Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI" - Giáo sư Trịnh xuân Đính: Quyết định ra đi.
Posted: Thursday, October 11, 2018 by ttnbg in
0
Chương Một
Quyết định
ra đi.
Đó là ngày quyết
định một lần nữa đời tôi. Tôi nhớ rõ ngày hôm đó, ngày hai tháng tư năm
1981, nhằm ngày hai mươi tám tháng hai âm lịch,
một ngày thứ năm của định mệnh đã đưa tôi vào một bước ngoặt của cuộc đời mình.
Lẽ ra hôm ấy phải là một ngày thứ năm bình thường, một ngày thứ năm
như mọi ngày thứ năm khác. Lẽ ra sáng hôm ấy tôi phải, như những ngày thứ ba năm
bẩy hàng tuần, đạp xe đạp từ nhà ở Thị Nghè đến tuốt tận gần sân bay Tân Sơn Nhất
để đến nhà học trò dạy học tư. Đời tôi đã trở nên vô vị như vậy. Thật là vô nghĩa,
vô lý. Tôi đã mất bao nhiêu năm miệt mài học, để đến khi gần đến được đích là
cái bằng tiến sĩ luật thì đột nhiên phải bỏ dở dang. Cách mạng vô sản đã đưa
tôi trở lại với cái nghề mà tôi đã làm từ suốt mười mấy năm, nghề dạy trẽ tại tư
gia. Năm nay tôi đã ba mươi chín tuổi. Nếu không có cách mạng vô sản, nếu không
có giải phóng, nếu không có sự sụp đổ vô lý của Việt Nam Cộng Hòa, thì giờ này
tôi đã là giáo sư đại học, tôi đâu phải đạp xe lọc cọc đi kèm trẻ tại tư gia giống
mười mấy năm về trước như thế này!
Nhưng định mệnh đã an bài như thế! Hôm đó phải là một ngày thứ năm
khác thường, vâng, một ngày thứ năm giải quyết số phận tôi, một số phận ngặt
nghèo của một con người đã phải khổ sở suốt gần bẩy năm, bất mãn chán nản và hết
nghị lực. Tôi chẳng hiểu tại sao hôm đó tôi lại không đi dạy như thường lệ.
Sáng hôm ấy tôi cũng lấy xe ra đi, cũng qua cầu Thị Nghè, đạp đến đường Đinh
tiên Hoàng, rẽ ra Phan Đình Phùng, theo đường Pasteur ngả Hiền Vương để rẽ phải
ra Công Lý. Nhưng tôi lai không quẹo sang Công Lý mà lại đi thẳng để đến nhà chị
Hòa.
Đối với tôi, chị
Hòa đang tiêu biểu cho con người hạnh phúc. Tôi không biết hạnh phúc là thế nào
cho trọn đủ ý nghĩa. Tôi chỉ biết rằng chị Hòa đang hạnh phúc vì chồng chị là
anh Nhơn đang ở Thái Lan. Anh Nhơn là một cựu sĩ quan mới đi học tập cải tạo năm
năm ở nhà tù cộng sản về. Anh chỉ gần vợ con có hơn một tháng là đã tìm đường
trốn khỏi quê hương. Và anh đã thành công. Anh đã đi băng Kămpuchia với người
con trai lớn và đã đến được biên giới Thái. Anh đã được Hồng Thập Tự quốc tế tiếp
đón và đưa vào trại tị nạn. Đối với tôi như thế là chị Hòa đang hạnh phúc. Tôi
không hiểu chị Hòa có cảm thấy mình hạnh phúc hay không nhưng tôi cứ tin là như
thế.
