết những dân tị nạn đã đi rồi, chỉ còn lại chừng
hai chục người, tôi mới đươc thông báo là hãy chuẩn bị để đi vào sáng sớm ngày
thứ sáu tức là hôm sau. Tôi đâu có gì để chuẩn bị, chỉ có cái túi quần áo ăn
mày, cái quần tây, cái áo sơ mi ngắn tay đã mặc trên người, đôi giây ba ta đã
đi vào chân, còn cái gì nữa đâu ngoài tờ mười đô la để trong túi quần?
Lúc lên máy bay, ai cũng được phát cho một chiếc áo ấm,
mà mãi sau này tôi mới biết tên gọi là dắc két (Jacket), nhưng khi đến phiên
tôi, thằng khốn kiếp đó nó thù tôi, nó không cho. Tôi hỏi nó, nó bảo giấy tờ
USCC đưa tôi đi Alabama, nay tôi đi Nữu Ước tôi không được!
Sau này, sau khi máy bay đáp xuống phi trường
Ken ne đi, tôi mới biết rằng nó còn chơi tôi một đòn làm tôi phải khóc tu tu
như một đứa trẻ. Lúc đó quả thật nếu tôi về được Kem Ha Min Tơn (Camp Hamilton)
thì chắc chắn thằng ấy ít nhất cũng phải mất vài cái răng cửa. Ngày tôi chạy
xích lô, tôi đã từng đập những thằng cán bộ và bộ đội cộng sản, tên ăn mày này
có thấm gì? Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn căm cái tên mất dạy đó, tôi vẫn còn muốn
bịch nó, nhưng không biết nó ở đâu mà bịch.
Lúc hai giờ trưa, khi khoảng hai chục đứa chúng tôi xuống
phi trường Nữu Ước và vào trong nhà ga, đại diện những hội từ thiện hay chính
những người xì pông so (sponsor) đã hoặc ở đó, hoặc sắp sửa đến. Chỉ có tôi là
chẳng có ai biết mà ra đón. Sau khi tất cả những người tị nạn kia đã đi hết,
tôi cứ đứng đó chờ, chờ hoài, chờ mãi cho đến năm giờ chiều mà không thấy gì.
Tôi ngồi bệt xuống đất dựa lưng vào tường, tay ôm cái túi quần áo, và nước mắt
tôi bắt đầu chảy ra. Tôi không biết phải làm gì, vì mình có ở Mỹ bao giờ đâu?
Tôi chỉ biết ngồi đấy chờ, trong đầu lo không có ai đến đón thì làm sao đây?
May phúc cho tôi có một
người đàn ông Mỷ đi qua, thấy tôi thút thít khóc, thương tình hỏi tôi có chuyện
gì. Tôi nói tôi là người Việt tị nạn, hội USCC đưa tôi đến đây mà không cho xì
pông so tôi hay, nên không ra đón tôi, bây giờ tôi không biết phải làm sao. Ông
ta đưa tôi vào văn phòng hãng máy bay United Airlines, rót cho tôi một tách cà
phê, rồi nói chuyện với tôi một lúc. Ông tự giới thiệu là me ne dơ (Manager),
có người anh ruột sang chiến đấu ở Việtnam và đã hy sinh trong trận chiến gần
Pleiku. Ông nói ông rất thương dân tộc Việt và bảo tôi nếu không ai đến thì tôi
sẽ về nhà ông ở tạm cho đến thứ hai. Ông nói chiều thứ sáu các văn phòng USCC
đóng cửa không còn ai làm việc. Tôi bèn chìa ra tờ giấy của dân biểu Norman
Lent, ông cầm lấy đọc, và may phúc cho tôi trên đó có số điện thoại liên lạc với
văn phòng thường trực của quốc hội. Ông gọi số đó, người ta cho số nhà của vị
dân biểu, ông gọi nhà của người ấy, và được trả lời là sẽ cho người ra đón
trong vòng nửa giờ. Thế là tôi thoát chết! Cái thằng khốn nạn ở USCC tính hại
tôi, nó biết tôi nhà quê lên tỉnh, tưởng tôi không biết mần mò, cho rằng tôi sẽ
chết vì cái đòn độc địa của nó. Nhưng số tôi cao, có Trời Phật phù hộ, nên ông
Mỹ đó đã cứu tôi.
