Hồi Ký Tị Nạn của chị Minh Kha

Posted: Friday, December 19, 2014 by ttnbg in
0

Chị Minh Kha tại NW82-1982
"Chị ngồi xổm xuống bên xác của Đức, cái thân hình dài và cái khuôn mặt mới ngày nào tràn đầy sức sống tươi đẹp nay tóp lại một cách thảm hại, bất động vô tri. Lòng chị quặn lại vì tái tê thương xót Đức như em ruột của mình, nhưng không hiểu sao chị không khóc được. ..."


 

Chị Minh Kha là người tị nạn đường bộ trại NW82. Chị tới trại Nong Chan năm 1981, chuyển tới trại NW82 sau đó và được JVA và INS nhận làm thông dịch viên cho những trại tị nạn biên giới vào những năm 1982-1983. Chị định cư tại Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ về xã hội học và làm việc cho văn phòng xã hội tại Nevada và California, giúp đở cho người tị nạn đến từ Việt Nam và những quốc gia khác.

Trong những ngày về hưu chị đã viết lại những câu chuyện vượt biên của chị như tâm sự người chị, với ý nguyện lưu lại cho mọi người cùng biết những biến cố đã xảy ra cho chị lúc vượt biên. nhưng chị không muốn đăng cho tới khi chị không còn hiện diện trên thế gian này nửa

 **

Hôm nay chị Minh Kha đã ra đi vĩnh viễn, câu chuyện của chị xin được lưu trử ở đây cho mọi người cùng đọc, để cùng không bao giờ quên những chặng đường đau thương, đầy máu và nước mắt của người Việt Nam trên con đường tị nạn cộng sản. Và cũng là một cách để nhớ đến chị, đến Đức, người bạn đường không may mắn mà chị vẫn thầm lặng thương tiếc đến những ngày cuối đời, cũng như tất cả bà con bạn bè đã bỏ mình tại vùng rừng núi biên giới xa xăm...

 
***


Chị viết xuống đây câu chuyện về Đức cho em đọc nhưng thực ra là chị viết nó cho chính bản thân chị. Chị không biết làm sao viết cho ngắn hơn, chỉ mong em đọc không chán lắm.

Tháng ba hay tư 1981 ở Saigon chị kiếm được một ông Miên dắt đường đòi chị trả hai chỉ vàng, hai chỉ chứ không phải hai cây, là một giá rất rẻ so với lúc đó thường người ta phải trả ba cây. Vì chị nói tiếng miên giỏi (nhờ học từ các gia đình miên Nam Vang chạy giặc Pol Pot sang Vietnam tới sống trong khu nhà chị), và da chị ngăm đen, quấn sà rông vào trông y miên, và vì ông ấy tử tế, chị nghĩ vậy. Ông đưa chị lên tới biên giới thì tình hình đánh nhau gay quá ông dắt chị về lại Nam Vang rồi từ đó chị kiếm đường về Saigon một mình. Vậy chị đi không thành công lần đầu nhưng đã tự tìm ra cho mình một đường dây tốt mà rẻ, lại biết qua đường đi nước bước.

Đây là lúc Đức bước vào câu chuyện. Một người anh của chị thấy chị muốn đi nữa, mà không có tiền, nên anh giới thiệu Đức cho chị, là bạn một người bạn. Chị nói với Đức chị là một người muốn đi vượt biên chứ không phải là một người làm nghề dắt đường để kiếm lợi, chị chỉ cần Đức trả chi phí cho chị, nay theo đường dây của chị giá người ta đòi là hai chỉ vàng một người vậy Đức vui lòng trả phần chị luôn, là tổng cộng bốn chỉ vàng. Chị nói tiền của Đức thì Đức cầm không cần đưa chị đồng nào, và người ta đòi Đức sẽ trả từng khoản nhỏ dọc đường cho người ta chi phí, còn thiếu lại bao nhiêu trong số bốn chỉ vàng thì khi tới được nhà thương phải trả nốt cho người ta. Chị nói Đức khi tới nhà thương rồi chị muốn Đức cho chị xin một chỉ vàng để chị có tiền xài. Đức đồng ý mọi điều kiện, còn mừng lắm vì giá đi quá rẻ mà lại không sợ bị chị lừa gạt vì không phải đưa tiền gì cho chị cả.

