Bài viết của Ông Lâm Quản Nhân

Posted: Thursday, November 11, 2010 by ttnbg in
0


"Tiếng gọi nhau xen lẫn với tiếng rít của pháo nghe rợn người. Chúng tôi lại đổ xô lên nhau mà thoát ra cổng chính. Tất cả 4,473 người chen chúc ra bằng một cánh cổng rộng không quá năm thước. Người ta chen lấn và đè lên nhau để tìm lối thoát. Có kẻ đã phá rào để thoát ra, hòa chung với dân Khmer đang di tản bên ngoài. Mặc dù lính Thái vẫn chưa cho vào đất họ, chúng tôi đã phải dìu dắt nhau mà chạy vì nhiều cụ già, em bé, nhất là các phụ nữ đã té hay bị xây xát trong khi thoát ra khỏi trại. "



Bài viết của Ông Lâm Quản Nhân"

Ông Lâm Quản Nhân, Một Người Tị Nạn Đường Bộ Viết Về Trại Tị Nạn Dongrek

Lời Nói Đầu: Sau đây là lá thư của ông Lâm Quản Nhân gửi cho tác giả Kim Hà ngày 11, tháng1, năm 1985, sau khi các người tị nạn đường bộ ở Dongrek đã được xem loạt bài về
”Hành Trình Đường Bộ Tìm Tự Do” của Kim Hà, đăng trên báo Tin Việt vào các năm 1984, 1985 và 1986.
Kim Hà đã đưa bản chính của lá thư này cho nhà văn Quyên Di, để đăng trên báo Đường Sống, vào trung tuần tháng 1, năm 1985.
Dongrek, Đêm Không Ngủ
Dongrek vẫn ngủ vùi, mặc dù tiếng pháo vẫn nghe rõ mồn một từ phía Ampil.
Ngày 7, tháng 1, năm 1985.
Buổi sáng hôm nay đầy sương mù. Mọi hoạt động đã bắt đầu. Trong khi các trận đánh của quân kháng chiến Khmer tự do và Cộng quân vẫn diễn ra một cách ác liệt. Nơi đó, cách Dongrek không quá ba cây số đường chim bay.
Dongrek đang lên cơn sốt từ mấy hôm nay. Mọi nguồn cung cấp từ biên giới Thái đều bị giới hạn. Các xe cứu thương của cơ quan MSD cũng như các xe nước đều bị giới hạn. Xe nước giảm xuống từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 1 năm 1985. Tiếng thông báo từ chiếc loa của ban đại diện vang lên trong không gian. Hôm nay, chúng tôi không được phép ra khỏi trại vì dân Khmer sẽ biểu tình và tuần hành bên cạnh trại chúng tôi vì ngày 7 tháng 1 là ngày Quốc Khánh của bọn bù nhìn Hen Samrin.
Thế là chúng tôi, những người Việt nam vô tội lại nhận chịu những quả dưa thối, những hòn đá hay những lon cá được ném vào từ phía ngoài.
Khoảng 7:00 giờ sáng, khi mọi sinh hoạt gần bình thường, bất chợt, những tiếng dội xé không gian, cách trại chúng tôi không xa. Những xe nước hôm nay không vào. Chúng tôi hầu như bị cô lập hoàn toàn. Dongrek được nối với thế giới tự do bên ngoài chỉ bằng một cánh cổng mà chúng tôi thường gọi là ”công lôi”. Chỉ một vài chiếc xe của ICRC (HTTQT, chữ tắt của International Committee of Red Cross) được phép vào và xuất hiện trên đường sau khi đạn pháo đã ngừng hẳn. Đó cũng là một biểu tượng duy nhất của mối liên lạc bên ngoài.
Nước! Nước! Một nhu cầu cấp thiết ở một vùng cao nguyên không tìm ra một giọt nước này. Chúng tôi hoàn toàn không có nước dự trữ, vì trong tình trạng bình thường, mỗi đầu người chỉ có 9 lít nước cho mỗi ngày.
Chúng tôi vội vã ăn những hột cơm trong lo âu và sợ sệt, rồi sắp xếp lại đồ đạc để đề phòng những quả pháo sẽ bất chợt đến viếng thăm vào ban đêm trong dịp lễ Quốc Khánh của họ.
Đúng như dự đoán, khi mặt trời vừa khuất bên kia dãy núi Dongrek. Đêm đen dần, hàng loạt quả pháo lại nổ tung cách chúng tôi không xa. Chúng tôi phải nằm và phải bò, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ bước chân đến quân trường.
Tiếng gọi nhau xen lẫn với tiếng rít của pháo nghe rợn người. Chúng tôi lại đổ xô lên nhau mà thoát ra cổng chính. Tất cả 4,473 người chen chúc ra bằng một cánh cổng rộng không quá năm thước. Người ta chen lấn và đè lên nhau để tìm lối thoát. Có kẻ đã phá rào để thoát ra, hòa chung với dân Khmer đang di tản bên ngoài. Mặc dù lính Thái vẫn chưa cho vào đất họ, chúng tôi đã phải dìu dắt nhau mà chạy vì nhiều cụ già, em bé, nhất là các phụ nữ đã té hay bị xây xát trong khi thoát ra khỏi trại.
Trại rộng khoảng gần một cây số vuông. Ngày trước phải chen chúc nhau mà ở. Bây giờ vắng lạnh, không một bóng người. Tất cả đã vào rừng hay vào sâu tận chân núi để ẩn nấp. Đồ vật văng tung tóe khắp nơi trong sân trại.
Cảnh màn trời chiếu đất lại tái diễn với chúng tôi. Trời đầy sương mù, bóng đêm như đe dọa và uy hiếp. Từng nhóm người tụ nhau lại trên sân cỏ, trên đá, dưới ánh trăng mờ nhạt. Những nét đau khổ, sợ hãi hiện rõ trên từng gương mặt. Chiến tranh là thế đấy!
Chúng tôi đã đánh đổi tất cả những gì yêu qúy nhất của một con người để tìm lấy một cảnh đời mới với hy vọng sẽ hưởng được chút ánh sáng của tự do. Nhưng trớ trêu thay, chiến tranh vẫn đuổi theo chúng tôi. Ngay cả khi chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa tự do.
Liệu khi Cộng quân tấn công vào đây, chúng tôi có được phép di tản vào đất Thái hay một nơi nào an toàn khác không hay vẫn sống với nhóm dân Khmer đang rực lửa căm hờn và sẵn sàng hành hung chúng tôi? Ban ngày chúng tôi có thể bám víu vào Chúa thôi.
Những hình ảnh Cộng quân tràn ngập Dongrek, cảnh chết chóc hay những tấm plastic xanh dưới bầu trời rực lửa như đe dọa và uy hiếp chúng tôi. Mang tâm trạng hãi hùng, chúng tôi qua một đêm.
Sáng ngày 8 tháng 1, năm 1985.
Chúng tôi được phép về trại, mặc dù tiếng súng vẫn còn vang lên cách chúng tôi không xa. Với tư thế sẵn sàng, chúng tôi phải đương đầu với mối khó khăn khác: Nước, mỗi đầu người chỉ được hai lít để nấu nướng, uống và tắm giặt.
Sáng hôm nay, nơi được khách thăm viếng đông nhất sau đêm qua là OPD (Outpatient Department), các bệnh nhân đến. Kẻ nằm chờ, kẻ đứng đợi, đông như kiến. Nhưng thuốc men thì rất tiếc, không đủ để cung ứng.
Cứ với không khí căng thẳng đó, chúng tôi trải qua đến tối, thời điểm các đợt pháo thường viếng khu vực này. Chúng tôi vai gồng vai gánh cùng nhau ra sân banh, gần cổng chính để ngủ hầu chạy dễ dàng hơn.
Một số lính Para Miên, thuộc phe kháng chiến tự do của Sonn San không chính phủ, lúc bấy giờ được di chuyển vào vùng này. Lợi dụng tình hình khẩn trương đó, họ vào trại bắt phụ nữ hãm hiếp, cướp đoạt tài sản và hành hung một số người.
Sau lưng, Cộng quân đang đe dọa. Trước mặt cảnh hãm hiếp lại diễn ra. Chúng tôi là những người Việt Nam tị nạn, nào có tội tình gì đâu? Có chăng là cái tội ”Tìm tự do” thôi. Sao chúng tôi lại nhận chịu những cảnh thương tâm đến thế này. Suốt đêm không ai ngủ được. Sương mù vẫn dầy đặc và đạn pháo vẫn nổ không xa.
Ngày 9 tháng 1, năm 1985.
Sáng đến, khi ánh mặt trời đã xua tan đi bóng đêm cùng những lo âu và sợ hãi, chúng tôi thở phào như trút được gánh nặng. Mọi mệt mỏi hầu như tan biến, chỉ có những gia đình gặp điều bất hạnh thì còn đau khổ. Chúng tôi trở về nơi ở với những bước chân rã rời sau một đêm không ngủ.
Cứ thế, mỗi buổi chiều, chúng tôi lại di tản tạm ra sân banh để ngủ, nhất là các cô gái thì tình trạng rất căng thẳng. Biên giới vẫn đóng cửa. Nạn thiếu nước vẫn đe dọa. Bệnh hoạn mặc sức tung hoành. Đạn pháo và nạn hãm hiếp vẫn đe dọa hằng đêm. Mọi người phải sống với một tinh thần bịnh hoạn. Chúng tôi phải chịu đựng cảnh tượng này đến bao giờ?
Hơn hai năm nay, chúng tôi đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, thế mà tương lai vẫn là một viễn tượng xa vời. Liệu khi Cộng quân tấn công vào Dongrek, chúng tôi có thoát khỏi các họng súng tàn ác của kẻ thù không?
Ngược giòng thời gian, khi Non Chan thất thủ vào tháng 12 năm 1983 và rồi Non Chan bỏ chạy vào tháng 3, năm 1983, người dân tị nạn chúng tôi đã xem như được tái sinh một lần rồi.
Chúng tôi đã không sống được với Cộng sản là vì chúng tôi ghê tởm sự tàn bạo của chính sách cưỡng bức của họ. Chúng tôi tìm tự do, tìm tự do! ba tiếng ấy sao nghe chua xót đối với chúng tôi thế nào ấy. biết bao nhiêu đồng bào tôi đã phải chết một cách oan ức và tăm tối. Và không biết bao nhiêu cô gái Việt nam đã bị giày vò dọc theo biên giới này.
Chúng tôi, những người theo đuổi lý tưởng tự do và hiện đang đứng trước ngưỡng cửa tự do, chẳng lẽ chúng tôi lại bị tự do chối bỏ sao? Chúng tôi tin tưởng vào các nước tự do vì họ đặt nền tảng trên căn bản” Tự do và nhân ái”. Chúng tôi tin tưởng vào cộng đồng người Việt của chúng ta, những người may mắn đang hưởng không khí tự do ở các nước phương Tây, sẽ nghe tiếng kêu cứu của chúng tôi, những con người đang hấp hối trong chiến tranh, dọc theo biên giới tối tăm này và đang chờ đợi vòng tay tự do ấp ủ.
Tiếng đạn pháo vẫn nghe rõ mồn một và nắng vẫn gay gắt hơn bao giờ hết.
Tái bút: Tính đến nay, trong khoảng 4,473 người tị nạn ở đây, chỉ có hơn hai ngàn người đã được các nước sơ vấn vào tháng 12 năm 1984. Riêng những người bất hạnh ở trên hai năm thì bị sót tên rất nhiều, đến hơn một nửa tổng số.“
Lâm Quản Nhân, 9/1/1985

Bài Viết Của Ông Lê Văn Hưng

Posted: by ttnbg in
0

"Ngay từ những tiếng pháo đầu tiên, khu vực Site I dành cho dân Miên đã di tản vào Site II, còn chúng tôi chạy theo dân Miên ở Site A hướng về Site II. Đến nửa đường, lính Thái bảo chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở đó.
Gần sáng ai cũng hy vọng Cộng quân đã ngưng đánh. Một số người trở về Site A để lấy đồ đạc. Bất ngờ, Cộng sản dùng ”Pháo bầy” bủa xuống hướng Dongrek cũ. Dân tị nạn tốc cả đồ đạc, bỏ gạo, bỏ hành lý để chạy lấy thân. Có người lạc cả vợ con."


Bài Viết Của Ông Lê Văn Hưng
Ông Lê Văn Hưng: một người tị nạn đường bộ ở các trại Non Chan, Non Samet, Dongrek và Site II.

Lời nói đầu: Anh Lê văn Hưng là em ruột của ông Lê Bá B. Theo lời kể của ông B. thì Lê văn Hưng trước là sinh viên đại học Văn khoa ban Anh văn, năm thứ hai. Sau năm 1975, khi Việt Nam đổi chủ, anh Hưng học hỏi và nghiên cứu về Thiền (Yoga) và Thông Thiên học.

Sau đó, anh Hưng bị bắt và bị nhốt chung với những người bị tù về tội vượt biên ở tại Vũng Tàu. Gia đình Hưng phải lo lót mất năm ngàn đồng Việt để anh được trả tự do. Khi ông B. đi, ông có rủ Hưng đi chung nhưng Hưng không dám đi.

Cuối cùng vì phải trốn tránh và tù tội nhiều nên Hưng mới vượt biên bằng đường bộ sau ông B. Anh Lê văn Hưng đến trại Non Chan ngày 24 tháng 9, năm 1982 và bị nhốt ở trại tù Non Chan. Được ít lâu thì bộ đội Việt nam tổ chức một trận đánh đại quy mô để tấn công Non Chan. Và Non Chan bị đánh tan tành.

Nhân đó, Hưng và các bạn đồng cảnh ngộ phải phá trại tù để chạy bừa đi, nếu không sẽ bị bắn hay bị Việt cộng giải về các nhà tù ở Việt nam. Hưng chạy bừa qua vùng Ancelar, cách đó vài cây số. Sau đó, Hưng được chuyển tới trại Non Samet, ở sát trại NW 82, nhưng lúc ấy trại đã được giải tán rồi.

Sau đó, trại Non Samet bị giải tán và tất cả dân tị nạn ở đây đều bị đẩy lùi vào sâu trong đất Cambodia thêm ba cây số. Tên của trại mới này là Phnom Dangrek or Dongrek.

Ở nơi đây cũng có sự hiện diện của hội HTTQT. Dân tị nạn Việt và Miên bị chở đến trại mới này bằng xe GMC. Có một số người chống cự thì bị lính Thái đánh đập. Còn những người mưu toan trốn đi thì bị bắn chết. Lính Thái còn dọa là sẽ trả họ về biên giới Việt nam. Đó là một điều đáng sợ vì họ có thể chết dưới lằn đạn ở vùng biên giới.

Hiện nay, sau năm năm trời sống triền miên trong đau khổ và tủi cực, anh Lê văn Hưng đã định cư ở Orange County, California vào năm 1987. Anh có sưu tầm rất nhiều hình ảnh và tài liệu về các trại tị nạn mà anh đã sống qua. Anh Hưng đã cho phép Kim Hà sử dụng các bài viết của anh và hình ảnh để giúp cho tập hồi ký chung của người tị nạn được phong phú và đa dạng hơn.

Ngoài ra, Ông Lê bá B. đã cho phép Kim Hà đăng lá thư kể lại chuyến vượt biên nguy hiểm của anh Lê văn Hưng, do chính anh Hưng viết gửi cho gia đình. Anh Hưng viết dưới dạng kể chuyện về một người tên Lê.



Cuộc Hành Trình Gian Khổ


Non Samet ngày 28, tháng 7, 1983.

Khởi hành từ Sàigòn vào sáng sớm, Lê đáp xe đò tại xa cảng miền Tây để đi Châu Đốc. Xế chiều thì đến nơi. Đoạn đường đi cũng khá vất vả: nhiều ổ gà và nắng nôi... Trọ một đêm tại nhà một người quen của người dẫn đường. Chiều hôm sau đi đò ngang qua Tân Châu rồi đi xe lôi đến bến đò Tân Châu.

Từ đây, đò nhỏ sẽ đưa khách ra đò máy neo giữa sông. Đến gần đêm đò mở máy đi về hướng Nam Vang sau khi chất đầy hàng hóa. Đò đã vượt nhiều trạm xét để tránh né sự kiểm soát nguy hiểm. Lê chỉ biết là mình đã vào lãnh thổ Miên khi nghe người lính xuống xét đò nói bằng tiếng Miên trong đêm tối.

Khoảng 10:00 giờ sáng hôm sau thì đò tiến vào địa phận Nam Vang. Từ xa đã thấy mái ngói đỏ của Thành ông vua, tức là dinh của Hoàng tử Sihanouk xưa kia. Trong suốt cuộc hành trình trên sông, Lê phải vấn khăn mà người Miên gọi là Kroma hay kàma để che mặt và nằm co quắp lại cho giống một đứa trẻ hầu cho công an chìm không nhận diện được.