Đúng nửa tiếng sau, ông Gellerman là người thực sự xì
pông so cho tôi, dân biểu Lent chỉ đứng tên trên giấy tờ cho tôi mau được đi, đến
đón tôi. Vừa thấy tôi, ông nhe răng cười và nói “cái thằng bé con như mày mà
Florence bảo tao mày là giáo sư đại học!”. Florence là bà bác sĩ Gellerman, người
đã nhận giúp đỡ tôi từ khi tôi còn ở NW9. Ông cám ơn ông me ne dơ, tôi cũng nắm
chặt tay cám ơn ông me ne dơ rồi chúng tôi đi ra về bằng chiếc xe ca đi lắc
(Cadillac). Nhà ông ở Merrick, Long Island, một căn nhà sang trọng, trong một
khu sang trọng. Bà
Gellerman ra cửa ôm tôi và nói “Congratulations! You are now in America!” (Tôi
mừng cho ông ! Bây giờ ông đã đến đất Mỹ)
Những Ngày Đầu trên Đất Mỹ
Với tư cách tị nạn, tôi đã được cấp một tờ chứng
nhận gọi là ai nai ti pho (I94) với những
chi tiết như sau:
I94 issued September 30 1981 in San Francisco
Alien registration # Ạ-277-501
CAT IV/ GT 282616
Visa issued September 23, 1981
Sáng hôm thứ bẩy bà Gellerman bảo tôi “Anh sẽ phải lên Men hát tăn
(Manhattan) kiếm việc. Nhưng muốn đi
làm, anh phải đi xin sâu sơn xê kiu ri ti năm bơ (Social security number). Thứ
hai tôi sẽ đưa anh đi xin, bây giờ anh ra ăn sáng.” Tôi chẳng hiểu bà nói cái
gì. Tôi không biết Men hát tăn ở đâu và cái Sâu sơn xê kiu ri ti năm bơ là cái
quái gì. Tôi ngớ ngớ ngẩn ngẩn, cái gì bà nói cũng ô kê. Chúng tôi ngồi vào cái
bàn tròn ngay cạnh bếp, bà cho tôi uống nước cam rót từ cái bình lát tích to tướng
bằng cái bình đựng nước tương bên nhà, ăn cái bánh gì không giống bánh mì mà
trông lại giống cái phao đi bơi nhỏ xíu, làm tôi nhớ lại Đồ Sơn vào những khi
tôi mười hai, mười ba tuổi đi biển đeo cái ruột bánh xe hơi bơm căng để khỏi bị
chết đuối. Tôi ăn không thấy ngon, thêm vào đó lại còn phết cái chất gì giống
như kem sữa đặc nhưng lạt phèo, mà lại hột hột. Tôi hỏi bà đó là cái gì, bà nói
bây gơn (bagel) và cốt tết chi (cottage cheese). Bà hỏi tôi ăn ngon không, tôi
nuốt không dô nhưng cũng phải nói ô kê. Bà còn đưa cho tôi một quả chuối xanh
lè, tôi vốn đã ghét chuối, nay lại thêm chuối xanh, tôi làm sao ăn cho được?
Tôi nói “nâu, thanh kiu”, bà đưa cái bình vuông vuông bằng giấy cạc tông trên
có chữ milk, tôi biết ngay là sữa, hỏi tôi vắn tắt “miếc?”. Tôi cũng lại “nâu,
thanh kiu”. Đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến một bát tái nạm gầu, thơm phưng phức,
nóng hổi, rau thơm, giá chanh ớt và một cốc cà phê đen đậm. Tôi tự nhủ “sống ở
Mỹ ăn những đồ quỉ này chỉ có mà chết sớm!”
Trong suốt thời
gian ăn sáng, tôi thấy chồng bà tên Xi Mua (Seymour) chỉ vừa đọc báo vừa nhai,
mà chẳng nói câu gì, và cũng chẳng thèm để ý đến tôi. Tôi bổng nhận thấy rằng
hình như trong căn nhà đó, ông chồng chỉ ngồi yên không quyết định việc gì, tất
cả đều do bà vợ. Tự nhiên tôi cảm thấy nhột nhột, hơi buồn vì thấy có lẽ mình
đã vào lầm nhà.
Ăn sáng xong, Xi
Mua đi vào phòng làm việc nhỏ xíu của ông, vặn ti vi lên xem, Phơ Lo (Flo, tắt
cho Florence) ra ngồi ghế bành đọc báo. Tôi mon men lại gần, bà bỏ tờ báo xuống
nhìn tôi với đôi mắt trìu mến và hỏi “ yét đia?” (Yes, dear?). Tôi lấy hết can
đảm hỏi bà làm sao để lảnh oen phe (welfare), bà trợn mắt nói với tôi rằng
không nên nói cái chữ đó trong nhà bà. Rồi bà dài giòng kể rằng bố mẹ của cả Xi
Mua lẫn bà đều từ I dơ ra en (Israel) đến, nghèo khổ nhưng không bao giờ ăn oen
phe. Bây giờ tôi cũng là một thành phần trong cái gia đình Do Thái ấy, không được
nghĩ đến chuyện ăn cái thứ ấy. “Don’t you ever think about getting it!” là
nguyên văn câu bà nói. Thế có chết cha tôi không? Thảm nào lúc nãy bà bảo tôi
đi tìm việc!