Thật là buồn cười. Sự phán đoán của tôi bắt nguồn không phải từ lý
trí mà là từ con tim. Tâm trạng tôi lúc đó là tâm trạng của một kẻ buồn nản, bất
mãn, chán đời, một kẻ muốn ra đi dù có phải gặp cái chết trên đường đi. Tôi đã
chán ngán cuộc sống hàng ngày của tôi. Bạn bè đã ra đi gần hết. Một số còn ở
tù. Những kẻ còn lại như người mất hồn, mất trí. Tôi làm sao có thể kéo dài
thêm những ngày tháng lê thê ở đất Saigon này để nhìn những bộ mặt thiểu não của
những người thân? Tại sao trên quê hương tôi, chỉ còn những đôi mắt đăm chiêu,
những nét mặt buồn? Tại sao tôi không còn thấy trên những đôi môi những nụ cười
hồn nhiên, những câu nói tươi vui? Tại sao tôi chỉ nghe thấy những tiếng thở
dài? Chiều tối đến, trên khắp các vỉa hè Saigon và trong hàng ngàn quán cà phê,
tôi chỉ thấy tụ tập những thanh niên, trung niên ngồi uống cà phê, hút thuốc lá
rẻ tiền và than thở. Ôi những lời than thở vô tận cùng! Bao giờ mới hết được những
lời than thở đó trên quê hương tôi?
Tôi đã đến nhà chị Hòa chỉ vì tò mò muốn biết xem bác Lũy, một người
tôi mới quen biết có vài ngày, sẽ quyết định thế nào với Hai Học. Đi chuyến này
hay không đi? Tôi thì đã trả lời Hai Học rằng tôi sẽ không đi, vì số tôi không
thể đi được trong tháng ba âm lịch. Anh Hoằng, một người bạn thân của tôi, một
tay xem tử vi rất giỏi đã từng xem rất đúng cho nhiều người mà tôi biết, đã
khuyên tôi chờ đến tháng tám hãy đi. Tháng tám là tháng tốt nhất cho cái tuổi
nhâm ngọ của tôi. Tôi thì đang sốt ruột muốn đi ngay. Vả lại tháng tám là tháng
mưa to bão lớn, đi đường bộ nhiều khó khăn không đi được, mà đường biển càng
không. Làm sao tôi có thể đi được vào tháng tám?
- Còn tháng nào tương đối tốt để tôi đi không anh?
- Tháng tư nhưng không bảo đảm, chỉ được năm mươi phần trăm. Tháng
tư tạm được. Nhưng tuyệt đối không đi được trong tháng ba. Đi sẽ chạy trối chết
trở về, tiền mất mà lại có thể nguy đến tính mạng.
Thế là hết hy vọng. Hai lần tôi đến nhờ anh xem lại cho “kỹ”, anh
bực mình bảo tôi “Đã nói rồi, không được là không được!”. Tôi buồn quá. Thế mà
quẻ anh gieo cho tôi lại tốt, lại cho biết rằng tôi sẽ đi đến nơi, làm gì thành
công đấy! Tôi bực tức hết sức! Tôi cố hỏi: “Tại sao lại có sự trái ngược như vậy?”
Anh cũng bực tức trả lời: “Tử vi phải được coi trên bói quẻ. Bói quẻ chỉ là phụ.
Không thể đi ngược lại tử vi! Đừng có dại dột mà đi”. Như vậy là tiêu tan hy vọng
đi với Hai Học lần này!
Hai Học? Mà Hai Học là ai? Tôi chẳng biết gì nhiều về y. Tôi chỉ
biết rằng, qua sự giới thiệu của chị Hòa, y đã đưa được nhiều người đi vượt
biên đường bộ. Vượt biên đây thật đúng ý nghĩ của chữ vượt biên, bởi vì kẽ ra đi
phải vượt qua hai biên giới, biên giới Việt Miên và biên giới Miên Thái. Tôi cũng
chẳng hiểu đi thế nào, lối nào, bao xa, bao lâu thì đến? Tôi hoàn toàn mù tịt,
chỉ nghe nói rằng đi bằng xe đạp, rất nguy hiểm và rất cực. Nguy hiểm thì tôi đã
chấp nhận từ lâu. Tôi đã tự nhủ rằng thà chết liền, còn hơn sống mòn mỏi chờ
ngày chết ở Saigon. Các bạn tôi cũng đồng ý như thế. Do đó hầu như không còn ý
niệm hiểm nguy trong đầu tôi. Tôi chỉ còn một ước vọng là ra đi, ra đi dù có phải
chết. Còn cực nhọc thì tôi đã chuẩn bị sẵn để đối phó. Từ hơn chín tháng nay,
tôi đã hàng ngày đạp xích lô, một phần để kiếm tiền nuôi gia đình, một phần để
tập luyện cho thể xác quen đi với sự nhọc nhằn. Tôi đã từng đạp từ sáng sớm đến
chiều tối. Đạp xích lô đối với tôi là một sự hành hạ thể xác để cho tôi làm
quen với nắng mưa, với sự cực khổ. Do vậy tôi thường đạp suốt trưa, vào những
giờ Saigon nóng gay gắt nhất. Mồ hôi nhể nhại, da xạm đen, mệt thở không ra hơi,
nhưng tôi vẫn phanh ngực đạp, ngửng cao đầu, hiên ngang chống chọi lại thời tiết.