Đức lúc ấy là một thanh niên 22 tuổi, dáng công tử, cao hơn một mét bảy, mặt đẹp như D'artagnan trong phim Les Trois Mousquetaires. Da Đức trắng bóc, Đức nói ra phơi nắng da chỉ đỏ như tôm hùm rồi hôm sau trắng lại, chứ không bắt nắng. Chị thấy coi bộ không được vì da trắng dễ bị lộ trên đường đi sẽ nguy hiểm cho mọi người nên suy nghĩ rồi từ chối không cho Đức đi với chị.

Nhưng Đức theo năn nỉ mãi. Cuối cùng chị xuôi lòng và đồng ý cho Đức đi theo. Trước ngày đi Đức dắt chị tới gặp ông thày và ông cho mỗi người một sợi dây cà tha với một lá bùa hộ mạng bảo đeo vào cổ. Chị theo Tin Lành nên không thích lắm nhưng cũng không ngần ngại nghe lời vì mình đi chung với Đức phải làm theo, vả lại chị cũng hi vọng viễn vông biết đâu nhờ đó sẽ đi thành công. Tụi chị lên đường khoảng cuối tháng 8 hay tháng 9 không nhớ rõ, 1981.

Không nói em cũng biết Đức đã sợ hãi thế nào suốt cuộc hành trình nhưng các ông dắt đường kia làm việc chung với ông chị quen để dắt tụi chị từ Nam Vang trở đi, đều rất tử tế và lo cho an toàn của Đức. Tưởng tượng da thì trắng bóc, không nói được một chữ tiếng miên, mới đi mấy ngày đường mà mặt mày hốc hác xanh lè. Chặng cuối phải băng qua rừng khi trời nhá nhem tối thì cả Đức và chị bị tốp người dắt đường sau cùng bỏ rơi vì đau chân đi chậm quá.

Thế là bị bọn Para bắt bỏ vào tù Nong Chan. Tù này Hưng đã biết rộng dài khoảng 4m x 10m, được xây kiểu dã chiến, bốn bức tường chung quanh làm bằng thân cây lớn với dây kẽm gai giăng chằng chịt. Các vách ngăn chia trong tù cũng đều như vậy luôn nên bất cứ lúc nào mọi người trong tù cũng có thề nhìn thấy nhau.

Ngay nơi vách ngăn chia phòng lớn của đàn ông và phòng nhỏ của đàn bà, về phía phòng đàn ông, có một lối đi nhỏ. Phía trên lối đi này người ta treo một cái ống máng bằng kim loại đầu chúc xuống và hướng ra phía ngoài để ban ngày hay ban đêm mấy ông có thể đứng tiểu tiện và nước tiểu sẽ chảy ra ngoài, rơi thẳng xuống mặt đất. Khi Đức vào vì là ma mới nên "được" mấy ông cũ "nhường" cho chỗ này là chỗ ngủ tệ nhất trong tù bởi ngày đêm có người bước tới bước lui để dùng ống máng, và mỗi khi nước tiểu rơi xuống chạm mặt đất ngoài kia thì thường bắn tung tóe văng ngược vào nhà tù, dính vào đầu, tóc, cổ, và mặt Đức. À, chị quên chưa kể lính miên sắp xếp tất cả tị nạn nằm ngủ đầu phải quay về vách tường, nên nằm ngủ ở vị trí đó Đức không có cách nào tránh khỏi.

Đức nói với chị là rất lo sợ về chuyện này vì nhớ ông bạn thày tướng Ấn Độ đã dặn thờ Thần hổ phải ở nơi sạch sẽ nếu không sẽ bị thần vật. Đức không dám xin đổi chỗ với ai vì phần mình là ma mới, phần vì không muốn ai biết mình đạo Công giáo mà lại đi thờ Thần hổ. Trong tù Nong Chan mỗi sáng lính miên mở cổng và nói thơ ca thơ ca, rồi cho biết lấy mấy người, rồi ai tình nguyện thì đứng lên đi ra. Đức luôn tình nguyện đi thơ ca. Độ hai tuần sau khi vào tù Đức bắt đầu bị bệnh tiêu chảy hai ba ngày liên tiếp, người gầy tọp hẳn đi, mặt mày tái mét, nhưng mỗi ngày vẫn xin đi thơ ca chứ không chịu ở lại trong tù. Lính miên gác tù biết Đức bệnh nhưng dĩ nhiên chúng đâu có quan tâm, nên Đức không được cho thuốc men gì cả.