Chiều thứ bẩy,
và sau này tất cả mọi chiều, chiều nào cũng như chiều nào, sau khi ăn cơm xong,
Xi Mua và tôi phải cho bát đĩa dơ vào máy rửa chén, phải rửa, đánh bóng, chùi
khô rồi cất đi cả năm bẩy cái chảo, soong, nồi. Chẳng bao lâu sau đó, Xi Mua vì
đã từng phải làm cái công việc đó chắc cũng đã hai ba chục năm rồi nên chán ngấy,
ông chỉ đứng làm với tôi dăm ba phút rồi bảo tôi “iu heo me đu dờ rét, ô kê?”
xong ông trốn vào cái “lỗ chui ra chui vô” (như lời nói của Nguyên Cao Kỳ hồi
xưa khi thương phế binh chiếm đất cắm dùi ở Saigon) tức là cái phòng làm việc của
ông. Tôi như vậy phải lãnh đủ, cho đến ngày tôi đủ lông đủ cánh bay đi tìm tự
do.
Sáng chủ nhật,
tôi chưa ngủ dậy, thì Phơ Lo gõ cửa phòng tôi. Tôi vừa ló đầu ra thì bà bảo tôi
dậy ăn sáng rồi đi nhà thờ. Khốn nạn cho tôi, tôi là Phật tử, nay bắt tôi đi
nhà thờ Do Thái là thế nào? Tôi nói “Ai ken nốt gâu, ai am bu đít” nhưng bà vẫn
bắt tôi đi, bà nói sẽ giới thiệu tôi cho tất cả cái cộng đồng người Do Thái
trong nhà thờ của bà, nhất là với ông ráp bai (rabbi). Thế là tôi phải dậy, sửa
soạn ăn sáng rồi đi.
Tại cái nhà thờ
trông lạ mắt xây theo những hình thù hình học ấy, tôi cứ lẽo đẽo đi theo Phơ Lo
để bà giới thiệu tôi với hết người này lẫn người kia, trong khi Xi Mua tìm đường
lẫn đi đâu lúc nào tôi không hay. Những đứa con gái tuổi mười lăm mười sáu, tưởng
tôi mới hai mươi, hai mươi lăm, cứ sán lại tôi làm quen. Hồi đó, tôi gầy gò cân
nặng chỉ bốn tám năm mươi kí lô, nhìn vào ai bảo tôi bốn mươi? Chẳng thế mà khi
ở Cựu Kim Sơn, đi học chương trình Em Bi Ây
(MBA) ở trường Sư Tết (State) tôi được bao nhiêu em tầu, phi, đại
hàn tuổi chưa ba mươi mết như điếu đổ.
Sau
đó, tôi cũng phải dự lễ. Phơ Lo đưa cho tôi cái nón Do Thái để tôi đội lên chóp
bu đầu và bảo tôi “Anh là người Việt Do Thái đầu tiên!”. Tuy hôm ấy hơi vất vả,
nhưng sau đó tôi được người ta đem cho nhiều quần áo cũ, nhiều cái còn mới đẹp
tới độ Xi Mua thấy thèm dành của tôi.
Hôm thứ hai, sau khi Xi Mua đi làm, tôi mới hỏi Phơ Lo chồng bà đi
làm ở đâu, làm gì, thì bà nói Xi Mua làm cho một tờ báo ở Men hát tăn. Luôn thể
tôi hỏi Men hát tăn ở đâu, bà mới nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên nói “anh
không biết ư? Đó là tên của thành phố Nữu Ước”. Khoảng chín giờ bà đưa tôi đến
sở an ninh xã hội để xin cái sâu sơn xê kiu ri ti năm bơ, bà chỉ cho tôi điền
đơn rồi chúng tôi phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới được nộp đơn. Sau đó bà
đưa tôi đến một tiệm giầy, và nói “anh phải có một đôi giầy cho tốt để đi làm”.