Tôi đã muốn vậy và đã hãnh diện làm được như thế. Đối với gia đình tôi và những
bạn bè thân của tôi, tôi đã là một kẻ điên khùng, khó hiểu.
Tôi đã gặp Hai Học
tháng trước. Khi gặp tôi lần đầu, y còn e ngại vì chưa biết tôi. Ở trong cái
môi trường xã hội cộng sản lúc ấy không ai có thể tin tưởng được ai. Ai cũng có
thể là công an giả dạng, ai cũng có thể là người sẽ bịp mình.
Hai Học là một người gầy guộc, da ngăm đen, trán sói, mắt một mí
to đen ốc nhồi. Y có nét mặt cứng cỏi, đầy vẻ cương nghị. Nhìn y thấy rõ ngay y
điển hình là một tay thích phiêu liêu mạo hiểm. Tôi đuợc giới thiệu rằng Hai Học
là một tay tổ chức buôn lậu đường giây Việt Miên Thái có nhiều đàn em. Sau này
tôi mới vỡ lẽ ra rằng không phải như vậy. Hắn chỉ là một tay dẫn đường tầm thường,
chẳng nắm đường giây buôn lậu nào cả.
Lần đó Hai Học gặp
tôi chỉ nói vỏn vẹn có vài lời “Anh hãy chuẩn bị đầu tháng thì đi. Tôi sẽ hẹn
anh trước một ngày. Phải mua một khăn quàng cổ đỏ sọc đen, một sơ mi mầu nâu, một
đôi dép nhật. Quần áo, chỉ mang theo môt bộ. Tiền đưa trước khi đi là hai cây.
Người đi đến nơi sẽ viết giấy về nhà và tôi lấy thêm một cây rưỡi sau.” Tôi chỉ
nghe hắn nói mà chẳng buồn hỏi thêm câu gì, vì lúc đó tôi còn đang ở giai đoạn
thăm dò.
Sau
buổi gặp hắn, tôi đến anh Hoằng để hỏi anh xem tôi đi chuyến đó có được không.
Anh khuyên tôi chờ chuyến sau vào tháng tư hãy đi. Vài ngày sau đó, có bác Lũy,
một cựu trung tá hồi hưu là bạn của cụ Đắc thân sinh ra chị Hòa, đến nhà cụ để
hỏi thăm về vụ vượt biên của
anh Nhơn. Bác Lũy cũng đang tìm đường đi. Tôi đang dạy học các
cháu cụ Đắc thì cụ gọi tôi lên và giới thiệu tôi với bác Lũy. Cụ nhờ tôi kể lại
cuộc gặp gỡ của tôi với Hai Học. Ngày hôm sau, tôi được biết Hai Học hẹn gặp
bác Lũy tại nhà chị Hòa vào ngày một tháng tư lúc năm giờ chiều. Chị Hằng, má của
Túc, Đường, và Dậu, học trò của tôi, đã đến tận nhà tôi cho hay tin này. Tôi
háo hức muốn đến xem Hai Học bàn những gì với bác Lũy, và nhất là muốn biết giá
cả hai bên thoả thuận với nhau là bao nhiêu. Do đó, chiều ngày một tháng tư tôi
đã đến dự cuộc họp và được biết bác Lũy đồng ý đi với cái giá là hai cây rưỡi.
Hai bên hẹn gặp lại nhau vào ngày hôm sau, lúc tám giờ sáng, để quyết định dứt
khoát. Cuộc đi này dự tính cho ngày bốn tháng tư, tức là ba ngày sau đó, nhằm
ngày một tháng ba âm lịch và theo Hai Học thì sẽ có thêm vài người nữa cùng đi.