Bốn người dẫn đường và Lê đi xe lôi qua cầu Sàigòn, tên một cầu lớn ở Nam Vang, về ở nhà một người quen của các người dẫn đường khoảng năm ngày để chờ đường xá êm và chờ có xe để đi Battambang. Đường đi Battambang cũng hư nát nhiều chỗ, nên xe chạy bị xóc, đi hết một ngày tròn mới đến nơi.

Tại bến xe, bọn Công an chìm của Miên đầy rẫy nên rất dễ bị bắt. Phải lên xe, xuống xe, nói chung là phải hành động thật ăn khớp với dấu hiệu của người dẫn đường. Tiếng Việt trong lúc ấy thật nguy hiểm, khi tối cần thiết mới dùng đến mà phải nói thật nhỏ, thật kín đáo. Còn tất cả phương tiện thông tin là ánh mắt và dấu hiệu bằng tay. Cứ như là một phim trinh thám.

Xuống khỏi xe đò, len lỏi trong đám đông rồi phóng lên một xe lôi thật nhanh, đi về nhà một người quen của các người dẫn đường. Chờ đến tối mới về nhà của họ ở sâu trong rẫy.

Trong khi chờ đợi, Lê xin chủ nhà đi tắm cấp tốc để tẩy đi cả kí lô đất bụi và mồ hôi bám trên người. Tối đến, mẹ của người dẫn đường, độ 70 tuổi, ra dẫn Lê về nhà họ. Vì đường đi mất an ninh, Lê phải ở đó cả nửa tháng. Thật bực bội! Ăn rồi phải bó chân trong một căn buồng cỡ ba thước vuông trên nhà sàn cất theo lối người Miên. Khi muốn tắm và đại tiện thì phải chờ đến tối mới được xuống nhà sàn và ra ngoài, nhưng phải thật lẹ!

Đến ngày đi, cả nhà thức dậy sớm, lo hóa trang cho Lê bằng cách bôi lọ nồi lên mặt cho đen bớt, rồi họ chỉ cho Lê cách vấn khăn cho đúng và cách xức bùa. Xong Lê lội ruộng ra bến xe Battambang cùng với bà cụ 70 tuổi và hai người cháu của bà.

Cuộc mạo hiểm đến giai đoạn này gay go hơn trước. Thường thì người tị nạn bị bắt ở đây. Đi xe đò từ Battambang đến Swai, Sisophon. Tới bến xe Swai, đi xe ngựa, vào một con đường núi, có nhà dân rải rác hai bên đường.

Theo chương trình, bọn người dẫn Lê có hẹn với một người đánh xe bò khác tại khúc đường rầy, nên cả bọn vào một quán nước nhỏ bên lề đường để chơ đợi. Người dân chung quanh nhìn Lê một cách tò mò, soi mói đến rợn tóc gáy! Thật không ổn, người cháu trai bèn dẫn Lê vào một bụi rậm trong ruộng, bảo ngồi nấp ở đó, chờ y trở lại. Nếu y muốn bỏ rơi Lê lúc đó thì thật dễ như trở bàn tay!

Ngồi đó khá lâu mà không thấy y trở lại, Lê bắt đầu lo. Bất chợt một người đàn ông từ xa rẽ bụi rậm tiến ngay lại nơi Lê nấp. Y bảo Lê đứng dậy và theo y. Thế là xong! chắc về Chí Hòa quá(Chí Hòa là nhà tù ở Sàigòn, Việt Nam). Nhưng về đến nhà, y bảo Lê nằm trên bộ ván ngựa và ngủ đi. Còn y sẽ đi canh bắt người dẫn đường và giao họ cho công an vì những người này, theo y, đã bỏ rơi Lê. Đứa con gái của y, trông cũng dễ thương và nhí nhảnh, nhưng khá lễ phép, cười trấn an Lê và ra dấu bảo không sao đâu.

Khoảng một tiếng sau, người đàn ông ấy dẫn các người dẫn đường về. Hai bên bàn bạc với nhau bằng tiếng Miên. Người đàn ông ấy là người Chàm, ông ta bằng lòng che dấu Lê, chờ đến tối Lê sẽ lên đường.

Theo sự thỏa thuận từ trước, Lê chỉ đưa tín hiệu về khi nào tới trại và chụp hình gửi về kèm với tín hiệu để gia đình Lê đưa tiền. Nhưng tới đây, người cháu trai của bà cụ 70 tuổi phân trần, nài nỉ Lê viết tín hiệu, và nói lần trước gia đình người anh của Lê cũng đưa tín hiệu tại một làng Miên chứ chưa tới trại tị nạn. Quan trọng là tin tưởng nhau và uy tín của lần trước đủ để bảo đảm cho lần này. Sau khi cân nhắc lợi hại và kèm theo một chút liều, Lê đành viết tín hiệu.

Người cháu trai ấy bảo Lê sẽ đi theo hai người Khmer khác, còn y sẽ đạp xe đạp theo một đường khác công khai, vì y biết tiếng Miên. Y nói là vào sáng hôm sau, Lê sẽ vào trại người Miên ở một ngày, hôm sau y sẽ thuê người dẫn Lê đến trại người Việt. Tại đó, Lê sẽ được phát quần áo, bàn chải đánh răng và khăn.

Đến tối, trời mưa lất phất, Lê theo hai người thanh niên Khmer khác lần mò xuống ruộng nước. Khi thì Lê phải bương theo đám cỏ gai và cây mắc cở. Chân tay bị đâm nát bấy, có lúc phải bị dính lùng bùng trong ấy rất lâu mới gỡ ra được. Khi thì Lê phải lội qua nơi nước sâu qúa đầu, Lê lại không biết bơi, phải bám vào một cái thùng bằng nhựa để cố gắng bám theo hai người Khmer ấy.

Trong đoạn đường lội nước đó, Lê uống nước sình khá nhiều và bị đỉa đeo cũng dữ. Lê không quen đi trên bờ ruộng trơn trợt. Hơn nữa, đêm tối đen như mực, tay giơ lên không thấy, nên Lê té lên té xuống nơi ruộng sình lầy hàng trăm lần. Hai ống quyển bị va vào các ụ mối nhỏ trên bờ ruộng đau đến tê tái.

Có lúc Lê phải lội qua những cánh đồng cỏ ngập nước, cỏ ba khía bén như dao cạo đã cứa nát các kẽ ngón chân. Các bắp thịt ở háng và hông đã rã rời, không còn tính dẻo dai nữa, cho nên cử động rất khó khăn. Có lúc Lê phải đi ngang như cua, có lúc đi giống một người què, có lúc không cất nổi chân lên một độ cao chỉ mười phân. Lê bị vướng vào cỏ, té nhào xuống, không muốn ngồi dậy nữa.

Chàng cứ thế mà nằm dụi xuống dưới lớp bùn, nếu không có sự thúc hối của hai tên dẫn đường. Bộ não không còn làm việc, chỉ còn một ý tưởng duy nhất trong đầu là: ”Gắng đi tới!”

Đêm thì mù mịt, không biết bao giờ mới sáng. Nhưng không hiểu lúc ấy Lê mong sáng để làm gì? Vấn đề không phải là sáng hay tối, mà là chấm hết con đường. Trong khi ruộng nước bao la, đi hoài không thấy hết. Xỉu lên xỉu xuống cả trăm lần, hai tên dẫn đường có khi phải xốc nách Lê mà lôi đi.

Sức đã kiệt! Nhiều lúc trên đường đi, Lê không dám nghĩ rằng mình có thể vượt qua sự thử thách kinh khủng này, rằng mình có thể đi hết con đường tị nạn. Hai tên dẫn đường đi rất nhanh, cứ bỏ xa Lê hàng chục thước trong đêm tối. Lâu lâu, Lê phải ngồi thụp xuống, căng mắt ra để cố phân biệt hai bóng đen mờ, nhấp nhô của hai tên dẫn đường với các bóng cây in trên nền trời mờ mờ xám.

Quan sát thái độ ấy của hai tên Khmer, một ý nghĩ đến với Lê lần thứ hai làm tim chàng co thắt lại:

”Cứ cái đà này thì chúng sẽ bỏ rơi mình!”

Đang đi thì có hai tiếng pháo kích lớn, đạn bay qua đầu gần đó. Đến gần sáng, hai tên Khmer đi nhanh hơn, càng lúc càng xa, Lê không dò theo chúng được. Ý nghĩ bị bỏ rơi càng đậm nét trong đầu, Lê cố gắng ho và lắng giọng, rồi giẫm chân mạnh xuống để tạo tiếng động, hy vọng không phải hai tên ấy muốn bỏ rơi, mà là chỉ đi lạc, sẽ nghe theo tiếng động ấy mà đứng lại đợi chàng.
Nhưng chúng đã đi luôn. Lê không thể tả nổi sự kinh hoàng và tuyệt vọng mà Lê có lúc ấy! Đứng giữa trời đêm đó, Lê lớn tiếng cầu nguyện và nghiến răng chờ trời sáng. Chàng tin rằng Thượng Đế sẽ chỉ cho Lê một con đường đúng.
Đến sáng, Lê càng bàng hoàng khi thấy quanh mình chỉ toàn là ruộng nước mênh mông. Ruộng nước chạy mãi đến chân trời, không có lấy một mái nhà. Nhưng không thể đứng đó chờ chết được! Lê đi đại về một phiá, lạc vào một rừng thông xơ xác. Lê quay lại và đi theo một hướng khác, rồi nhiều hướng khác nữa.
Chợt thấy từ xa có mấy người nông dân Miên vác cuốc đi lại, đồng thời có tiếng máy phóng thanh. Chắc chắn gần đây có dân ở, có ”phum”, tiếng Miên dùng để chỉ làng. Những người Miên ngoắc Lê lại và ra dấu hỏi, vì nhìn mặt chàng là họ dư biết chàng là ”Dzun”, tiếng Miên dùng để chỉ người Việt một cách khinh bỉ.
Sau đó, họ bảo chàng với hảo ý rằng hãy lấy khăn quấn lên đầu và che mặt, tay áo buông xuống để che nước da trắng hầu khỏi bị du kích Miên bắt và họ chỉ hướng để chàng đi vào ”phum” của họ. Tại đó, Lê vào nấp trong một căn nhà của một bà cụ Miên. Bà đã cho chàng ăn cơm.
Chàng đã tận dụng khả năng Miên ngữ cũng như khả năng thông tin bằng tay chân, giống như một người câm để thuyết phục các người dân ở đó dẫn chàng đi tiếp tới trại Non Chan. Họ hỏi Lê có nhẫn vàng không, Lê bảo không. Thế là họ cười xòa và lắc đầu. Mặc dù Lê có dấu trong lưng quần, nhưng không dám đưa ra vì sợ họ giết và cướp.
Thất bại trong việc thuyết phục, Chàng bảo họ đưa chàng ra đầu thú tại đồn công an địa phương, họ bảo đừng làm như thế. Ở lại cũng chết, đi cũng chết. Thôi thì cứ tận nhân lực. Lê quyết định đi về phía lùm cây mà đàng xa có tiếng máy phóng thanh. Càng tới gần, chàng càng có hy vọng nhiều hơn.
Chàng thấy có những đám đen nhỏ di chuyển một cách trơn tru trên một đường chỉ. Có lẽ đó là những chiếc xe đạp chạy trên đường. Cứ thế, Lê đi tới và cố tránh chạm mặt với dân địa phương trên đường đi. Tới nơi, Lê thấy có nhiều người, vừa đi bộ, vừa đi bằng xe đạp, mang theo nhiều bao hàng hóa đi về cùng một hướng.
Sau này chàng mới biết đó là dân buôn lậu từ Thái về đất Miên. Chàng bặp bẹ mấy tiếng Miên để hỏi đường về Battambang. Sau khi tính toán nát óc, chàng thấy đây là con đường duy nhất khả dĩ cứu được mạng sống của mình.
Không biết tiếng Miên, không biết đường, không có tiền, bụng đói và khát, nước da khác hẳn với nước da của dân địa phương. Chung quanh đường độc đạo dẫn về Battambang không có hàng quán hoặc nhà cửa. Cứ thế, chàng cứ lê từng bước nặng nề đi.
Tới khi sắp ngất đi vì mệt và đói, Lê xuống bờ ruộng dọc theo đường để uống đầy một bụng nước ruộng mà lấy sức đi tiếp. Nhưng chàng quên rằng càng uống no thì lại càng không thể đi xa được. Trên đường đi có nhiều đoạn bị nước xoi đứt cả hai hay ba thước, bộ hành phải lội qua.
Bầu trời chiều thật xanh, nhưng sao nó cứ chạy giật lùi ra xa, có lẽ tại mắt mình hoa rồi, chàng nhủ thầm. Dân buôn đi qua mặt, quay lại nhìn và xầm xì với nhau:”Dzun”. Có một người đi xe đạp, cột một nải chuối be bé, từ trước mặt chạy tới, Lê chận lại xin mua một riel (tiền Miên do một dân buôn trên đường cho), y đưa cho Lê hai trái. Ăn xong, Lê còn thấy đói hơn lúc chưa ăn.
Lạ thật! Đầu óc đang suy nghĩ cách tìm thức ăn để có thể đi tiếp, nếu không có lẽ sẽ chết trên đường vắng nầy đêm nay, thì thấy một người lính Việt Nam vượt qua mặt...( bỏ một đoạn)...
... Do một sự việc, Lê mất chiếc nhẫn dấu trong quần, nhưng lại có 40 riels. Đêm đó, Lê được ngủ trên giường đàng hoàng, có hai dĩa cơm, canh cá và hai ly rượu đế, có cả bánh ngọt và kẹo để ăn nữa!
Sáng sớm hôm sau, Lê đáp xe ngựa từ chỗ ấy, Sla Cahom tức là Trường đỏ, để ra bến xe Swai Sisophon, qua nhiều trạm gác mà người Miên gọi là Controle, một cách an toàn. Đúng thật là trời cứu.
Tới nơi, Lê lại dùng tiếng Miên mà chàng mới học hôm sáng từ một người... để hỏi tài xế xe đò, và trả giá về Battambang, nhưng xui là hôm ấy, không có một xe nào về Battambang cả. Thêm một rắc rối.
Lê quay sang một tài xế xe Honda ôm. Y đồng ý đi về Battambang với giá 30 riels. Lê chỉ còn 30 riels chót. Mười riels đã trả cho xe thổ mộ ban sáng rồi. Đường ngược về Battambang rất an toàn và ít xét hỏi. Người ta chỉ xét những người từ Battambang về Swai mà thôi, vì đó là đường ra biên giới để vượt biên.
May mắn thế nào, người tài xế xe Honda bỏ Lê xuống ngay nơi bến xe Battambang, gần ngõ dẫn vào dãy nhà của người dẫn đường, đúng như kế hoạch thoát hiểm của Lê dự định trong đầu. Chàng lội tới, lội lui hàng chục lần dưới trời nắng chói chang để tìm nhà, nhưng không thấy.
Đường rất lầy lội. Quần áo của Lê lấm lem. Dân hai bên đường chú ý. Da mặt chàng cháy đỏ vì chói nắng. Khi đi từ nhà người dẫn đường ra bến xe trong đêm tối hôm ấy, Lê có để ý quan sát một số chi tiết quan trọng của con đường, bây giờ vẫn còn nhớ. Thú thật, đêm hôm ấy, Lê chớm có ý nghĩ về trường hợp phải đi tìm lại nhà người dẫn, nếu bị bỏ rơi.
Đúng là con đường này, mà sao không thấy căn nhà ấy đâu cả? Lê đánh bạo ngoắc một xe thồ chỉ đường đến nhà người quen của người dẫn đường đã cho Lê tắm hôm mới đến, mặc dù túi không có tiền. Lê tìm mãi không ra vì lộn đường. Nguy quá, Lê chỉ đại một con đường khác, may sao lần này tìm thấy.
Lê xuống xe vào nhà xin tiền. Năm riels để trả tiền xe. Sau đó, chàng nhờ nhà này dẫn về nhà của người dẫn đường . Tìm một vòng cũng không thấy, Lê quay lại nhà quen ấy thì bị họ la lên một cách bực bội vì căn nhà đối diện là nơi công an hay tụ tập.
Lê vội chạy ra và đi tìm một mình. Khi chàng đi lang thang trong xóm, có một số người dân tốt bụng đã cho chàng bánh tét và nước uống. Ăn xong, Lê đi tìm tiếp và đã tìm được. Sự vui mừng lớn biết chừng nào!
Cả gia đình của người dẫn đường có mặt đầy đủ. Họ tròn mắt ngạc nhiên, vì tưởng rằng Lê đã đi mất đất rồi. Hai hôm sau, họ thuyết phục Lê lên đường tiếp. Lần này sẽ có hai người trong gia đình đi kèm với chàng để tránh trường hợp bị bỏ rơi.
Cả người chàng đau nhức như dần, nhưng phải chấp nhận lên đường. Lại đáp xe đò đi Swai để vào đường núi chờ tối rồi xuống ruộng nước lội suốt đêm. Chàng chịu đựng giống y như lần trước: ngất xỉu nhiều lần, gai và cỏ cắt đứt chân tay. Những con đỉa trâu to có bề ngang to bằng ba ngón tay, bám vào thân người hút máu, đến sau này còn để lại nhiều vết sẹo, rồi lại bị muỗi rừng châm chích.
Gần sáng, cả bọn tới ”phum” Sang. Sức của Lê thật sự kiệt rồi. Không cách gì cất bước nổi. Họ dấu Lê trong một gò mối giữa ruộng nước cao độ một thước, rộng độ ba thước vuông trong một ngày trời.
Tại đây, Lê suýt bị lộ, một người dân Miên đi đốn cây, cứ đốn quanh quẩn ở gò mối. Có lần y leo lên cả lên gò, nhưng khi không thấy chàng nên hắn bỏ đi. Đến tối, người dẫn đường thuê hai thanh niên khác dẫn Lê đi tiếp và bảo đảm với Lê là không có chuyện bỏ rơi nữa đâu.
Cuộc hành trình tiếp tục, Lê cố gắng đi tới ”phum” Roun thì không thể tiếp tục được nữa. Họ dấu Lê trong nhà một ngày để chàng dưỡng sức. Đến tối, họ chở Lê đi bằng xe bò (tiếng Miên gọi là Rơ-te-ku) đến thẳng trại tị nạn Non Chan rồi tài xế xe bò đi về tự nhiên.
Tới nơi, chàng bị tù sáu tháng thật cực khổ. Chỉ tới đây mới thấy các lời quảng cáo đều láo khoét cả: nào là trại tị nạn Việt Nam, trại tị nạn Miên, dò danh sách, bàn chải đánh răng, quần áo... Không có kẻ nào dám vào Non Chan để dò danh sách cả, vào là bị còng đầu ngay.
Ở đây chỉ có đói lạnh, hãm hiếp, đánh đập và lao động. Nếu không có vụ chạy khỏi Non Chan thì có lẽ suốt đời Lê không thấy ánh sáng văn minh. Lê đã cám ơn Thượng Đế đã cho Lê sống lại.
Ở Non Chan, hội HTTQT, mà dân ở đó thường gọi là Pờ-Răng (France, Pháp), không có thực quyền gì cả. Cho nên việc can thiệp và trao đổi với nhà cầm quyền ở đó để lấy người tị nạn ra rất là khó khăn. Đến bây giờ thì kể như không hy vọng. Cho nên người Việt Nam không nên đi nữa. Đi là chết. Người Thái cũng không muốn sự có mặt của người tị nạn Việt nam trên đất nước họ. Chúng ta chỉ là gánh nặng cho họ thôi.
Đến bây giờ, con đường này vẫn còn nhiều phức tạp. Lê vẫn phải ở trại tị nạn trong một thời gian vô hạn định, chưa biết bao giờ được giải quyết. Anh của Lê trước kia phải ở trong một kỷ luật sắt thật sự, hơn cả kỷ luật nhà binh rồi mới được đi.
Còn Lê, gần một năm rồi, chàng hết ở khu rừng này tới khu rừng khác, mùa khô thiếu cả nước uống. Không biết bao giờ chàng mới tìm thấy an bình, cả đời sống bên ngoài lẫn đời sống nội tâm.