Trong tù có anh Hải xưa là sĩ quan không quân lái trực thăng, có nghề tay trái là thợ may. Một hôm có một tên lính miên được phát bộ đồ rằn ri to quá vào tù hỏi có ai là thợ may ở đây không, anh Hải nói có tôi. Từ đó bọn para không bắt anh Hải đi thơ ca nặng nhọc nữa mà kêu anh sửa đồng phục để chúng mặc cho vừa cho đẹp. Mấy ngày đầu chúng bắt anh làm việc trong tù nhưng anh đòi hỏi được ra ngoài và còn kéo theo chị làm thợ phụ vì "đơn đặt hàng" quá nhiều. Mỗi lần ra anh Hải và chị ngồi làm việc ngoài hiên nhà một tên lính kia và chị làm quen với vợ của nó để xin thêm cơm hay cá khô nhưng bị cấm không được đem đồ ăn về tù.

Trở lại chuyện của Đức, tối hôm đó Đức bị tiêu chảy nặng lắm rồi, trong tù Đức kín đáo đưa chị một chỉ vàng dưới dạng một mẩu cây tăm ngắn, nhờ chị tìm ai ngoài kia đi chợ mua một con gà và cúng Thần hổ giùm để xin thần tha thứ cho Đức, vì Đức tin bị tiêu chảy là do mình bị thần "vật" vì tối đi ngủ nằm phải nơi ô uế. Chị nói Đức chị quen mỗi mình vợ tên lính nơi nhà anh Hải với chị ngồi làm công việc may vá, Đức nói vậy nhờ đi. Cô vợ tên lính nhận lời giúp, nhưng nói là mua một con gà với nhang đèn để cúng sẽ tốn nửa chỉ vàng. Chị nói lại thì Đức đồng ý mặc dù giá đó mắc quá, nhưng lúc đó Đức không tiếc tiền mà chỉ sợ Thần hổ thôi.

Sau đó cô ấy có mua giùm gà và cúng giùm, chị nhìn thấy lúc ra ngoài làm việc chung với anh Hải, nhưng chị không nhớ Đức và anh Hải và chị có được ăn một miếng thịt gà nào hay không. Rồi còn lại nửa chỉ vàng của Đức cô ấy "nuốt" luôn không trả, nói là làm mất. Lúc Đức đưa vàng cho chị để đưa cho cô ấy, chị không hỏi gì nhưng biết chắc Đức đã giấu nó trong hậu môn của mình vì có một lần Đức đã nói với chị Đức giữ vàng bằng cách này. Ở Nong Chan trước khi tống tụi chị vô tù bọn para chỉ tra tấn bằng roi cá đuối và lột quần áo kiếm vàng bạc chứ không xét tới hậu môn hay đường ruột.

Cúng xong bệnh Đức cũng không thuyên giảm gì. Hai ba ngày sau đó mấy anh đi thơ ca bỗng xế trưa một anh hớt ha hớt hải chạy về nhà tù, chắc trốn không cho lính miên nhìn thấy, hôm ấy chị không được ra ngoài làm việc. Anh ta hét lên là "chị ơi em chị nó sắp chết rồi", vì lúc vào tù Đức nhận là em bà con của chị. Báo tin xong anh ta co giò chạy trở lại chỗ thơ ca. Nghe tin chị và mọi người khác trong tù sững sờ, nhưng chị không biết phải làm gì.

Xế chiều giờ đi làm về các anh thơ ca khiêng cái xác cứng đơ của Đức âm thầm đặt xuống trên mặt đất ngay phía ngoài cổng tù, mặt ai trông cũng căng thẳng và trắng bệch có lẽ vì xúc động, rồi mấy anh đi vào nhà tù mà không ai nhìn về phía chị. Tên lính miên dắt mấy anh thơ ca về tù lúc ấy hỏi chị có phải là chị của người chết không, chị lặng lẽ gật đầu, rồi hắn kêu chị bước ra ngoài. Chị ngồi xổm xuống bên xác của Đức, cái thân hình dài và cái khuôn mặt mới ngày nào tràn đầy sức sống tươi đẹp nay tóp lại một cách thảm hại, bất động vô tri. Lòng chị quặn lại vì tái tê thương xót Đức như em ruột của mình, nhưng không hiểu sao chị không khóc được. Vả lại bình thường chị rất sợ xác chết không bao giờ dám lại gần mà lúc ấy không hiểu sao chị chả cảm thấy sợ gì cả. Chị không nhớ lúc ấy chị có giơ tay vuốt mắt cho Đức không nữa, hay là đã có anh nào làm việc ấy rồi.