Sáng hôm sau,
sáng hôm thứ năm định mệnh đó, tôi đã tò mò đến nhà chị Hòa để xem bác Lũy quyết
định ra sao. Tôi nhớ rõ đêm hôm trước, tôi đã đi uống cà phê với anh Tráng, một
người bạn thân với tôi. Tôi đã nói với anh rằng tôi có thể sẽ liều mạng đi chuyến
này, mặc dù những lời ngăn cản của anh Hoằng. Anh Tráng đã nói với tôi rằng mỗi
người đều có số mạng và nếu tôi đã bình tĩnh quyết định thì cứ tiến hành. Tôi
thì còn sợ định mệnh và lời nói của anh Hoằng vẫn còn ám ảnh đầu óc tôi. Ngày
hai mươi tám tháng hai âm lịch là ngày chót của tháng tốt. Do đó, nếu đi thì phải
đi vào ngày đó.
Mà hôm ấy lại là ngày hai mươi tám tháng hai âm lịch. Tôi đến nhà
chị Hòa vào khoảng tám giờ sáng. Chị ấy tươi cười tiếp đón tôi và giới thiệu
tôi với Xinh, người con gái Miên lai đã đi cùng với Hai Học. Đêm hôm trước Xinh
đã ngủ nhờ nhà chị Hòa. Tôi muốn hỏi Xinh về đường đi nước bước trong chuyến đi,
nhưng Xinh chỉ là chủ chiếc ghe đưa người từ Châu Đốc sang Nam Vang nên chẳng
biết gì nhiều.
Mười lăm phút
sau thì bác Lũy đến và tôi cùng bác ngồi chờ Hai Học. Mười lăm phút nữa thì Hai
Học đến. Y dẫn Xinh đi ăn sáng một lúc lâu mới về. Tôi thấy y cứ thì thầm với
bác Lũy. Nóng ruột, tôi hỏi bác quyết định thế nào thì bác trả lời đồng ý đi
chuyến này, làm cho tôi cảm thấy nôn nao muốn cùng đi. Khi Hai Học hỏi tôi có
chịu đi chuyến này không, tôi trả lời là tháng ba rất xấu đối với tuổi của tôi
nên tôi không đi được. Y hỏi lại ai bảo tôi thế và nói muốn đến gặp anh Hoằng để
hỏi cho ra nhẽ. Y nói y đã đi xem thầy Miên và được biết chuyến đi này sẽ xuôi
sẽ. Y còn ba hoa rằng số y rất cao, ai đi với y đều được y che chở. Y tự khoe rằng
y làm chuyện công đức chứ không phải chỉ làm tiền.
Tôi không hiểu tại sao lúc đó tôi lại mê muội đến độ nghe y và tin
những lời phỉnh gạt như thế được. Tại tôi bị mê hoặc hay tại tôi có tâm trạng
chán chường, muốn ra đi cho rồi? Tôi bâng khuân suy nghĩ mãi và đồng ý đưa y đi
gặp anh Hoằng. Tôi chở y đằng sau chiếc xe đạp cọc cạch và trên đường đi, y liệt
kê ra cho tôi tên những người mà y đã “ban phước” cho, những người nay đang tị
nạn tại những trại định cư Thái trong số đó có anh Nhơn và đứa con trai mười lăm
tuổi. Y nói gia đình những người này coi y là ân nhân, có người còn quì gối xuống
lạy y để cám ơn. Những kẻ đến được biên giới Thái yên bình đều viết mật hiệu về
cho gia đình để y lấy nốt số vàng còn lại. Y nói bao nhiêu người đi, bấy nhiêu
người đến nơi yên lành, chưa ai bị bắt. Nghe y nói mà tôi cứ mê mẩn cả người.
Chị Hòa cũng đã khẳng định với tôi là chị quen gia đình ông đại tá Trang nào đó,
có sáu người lần lượt đi và đã đều đến nơi. Làm sao tôi không háo hức cho được?
Thế
nhưng anh Hoằng lại nói tôi không đi được trong tháng ba! Tôi có nên cưỡng lại
số mệnh hay không? Trời ơi, thật là khổ tâm. Nếu tôi không đi chuyến này thì lại
phải chờ hơn một tháng mới có chuyến khác. Mà tôi không còn kiên tâm để chờ nữa!