 Hành Lang Tự Do Về Đâu? Trại Site II

Sau đây là một trong các lá thư mà anh Lê văn Hưng viết về một trong những trại mà anh đã sống.
Thư đề ngày 17 tháng 3, năm 1985.
“Ở vùng biên giới Thái và Miên này, hai tiếng ”mùa khô” dù được nói lên bằng một giọng dịu dàng và nhẹ nhàng thế mấy cũng vẫn mang một âm hưởng đe dọa, một âm hưởng có khả năng tạo kinh hoàng cho dân tị nạn Việt Miên.
Mùa khô năm 1983, tôi đứng bên bờ đập O Bychon, dưới mây trời nắng lóa. Toàn vùng chỉ là một cánh đồng cỏ tranh bị đốt cháy đến tận gốc. Dân tị nạn ngơ ngác đứng chờ đợi cơn pháo kế tiếp đuổi theo từ sau lưng.
Bên này là khốn khổ, là chết chóc, còn bên kia là tự do, là an bình. Hai bên chỉ cách nhau có một bờ đất cao một thước. Tôi và đồng bào tôi ở bên này đứng ngóng cổ nhìn sang bên kia với những đôi mắt thèm khát. Ôi những tàn cau lung lay trước gió, những tàu dừa lả ngọn, những thôn xóm ẩn hiện sau lũy tre kia. Chúng tôi đã tìm thấy ở đó hình ảnh quê hương thanh bình thuở trước.
Mùa khô năm 1984, tại Non Samet, chúng tôi lo âu lắng nghe tiếng ”depart” của Việt cộng và nhìn theo những lằn đạn pháo bay qua đầu, rơi vào đất Thái. Chúng tôi, những người làm ở phòng y tế (Việt Nam Outpatient Department) lo di tản những người bệnh nặng và tàn tật đi trước, vì ARC (American Red Cross?) được biết Việt cộng đã dàn xe tăng chuẩn bị tấn công lớn vào chỗ dân tị nạn Việt Miên.
Chúng tôi thức hầu như suốt đêm trong đợt tấn công mùa khô 1984. Sự ồn ào cũng như sự yên tĩnh làm chúng tôi lo sợ và bực bội trong tình huống ấy.
Hạnh phúc đối với tôi bây giờ thật là đơn giản và nhỏ nhoi. Tôi không mơ đi định cư. Tôi cũng không mơ những tiện nghi vật chất. Tôi đang chờ hứng đủ một xô nước để dội mạnh đi những mồ hôi và đất cát đã bám trên cơ thể sau một ngày và một đêm chạy giặc từ Dongrek Platform (Site A) rồi sau đó nằm dài trên mặt đất ngủ để lấy lại sức.
Dưới ánh nắng gay gắt của buổi chiều, dân tị nạn Việt lẫn Miên bu đen nghẹt quanh những bồn nước của UNBRO. Suốt một ngày và một đêm, chúng tôi không có một hạt cơm hay một giọt nước để uống.
Những đôi mắt héo hắt nhìn một cách vô-cảm-ứng về những diễn biến chung quanh vì quá mệt mỏi. Chúng tôi đi lấy nước vì thấy mọi người lũ lượt đi, và vì một ý thức mờ mờ chứ không rõ ràng, rằng đi lấy nước cốt để làm việc này hay việc kia.
Ngay từ những tiếng pháo đầu tiên, khu vực Site I dành cho dân Miên đã di tản vào Site II, còn chúng tôi chạy theo dân Miên ở Site A hướng về Site II. Đến nửa đường, lính Thái bảo chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở đó.
Gần sáng ai cũng hy vọng Cộng quân đã ngưng đánh. Một số người trở về Site A để lấy đồ đạc. Bất ngờ, Cộng sản dùng ”Pháo bầy” bủa xuống hướng Dongrek cũ. Dân tị nạn tốc cả đồ đạc, bỏ gạo, bỏ hành lý để chạy lấy thân. Có người lạc cả vợ con.
Tiếng pháo lúc gần, lúc xa, kéo dài đến khoảng trưa. Dân tị nạn đã tiến về tới Site II. Xế chiều, chúng tôi lo ổn định lều ở tạm. Vài ngày sau, ban đại diện phân lô và sắp xếp lều thành đường lối.
Mặc dù thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng súng và có nhiều tin đồn không lành rằng Việt Cộng sẽ đánh vào Site II để lùa dân về đất Cambodia, chính quyền Thái vẫn cho rào trại Việt và Miên lại một cách quy mô bằng trụ xi măng và kẽm gai. Một hình thức trại tù theo khuôn mẫu NW 82 chăng?
Nhiều lần tôi hỏi các giới chức hội HTTQT về tình hình an ninh ở Site II, họ trấn an rằng:
”Đây là đất Thái rồi, anh cứ yên tâm!”
Nhưng dân Việt nam chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về Cộng sản rồi, làm sao chúng ta tin rằng Cộng sản sẽ tôn trọng lằn biên? Hằng đêm chúng tôi cứ sống trong lo sợ và phập phồng. Không biết ngày nào Site II lại phải bỏ chạy dưới lằn đạn pháo.
Đầu mùa khô năm 1985, chúng tôi cũng sống trong lo âu như thế. Dân chúng bỏ nhà, bỏ cửa lên ODP, nhà CARE, và ban đại diện để ngủ cùng với hành lý vì họ sợ rằng nếu ở quá xa ngoài bìa trại, họ sẽ khó thoát ra ngoài khi bị pháo kích.
Có lần mọi người la hét một cách kinh hoàng vì họ nghe thấy tiếng xe tăng, nhưng sau đó, lính Thái đến xác nhận đó là xe tăng của Thái. Có đêm chúng tôi bỏ chạy vào chân núi khi có tiếng pháo, vì lúc chiều có tin báo cho biết Cộng sản chuẩn bị tấn công. Vị trí của chúng chỉ cách Dongrek có hai hay ba cây số.
Nhưng chiến tranh đã không xảy ra mãi đến một buổi chiều thật yên tĩnh. Vào lúc 5 giờ chiều hôm đó, mọi người đang lo sửa soạn ăn tối, thì sau một hai tiếng ”depart”, đạn đã rơi chớp nhoáng vào Dongrek.
Trại Việt nam chỉ bị pháo xung quanh, ông già Nê đã cầm loa đốc thúc mọi người ra khỏi trại. Dân tị nạn đã theo con đường độc nhất vào đất Thái. Đến nửa đêm, Thái ra lệnh ngừng lại chờ lệnh trên. Suốt đêm ấy, hội HTTQT đã phái cô Eureka và Dr. Ian đi cứu thương ở Dongrek. Chỉ có mội ít người bị thương nhẹ về phía Việt nam. Một người Việt ra khu Miên chơi, bị trúng pháo và chết trên trại Khao Y Dang.
Về phía Khmer thì có khoảng ba mươi người chết. Đến trưa hôm sau, có một số người được đi Panatnikhom Transit Center. Họ được tập trung tại bãi đất trống trong rừng rồi đi bộ qua Site II. Ở đó, xe buýt đón họ đi Panatnikhom. Tình trạng đó đã làm những người ở lại tủi thân và xuống tinh thần.
Trước khi Dongrek mất, tôi đã gửi một lá thư để có đôi lời biết ơn các vị ân nhân đã lên tiếng nói giúp đỡ trại Dongrek, và một thư kêu cứu, báo động rằng Dongrek đang hấp hối. Bây giờ thì Dongrek đã thực sự chết, và những người ở Dongrek còn sống sót sau cơn bão lửa đang chờ đợi một phát ân huệ. Dân tị nạn đang sống trong ngắc ngoải vì chờ được định cư quá lâu, vì đau khổ ở biên giới, vì bệnh tật, vì thiếu dinh dưỡng.
Còn một nơi chốn nào để dân tôi đến hay không? Thế giới tự do hãy nói đi! Hãy cho chúng tôi biết một cách thành thật về lý tưởng, quan đểm của quý vị đi. Chúng tôi là những người yêu tự do đã từ chối Cộng sản và cũng đã bị Cộng sản từ chối, không lẽ cũng bị đồng minh mình từ chối nốt hay sao?
Tôi tin tưởng nơi thế giới tự do và nhất là người Mỹ, vì người Mỹ có liên hệ trực tiếp vào cuộc chiến Việt Nam. Người Mỹ phải có trách nhiệm đối với dân tị nạn ba nước Đông Dương. Chúng tôi ngày nay phải lãnh chịu những cơ cực thế này, một phần cũng vì chính sách buông tay của người Mỹ.
Tuy là tin tưởng vậy, nhưng không khỏi có những lúc tôi phải băn khoăn, liên tưởng đến câu nói của thủ tướng Sirik Matak của Cambodia lúc mà ông từ chối chạy trốn khỏi nước:
”Chúng tôi cầu chúc qúy vị được vui vẻ hạnh phúc. Chúng tôi chỉ phạm một lỗi, đó là lỗi quá tin tưởng nơi người Mỹ!”
Ở đây, chúng tôi cũng xin cầu chúc Mỹ quốc được hạnh phúc, bình an, để trong sự yên vui ấy, người Mỹ sẽ có đủ lòng quảng đại và quay nhìn lại một trách nhiệm mà họ đã lơ là: đó là trách nhiệm đối với dân tị nạn Đông Dương nói chung và dân tị nạn đường bộ Việt nam ở Dongrek nói riêng.
Cuối thư, tôi xin gửi đến thế giới tự do lời kêu cứu này:
-Nếu Dongrek không được giải quyết sớm, e rằng đồng bào tị nạn sẽ gánh chịu một trận chiến lùa dân, và lần này ai có thể cả quyết rằng chúng tôi sẽ may mắn hơn những lần trước? Nếu Cộng sản thành công, một thảm kịch O'Smack năm 1982 lại tái diễn như cảnh một đoàn tị nạn bị xâu thành xâu bằng giây kẽm gai, lùa xuống bunker rồi bị ném lựu đạn giết chết.
Tôi biết rằng dù việc ấy có xảy ra cũng chẳng có một tổ chức nào đụng đến lông chân của các nước tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng LƯƠNG TÂM của các vị lãnh đạo, của từng người dân tự do, là lịch sử thế giới trong cuối thế kỷ 20 này sẽ đeo đưổi phê phán những người có trách nhiệm đến muôn niên.
Xin qúy vị cầu bình an cho đồng bào tị nạn chúng tôi tại trại Site II này!”
(Lê Văn Hưng)

Hồi Ký Của Ông Lê Bá B

Posted: by ttnbg in
0

"Sau đó, chúng dắt chúng tôi vào một trại tị nạn. Thoạt đầu, chúng tôi tưởng bở, lòng mừng rỡ vì ý nguyện đã thành tựu. Trại tị nạn đây rồi! Ôi ba chữ ” Trại tị nạn” sao nghe vui tai và hay ho đến thế. Nhưng hỡi ôi! khi đến nơi mà gọi là trại tị nạn thì đó chỉ là một nhà tù nhỏ làm bằng tranh, chung quanh đóng cột gỗ và có hàng rào đầy thép gai."




Hồi Ký Của Ông Lê Bá B., Một Người Tị Nạn Đường Bộ

Ông Lê Bá B.đã cùng với gia đình đi trốn bằng đường bộ. Họ đã trải qua hơn mười sáu tháng trời sống trong tủi cực và đau khổ tại các trại tù của bọn lính Para, người Khmer. Gia đình ông đã ở trại tù ở vùng Non Chan, rồi trại Non Samet, trại NW 82 và trại Panatnikhom Transit Center ở đất Thái Lan.

Cuối cùng, gia đình ông được chuyển sang trại Bataan ở nước Phi luật Tân. Gia đình ông Lê Bá B. đến định cư tại Orange County, California vào ngày 22 tháng 8, năm 1983.

Ông Lê Bá B. đã tha thiết kêu gọi đồng bào ở hải ngoại hãy kêu cứu và giúp đỡ cho những đồng bào Việt nam còn kẹt lại và sống khắc khoải tại các trại tị nạn. Ông đã dành thì giờ cho chúng tôi phỏng vấn và cho phép chúng tôi xuất bản câu chuyện của ông sau này.

Sau đây là phần kể chuyện của ông Lê Bá B.:


CUỘC HÀNH TRÌNH VƯỢT BIÊN ĐẦY GIAN KHỔ

Sau rất nhiều lần mưu tính vượt biên bằng đường thủy bị thất bại, chúng tôi đành quyết định đi vượt biên bằng đường bộ để tìm đến Thái lan.

Sau khi tìm được mối xong, chúng tôi thỏa thuận giá cả. Cuối cùng, chúng tôi phải đóng mỗi đầu người hai cây (lượng) vàng cho người dẫn đường. Ba người là sáu cây. Chúng tôi phải trả trước một nửa số vàng là ba cây. Nếu đến trại tị nạn thành công thì chúng tôi sẽ viết mật hiệu về nhà ở Sàigòn thì người nhà của tôi sẽ trả đủ số vàng cho người dẫn đường.

Ngày khởi hành: Ngày 6, tháng 4, năm 1982.