Tên lính miên đứng im lặng gần chị và mọi người trong tù cũng im lặng hoàn toàn nhưng chị biết ai cũng đang chăm chú nhìn ra cảnh tượng chị ngồi xổm bên xác chết của Đức, trong cảnh chập choạng tối của một ngày sắp hết. Chị nhìn vào cái mặt không hồn của Đức thầm xin lỗi đã làm Đức thất vọng không đưa được Đức tới nơi tới chốn nhưng biết Đức không giận vì Đức đã nói sẽ chấp nhận mọi rủi ro, rồi chị lâm râm cầu nguyện Chúa xin Chúa đón lấy linh hồn Đức. Rồi chị tự nhủ thế là xong một đời người, xong một ước mơ, và xong cả những đau đớn khổ sở lo lắng ...

... Không biết thời gian là bao lâu vừa qua đi khi tên lính miên lạnh lùng nhưng nhẹ nhàng nói với chị đứng dậy đi vào nhà tù lại đi, tên này là hiền nhất trong bọn lính gác tù. Rồi hắn nói hắn cần sáu hay tám người đi thơ ca ngay bây giờ, ai cũng biết là để khiêng xác Đức đem đi chôn ở một nơi vô danh đâu đó trong vùng rừng biên giới hoang vu. Khi mấy anh tị nạn tình nguyện thơ ca khiêng cuốc xẻng và xác Đức đi rồi, bóng đêm phủ xuống. Suốt đêm đó chị ngủ không được vì lương tâm cắn rứt tại chị đồng ý cho Đức đi theo nên hôm nay Đức mới chết khổ sở như thế này, trí óc chị băn khoăn vì xác chôn nơi rừng rậm xa lạ chị không thể biết đích xác ở đâu để mà sau này còn cho gia đình Đức biết. Không khí trong nhà tù đêm ấy cũng ảm đạm thê lương vì cái chết của Đức chắc đã làm chấn động tâm trí mọi người, dù là Đức chết rõ ràng vì bệnh tật chứ không phải vì bị lính miên giết.

Mấy ngày sau mọi người có vẻ bình tĩnh trở lại và bắt đầu bàn tán lý do tại sao Đức bị tiêu chảy rồi chết. Một người nói nhóm mình ở đây đã mấy tháng ăn uống không vệ sinh thật nhưng đâu có ai bị bệnh tiêu chảy, tại sao một mình Đức lại bị?

Lúc ấy chị mới nói ra Đức theo Công giáo nhưng thờ Thần hổ với hi vọng Thần hổ sẽ phù hộ mình vượt biên thành công. (Chuyện Đức giấu vàng trong hậu môn và nhờ vợ tên lính kia mua gà cúng chị chỉ kể cho một mình anh Hải nghe thôi, vì lúc ấy chị và anh Hải đã trỏ thành bạn thân.) Lúc ấy người thì bảo Đức bị tiêu chảy rồi chết vì đang theo Công giáo mà còn đi thờ Thần hổ, người thì bảo tại thờ Thần hổ mà nằm ngủ nơi dơ dáy nên bị thần vật. Có người nói có gì đâu, chỉ là số phần trời kêu ai nấy dạ. Anh Hải thì nói riêng với chị anh nghĩ rằng mỗi lần đi cầu vàng rơi ra ngoài rồi Đức phải dùng tay nhét vào đít lại, chắc chắn làm như vậy vi trùng đi theo vào trong cơ thể nên mới bị tiêu chảy.

Như vậy Đức ở trong tù Nong Chan khoảng tất cả trên dưới ba tuần, và bị bệnh tiêu chảy có một tuần thôi là chết. Cuộc hành trình vuợt biên của Đức tới đây là chấm dứt.