Vả lại nếu có gì trục trặc mà Hai Học không trở về kịp để tổ chức chuyến tới
vào tháng tư thì tôi hụt đi luôn.
Khi
chúng tôi đến nhà anh Hoằng ở đường Tự Đức thì anh lại không có nhà. Tôi đưa
Hai Học về nhà tôi chơi ở bên kia cầu Thị Nghè. Chúng tôi ngồi nói chuyện được
một lúc thì tôi chợt nẩy ra ý định đi liền hôm ấy, ngày hai mươi tám tháng hai
ta, là ngày còn trong tháng tốt của tôi. Tôi hỏi Hai Học nếu đồng ý thì đưa tôi
ngay hôm ấy. Hai Học nói sẽ đưa tôi đi Châu Đốc trong ngày
để
lấy ngày tốt, nhưng tôi sẽ phải chờ hai ngày ở Châu Đốc đợi những người khác
cùng đi vào ngày bốn tháng tư. Lúc đó tôi đã quyết định trong khoảng khắc và
chúng tôi đã ngả giá là bốn cây cho hai người, tôi và đứa con trai lớn lúc đó mới
mười hai tuổi. Hai Học ra về, hẹn hai giờ trưa sẽ trở lại đưa chúng tôi đi Châu
Đốc.
Lúc đó là khoảng chín giờ ba mươi sáng. Sau khi Hai Học đi rồi,
tôi gọi con tôi ra và nói với cháu rằng cuộc đi này rất nguy hiểm và gian nan.
Chúng tôi có thể bị bắt, có thể đi lạc, đói khát, có thể dẫm mìn mà chết. Tôi bảo
cháu rằng nếu cháu bị bắt mà tôi không bị, thì tôi vẫn tiếp tục đi và ngược lại
nếu tôi bị bắt mà cháu không bị, thì cháu vẫn phải tiếp tục đi, không thể chờ
nhau được. Còn nếu cả hai cùng bị bắt thì không được nhận bố con. Một người có
dẫm phải mìn mà chết thì người kia vẫn cứ phải đi tiếp. Tôi hỏi trong trường hợp
bi đát như thế, cháu có muốn đi cùng với bố hay không. Cháu gan dạ trả lời “Nếu
bố cho con đi thì con đi, con không sợ.”
Cháu Định là đứa con trai lớn mà tôi đã quyết định cho đi cùng.
Cháu đã lớn lên trong sự khổ cực chung của toàn dân miền Nam khi đất nước rơi
vào tay cộng sản. Hoàn cảnh chung của đất nước tôi lúc đó đã dạy cho cháu tính
can trường chịu đựng gian khổ, tinh biết tính toán, biết tự lo cho mình, lo cho
các em, tính tự tin tự lập. Mới mười hai tuổi đầu mà cháu đã biết trách nhiệm bổn
phận của mình là luôn luôn vâng lời giúp đỡ cha mẹ, chăm sóc các em. Cháu đã biết
gía trị của lao động và sự nghiêm chỉnh khi làm việc. Cháu đã biết phụ giúp mẹ
làm công việc nhà, biết trông em khuyên răn các em, biết luôn luôn tự chủ,
không bao giờ làm cho bố mẹ buồn phiền. Trong hoạn nạn, chúng tôi thật phúc đức
có được cháu trong nhà vì cháu tiêu biểu cho đứa con có hiếu. Tôi còn nhớ rõ
lúc cháu mới mười tuổi, mỗi sáng sớm cháu đã phải đèo em nó trên chiếc xe đạp
nhỏ xíu để hai anh em cùng đi học tại trường tiểu học Trần Quí Cáp và trưa đến
chở em cùng về. Tôi không hiểu sao cháu có đủ sức đạp xe qua cầu Thị Nghè với
em nó ngồi đằng sau. Sau này khi cháu lớn hơn một chút, có lần tôi bắt gặp cháu
bám vào chiếc lam ba bánh khi phải lên con giốc cầu. Nghĩ lại bây giờ thấy rùng
mình, thế nhưng vào cái thời điểm khó khăn đó, mọi chuyện đều coi là bình thường.