Khởi đầu, chúng tôi từ Sàigòn đến xa cảng miền Tây để đi về Châu Đốc. Từ Châu Đốc, chúng tôi theo người dẫn đường lên tàu gỗ rồi ngược giòng sông Mêkông để đến Nam Vang (Phnom Penh). Có lẽ nhờ sự hoá trang khéo và nhờ ơn trên che chở nên trên đoạn đường từ Châu Đốc đến Nam Vang, chúng tôi không bị trở ngại gì cả, dù có rất nhiều trạm kiểm soát của Cộng sản Việt và Khmer ở dọc giòng sông.

Khi đến Nam Vang, chúng tôi ở lại nhà người dẫn đường trong khoảng một tuần lễ để họ dò đường kỹ rồi mới dẫn chúng tôi đi tiếp. Ngày khởi hành, chị họ tôi và cháu nhỏ thì đi xe đò, còn tôi được người dẫn đường dẫn đi bằng xe lửa lên thành phố Battambang để tránh sự kiểm soát và dòm ngó.

Khi chúng tôi vừa đến ga xe lửa ở Nam Vang thì bị một tên Miên mặc thường phục nhận ra tôi không phải là người Miên nên hắn chận tôi lại để làm khó dễ. Hắn hỏi tôi bằng một tràng tiếng Miên, thế là lộ ngay. ”Thừa nước đục thả câu,” hắn bắt bí tôi rồi vặn hỏi tôi xem ai là người dẫn đường cho tôi đi. Buộc lòng, tôi phải chỉ người dẫn đường ra. Thế là anh chàng dẫn đường plhải dắt hắn qua toa xe lửa gần đó để hối lộ cho hắn. Vì thế hắn làm ngơ cho chúng tôi đi.

Sau đó, hai chúng tôi ngồi ở toa chở hàng sát đầu máy xe lửa. Toa này không có mui và được chất đầy hàng hóa. Trong chuyến đi ấy, tôi thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam nên tôi phải trùm khăn để che mặt cho khỏi lộ diện. Nhưng nếu ai chịu khó chú ý kỹ sẽ thấy rõ sự khác biệt giữa người Việt và người Miên từ nét mặt, màu da đến bàn tay và bàn chân.

Ở trên xe lửa, mỗi lần ghé trạm ga dọc đường, tôi đều được người dẫn đường dắt đi ăn uống một cách vội vã. Lần đầu tiên ăn đồ ăn Miên, ngửi mùi đồ ăn tanh quá nên tôi ăn không nổi. Nhưng khi nghĩ ra là mình phải ăn nhiều cho có sức chịu đựng gian khổ nên tôi cố gắng ăn và nuốt trộng cho đầy cái bao tử.

Ăn xong, thấy chậu nước dơ, có mẻ dừa múc nước đã đóng rêu xanh, tôi ngần ngại không dám uống. Nhưng dần dần, thấy mọi người múc nước đó uống lấy uống để, nên tôi cũng uống đại.

Khi ăn xong, chúng tôi lại leo lên xe lửa, quanh tôi có bộ đội Việt Nam rất nhiều. Vừa leo lên toa xe lửa, thì tôi bị một tên người Miên biết tiếng Việt lõm bõm chận lại. Hắn trừng mắt nhìn tôi và hỏi vặn tôi bằng tiếng Việt:

-Việt Nam hả, đi đâu? Đi Thái Lan hả?

Tôi hoảng quá, kiếm cách chống chế:

-Tôi đi với người anh em bạn lên Battambang chơi.

Hắn không tin nên hỏi tiếp:

-Không phải đâu! Đi Thái Lan, đi Mỹ mà!

Thế là cả đám người ngồi trong toa xe nhốn nháo đứng lên rồi dáo dác nhìn tôi. Tôi sợ quá vì một bọn đồng bọn với hắn bu đến. ”Không khá rồi!” Nhanh trí, tên dẫn đường nói ngay một tràng tiếng Miên rồi móc túi, lấy ra một gói thuốc lá hiệu Samit để mời bốn năm người ấy và các người khác trong toa cùng hút.

Thật là lạ, vừa hút xong có hai hơi thuốc, cả bọn tản mạn đi hết. Còn những người khác ngồi trong toa cũng im lặng hẳn đi, chẳng còn đếm xiả gì đến tôi nữa. Sau này, hỏi chuyện kỹ ra, tôi mới biết là tên dẫn đường này đã dùng gói thuốc lá có trộn bùa ngải để sai khiến bọn người kia.

Trông thấy tận mắt, tôi mới thấy bùa ngãi của người Miên linh thật. Trọn một ngày, chúng tôi ngồi chịu trận dưới cơn nắng. Mãi đến 4:00 giờ chiều thì tới trạm ga Pursat, một tỉnh lớn nằm giữa đoạn đường từ Nam Vang đi Battambang.

Khi đến Pursat, người dẫn đường vội vàng dắt tôi vào một nhà người Miên ở gần ga xe lửa để dấu tôi nằm ở đấy. Trên đường đi từ ga đến chỗ tạm trú, tôi thấy rất nhiều người Việt vượt biên bị bộ đội Việt Cộng bắt. Họ đứng quây quần thành một đám đông. Theo sự quan sát và kinh nghiệm của người tị nạn thì có thể nói đến tám mươi phần trăm (80%) người Việt đi vượt biên bị bắt giữ tại ga Pursat này.

Nói chung, có rất nhiều người vì bị người dẫn đường bỏ rơi tại đây nên họ đứng xớ rớ, không biết phải làm sao, “Tiến thoái lưỡng nan.” Thế là sớm hay muộn, họ cũng bị bộ đội Việt cộng bắt được để giải về lại Việt nam rồi vào tù. Thấy họ khóc lóc và sầu khổ bi thương, tôi không ngăn được giòng lệ rơi. Thương cho họ mà sợ cho mình nên tôi phải vội vã quày qủa đi như chạy để khỏi bị phát hiện và để dấu những giọt nước mắt của mình.

Đến nhà người Miên chủ nhà trọ của tôi thì tôi càng sợ đến rụng rời tay chân vì ông này kể rằng vừa mới rồi, có ba người Việt vì bị bỏ rơi nên họ bơ vơ không biết đi về đâu, cuối cùng họ bị bắt. Tin ấy làm cho tim tôi đập loạn cả lên, còn tay chân thì run lẩy bẩy, mặt thì tái xanh lại. Thế là sau khi ăn qua loa bữa cơm chiều, tôi dấu mình trong xó kẹt nhà trọ để mong được yên thân.

Sáng hôm sau, khoảng 7:00 giờ sáng, khi xe lửa chuẩn bị khởi hành thì có một lực lượng công an Miên Việt hỗn hợp túa ra đi lên các toa xe lửa xét lục kỹ lưỡng. Rối họ bao vây quanh chiếc xe lửa. Thế là lại có một số người Việt tị nạn bị bắt giữ nữa.

Vì đã có kinh nghiệm, nên người dẫn đường ra dấu bảo tôi núp mình trong khu nhà dân cư để chờ bọn chúng xét xong xuôi. Đến khi tàu lửa vừa chạy là chúng tôi phóng lên toa xe thật mau. Tôi vốn có tật ở chân nhưng không hiểu sao lúc ấy, tôi chạy lẹ đến thế.

Trên xe lửa, tôi cố gắng giả đò ngủ hay ngó đi hướng khác để tránh sự tiếp xúc hay phải trò chuyện với đám hành khách người Miên. Cơn nắng thiêu đốt, cơn khát bỏng cổ. Cơn sợ hãi đầy tràn. Đến khoảng trưa thì xe lửa đến Battambang. Người dẫn đường và tôi là hai hành khách nhảy xuống đất đầu tiên ở ga đó. Tôi phải thu hết can đảm để đưa trình vé cho người soát vé. Nếu chậm trễ thì sẽ bị công an hay bộ đội Miên Việt bắt giữ.

Sau đó, anh Miên dẫn đường đưa tôi đi bộ thẳng về nhà anh ta. Anh dặn dò tôi ở lại Battambang để anh về lại Nam Vang đón chị và cháu tôi lên Battambang luôn. Chỉ ngày hôm sau thì mọi người đã tề tựu ở nhà anh ta tại Battambang. Gia đình tôi gặp lại nhau tại đó, kể cả mẹ và em gái người dẫn đường cũng đến từ Nam Vang.

Lúc ấy là 12 tháng 4, năm 1982, đúng và dịp tết của người Miên. Vì thế, gia đình người dẫn đường tổ chức ăn uống và đánh bạc tưng bừng, đến nỗi họ chẳng còn đả động đến chuyện đưa gia đình tôi đi tiếp để đến biên giới Thái.

Chúng tôi lo sợ vô cùng vì đã giao hết vàng cho họ rồi. Chúng tôi cứ nhấp nhỏm như ngồi trên đống lửa, bụng bảo dạ chắc là họ không muốn giúp mình đi tiếp nữa. Nhắc nhở vặn vẹo hoài thì sợ họ giận mà im thì lòng bồn chồn và lo lắng.

Cuối cùng, tôi hỏi lại lần nữa thì bọn họ giải thích rằng bây giờ là tết Miên, ai cũng nghỉ ở nhà để ăn tết nên không ai đi buôn bán ở biên giới. Nếu mình mà đi là lộ ngay vì bọn lính kiểm soát rất kỹ trong mấy ngày tết. Bởi vậy chúng tôi ngậm cay nuốt đắng để nằm chờ tại Battambang.

Qua ngày tết Miên thì người dẫn đường bắt đầu đi dò đường để kiếm xe đi tiếp. Tôi có dặn anh từ trước rằng tôi bị tật ở chân nên không thể đi bộ lâu được. Đến mấy ngày sau, anh ta trở về và nói là thuê xe không được vì họ đòi giá quá cao. Thế là, chị em tôi nghi là hắn kiếm chuyện để đòi thêm tiền. Chị tôi bèn rút hết số vàng đem theo là một chỉ rưỡi để đưa luôn cho hắn.

Nhờ vậy hôm sau nữa, hắn mới thuê được xe. Gia đình tôi ba người và gia đình anh dẫn đường đều chất lên một chiếc xe của bộ đội Miên. Bọn bộ đội này dùng công xa để mánh mung chở hàng hoá và đồ ăn như rau, cá, gạo... cho thường dân Miên rồi lấy tiền chia chác bỏ vào túi riêng. Vì là xe của bộ đội, nên qua bao nhiêu trạm là bọn lính gác ở các trạm đều mở cổng cho xe đi, nên chúng tôi đỡ phải lo nạn bị bắt. Còn bọn dẫn đường vì đã quen cái trò đưa người đi nên họ giả đò dẫn gia đình riêng của họ gồm mẹ, em gái và các cháu nhỏ để đánh lạc sự nghi ngờ của mọi người.

Tất cả các phụ nữ và con nít thì ngồi trong xe, còn tôi, người dẫn đường và các đàn ông Miên thì phải ngồi trên nóc mui xe. Đoạn đường đi từ Battambang đến Sway (Soai) đầy ổ gà nên xe dằn quá sức, chịu không nổi. Riêng tôi, tôi mệt đến độ có thể chết ngay tại đó. Nắng, khát, bụi đất, đường ổ gà dằn làm tôi mệt lả người.

Lúc ấy, tôi chẳng còn tha thiết điều gì nữa. Chân tôi tê cứng lại nên tôi đành phải tháo đôi dép cao su cho đỡ đau. Hễ mỗi lần tôi tháo dép ra là người dẫn đường lại vội vàng lượm dép mang vô lại trong chân tôi. Vì tôi mang giày nhiều nên chân rất trắng, nay nếu bỏ dép ra thì lòi đôi chân trắng, khác biệt ngay với những người Miên ngồi chung xe. Vì thế, tôi đành mang dép để che đôi chân trắng của mình.

Khi tới Sway, chúng tôi đều mệt nhừ tử. Ở đó, người dẫn đường bắt liên lạc được với một người quen của anh, hình như anh ta cũng đến từ Battambang.

Trong khi người dẫn đường đi thuê xe bò thì tôi được giao cho một xe đạp cũ để cùng người dẫn đường thứ hai, mà tôi sẽ gọi là Su, đạp xe tới lui trong vùng đó cho khỏi ai nghi ngờ.

Chúng tôi tạm chia ra hai cánh: gia đình tôi và gia đình người dẫn đường đi bộ tới một góc đường đứng chờ. Tôi và Su thì đi xe đạp. Còn người đưa đường kia thì đi cùng với bọn người lái xe bò lượn tới lượn lui. Chờ đến thời điểm thích hợp, chiếc xe bò đang từ đường nhựa, quẹo gấp lại vào con đường đất đỏ. Thế là gia đình tôi từ hai cánh được ngồi lên cùng một xe bò.

Tới đây, gia đình người dẫn đường từ giã ra về. Họ nói là nhiệm vụ của họ đã hết, còn những người đi trên các xe bò là những người chuyên môn đi qua biên giới nên họ sẽ đưa chúng tôi đi tới Thái. Lúc ấy, chúng tôi hoang mang và hồi hộp vô cùng.

Hành trang của gia đình chỉ gồm có hai giỏ chứa đủ thứ thuốc men và quần áo. Thế mà lúc ấy, chúng tôi chỉ còn có một giỏ thôi vì giỏ thứ hai thì bị bọn người dẫn đường giữ giùm và lấy luôn.

Anh dẫn đường đạp xe đạp đi đường khác và hẹn sẽ gặp lại gia đình tôi sau. Khi ấy chỉ còn một người đánh xe bò, vợ anh đang bồng con nhỏ của chị. Gia đình tôi thì lớ ngớ, lòng muốn hỏi thăm tình hình đường xá ra sao nhưng không biết tiếng bản xứ để hỏi, mà họ thì không biết tiếng Việt. Đành chịu chết!

Lúc đó trời đã xế chiều, trên xe bò chỉ gồm có một chiếc chiếu rách còn thì trống trơn. Xe bò vừa đi được khoảng nửa cây số thì đến một trạm gác của du kích Miên. Xui quá, xe vừa vượt qua khỏi cổng thì bọn lính Miên kêu giật lại. Chúng nói một tràng tiếng Miên với người đánh xe bò. Anh chàng này lắc đầu, ý như anh không biết gì cả còn bọn chúng muốn làm gì thì làm.

Thế là bọn du kích Miên kêu nạt lớn chúng tôi một câu:

-Xuống xe!

Chúng tôi y lệnh theo chúng vào nhà. Chúng ra lệnh cho chúng tôi cởi hết đồ để lục xét, xong rồi chúng lấy hết tất cả đồ đạc trong giỏ của chúng tôi gồm thuốc men, khăn rằn, quần áo, đến cả cây viết ”Bic” nữa. Từ đấy, chúng tôi chẳng còn gì ngoài một bộ đồ cũ ở trên người. Chị tôi vừa lo sợ vừa đau khổ nên khóc tức tưởi. Đứa cháu nhỏ của tôi cũng khóc nức nở. Còn tôi, cơn đau làm tôi uất ức, kêu trời không thấu. Tôi nghĩ thôi thế là hết.

Màn đêm đã bao trùm khắp nơi, nếu ở đây là còn sợ chúng hãm hiếp chị tôi nữa. Bọn chúng lôi súng ống và dao búa ra dọa nạt chúng tôi và đòi phải lột vàng ra để giao hết cho chúng thì mới được đi tiếp. Chúng còn ra lệnh cho anh đánh xe bò đánh xe đi. Chúng tôi tuyệt vọng đến tột độ rồi. Chắc đời tàn tại đây thôi. Thật kêu trời cũng không thấu nữa.

May thay có một người Miên đi bộ theo xe bò đem một nắm tiền Miên tới giao cho bọn chúng và ra dấu chỉ còn chừng đó thôi. Tôi nghĩ có lẽ đây là tay chân của người dẫn đường kia. Bọn lính Miên làm bộ khó dễ một hồi, rồi hất tay la lên:

”Đi!”

Chúng tôi mừng rỡ, lật đật bước đi. Tôi bèn đưa tay lấy lại chiếc khăn quàng của tôi thì bị chúng giật khăn lại. Nhưng chúng cho lại chị tôi một chiếc khăn quàng cũ rách để chị đội trên đầu.

Trời lại đổ mưa tầm tã. Cháu tôi chỉ còn một chiếc áo mỏng trên người. Chúng tôi đi lần tìm về phía xe bò ở xa xa. Lòng buồn não nuột lại hoang mang vô vàn, phần khác lại lo sợ cho đứa cháu có thể mắc bịnh vì trúng mưa. Sau này, tôi được biết trạm này rất nguy hiểm vì đã có rất nhiều người Việt bị chận bắt tại đây. May cho chúng tôi là không có bộ đội Việt nam ở trạm kia trong giây phút ấy. Mọi ngày vẫn có quân đội Việt nam ở đó. Họ không ăn hối lộ ít như lính Miên mà ăn rất nhiều. Nếu không có tiền thì tiêu đời.