Trước hàng trăm đôi giầy đủ loại, bà hỏi tôi chọn đôi nào, tôi chỉ
đôi giầy I ta li, thì bà trố mắt lên nhìn tôi. Bà chỉ đôi giầy cao cổ mầu vàng khè
và bảo tôi mua đôi ấy vì mùa lạnh sắp tới, tôi sẽ cần đôi ấy mới đủ ấm. Tôi đòi
mua đôi mầu đen, bà nói những đôi khác không ôn sen (on sale), tôi không hiểu
bà nói gì, bà giải thích là đôi vàng không ai thèm mua, nên nó rẻ hơn những đôi
khác. Chúng tôi vào mua đôi ấy, mất hơn sáu chục đồng, bà trả tiền rồi bảo rằng
tôi nợ bà số tiền đó, khi nào đi làm có tiền trả lại.
Sáng sớm hôm sau, hôm thứ ba, bà đánh thức tôi dạy, bảo tôi đi
theo Xi Mua lên Men hát tăn đi kiếm việc. Bà hỏi tôi có tiền đi xe lửa không,
tôi có mười đồng nhưng dành phòng thân nên nói không có. Bà móc ví lấy tờ mươì
đồng, đưa cho tôi nói “như vậy anh nợ tôi bẩy chục”, tôi nói ô kê. Rồi tôi đi
theo Xi Mua ra trạm xe lửa mua vé đi lên Men hát tăn. Khi đến nới, tôi cứ theo
Xi Mua đi trong rừng người đang chui ra từ những chiếc xe lửa tại Pen sừ tây
sơn (Pennsylvania, gọi tắt là Penn station). Ra đến ngoại đường, Xi Mua quay
sang tôi nói “Iu a ôn i-ua ôn, gút lấc” (bây giờ anh tự lo lấy cái thân anh,
chúc anh may mắn). Rồi ông hẹn tôi, chiều năm giờ gặp nhau ngay tại chỗ đó. Tôi
là thằng nhà quê, chưa bao giờ bước chân lên một thành phố Mỹ nên tôi sợ chiều
không biết chỗ nào mà mò. Tôi bèn lấy giấy trong túi, vẽ một họa đồ nhỏ, và từ
đó cứ đi đâu thì lại ghi vào.
Chân ướt chân ráo đến đất Mỹ mà Phơ Lo bắt tôi đi kiếm việc! Mà bà
lại chẳng chỉ cho tôi đi chỗ nào, xin làm sao. Tôi nghĩ tôi biết nhiều từ y
khoa, tôi nên đi vào bệnh viện, may ra nó cho mình làm thông dịch hay thư ký.
Như thế, tôi cứ đi lòng vòng, bệnh viên nào cũng vô, chỗ thì nói nô dốp (no
job), chỗ có việc làm da ni to (janitor) chùi dọn bệnh viện, thì nó hỏi ở Việtnam
làm gì, tôi bảo tôi làm giáo sư, nó nói tôi ô vơ qua li phai (overqualified) và
nó thanh kiu tôi. Tôi không hiểu ô vơ qua li phai là cái con khỉ khô gì nhưng buồn
thì tôi càng ngày càng buồn. Đi bộ mỏi cả chân, nước không có mà uống, săn u-ít
(sandwich) chỉ có hai đồng bạc nhưng không dám ăn, tôi thấy khốn khổ, khốn nạn.
Tôi tưởng sang Mỹ là tự nhiên sướng, đâu dè những khó khăn của cuộc đời nơi đâu
chẳng có? Mệt lả, tôi nhìn tôi trong những tấm gương lớn trước những cửa hàng
và tự hỏi “Taị sao giờ này mình lại ở đây? Vợ con mình đâu? Sao phải lủi thủi một
mình?” Tôi cảm thấy tôi bệ dạc, không còn ý chí nghị lực, không còn tự hào,
không còn muốn cái gì nữa. Và cứ thế tôi lê chân đi khắp phố này đến phố kia
tìm cái dấu hồng thập tự để vào. Đi đâu tôi cũng tự giới thiệu mình là tị nạn
người Việt, cần tìm việc để sống.
Sau này tôi mới
thấy tôi ngu, vì Mỹ nó có thương gì tị nạn Việt? Chiến tranh Việt nam là một vết
ô nhục cho họ, họ chỉ muốn quên, khều cái vết thương đó ra cho nó lại chảy máu
đâu ích gì? Ở Saigon tôi hận Mỹ đã bỏ rơi chúng tôi, bây giờ tôi căm Mỹ không
thương gì tôi hết. Thật là ngây ngô nhưng đó là cảm tưởng của tôi những ngày đầu
tiên dậm chân trên đất Mỹ.