Đức chết xong thì khoảng hai tuần sau tụi chị được para đồng ý cho chuyển sang nhà thương Nong Chan. Khi có tin ông cha Công giáo nào đó vào nhà thương và nói sẽ giúp tị nạn gửi thơ về VN, chị viết một lá cho gia đình chị ở Saigon báo tin chị đã tới nhà thương biên giới nhưng không biết được từ đây sẽ đi về đâu. Cái chết của Đức trong tù làm chị bị choáng váng nên anh Hải tình nguyện viết giùm chị một lá thơ gửi kèm theo thơ của chị. Thơ anh ấy viết nói là anh là bạn chị và chị nhờ anh báo tin cho gia đình Đức biết về cái chết của Đức trong tù Nong Chan; với lời yêu cầu anh của chị ở Saigon là người đã giới thiệu Đức đi chung với chị, sẽ mang thơ tới tận nhà giao cho gia đình Đức.

Ở nhà thương Nong Chan khoảng một tháng sau tụi chị được chuyển sang nw82. Vài tháng sau đó đang trong nw82 chị nhận được thơ bố chị gửi từ Saigon, không nhớ rõ nhưng chắc qua địa chỉ nhận thơ của ông cha Công giáo, chứng tỏ cha đã giữ lời hứa, không những cha gửi thơ giùm về Saigon mà nay còn chuyển hồi âm của bố chị đến nw82 nữa, vì lúc đó nhà chị làm sao biết được chị đang ở trại tị nạn nào. Trong thơ bố chị nói thơ anh Hải viết gửi cho gia đình Đức đã được anh của chị chuyển tận tay, họ buồn lắm nhưng không ai trách móc gì chị.

Sau này về Saigon chơi bao nhiêu lần chị không bao giờ nghĩ tới chuyện tìm thăm gia đình của Đức. Để làm gì khi quá khứ đã yên ngủ? Mình đi chung một chuyến với thân nhân người ta, mình còn sờ sờ ra đây đang sống ở Mỹ mà thân nhân của người ta đã chết từ kiếp nào, ích lợi gì khơi lại trong họ vết thương lòng xa xưa?

Để kết thúc câu chuyện này chị muốn Hưng nhìn thấy một điều. Cái cô vợ của tên lính miên kia nhận vàng đi chợ mua gà rồi giựt nửa chỉ vàng của Đức, tuy tham nhưng con người cô ta không đến nỗi nào. Bởi lẽ cô ta đã có thể nói với chồng, nè tụi tị nạn trong tù nó còn vàng đó nghe, và biết đâu tất cả tụi chị lúc đó sẽ bị lính miên lục đồ hoặc cho uống dầu ăn giống tị nạn bên Phnomchat cho có bao nhiêu vàng bạc giấu trong người bị đẩy tuột ra hết, và lúc đó các tị nạn khác sẽ oán ghét Đức và chị tới chừng nào. Đó là chưa nói tới chúng có thể giận dữ đánh đập mọi người vì tội đã qua mặt chúng. Nhưng đã không có một chuyện gì như thế xảy ra, bởi vì cô kia chắc đã không nói ra.

Nghĩ lại đó là một hành động ngu xuẩn quá chừng, đang bị tù mà lại đi đưa vàng cho vợ một tên lính gác tù, dấu đầu lòi đuôi, nhưng lúc ấy Đức bệnh nặng quá đang sợ chết nên cả Đức và chị đều mất trí khôn. Sau này không thấy mấy anh trong nhóm người đã đem chôn Đức nói gì, vậy chị đoán là chuyện chôn cất xảy ra bình thường, đã không có tên lính miên nào đòi cắt xé thi thể của Đức ra để tìm cái gì cả. Nếu vậy, Đức đã chết đi mang theo bí mật về một số vàng giấu kín trong hậu môn, không rõ là bao nhiêu ...

Sự kiện ngày hôm nay chị sống bên Mỹ hiển nhiên liên quan đến cuộc ra đi năm xưa, mà Đức là một phần của cuộc ra đi đó. Bởi lẽ này, đến bây giờ thỉnh thoảng câu chuyện về Đức cứ trở về ám ảnh chị hoài. Một ký ức buồn.

Minhkha