Trở lại chuyện gia đình tôi lúc ấy, chị tôi vẫn khóc rưng rức trong cơn mưa triền miên. Chúng tôi ngồi chịu trận dưới cơn mưa đêm. Ai cũng run cầm cập. Lại muốn hỏi nhưng đành chịu vì ngôn ngữ bất đồng. Anh đánh xe bò cũng muốn nói với tôi điều gì đó nhưng rồi anh cũng im lặng luôn.

Cứ thế, chúng tôi vừa lạnh run, vừa lo âu. Chúng tôi ngồi trên xe bò đi suốt đêm. Tiếng xe bò lạch cạch vang lên trong đêm vắng cộng với tiếng khóc thổn thức của chị tôi, càng làm cho lòng tôi lo sợ và bâng khuâng:

”Mình sẽ đi về đâu? Tới bến bờ tự do hay bị bỏ rơi giữa đường?”

Xe bò băng qua một cánh đồng để đến một cái vườn hoang có trồng dừa và nhiều loại cây cối. Tự nhiên, chiếc xe bò đứng dừng lại như để chờ đợi một điều gì. Xa xa có tiếng súng nổ dòn, có ánh lửa sáng rực, có làng mạc nhà cửa, và có các luỹ tre rậm rạp...

Trong lúc đó, chúng tôi thắc mắc vô cùng nhưng không thể hiểu được. Khi ấy, người đánh xe bò ra hiệu cho chúng tôi xuống xe đi tiểu. Còn anh thì chạy vào bụi rậm, lấy mấy đống rơm cho trâu bò ăn. Số rơm còn lại thì anh ta bỏ lên xe bò để lót cho chúng tôi ngồi. Hình như anh ta đã quá quen với lộ trình đi, với nơi dấu rơm và cách dấu rơm.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi suốt đêm. Chị tôi và cháu nhỏ được ngồi lại trên xe bò. Còn tôi phải đi bộ với người Miên khác và theo một lộ trình khác. Gia đình tôi lại phải xé lẻ ở đoạn đường đó, để chia làm hai nhóm. Theo lối diễn tả của họ thì nếu tôi mà ngồi chung với gia đình là bị lộ ngay lập tức.

Từ khi ấy, tôi và người Miên dẫn đường phải lội sình lầy qua các cánh đồng đầy nước. Về sau này, tôi mới biết rằng cái làng xa xa đó là làng mạc của Khmer Đỏ, tức là lực lượng Pol Pot. Do đó, tên dẫn đường cứ tìm cách dắt tôi tránh né ngôi làng của Khmer Đỏ.

Mỗi khi có tiếng súng nổ là tên dẫn đường lại dừng ngay lại để nghe ngóng, còn tôi thì hồi hộp lo lắng, vì không biết điều gì sẽ xảy tới cho mình. Đêm như dài vô tận. tôi phần sợ lạc gia đình, phần hoang mang lo âu, phần mệt mỏi vì phải đi bộ suốt đêm trường, qua các vũng sình lầy nước đọng nên tôi cứ đi như lết theo dấu chân người dẫn đường.

________________________________________
Chương II-1b: Hồi Ký Của Ông Lê Bá B., Một Người Tị Nạn Đường Bộ (b)

(tiếp) Khuya hôm ấy, tôi được dẫn vào một làng của người Khmer Đỏ. Trong làng tối đen như mực. Người ta di chuyển trong làng đều phải dùng đèn pin. Mỗi khi có ánh đèn pin lóe lên là tôi sợ điếng hồn vì ngỡ rằng công an hay bộ đội Miên bắt mình.

Cũng tại làng ấy, tôi gặp được chiếc xe bò đã chở gia đình tôi. Lòng mừng thầm vì tôi nghĩ rằng mình sẽ được leo lên xe bò đi tiếp thay vì phải đi bộ. Ai ngờ xe bò lại đi tiếp về phía trước, còn tôi phải lẽo đẽo theo sau và giữ khoảng cách độ mười thước.

Tới một trạm gác, có một tên lính Miên chận xe bò lại và nói một tràng tiếng Miên. Lập tức, chiếc xe bò phải ngừng lại. Nhanh như cắt, tên dẫn đường kéo tôi đi tách ngay qua đường khác liền. Tôi sợ run lên vì nghĩ rằng chị và cháu tôi có thể bị phát hiện và bị giam giữ tại đó rồi. Trời thương nên tôi không ngồi trên xe bò ấy.

Dù đi lối khác để tránh sự dòm ngó, nhưng tôi luôn phải chạy theo người dẫn đường. Chúng tôi đi lạc vào một bãi gò mồ ma. Nơi này có đầy phân và nước tiểu. Mỗi bước đi là đạp lên phân. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm tôi muốn ói. Tuy vậy chúng tôi không còn cách chọn lựa nào khác an toàn và tốt hơn cả.

Chúng tôi cứ lần mò mãi trong đêm đen như những người mù. Cuối cùng, tôi được dắt vào một nhà sàn có lầu cao. Hình như đó là nhà của một nhân viên cao cấp Khmer Đỏ, có liên hệ bà con với bọn dẫn đường. Sau đó, họ lấy mì sợi cho tôi ăn để lấy lại sức. Nhưng tôi vì mỏi mệt quá lại căng thẳng đầu óc nên ăn không nổi, mà chỉ xin uống thuốc thôi.

Cũng tại ngôi nhà này, tôi gặp lại chị và cháu tôi. Cả hai người đang nằm sẵn từ hồi nào rồi. Thì ra lúc xe bò chận lại thì bọn lính chỉ hỏi han qua loa rồi cho đi qua chứ không bắt lại. Cả ba chúng tôi mừng rỡ vì được đoàn tụ, còn sống sót mà nhìn thấy nhau là vui rồi.

Thế rồi, chị em tôi bảo nhau đi ngủ cho đủ sức mà đi tiếp nữa. Còn bọn người Miên trong nhà thì nói chuyện nho nhỏ vì nơi này nguy hiểm, đó thuộc vùng kiểm soát của Khmer Đỏ. Nếu bị lộ thì mất đầu như chơi.

Nơi đây, chúng tôi cũng gặp lại người đẫn đường đã đưa chúng tôi từ Sàigòn đến Nam Vang và Battambang. Anh ta nói tiếng Việt với chúng tôi rằng:

-Bây giờ đã đến nơi an toàn rồi. Coi như anh chị đã thành công rồi. Vậy xin anh chị hãy viết mật mã cho tôi về Sàigòn lãnh số vàng còn lại. Vì khi ở trại tị nạn, chúng tôi không dám đến đó để lãnh tiền. Ở đó có Hội Thiện Quốc Tế, ai mà dám đòi tiền nong và mật mã?

Chị em tôi bàn tính thiệt hơn. Đây đâu đã phải là trại tị nạn mà chỉ mới là vùng của Khmer Đỏ kiểm soát. Mình sống chết chưa biết lúc nào, làm sao mà dám viết thư về nhà để giao tiền hết cho họ?

Tuy nhiên, sau khi thảo luận, chị em tôi đều đồng ý viết đúng nội dung mật hiệu mà chúng tôi đã thỏa thuận với người nhà ở Việt nam để họ có thể về lấy tiền. Chúng tôi nghĩ:

”Mình cứ lấy lòng ngay thẳng mà đối với họ rồi Ơn Trên sẽ giúp đỡ và che chở cho mình.”

Vì thế, tôi liền viết mật hiệu vào tờ giấy như sau:

”Anh, B., Sơn đã khỏi bịnh.”

Anh là tên của chị tôi, B. là tên của tôi, còn Sơn là tên của cháu tôi. Nếu tôi viết mật hiệu có nội dung khác như:

”Ba chị em tôi đã đến Mỹ,”

Thì làm sao hắn biết được? Mà về đến Việt Nam thì người nhà tôi dứt khoát không bao giờ giao tiền cả vì hai mật hiệu hoàn toàn khác biệt.

Sau khi giao mật hiệu cho anh ta, gia đình tôi ngủ đỡ độ chừng một, hai tiếng đồng hồ cho đỡ mệt. Đến lờ mờ sáng thì bọn họ đánh thức chúng tôi dậy đi tiếp. Anh dẫn đường kia đã đi về hướng Việt Nam để lãnh tiền. Từ đó trở đi, chúng tôi chỉ đi với bọn dẫn đường khác mà thôi.

Lần này cả ba chúng tôi phải đi bộ băng qua các khu gò mồ mả. Đi một lúc lâu, cháu nhỏ của tôi mệt quá nên đi không nổi nữa. Người dẫn đuờng phải cõng nó mà đi tiếp. Chúng tôi băng đồi mà đi mãi. Khi đến một khu rừng âm u vắng vẻ, chúng tôi cùng người dẫn đuờng đứng tại đó để chờ xe bò.

Chờ thật lâu mà xe bò không thấy tới, chúng tôi bồn chồn nóng ruột vô cùng. Người dẫn đường cũng lo âu không kém. Hắn nhìn tới nhìn lui, chép miệng và nói một tràng tiếng Miên. Tôi đoán rằng anh ta bực mình nên phàn nàn về việc chiếc xe bò đã đi lạc hướng rồi. Những phút chờ đợi dài lê thê. Rốt cục, chúng tôi nghe tiếng xe bò lọc cọc đi tới.

Khi xe bò đến nơi, người đánh xe bò vẫn là người cũ, nhưng người ngồi trên xe bò phiá sau lại là người lạ. Người đánh xe bò dừng xe lại rồi trả tiền cho người lạ kia. Chúng tôi đoán chừng anh ta dẫn dường cho anh chủ xe bò đi lọt qua các trạm gác. Anh nọ nhận tiền là đi ngay, bóng anh mất hút về phía đường khác.

Đến bấy giờ, ba chúng tôi lại được ngồi trên xe bò cùng với chủ xe và anh dẫn đường để đi tiếp. Lần này xe bò đi vào rừng chứ không còn cảnh đồi hay ruộng nữa. Xe đi băng rừng mãi cho đến khoảng 9:00 giờ sáng. Tiếng chim hót thật hay lạ lùng và làm vui tai người nghe. Rừng thật yên tĩnh hoang vu, không một bóng người, không có cả tiếng động, ngoài tiếng xe bò đi lọc cọc và tiếng chim ríu rít hót líu lo.

Cảnh rừng thật đẹp và hùng vĩ nhưng tôi chẳng còn lòng dạ đâu mà thưởng thức cảnh đẹp nữa, chỉ toàn thấy hồi hộp và lo âu. Đi thật lâu trong khu rừng vắng mà không thấy động tĩnh gì, nên chúng tôi tạm yên tâm.Trong khi đó, anh dẫn đường chỉ tay về phía trước và nói:

”Thái Lan, Thái Lan!”

Chúng tôi mừng vì nghĩ là chắc sắp tới nơi an toàn rồi, có lẽ trại tị nạn chỉ còn vài bước nữa thôi. Thình lình, từ trong đám bụi cây, có ba người lính bộ đội Việt Nam, đầu đội ba chiếc nón cối nhảy xổ ra đột ngột làm cho chúng tôi giật nẩy mình.

“Ôi thôi, bộ đội Việt Nam rồi!”

Chúng tôi rụng rời tay chân, lòng thầm nghĩ:

”Thế là hết, đã đến nơi mà gặp bộ đội thì đời tàn rồi. Tiền đã hết, làm gì có mà hối lộ cho họ nữa chứ? Họ lại bắt mình về Việt Nam rồi. Ôi! Uổng cho công sức, uổng cho tiền bạc đã mất đi. Thế là mất tất cả rồi! Không còn gì nữa hết rồi!”

Chúng tôi tuyệt vọng và sợ hãi đến tột độ. Ba người bộ đội hỏi chúng tôi bằng giọng Bắc nặng và quê của những người Bắc vào miền Nam sau năm 1975, chứ không phải những giọng Bắc của những người Bắc di cư năm 1954:

-Mấy người đi đâu?

Bọn người Miên đứng im lặng không trả lời đã đành, còn chúng tôi cũng im lặng luôn, giả bộ là người Miên, không hiểu tiếng Việt. Lính bộ đội hỏi tiếp:

-Rõ ràng mấy người vượt biên mà. Người Việt Nam sao không trả lời?

Thôi, lộ tẩy rồi! còn gì nữa mà giả bộ không hiểu. Chúng tôi bắt buộc phải trả lời:

-Bọn tôi là người Việt Nam.

Họ hỏi tiếp:

- Mấy người đi đâu thế?

-Bọn tôi định đi Thái Lan thăm người bà con.

-Vượt biên chứ Thái Lan, Thái liếc gì! Xuống! Xuống xe hết!

Chúng tôi ngán ngẩm, vội bước xuống xe hết. Họ lại hỏi:

-Tại sao đi vượt biên?

Chị tôi khóc lóc thảm thiết và trả lời:

-Dạ tại khổ quá nên chúng tôi phải đi.

-Biết khổ sao còn đi? Bây giờ có tiền không? Không tiền là không đi đâu hết!

Thế là bọn họ tách chúng tôi ra hai nhóm để lục xét. Họ bắt chúng tôi cởi quần áo ra để họ lục soát kỹ xem có vàng bạc hay tiền nong gì không. Sau đó họ định hãm hiếp chị tôi ngay tại đó. Chị tôi sợ run rồi khóc nức nở. Vừa khóc, chị vừa năn nỉ và van xin thật lâu:

-Các anh cũng đáng tuổi em của tui, xin làm ơn tha cho tui đi.

Cuối cùng, họ tha cho chị. Họ xét rất kỹ mà chẳng kiếm được cái gì, vì còn gì nữa đâu mà họ lấy? Rốt cuộc, họ giật hai mẩu bánh mì trên tay cháu tôi. Hai mẩu bánh mì này là do quà của anh dẫn đường cho cháu tôi. Bọn họ bảo:

-Chắc là có dấu đồ trong bánh mì rồi. Có phải dấu đồ trong bánh mì không?

Tôi nghĩ chắc họ ở đây cũng thèm bánh mì nên mới lấy bánh mì của cháu tôi để mà ăn. Thế rồi họ cứ kéo dài việc lục soát. Chúng tôi sợ càng kéo dài càng nguy hiểm vì lỡ đồng bọn họ kéo tới thêm nữa thì còn khó mà thoát hơn. Lúc ấy, tôi chợt nhớ ra là trong cổ tôi còn có một tượng Phật bằng ngà bọc vàng tây. Tôi đeo tượng Phật để mong được Phật độ trì và che chở. Tôi dùng sợi dây tròn trắng mà binh lính thường đeo thẻ số quân để đeo tượng vào cổ. Cũng may là bọn Miên cướp đường lúc trước đã xét lục mà chưa tìm ra. Tượng đeo trên cổ, lẫn vào cổ áo mà chúng đã không thấy, kể cũng là lạ thật! Bọn lính cố dùng dằng tìm kiếm đồ quý hay tiền vàng trong quần áo chúng tôi hoặc để cho chúng tôi sợ hãi và sốt ruột mà thòi đồ quý ra cho họ.

Tôi bèn năn nỉ:

-Xin các anh cho chúng tôi đi, bao nhiêu vàng tôi đã giao cho bọn dẫn đường. Còn tiền bạc và đồ qúy giá thì bọn Miên cướp đường lần trước đã lấy hết. Không tin mấy anh hỏi bọn dẫn đường này mà xem.

Nhóm bộ đội nạt lớn:

-Mấy thằng Mán rừng đó làm sao mà hỏi nó được? Nó có biết tiếng Việt gì đâu mà hỏi?

Tuy nói thế nhưng bọn họ cũng tới nạt hỏi bọn người Miên dẫn đường. Họ chỉ lắc đầu quầy quậy chứ chẳng chịu hối lộ tiền cho nhóm bộ đội Việt Nam kia. Tôi thầm nghĩ:

“Mình phải tìm cách đi chứ kéo dài mãi thì chết.”

Thế là tôi nói:

-Tôi còn tượng Phật này, các anh lấy đỡ rồi cho tôi đi!

Vừa nói, tôi vừa tháo gỡ tượng Phật giao cho mấy anh bộ đội để họ cho đi. Cầm tượng Phật xong, họ liền hất hàm ra lệnh:

-Thôi đi đi! Mấy người sao mà gan vậy? Đường này toàn gài mìn hết cả rồi! Bây giờ anh chỉ bọn Miên đi đường bên trái kia kìa. Nếu đi đường bên phải là tiêu luôn đó nghe!

Tôi trả lời:

-Mấy anh làm ơn nói hộ với nhóm người Miên cho họ hiểu, chứ tôi đâu có biết tiếng Miên mà nói với họ?