Rồi hình ảnh cháu đứng xếp hàng hàng giờ trước trụ sở phường khóm để lĩnh nhu yếu
phẩm, hình ảnh cháu ngồi phụ mẹ chặt những củ khoai hà hay những củ khoai mì đã
bị thối quá phân nửa mà gia đình được cung cấp theo hộ khẩu, hoặc hình ảnh cháu
ngồi sàng những con bọ đen nhỏ xíu khỏi bột mì để đi đổi lấy mì sợi. Trong khi đó,
chị nó phải trông hai em nhỏ, một đứa sinh ngày hai mươi tám tháng tư bẩy lăm, đúng
hai ngày trước ngày Việt Cộng đổ quân và xe tăng rầm rộ tiến vào Saigon.
Tôi bảo cháu đi đến sở làm gọi nhà tôi về. Vợ tôi chưa hay biết
quyết định ra đi đột ngột này vì theo dự tính thì tôi sẽ không ra đi trước tháng
tư. Trong khi chờ, tôi chuẩn bị những thứ mang theo cho tôi và cháu bé: một bộ
quần áo, môt quần lót, áo mưa, ít thuốc tây, khăn mặt, kem và bàn chải đánh răng.
Tôi rất bình tĩnh, xem việc ra đi này như chuyện đương nhiên phải xẩy đến,
không một chút suy nghĩ hay ưu tư nào. Mẹ tôi và các em tôi thì có vẻ hơi lo lắng
nhưng không ai mất bình tĩnh cả. Các con tôi ngơ ngác không hiểu gì hơn là bố
và anh Định sẽ ra đi vượt biên. Nói tóm lại, sự ra đi bất ngờ của chúng tôi đã được
chờ đợi và đón nhận một cách bình thản, không một sự ngạc nhiên, không một sự
hoảng hốt. Chúng tôi ra đi như thể đi chợ, đi làm, hay đi xem hát, một việc làm
bình thường.
Mười một giờ hơn mà tôi chưa thấy nhà tôi về. Tôi thấy sốt ruột vì
chúng tôi phải lên ông bác của chúng tôi lấy hai cây đem trồng cho Hai Học trưa
nay. Mười một giờ ba mươi. Tôi thấy đã
quá trễ không thể chờ nhà tôi về để cùng đi, tôi lấy xe ra, đạp lên nhà bác
tôi. Tôi thưa với bác tôi rằng chiều nay tôi và cháu Định sẽ khởi hành cuộc đi
băng Kămpuchia để đến đất Thái. Bác tôi cũng không lấy gì ngạc nhiên về quyết định
này vì ông đã biết rằng một ngày nào đó, chúng tôi cũng sẽ phải ra đi như mọi
người khác. Vả lại cũng đã nhiều lần tôi bàn với bác tôi về việc vượt biên đường
bộ. Do đó, ông đón nhận tin tôi đi một cách bình thản.
Đối với bác tôi, không việc gì có thể làm ông hốt hoảng. Dù việc
có quan trọng đến đâu đi nữa thì ông vẫn bình tĩnh tìm cách đối phó, ông vẫn mỉm
cười, không tỏ cho người ngoài biết sự lo
lắng
hay ưu tư của mình. Tôi còn hình dung được hình ảnh ông vẫn tươi cười trước ống
kính khi ông làm ngoại trưởng mà lại xuống tóc để phản đối Tổng Thống Ngô Đình
Diệm đàn áp Phật Giáo. Bác tôi tin ở số mạng và theo ông thì làm gì thì làm cũng
không thoát được số trời. Khi tôi xin bác tôi cho tôi hai cây để tôi đi, thì
bác tôi cũng sẵn lòng.
Tôi thương ông
nhiều, nhất là sau ngày ba mươi tháng tư, khi mà ai cũng xa lánh ông vì sợ bị
liên lụy. Tôi vẫn thường đến thăm ông măc dù các bạn bè bảo tôi không nên vì
công an sẽ theo dõi. Buổi chiều, khi trời bớt nóng nực, chúng tôi hay ngồi ở
sân thượng nói chuyện đời, chuyện triết lý hay lịch sử, nhất là lịch sử Phật
Giáo. Ông đã coi tôi như con, có lẽ vì các con ông đều ở xa, và ông đã khuyên răn,
giúp đỡ tôi rất nhiều. Ông hẹn tôi một giờ rưỡi đến lấy vì ông không có sẵn.