Bọn họ liền nói một tràng tiếng Miên với những người dẫn đường và chỉ trỏ các lối đi an toàn cho chúng tôi đi. Khi đó, chúng tôi mừng quá vì đã thoát nạn nên vội leo lên xe bò ngay. Xe vừa chuyển bánh thì ba người bộ đội dặn vói:

-Đằng trước còn nhiều trạm bộ đội Việt Nam nữa. Nếu họ có chận hỏi thì làm bộ giả người Miên, nhớ đừng trả lời. Hễ trả lời là chết đó! Thôi đi lẹ lên!

Tôi thầm nghĩ:

”Làm sao mà giả người Miên được? Họ nhìn là biết ngay mình là người Việt. Dấu làm sao được? Từ khuôn mặt đến dáng điệu, nhìn là biết liền.”

Chúng tôi cám ơn họ rối rít rồi đi tiếp. Xe băng rừng và đi độ thêm một hai tiếng đồng hồ gì đó thì chúng tôi gặp một đám lính mặc đồ rằn ri, có mang súng ống đầy đủ. Chúng tôi thoạt đầu mừng quá vì nghĩ rằng chắc đây là:

”Quân ta đây rồi! Đồ quân phục của lính Dù, lính Biệt Động Quân đây mà! Ôi, màu áo quen thuộc, thân thương của quân ta đây!”

Nhưng lúc đến gần, chúng tôi mới biết là lính dù Người Miên. Chúng có cái tên quen thuộc là Para. Chúng là lính của quân đội giải phóng Miên. Bọn chúng xúm lại, kéo chúng tôi khỏi xe bò để dắt vào lùm cây mà xét và cướp của lần nữa. Mặt mũi của bọn Para ra này thật dữ dằn và hung tợn. Thằng nào cũng xâm hình tượng Phật nhỏ đầy mặt, đầy cổ và đầy người. Chúng còn đeo tượng Phật và bùa đỏ đầy trên cổ.

Bọn Para trao đổi lời lẽ với những người đi xe bò dẫn đường và muốn đuổi họ đi. Nhưng bọn họ không đi mà cứ đứng nấn ná đợi chúng tôi. Bọn Para thì cứ xua tay đuổi bọn kia đi để chúng dễ bề xét người và cướp của trên người của chúng tôi.

Chúng chia nhỏ toán quân và dò xét quanh vùng. Một vài tên lính Para biết tiếng Việt lõm bõm, chúng bèn hỏi chúng tôi với giọng lơ lớ và sai văn phạm, nghe thấy thật buồn cười:

-Có gặp bộ đội Việt Nam không? Bộ đội Việt Nam đông không? Họ có những súng gì?

Rồi chúng lại tiếp tục xét người chúng tôi. Chúng tôi lại phải bị lột quần áo và đứng tơ hơ. Tụi này khám rất kỹ, kể cả hậu môn và chỗ kín chúng cũng không bỏ qua. Lại một thằng Para Miên lấy súng lục kê cạnh tai tôi và hỏi gằn:

-Bộ đội Việt Nam phải không? Bộ đội hay nhân dân Việt nam?

Tôi sợ quá, run cầm cập mà trả lời:

-Tôi là dân Việt Nam đi vượt biên, chứ không phải bộ đội Việt Nam.

Hắn hỏi gằn đi gằn lại:

-Thiệt không? Nói láo bị bắn chết ngay! Khai thiệt đi, nhanh lên!

Cứ thế, nó dọa nạt tôi đủ thứ. Lúc ấy, trong túi quần tôi còn một cái dụng cụ ngoáy tai bằng bạc mà tôi giữ làm kỷ niệm đã lâu. Thằng Para này đòi lấy, tôi cũng đưa luôn. Tiếc gì nữa mà giữ lại? Cháu nhỏ của tôi còn một tượng Phật bằng bạc, chúng nó cũng đoạt lấy luôn.

Tìm tòi mãi mà chẳng có gì đáng giá, chúng bèn ra lệnh cho chúng tôi mặc quần áo lại mà đi tiếp với toán quân của chúng. Đi một chập, chúng tôi gặp lại chiếc xe bò cũ, bọn Para lại trao đổi, mặc cả và trả giá gì đó với bọn đi xe bò. Cuối cùng chúng lại đuổi bọn xe bò đi.

Thế là từ đấy, chúng tôi không còn gặp lại chiếc xe bò đó nữa. Trong lòng lo lắng và sợ hãi, chúng tôi chỉ sợ bọn người rừng rú này làm bậy và hãm hiếp chị tôi. Nhưng Trời thương, chúng không hãm hiếp.

Khi đến một nơi tiền đồn, có giao thông hào và đồn phòng thủ, chúng bèn giao chúng tôi cho một toán quân ở nơi đó và bảo đưa chúng tôi đến Non Chan. Bọn lính sau này gặp một xe bò chở nước, chúng nhảy lên xe bò ngồi và cho phép cháu nhỏ của tôi leo lên xe theo. Tay chúng lăm lăm ghìm súng chỉ vào người chúng tôi như muốn sẵn sàng nả đạn vào gia đình tôi.

Trong lúc đó, chị tôi và tôi phải chạy bộ theo dấu xe bò mà đi. Vừa mệt, vừa sợ lạc mất đứa cháu, vừa khát khô cổ nhưng chúng tôi vẫn phải bương bả chạy theo xe bò mà đi. Cơn nắng lên cao, cơn đói khát, nỗi sợ hãi làm chúng tôi mệt đến có thể ngất xỉu ngay tại đó.

Ôi! đường đến với tự do sao quá khổ sở, đầy gian nan thử thách và đầy nguy hiểm như thế này? Chúng tôi lần mò đi để tìm đến vùng Non Chan. Một bước ngoặt của đoạn đời mới đầy tủi nhục và đau thương bắt đầu từ đây!


________________________________________
Chương II-2a. Trại Tù Ở Non Chan, Khu Thứ Nhất


Khi chúng tôi tới Non Chan là vào buổi trưa ngày 22, tháng 4, năm 1982. Từ xa, chúng tôi thấy những căn nhà lụp xụp làm bằng cỏ tranh, trên có che những tấm ni lông màu xanh da trời. Xa xa, tôi thấy một lá cờ của lính giải phóng Miên, có màu xanh, đỏ và một hình tháp chính giữa. Tôi vì quá mệt nên cũng không còn đủ sức mà nhìn rõ xem màu sắc và hình vẽ của lá cờ như thế nào.

Khi đến nơi, tôi nghĩ là mình đã đến vùng tự do rồi nên lòng mừng khấp khởi. Thế nhưng lại bị một bọn lính Para khám xét nữa để cướp đồ quý. Bọn chúng hỏi tôi bằng một tràng tiếng Miên. Tôi không hiểu mà chỉ ra dấu rằng tôi quá khát và cần nước uống. Nhưng thay vì cho tôi uống nước, chúng lại bắt chúng tôi cởi quần áo để chúng moi móc tìm mọi chỗ, kể cả chỗ kín trong người.

Lúc ấy tôi chỉ còn vỏn vẹn có một bộ đồ mặc trong người và một đôi dép râu quai bố (loại dép Bình Trị Thiên). Dù vậy, bọn Para cũng không tha vì chúng nghĩ rằng tôi có thể dấu vàng bạc ở đôi dép ấy. Chúng lấy luôn đôi dép râu của tôi và trao cho tôi một đôi dép Nhật khá tốt.

Sau này, tôi đã khốn khổ vì đôi dép ấy trong những tháng ngày dài sống thiếu thốn ở trại tù Non Chan và trại tị nạn NW 82. Đôi dép cũ mòn hư hao. Tôi đã phải tìm mọi cách để cột đôi quai dép lại cho có thể đi tạm được. Đi chân trần khổ lắm, vừa đau, vừa đạp gai, đạp miểng chai, sâu bọ hay phân người. Tôi cứ tiếc hùi hụi cho đôi dép râu bền chắc đã bị bọn Para lấy mất.

Bọn Para mới dữ dằn vô cùng. Chúng hạch hỏi đủ thứ, kể cả ngày sinh tháng đẻ và cả nơi sinh của chúng tôi để làm thủ tục giấy tờ. Bà chị tôi lúc ấy quá sức sợ hãi nên khai bậy bạ. Chị khai nhiều tuổi hơn tuổi thật. Chị khai lộn xộn hết mà từ đó, tôi không dám điều chỉnh lời khai nữa vì sợ chúng nghĩ rằng mình có ý man trá nên khai tầm bậy. Chính vì thế mà kẹt luôn cho đến khi khai để xin được bảo lãnh, tôi cũng phải khai như lời chị khai.

Làm thủ tục xong, bọn chúng lại giao chúng tôi cho một tên lính dắt đi đến một văn phòng khác ở rất xa. Chúng tôi đi mãi, băng qua một khu chợ. Ở đấy, người ta che các căn nhà lụp xụp bằng lớp cỏ tranh hay bằng tấm vải ni lông xanh.

Khi tới một văn phòng khác của Para, chúng tôi phải ngồi chờ rất lâu ở đó. Thế rồi lại một màn cởi quần áo để khám xét kỹ lưỡng nữa. Bao nhiêu nỗi tủi nhục và cực lòng làm chúng tôi đau đớn vô cùng. Thân phận mình còn bị bạc đãi và coi thường hơn một con chó hay con kiến nữa.

Sau đó, chúng dắt chúng tôi vào một trại tị nạn. Thoạt đầu, chúng tôi tưởng bở, lòng mừng rỡ vì ý nguyện đã thành tựu. Trại tị nạn đây rồi! Ôi ba chữ ” Trại tị nạn” sao nghe vui tai và hay ho đến thế. Nhưng hỡi ôi! khi đến nơi mà gọi là trại tị nạn thì đó chỉ là một nhà tù nhỏ làm bằng tranh, chung quanh đóng cột gỗ và có hàng rào đầy thép gai.

Nhìn vào trong nhà thì thấy rất nhiều người đứng lố nhố, đặc biệt là đàn ông và con nít đều ở trần. Mọi người đứng trong vòng rào kẽm gai nhìn ra. Trông ai cũng đen đúa như một đám mọi đen đói vì ai cũng ốm dơ xương ra. Tôi thấy mình chới với ngay:

”Trại tị nạn gì mà kỳ cục quá, khủng khiếp quá!”

Hình ảnh thực tế của trại tù Non Chan đập mạnh vào mắt tôi.

”Đây là trại tị nạn đó sao? Trại chỉ toàn kẽm gai và đám người bị tù túng, đói khổ như thế này! Thôi rồi, thiên đường của dân tị nạn đường bộ là đây sao?”

Mộng ước sụp đổ tan tành ngay lập tức. Chúng tôi bị xúc động về hình ảnh đau thương trước mắt. Chúng tôi không thể mở miệng mà hỏi han hay nói chuyện với ai cả, chỉ còn biết đứng ngây ra nhìn mà thôi. Sự thật phũ phàng quá! Bao nhiêu cực khổ dọc đường không làm cho chúng tôi chán ngán bằng hình ảnh cái trại tù Non Chan ấy.

Liền đó, tên lính mở dây xích khóa cửa tù để tống ba chúng tôi vào đó. Tống giam xong, hắn cẩn thận khóa cửa để đi về. Địa ngục là đây rồi! Lúc ấy, nhằm lúc bọn tù đàn ông đi làm lao động hết rồi, chỉ còn bọn tù đàn bà, con nít và một số đàn ông bịnh hoạn ở lại trại giam này mà thôi.

Khi chúng tôi bị tống vào trại, trong đó ai cũng nhìn chúng tôi bằng đôi mắt thương hại. Họ ở đó lâu qúa rồi, và họ đã nếm đủ mùi cực khổ rồi. Bây giờ chúng tôi cũng lại lao đầu vào chốn địa ngục trần gian ấy nên họ thương hại.

Lúc chúng tôi nhập trại thì trời đã quá trưanên ai cũng ăn cơm hết rồi. Theo lời họ kể thì cơm là do bọn tù đàn ông đi làm lao động khổ sai rồi để dành cơm đem về cho vợ con ở kẹt trong tù. Cơm chỉ ăn với muối trắng mà thôi.

Chúng tôi quá tuyệt vọng và mỏi mệt nên chẳng ăn được mà chỉ khát nước mà thôi. Một vài người đàn bà tốt bụng đã cho chúng tôi vài ngụm nước. Sau này tôi mới thấy rằng họ đã quá tốt với chúng tôi, vì nước trong tù rất hiếm và qúy còn hơn là vàng nữa.Tình đồng hương, đồng cảnh ngộ thật đáng ngợi khen. Ở trong tù không có nước, không có muối và không có đồ ăn. Mỗi bữa mọi người chỉ được ăn cháo do bọn lính Para phát cho mà thôi.

Uống vài ngụm cũng chưa đã khát, nên sau đó chúng tôi được các bà ấy rót nước cẩn thận ra ba lon sữa bò và trao cho ba chúng tôi. Hết thẩy mọi người ở đó đều nhìn chúng tôi với sự xót thương, nhưng không ai vội vàng kể cho chúng tôi những chuyện khổ cực trong tù. Có lẽ họ nghĩ rằng chúng tôi vừa mới đến nơi, kể ngay sợ chúng tôi đau khổ sớm.

Trong nhà tù ấy rất dơ dáy, toàn là đất bụi, chiếu thì rách te tua. Người ở trong tù đã quá quen với cảnh dơ bẩn đó, còn chúng tôi thì còn ngại dơ nên đứng lóng ngóng ở đó và không dám ngồi. Mọi người cứ mời chúng tôi ngồi mãi. Cuối cùng chúng tôi đành ngồi nhẹ xuống vì ngồi mạnh lại sợ dơ.

Sau đó chúng tôi mới hỏi thăm tình hình trong nhà tù và được biết rằng căn nhà tù này rất nhỏ, mỗi cạnh độ chừng bốn thước mà được ngăn làm hai: Một bên chứa người Miên hay lính Miên phạm pháp. Một bên chứa người Việt tị nạn. Số người Miên bị giam chiếm hai phần ba, còn số người Việt chiếm một phần ba dân số.

Trước đó, phiá giam người Việt tị nạn có đến bốn mươi hay năm mươi người. Lúc tôi đến thì có khoảng hai mươi hay ba mươi người. Mọi người chen chúc sống trong căn nhà chật hẹp. Khổ một nỗi là ngay trong phòng có một cầu tiêu, chiếm một phần tư diện tích căn phòng. Người ta bài tiết ngay ở đó, mà lại không có nước để dội. Vì thế, mùi hôi thối bay ra nồng nặc, lại thêm ruồi bọ nhiều như ong. Ruồi nhiều đến nỗi chúng bu vô cơm, cá khô và tất cả mọi thứ. Con nít đi tiêu chảy tung tóe đến nỗi phân dính đầy trên chiếu.

Tối đến, chúng tôi cũng vẫn phải ngủ trên chiếc chiếu có dính phân. Phòng vừa chật vừa hôi thối, người ta chen chúc như nêm cối. Lúc đầu, chúng tôi thấy phòng dơ, ruồi nhiều nên không dám ăn cơm nữa vì chưa ăn đã ớn và sợ đến tận cổ rồi. Cơm nước thì do bọn dân tù nấu ở một nhà bếp làm phía ngoài. Mấy ngày đầu chúng tôi mới đến thì bọn Para cho ăn vài bữa cơm. Sau thì toàn cho ăn toàn là cháo trắng và muối hột mà thôi.

Sau đó, bọn Para cho tôi nhập vào đám tù đàn ông để làm công tác nặng như đào giếng, làm đường, cưa cây xẻ gỗ, làm nhà, đào mìn hay gỡ mìn. Còn đàn bà thì làm những việc nhẹ chung quanh trại. Khổ một điều là đàn bà bị hãm hiếp thường xuyên. Ban ngày, bọn Para kéo đàn bà vào ngay văn phòng của chúng để hành lạc tập thể. Ban đêm lại còn kinh khủng hơn vì chúng lôi phụ nữ đi hãm hiếp từng đêm.

Bọn chỉ huy của Para thường mang danh là chống Cộng, là lực lượng giải phóng, nhưng thực chất, chúng chỉ là bọn thảo khấu, ăn cướp và hãm hiếp phụ nữ mà thôi. Chính những tên được gọi là ”Ông lớn”, hay ”Lục thum” là những tên tai quái nhất.

Ban đêm chúng cho người đem một mảnh giấy gọi hết cô này đến cô kia lên văn phòng cho ”Ông lớn điều tra”. Như vậy ai cũng hiểu là chuyện gì sẽ xảy ra cho những cô gái ấy rồi. Ở văn phòng các ”ông lớn” thường có sẵn bốn, năm tên lính Para ngồi chờ. Khi các cô trở về thường là đi hết nổi, có cô bại liệt hẳn và phải có người dắt nách hai bên.