Tôi ngồi lại một lúc để từ giã cô tôi, một người được tôi coi rất thân thiết.
Tôi đạp xe về đến cầu Thị Nghè lúc mười hai giờ ba mươi thì thấy vợ
tôi hớt hãi đạp chiếc xe cũ kỹ ngược chiều đi tìm tôi. Tôi ới gọi và chúng tôi
cùng về nhà. Vợ tôi rất ngạc nhiên về quyết định quá đột ngột của tôi. Nàng kiểm
lại hành trang chúng tôi sẽ mang theo, trong khi chúng tôi chuẩn bị ăn bữa cơm
trưa trước khi lên đường. Đúng lúc sắp ăn thì Hai Học đến và y ngồi vào bàn
cùng ăn. Ăn xong y hẹn chúng tôi hai giờ tại nhà chị Hòa rồi lại ra đi. Y vừa đi
được năm mười phút thì tôi, nhà tôi và cháu bé cũng ra đi.
Lúc đó tâm trạng
tôi bâng khuâng bất thường. Tôi không biết rõ lúc đó tôi có suy nghĩ gì trong đầu
hay không. Tôi chỉ còn là cái xác không hồn, hành động như một cái máy, không
tình cảm không con tim. Tôi không hôn các con tôi trước khi ra đi. Tôi không
nói với chúng một câu yêu thương nào, tôi chẳng hiểu tại sao? Với mẹ tôi, tôi cũng
chỉ vỏn vẹn nói “Con đi”. Các anh em tôi không ai ra cửa đưa tiễn, chỉ có người
em gái tôi có mặt lúc đó. Ai nấy đều bình thản, không ai rươm rướm nước mắt như
trong những cuộc chia ly đau lòng khác. Hay tại lúc ấy tôi không để ý, hồn tôi đã
lên mây?
Sau này, khi tôi đã đến được trại NW9 yên bình
rồi, tôi mới thấy tôi đã quá vô tình. Tại sao tôi lại có thể, đối với những người
thân thiết của tôi, có thái độ lạnh nhạt như thế? Tại sao tôi lại không như
trong những tiêủ thuyết trữ tình, tạo nên một cảnh giã từ thương tâm đầy nước mắt?
Giờ đây, ngồi trong căn nhà tranh tại nơi rừng thiêng nước độc ngay biên giới
Thái-Miên, viết lại những giòng hồi ký này, tôi hối hận vô cùng. Tôi muốn ôm
các con tôi vào lòng hôn
chúng và nói với chúng những lời âu yếm, tôi muốn nắm tay mẹ tôi để
thưa với mẹ tôi vài câu
của đứa con sắp
phải xa lìa người mẹ già yêu dấu mà không biết bao giờ mới được gặp lại. Nhưng
hỡi ơi! Đâu còn được nữa? Nay tôi đã xa cách những người thân thương của tôi
hàng ngàn dặm. Khoảng cách và không gian đã ngăn cách tôi và những người tôi
yêu quí nhất đời. Tôi đã ra đi một phần cũng vì họ. Tôi đã phải nhìn những người
thân yêu khổ cực mà bất lực không làm gì được để giúp đỡ.
Mẹ tôi vốn sung sướng từ nhỏ, gia đình chúng tôi trước ngày mất nước
tuy không giầu có nhưng chưa bao giờ túng thiếu. Bố tôi trước đấy là công chức
cao cấp trong ngành Bưu Chính, lương bổng cũng dư đủ để nuôi gia đình. Bố tôi
là một người cương trực và lương thiện. Ông đã bao lần ở trong cương vị để có được
những số tiền bất chính và trở nên giầu có, nhưng suốt một đời bố tôi không làm
một điều gì để các con phải xấu hổ. Vì vậy mà anh em chúng tôi rất hãnh diện có
được một người cha gương mẫu. Chúng tôi được giáo dục trong sự khắt khe của một
nền giáo dục phương đông. Bố tôi đã dạy chúng tôi trở nên những người ngay thẳng,
tự trọng, và liêm chính.