Còn những tên lính ”tép riu” Para thì hay làm càn. Chúng kéo các cô vào cầu tiêu ngay trong phòng. Có khi chúng hãm hiếp các cô gái ngay trước mặt bọn tù tị nạn người Việt. Cả con nít cũng phải chứng kiến cảnh đốn mạt ấy. Hội Hồng Thập Tự Quốc tế (HTTQT)có can thiệp xin lãnh mọi người tị nạn, đặc biệt là xin cho các cô gái được dời đi đến các trại khác, nhưng lính Para cũng không tha cho họ ra đi.

Thường thường thì các cô gái đẹp mà không có chồng hay không có gia đình đi chung thì bị chúng giữ lại rất lâu để hành lạc. Tôi có quen hai cô gái tị nạn. Sau này một cô được chấp nhận cho tới Mỹ, còn một cô được đi Canada. Hai cô này bị hãm hiếp hàng đêm đến nỗi trở thành ngơ ngẩn nhưng may mà chưa điên. Đàn ông khỏe mạnh thì bị giữ lại ở trại tù rất lâu để làm lao công. Cơ hội đi thoát cũng rất là khó.

Gia đình tôi kể ra là may mắn nhất. Chúng tôi ở trại tù khoảng một tháng rồi được chuyển qua một khu khác gần nhà thương Non Chan. Tụi Para chơi bùa nhiều nên có đứa ngán, không dám hãm hiếp vợ người vì sợ bùa hành. Do đó những gia đình có vợ và con nhỏ thường dễ được đi nhanh hơn các trường hợp khác. Chúng tôi khai là vợ chồng có con nhỏ nên được hội HTTQT can thiệp mạnh và cho đi sớm.

Mỗi tuần, vào sáng thứ tư là ngày hội Hồng thập Tự Quốc tế tới. Ở trong tù, ai cũng mong đợi cho mau đến ngày thứ tư. Đến ngày ấy, không ai phải đi làm lao động cả mà chỉ ở nhà nằm chờ cho hội HTTQT đến lấy danh sách tên tuổi của người tị nạn. Lấy danh sách là một chuyện còn khi nào bọn Para Miên cho đi thì hội HTTQT mới có thể ”bốc” dân tù tị nạn đi được. Nếu bọn Para không cho dân tị nạn đi thì đành phải chờ cho dù mấy tháng, mấy năm vẫn phải chịu.

Như thế số phận dân tị nạn như cá nằm trong rọ, sống khắc khoải dưới sự đàn áp và cưỡng bức tàn bạo của bọn Para. Có nhiều người đã phải chờ cả hai năm. Có người bị giết chết cách tức tưởi nên chẳng bao giờ còn dịp gặp được hội HTTQT cả.

Những người tị nạn nào đã được gặp hội HTTQT thì vẫn tiếp tục đi làm. Còn những người khác vì lý do nào đó như gái đẹp, trai khỏe mạnh, hay tỏ ý chống cự lại bọn Para thì đến ngày hội HTTQT đến, bọn Para bắt họ đứng riêng, không cho gặp mặt nhân viên của hội.

Cũng có người bị bọn Para nghi là Cộng sản, gián điệp, không thành thật hay còn giấu diếm tiền bạc, vàng nên không được chúng cho gặp nhân viên hội HTTQT. Đã có hai người đến trước chúng tôi khoảng mấy tháng và ở trong trường hợp bị chúng tách riêng không cho gặp nhân viên hội HTTQT. Chúng giữ hai người này cả năm trường. Hai ông này rất sợ hãi vì không biết bị bọn chúng đập đầu giết chết lúc nào.

Một điều lạ là bọn Para Miên ghét Cộng sản Miên đã đành , nhưng chúng cũng rất ghét sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa của chế độ cũ. Các vị cựu sĩ quan như đại tá hay trung tá mà vượt biên đến đó cũng bị bọn chúng chúng hành hạ, đầy ải đến nỗi họ ăn ngủ không yên. Tinh thần họ bị khủng hoảng vô cùng. Vì thế tôi lấy làm thắc mắc, chẳng hiểu lý tưởng của bọn Para như thế nào nữa.

Ở trong tù mà không biết tiếng Miên thì thật là khổ. Như trường hợp của tôi: Hôm đó có một đám lính Para tới phòng tôi và nói một tràng tiếng Miên. Chúng tôi chẳng hiểu gì cả, may mà có một phụ nữ tị nạn biết tiếng Miên nên dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi hiểu. Chúng bảo:

”Ai có gia đình thì ở lại phòng này, còn ai không có gia đình thì qua bên phòng kia ở với tù người Miên.“

Vì thế, chúng tôi yên trí ở lại phòng đó. Tối đến lại có một nhóm Para khác đến cũng nói một tràng tiếng Miên. Tôi cũng không biết chúng nói gì. Thế là một lần nữa, người đi qua, kẻ ở lại, còn chúng tôi ngơ ngác đứng xớ rớ. Liền đó, một thằng Para giận dữ đá ngay vào mặt tôi và nạt lớn. Sau đó, nó còn đá bồi vào ngực vào lưng tôi rồi kéo đầu tôi qua phía phòng bên kia.

Những người ở cùng phòng hoảng hốt hét to:

”Đi ra đi! Đi ra đi!”

Tôi hốt hoảng và chạy ”dọt” ra ngoài. Như vậy là đàn ông dù có gia đình hay không gia đình đều phải qua phòng đó. Thế là chúng muốn tách tất cả đàn ông ra một phòng riêng.

Tôi vội vàng chạy chúi đầu vào phòng của người Miên và không dám ngóc đầu lên nữa. Tối đó, tôi phải nằm trên một chỗ đất lồi lõm, không bằng phẳng mà ngủ. Vì vào phòng sau cùng, nên ai cũng dành chỗ tốt hơn, còn tôi chỉ có chỗ nằm tệ nhất thôi.

Đêm hôm đó, tôi đau lưng cả đêm, lại thêm bị tức ngực và đau mặt ê ẩm vì những cái đá của thằng lính Para độc ác. Dù đau và nằm không thoải mái, tôi cũng chịu trận vì hễ trở mình, lỡ đụng bọn tù Miên bên cạnh là chúng đạp lại và đánh tôi ngay. Thật là khổ ải, hết bị bọn này hành hạ lại đến bọn khác đánh đập. Ngay cả đến chút nước uống của mình, bọn tù Miên cũng cướp lấy, không cho chúng tôi uống.

Ban ngày, đàn ông tù tị nạn đi làm, được nấu cơm ăn bên ngoài. Ăn xong, bọn họ gói cơm và để dành nước đem về cho tù đàn bà và con nít ở nhà. Cứ chiều đến, những người tù ở nhà đứng bu bên cạnh hàng rào kẽm gai, ngóng mắt chờ mong những người tù nam về để xin cơm và nước mà sống qua ngày.

Vì sống trong cảnh khổ đau cùng cực nên chúng tôi thương yêu nhau như trong tình gia đình: chia cho nhau từng chén cơm và ngụm nước. Lúc ấy mới thấy thấm thía câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Khi đám tù đàn ông chúng tôi đi ra ngoài làm lao động, chúng tôi vẫn tiếp xúc với dân chúng Miên. Họ có vẻ thông cảm và thương hại chúng tôi. Hình như họ cũng bị ép buộc ở vùng đó. Họ cũng buôn bán cò con, lẻ tẻ như dân nghèo Việt nam. Họ bán ổi, xoài, kẹo và bánh. Đôi khi vì thấy chúng tôi quá cực khổ nên họ lén cho chúng tôi một trái xoài hay một cây kẹo.

Nhiều người Miên ở đấy biết tiếng Việt nhưng không dám nói tiếng Việt với chúng tôi vì họ sợ bọn Para ghét. Cho đến nay tôi vẫn còn thương một người lính Miên tên là Khíp. Mẹ anh ta là người Việt. Có lẽ vì thế mà anh thương bọn tù chúng tôi. Đôi lúc, anh ta cho chúng tôi ít nước uống hay dấm dúi cho con nít vài cái kẹo. Khíp không hề đánh dân tị nạn Việt mà còn giúp chúng tôi những thứ lặt vặt trong khả năng của anh ta nữa.

Có lần vì thấy bọn tù chúng tôi ở dơ, không có nước tắm nên anh Khíp xin cấp trên cho anh dẫn từng năm người đi tắm. Không hiểu anh này có biết tiếng Việt hay không, có thể anh ta biết nhưng vì sợ bị bọn Para kia kiếm chuyện nên không dám nói tiếng Việt với chúng tôi.

Các câu chuyện về lao động khổ sai:

Có nhiều trường hợp mà dân tị nạn phải đi gỡ mìn và chết oan vì mìn nổ. Một người bạn của tôi tên là Dũng. Dũng và người anh trai cùng đi vượt biên đường bộ và cùng bị tù ở Non Chan. Tại đây, có một phái đoàn Phục quốc người Việt đến chiêu mộ binh sĩ. Người anh của Dũng đã tình nguyện gia nhập đoàn quân phục quốc, còn Dũng thì ở lại, chịu cảnh làm lao động khổ sai.

Dũng còn trẻ là học sinh, cả đời không biết gì về súng đạn hay bom mìn gì cả. Một hôm Dũng đang làm lao động thì bọn Para kêu anh ta ngồi riêng ra một chỗ. Rồi bọn chúng cho Dũng ăn một nồi cơm nguội và cá khô. Điều này rất hiếm vì ở trong tù chỉ được ăn cháo trắng, đôi khi còn không có muối mà ăn chứ đừng nói đến chuyện ăn cá khô.

Khi Dũng ăn no nê xong, chúng còn cho Dũng ngồi nghỉ thật lâu và còn cho hút thuốc lá nữa. Dũng rất ngạc nhiên nên cứ thắc mắc mãi. Chừng một lát sau, mười tên lính Para Miên đội mười quả mìn từ đâu đến để trước mặt Dũng. Rồi thằng chỉ huy Para vừa nói vừa ra dấu cho Dũng cách thức tháo ngòi nổ. Hắn nói bằng tiếng Miên nên Dũng không hiểu mà chỉ biết nhìn theo cách hắn dạy để làm thôi.

Tên Para lấy một cái búa và một cái đục để ra dấu chỉ cho Dũng đục qủa mìn theo hình chữ thập. Phải đục thật cẩn thận và khéo léo. Đục xong thì cậy lên để tháo ngòi nổ. Sau đó rút chốt quả lựu đạn rồi nhét và qủa mìn. Cần nhất là làm nhẹ nhàng kẻo mìn nổ.

Sau khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bọn lính Para chạy dạt ra xa hết vì sợ nổ. Thế là còn lại chỉ có Dũng với mười trái mìn. Nhát búa đầu tiên mà Dũng đóng vào quả mìn làm tim anh nhói lên vì sợ hãi. Anh sợ vì lỡ nó nổ thì anh ta chết tan xác ngay. Anh ta cố gắng đến tột độ nên làm xong quả mìn đầu tiên thì người Dũng ướt đẫm hết vì mồ hôi toát ra như tắm.

 
 
________________________________________
Chương II-3. Trại Tị Nạn Ở Gần Nhà Thương Non Chan, Khu Thứ Hai


Lúc ấy là ngày thứ tư 22 tháng 5, năm 1982. Từ trại tù đến nhà thương Non Chan chỉ độ một cây số. Nhà thương này được hội HTTQT cấp thuốc men và y sĩ để chữa bịnh cho nhân dân Miên. Khu trại chứa dân tị nạn Việt Nam này nằm ở sát bên cạnh nhà thương, nhưng ở về phía sau của nhà thương.

Trại này chứa những người tị nạn từ các trại tù ở Non Chan hay ở Pnom Chat mà đã được bọn Para chấp thuận cho hội HTTQT mang đi. Tại trại mới này có một nhân viên hội HTTQT người Thái rất tốt. Ông ta căn dặn chúng tôi chớ nên ra khỏi vòng rào trại vì nếu ra đó sẽ bị bọn Para bắt nhốt vào tù là khỏi đi được nữa.

Chỉ có một số những người tị nạn người Việt gốc Miên, thường được gọi là ”Chrom” là có thể lén ra đi lại vì họ biết tiếng Miên nên không ai biết họ là dân tị nạn. Số người Việt gốc Miên này đã bị bọn Para dụ dỗ để ở lại đó làm việc cho chúng. Để làm cho họ vững tâm ở lại, Para đồn là ở trại NW 82 cũng rất khổ cực, lại không được cứu xét cho đi Mỹ, rằng đã có người ở trại NW 82 mấy năm vẫn không được đi, vậy thì đến đó để làm gì? Rồi lại còn bị nạn lính Thái hành hạ nữa.

Chính vì đòn tâm lý ấy nên một số đông người Việt gốc Miên đã ở lại làm việc cho bọn Para. Nếu họ chọn ở lại với chúng mà sau này họ trốn đi thì cũng bị Para giết chết.

Tại trại tị nạn gần nhà thương Non Chan này, lúc đầu chúng tôi tưởng là đã an toàn hơn nhưng khi nghe ông nhân viên HTTQT tên là Kông, người Thái Lan dặn dò là con gái không nên sửa soạn son phấn, không nên đi ra ngoài và cũng không nên nằm sát cửa là chúng tôi sợ rồi. Ông Kông lo nhiệm vụ phát mền, chiếu, thực phẩm cho dân tị nạn.

Thế là ảo tưởng tan tành rồi, những tưởng là có tai mắt của Hội HTTQT thì đỡ hơn. Nơi này, từ 4:00 giờ chiều trở đi, khi nhân viên hội HTTQT rút về biên giới Thái, thì lại thuộc quyền sinh sát của bọn Para người Miên.

Y như rằng, tối hôm ấy, bọn Para vào lều lôi kéo và bắt phụ nữ đi hãm hiếp. Nơi trại này có một tên Para phụ trách an ninh tên là Thi. Hắn nổi tiếng là hung thần. Hễ nghe đến tên hắn là dân tị nạn ”tản thần”, sợ rởn tóc gáy. Thi chuyên môn ”điều tra” vào ban đêm, ngay lúc nửa khuya. Cũng nên hiểu việc ”điều tra” là hãm hiếp, hành hạ, đánh đập để thỏa mãn thú tính và để khảo của.

Hễ nửa đêm là giờ quỷ sống Para tung hoành. Đối với tù nhân đến từ Non Chan qua thì ít bị đánh đập và khảo của vì chúng đã lột sạch tiền của từ lâu rồi. Nhưng đối với những nạn nhân tị nạn từ các nơi khác đến như từ Pnom Chat hay những trại khác thì bị chúng đánh đập tàn nhẫn để cướp tiền và khảo của. Chúng dùng đinh đóng vào thân thể người ta để tra tấn cho bao giờ thò vàng và tiền ra mới thôi.

Các phụ nữ tị nạn bị hãm hiếp như cơm bữa, nhưng phụ nữ người Miên gốc Hoa thì đỡ bị hành hạ hơn. Cứ đêm đến là những tiếng khóc than nổi lên nghe ai oán và ghê rợn. Nhiều nạn nhân có con nhỏ, khi họ bị lôi kéo để bọn Thi hãm hiếp thì con cái họ khóc la dậy trời.

Hành tung của Thi và đồng bọn thật kinh tởm và khủng khiếp. Đồng bọn của hắn gồm thêm bốn, năm đứa nữa. Vẻ mặt Thi rất dữ dằn. Hắn vừa là y tá trưởng của nhà thương Non Chan, lại vừa là người phụ trách an ninh. Có thể hắn làm việc cho hội HTTQT nên mới giữ được chức vụ y tá trưởng. Nhưng hội không hề biết gì về bộ mặt sát nhân và đểu cáng của hắn khi đêm đến.

Mỗi khi có nhóm dân tị nạn Việt Nam mới tới là bọn lính Para tổ chức hội họp và ra thông cáo. Mục đích của chúng là để nhìn mặt xem nếu có cô thiếu nữ nào đẹp thì ban đêm, chúng sẽ vào lôi kéo để thỏa mãn thú tính. Khi mắt chúng láo liên đảo quanh thì không có con mồi nào thoát khỏi nanh vuối độc hiểm của chúng.

Nạn nhân phụ nữ từ trại tù Non Chan qua cũng vẫn chưa được buông tha. Có một cô gái ở trại tù đã bị chúng hãm hiếp nhiều lần đến bại chân. Nay cô qua trại này và được đi bệnh viện và chữa lành. Còn nhiều cô gái khác thì trở nên bất bình thường vì khủng hoảng tâm lý.

Gia đình tôi sống lây lất nơi trại Non Chan này được khoảng một tháng nhưng cứ tưởng như thiên thu vì bị khủng hoảng đến phát bịnh. Chẳng hiểu tại sao mà Para đối xử tàn tệ với người tị nạn như là kẻ thù truyền kiếp của chúng. Trong khi ấy, các dân tị nạn người Miên gốc Hoa hay người Miên thì được đối đãi tử tế hơn. Chúng luôn luôn đe dọa người Việt tị nạn như sau:

”Hễ Việt cộng mà tấn công thì tụi bay biết tay chúng tao!”