Tôi đã thụ hưởng
của bố tôi những tính tốt của người. Nhưng trong một xã hội đảo điên của chiến
tranh và thụ hưởng vật chất thì bố tôi và sau này anh em chúng tôi đã bị coi như
là những kẻ ngu xuẩn không biết lợi dụng thời cơ, những kẽ bất thường. Khi mà đa
số lợi dụng địa vị của mình để vơ vét, tham nhũng, ăn hối lộ thì những người
ngay thẳng, liêm chính bị coi là điên rồ.
Vì liêm chính mà vào cuối cuộc đời mình bố tôi đã
không có được đủ vật chất để mà sống bình thản. Số tiền tiết kiệm được sau một đời
làm việc và số tiền hưu trí của bố tôi đã bị bọn cộng
sản cướp mất sau vụ đổi tiền lừa bịp của chúng vào đầu năm một
ngàn chín trăm bẩy mươi sáu. Vì quá căm thù và uất ức, bố tôi đã chết ngay năm đó.
Thế cũng may, vì bố tôi sẻ khỏi phải chịu cái cảnh ăn khoai hà, sắn
thối, mì và bo bo của những năm sau đó. Bố tôi cả một đời đã quen uống Chivas
Regal và Martell, hút Lucky Strike và Pall Mall, làm sao ông có thể chịu được
cái cảnh thiếu thốn cùng cực của những năm “giải phóng” miền nam? Làm sao ông
có thể chứng kiến và chịu đựng được sự khốn khổ vật chất và tinh thần mà bọn Việt
Cộng đã đem đến cho nhân dân?
Như thế bốn người
tụi tôi, kể cả vợ tôi và đứa con gái lớn, trên hai chiếc xe đạp lại nhà bác tôi
lấy vàng. Bác và cô tôi đã bỏ cả nghỉ trưa để ngồi chờ tôi trong phòng khách.
Chúng tôi nhận vàng từ tay bác tôi trao, rồi bác tôi chúc tôi đi may mắn và lên
gác. Tôi còn ngồi chơi thêm với cô tôi và chúng tôi nói chuyện vui vẻ. Cô tôi vẫn
bình tĩnh như thể tôi đến từ giã bà để đi du lịch, đi nghỉ mát đâu đó, hay đi một
chuyến công du. Lúc tôi chia tay, cô tôi, giọng hơi run run, chúc tôi nhiều may
mắn hơn lần trước, cái lần đưa cả gia đình tôi đi tù tại Tiền Giang.
Chúng tôi đến
nhà chị Hòa lúc hai giờ rưỡi. Đứa con gái lớn của chị đứng ở cửa. Tôi hỏi cháu
“mẹ đâu?” thì nó trả lời “mẹ cháu đi làm, có bác Hai trong nhà.” Chúng tôi vào đến
nhà thì Hai Học đã trực sẵn. Y hỏi tôi chuẩn bị xong chưa. Tôi trả lời là xong
và trao hai cây vàng cho y. Y đi vào nhà trong, mở ra coi, cuộn những lá vàng lại
thành một cuộn tròn rồi đưa lên miệng cắn cho dẹp lại và đưa cho Xinh cất giữ.
Tôi thấy Xinh giấu trong người. Hai Học tiến lại gần tôi quan sát cách ăn mặc của
tôi rồi gật gù ra vẻ đồng ý. Y gọi cháu Định lai gần ghế sa lông nhìn cháu một
chập rồi gằn giọng nói: “Đi với tao, tao nói gì phải nghe, nghe chưa?” Nghe giọng
gay gắt và thô lỗ y nói với cháu bé, tôi tự nhiên thấy khó chịu và không còn cảm
tình với y.
Sau đó Hai Học lấy chiếc va li mà chúng tôi định mang theo, mở
tung ra và đổ hết các thứ đựng trong đó ra kiểm soát. Y bàn với Xinh xem cái gì
mang theo được cái gì phải để lại. Chúng tôi chỉ được mang theo một bộ đồ lót
ngoài bộ đồ mặc trên người. Thuốc men, thực phẩm, kẹo bánh đều phải bỏ lại. Chiếc
vali cũng không được mang theo. Y giải thích rằng mang những thứ đó theo sẽ bị
lộ. Quần áo của chúng tôi, y đưa cho Xinh nhét vào trong cái túi sách của y thị.