Ngày chúng tôi đến trại này thì nhân số tị nạn chỉ có khoảng hai mươi người. Dần dần nhân số tăng lên rất mau vì dân tị nạn từ các nơi khác đến. Cũng có người may mắn được người dẫn đường đưa thẳng tới khu trại ở gần nhà thương Non Chan nên không phải ở tù như chúng tôi. Nói chung, dù từ bất cứ từ nơi nào đến trại này, kể cả từ các trại của lính Sihanouk, Sonn San hay Pol Pot đều bị chung số phận đen tối như nhau.

Khi gia đình tôi rời trại Non Chan để qua trại NW 82 thì nhân số tị nạn đã lên đến hơn 200 người.

Chương II-4. Trại Tị Nạn North West 82 (NW 82)


Trại này cách trại NW 9 (nơi Kim Hà và gia đình đã từng ở) khoảng ba, bốn cây số đường chim bay. Khi nhân số dân tị nạn ở trại NW 9 đã được giải quyết cho đi đến các trại nằm trong nội địa Thái hay cho đi định cư tới các nước vào cuối năm 1981 thì toàn bộ nhà cửa của trại NW 9 đã bị thiêu cháy để tẩy uế. Nhưng rồi người tị nạn lại tiếp tục đến nên trại NW 82 được thành lập. (Lời của tác giả Kim Hà)

Chúng tôi rời khu nhà thương Non Chan để đến trại NW 82 vào ngày 16 tháng 6, năm 1982. Phải kể là gia đình tôi là những người may mắn nhất vì tới sau mà đi trước nhất. Đã có những người ở tại trại tù Non Chan cả năm rưỡi mà vẫn chưa được đi chỉ vì họ là gái đẹp hay thanh niên cường tráng.

Khi đến nơi, chúng tôi vẫn không được vào trại NW 82, mà phải nằm nơi nhà thương Non Samet, bên cạnh trại NW 82. Nơi này thuộc quyền kiểm soát của lính Thái Lan. Chúng tôi phải nằm chờ một đêm, phải thi tiếng Việt, nếu thi đậu mới cho vào trại NW 82.

Đêm hôm ấy, 16 tháng 6, 1982, mội tên chỉ huy phó lo về an ninh ở trại NW 82 đi qua nhà thương Non Samet để truy lùng xem ai là người đẹp. Hắn tên là Chon nhưng dân tị nạn gọi hắn là Cọp vì bản chất hắn rất dữ dằn, mặt mũi hắn thì đầy râu ria. Hắn muốn đánh ai thì đánh, muốn đá ai thì đá, không cần có lý do gì cả. Vì thế dân tị nạn rất sợ hắn. Tên Cọp này nổi tiếng là hung thần của trại NW 82 này.

Sáng hôm sau, 17 tháng 6, 1982, tên Cọp chở tất cả những người mới tới đến một cái lều mới dựng ở bìa rừng để lục xét tìm kiếm của cải, vàng bạc. Nhưng hoài công, vì dân dị nạn đã bị lục xét cả trăm lần nên chẳng còn gì.

Tiếp đó, ban đại diện người Việt cũng tới đó và kêu từng người tị nạn mới đến để thi tiếng Việt. Việc này có thể do bọn lính Thái đặt ra nhằm mục đích làm tiền. Cũng có thể là do họ muốn loại bớt những thành phần người Miên giả làm người Việt.

Trong số các người thi tiếng Việt, cũng có một số người thi rớt vì nói tiếng Việt không rành hay vì đọc chữ Việt không được. Tuy nhiên cũng có những người không viết được tiếng Việt hay không nói rành thì vẫn thi đậu nếu biết đút lót vài ba chỉ vàng. Có thể họ đưa vàng cho ban đại diện người Việt Nam hay đưa cho lính Thái.

Một trường hợp oan uổng:

Một ông đã làm việc nhiều năm cho tòa đại sứ Mỹ ở Việt nam, đi cùng với bốn con nhỏ từ sáu, bảy tuổi trở xuống. Ông ta không có vợ đi chung. Sau khi thi thì ông ta bị rớt nên năm cha con phải ở lại nhà thương Non Samet, chứ không được đến trại NW 82.

Những người thi tiếng Việt bị rớt thì ở trại Non Samet, không được giải quyết cho đi định cư. Khi mà trại NW 82 được giải quyết cho đi một lúc thì những người ở Non Samet vẫn còn kẹt lại.

Trại NW 82 ở cách giao thông hào khoảng một cây số, còn nhà thương Non Samet thì cách trại NW 82 chỉ có một hàng rào tre. Lúc trước thì trại NW 9 ở sát bờ giao thông hào. Nhưng trại này đã được giải tỏa và thiêu cháy ra tro từ năm 1981.

Khoảng tháng 2, 1983, nhờ có sự vận động can thiệp từ mọi nơi trên thế giới, nên số dân tị nạn gồm gần 1800 người ở NW 82 được giải quyết cho chuyển trại và được di chuyển thanh nhiều đợt, cách nhau vài ngày để đến các trại khác.

Chỉ có một số nhỏ dân tị nạn ở NW 82, gồm gần 150 người vì không có quốc gia nào nhận nên bị chuyển đến trại Khao Y Đang để chờ đợi. Trại này cách biên giới Thái khoảng mười hai cây số. Nghe nói sau này, nhóm người đó cũng được giải quyết cho đi. Còn những người thi rớt tiếng Việt thì vẫn ở lại Non Samet để tiếp tục chờ đợi nữa.
Chương II-I. Lề lối sinh hoạt của trại NW 82

1. Về thực phẩm:
Mỗi đầu người dân nhận được 200 grams gạo mỗi ngày, nhưng gạo được đưa cho nhà bếp để nấu cơm và phát cho dân. Mỗi tuần một đầu người được phát nửa lon cá Sardine hình trụ, đường kính cỡ năm phân, chiều cao cỡ mười phân. Lâu lâu được phát thêm một loại bột cá để ăn thêm, loại boat này được dùng để nuôi gia súc.

Về sau, bột cá cũng không có, người ta mới phát cho dân tị nạn một loại cá trích khô và mặn như muối. Giòi bọ bò lúc nhúc trong đám cá khô này. Trung bình mỗi đầu người được nhận năm con cá khô một ngày. Nhưng chỉ có mỗi một ngày Chúa nhật trong tuần là được ưu tiên lãnh cá thôi.

Người dân tị nạn thích loại cá khô này hơn cá hộp vì họ có thể để dành và ăn dè sẻn được vài ngày. Họ dùng dầu để chiên cá, nướng cá, hay nấu canh với một nhúm đậu xanh để ăn cho mát. Trong lúc đó, cá hộp không thể để lâu được vì sợ độc. Số lượng cá hộp cũng ít, ăn không đủ thiếu gì cả.

Mỗi lần được lãnh cá khô, người ta xâu dây kẽm qua mắt cá để phơi khô. Chỗ nào cũng có xâu cá, ruồi bu lại dầy đặc. Hễ phái đoàn báo chí nào đi tới thấy xâu cá đầy ruồi bu là họ chụp hình ngay.

Muối cũng rất hiếm, một đầu người được lãnh một muỗng muối cho một tuần. Họ không hề được phát rau cỏ gì cả. Mỗi đầu người được lãnh gần một lon đậu xanh và bốn muỗng canh dầu ăn cho một tuần. Ở NW 82, có chương trình Dinh Dưỡng (Feeding) để bồi dưỡng cho thiếu nhi, người già và phụ nữ mang thai.

2. Về nước dùng:
Mỗi đầu người được tám lít nước một ngày dùng để ăn uống, tắm giặt và mọi nhu cầu khác. Dân tị nạn không đủ đồ đựng nước nên họ kiếm bao ni lông có trong các bao gạo để cột túm lại rồi họ treo tòn ten nơi các cột trụ hoặc gần các chiếu nằm. Từ từ các bao treo đầy trong các lều trại, lâu dần, các bao này đóng rêu xanh lại.

Sô nước cũng không được phát. Có người thì lén mua sô để chứa nước. Còn có kẻ không có gì đựng thì lãnh nước ra là tắm ào một cái rồi nhịn khát sau đó.

3. Vật dụng hàng ngày:
Trại không phát nồi soong gì cả. May là khi chúng tôi còn ở tù ở Non Chan, khi bị cưỡng bách đi làm lao động ở ngoài nhà tù, chúng tôi có đi lượm ở trong các đống rác và tìm được những vỏ thùng dầu ăn loại bốn lít, có dấu hiệu hai bàn tay bắt nhau (loại viện trợ từ Mỹ quốc). Vì thế, chúng tôi mang theo và dùng để nấu ăn ở trại NW 82 này. Khi nấu ăn, người ta dùng bốn cái vỏ lon cá hộp loại nhỏ được cột chung với nhau để nấu ăn hay dùng vỏ lon sữa bò.

Xà bông giặt thì cứ năm người được một cục xà bông để xài cho một tháng. Còn quần áo và dép thì không được phát, ngoại trừ có lần một linh mục tên Tom đã quyên được của người Công giáo và phát cho mỗi đầu người một bộ quần áo.

Đa số dân tị nạn bị cướp hết tiền nên không thể mua dép. Ai cũng đi lượm dép cũ rồi họ ghép hai ba chiếc dép lại, dùng dây kẽm gai buộc lại để đi tạm. Nhiều lúc vô ý đạp lên chân nhau là nạn nhân bị thuơng ở chân ngay vì kẽm gai làm cho sước máu.

Một sự kiện cười ra nước mắt là khi chúng tôi được chấp nhận đến Mỹ, chúng tôi vẫn hiên ngang mang những đôi dép cọc cạch có buộc kẽm gai ấy lên phi cơ để ngồi chung với các hành khách giầu có khác.

Hội HTTQT có phát mùng cho dân tị nạn nhưng rất nhiều người vẫn bị sốt rét rừng vì muỗi rừng nhiều vô số. Tội nghiệp cháu nhỏ của tôi cũng bị sốt rét này. Rất nhiều người chết vì bịnh ấy.

Chương II-II. Cách cấu tạo trại NW 82


1. Nội quy trại:
Trại có khoảng ba mươi lều ghi từ số 1 đến số 30. Lều khá lớn, có màu xanh rêu của quân đội. Cứ giữa hai lều thì có một khoảng cách độ chừng một thước. Chung quanh các lều là một hàng cọc tre sơn màu đỏ để bao bọc tất cả chu vi trại. Dân tị nạn bị cấm đi ra khỏi các hàng cọc tre ấy. Cách hàng cọc sơn đỏ độ một thước là hàng rào tre. Hễ ai mà vượt ra vòng rào là bị lính Thái đánh đập ngay.

Cạnh hàng rào tre có một cái chuồng như kiểu chuồng súc vật, cao hơn nửa thước, có mỗi cạnh độ chừng hai thước. Chuồng có hình vuông và sơn màu đỏ. Người ta gọi là chuồng cọp vì nó được dùng để nhốt người tị nạn phạm tội hay phạm kỷ luật. Tuy nhiên có khi dân tị nạn chẳng có tội lỗi gì cũng bị giam cầm. Đa số nạn nhân là đàn ông. Báo chí ngoại quốc khi vào thăm trại đều chú ý chụp hình cái chuồng cọp này.

Ban đại diện người tị nạn tuy có hiện diện nhưng cũng như bù nhìn, lơ mơ cũng bị ăn đòn như dân thường. Hễ lính Thái bảo làm gì thì làm nấy. Trong trại cũng có thành lập một ban trật tự, mục đích để giữ gìn an ninh, để thi oai, đối chọi với dân tị nạn chứ không phải để chống chọi với lính Thái. Một nhân viên trong ban đại diện tị nạn vì tỏ ý phản đối việc lính Thái bắt một cô gái có liên hệ với ông ta nên ngay hôm sau, ông này bị lính Thái đánh đập tàn nhẫn.

Ở đây, lính Thái ra lệnh cấm mua hay bán bất cứ một món hàng gì. Nếu trái lệnh sẽ bị ghép là có tội và bị trừng phạt ngay. Xin đan cử một vài trường hợp sau:

-Một người tị nạn lén mua một bó rau muống do người dân Miên đem bán ở cạnh hàng rào. Bất ngờ, lính Thái bắt được qủa tang, hắn ra lệnh cho người này phải ăn sống ngay bó rau muống tại chỗ.

-Một người khác vì thèm thuốc rê và thuốc lá nên lén mua ít thuốc lá. Lính Thái bắt được bèn xé nhỏ thuốc lá rồi quậy xác thuốc trong tô nước. Sau đó hắn bắt anh ta phải ăn xác thuốc và uống tô nước đầy xác thuốc lá.

-Một bà tìm mua một gói đường cát. Lính Thái bắt được bèn trộn đường chung với đất cát rồi bắt bà ta ăn cả đường lẫn đất cát.

-Một bà bầu thèm ăn loại bánh cóng làm bằng bột gạo, có nhân đậu xanh chiên lên. Lính Thái bắt được bèn đổ bánh xuống đất, rồi lấy giày ”bốt đờ sô” chà đạp nát và bắt bà ta ăn cho kỳ hết.

Khi chúng tôi gần được cho đi định cư thì luật lệ được nới ra. Dân được mua bán rau muống. Ngoài ra họ cũng có thể tập hợp để sinh hoạt văn nghệ bỏ túi.

2. Tên hung thần nổi tiếng của trại NW 82.
Trở lại chuyện tên sĩ quan chỉ huy phó lo về an ninh của Thái, có biệt danh là Cọp. Cọp rất tàn ác và hiểm độc. Hễ thấy hắn là dân tị nạn phải ngó tránh đi chỗ khác. Nếu để hắn bắt được mình đang nhìn hắn là hắn đánh ngay. Hễ hắn muốn đánh ai là hắn có toàn quyền đánh, không cần có lý do chính đáng. Vì thế hễ thấy hắn lảng vảng đến lều bên cạnh là ai nấy lo chạy trốn trước kẻo bị đòn oan.

Rất nhiều lần dù dân tị nạn không hề phạm lỗi gì thì hắn vẫn kiếm cớ để đánh đập họ. Có nhiều người đang ngồi trong lều cũng bị tên Cọp này kêu ra và ”dợt” võ chơi. Hắn xem dân tị nạn như những bao cát dài để hắn tập dợt những thế quyền Anh của hắn. Hắn đá vô mặt, cổ, ngực, lưng và bao tử của từng người. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tên Cọp đá vô bao tử của một số nạn nhân. Nhìn họ đau đớn đến gập người xuống, tự nhiên tôi cảm thấy lòng mình quặn đau y như người trong cuộc.

Có nhiều lần, tên Cọp đánh người tị nạn bằng cây gậy hay bằng báng súng. Có lần nạn nhân bị hắn đánh gẫy tay, có lần nạn nhân khác bị hắn đánh gãy xương sườn. Phòng Y Tế của trại không đủ phương tiện chữa trị cho nạn nhân xấu số ấy.

Mặt khác, hội HTTQT lại không dám chở nạn nhân đi chữa trị ở bịnh viện Khao Y Đang vì sợ đụng chạm đến tên Cọp và sợ lòi ra tội đánh người mang thương tích của hắn. Vì không được chữa trị đúng mức nên nạn nhân gầy mòn và đau đớn từng ngày. Sau đó không biết số phận các nạn nhân ra sao nữa.

Tại trại NW 82, vì đa số dân tị nạn hết tiền nên họ không thể thuê người cắt tóc. Giá tiền để cắt tóc là 1 baht hay hai baht. Một baht Thái tương đương năm xu của Mỹ. Một đô la Mỹ trị giá 20 baht. Mà hễ để tóc dài thì cũng bị tên Cọp đánh hay bắt phạt.

Một hôm có một người đàn ông vì tóc để dài đến tận vai nên bị tên Cọp phạt bằng cách bắt ông ta lội dưới mương đầy sình lầy, phân và nước tiểu. Hắn bắt ông ta lội sấp rồi lội ngửa ở dưới mương và phải vục mặt vào chỗ đầy phân và nước tiểu ấy. Hễ ông ta định ngóc đầu lên để thở là bị tên Cọp đánh đập ngay. Khi tên Cọp cho phép đứng lên thì trông ông ta như một vật gì chứ không phải là con người nữa vì khắp cơ thể đã bị sình lầy, phân và bùn phủ kín và che lấp hết, chỉ còn có hai con mắt rục rịch mà thôi.

Sự đối xử tàn ác của lính Thái đối với dân tị nạn thật là khủng khiếp và tồi tệ. Về sau khi tôi kể lại cho bạn bè ở các trại Bataan và ở Mỹ nghe, không ai dám tin đó là sự thật nữa.

3. Tình trạng hãm hiếp:
Tình trạng hãm hiếp vẫn có nhưng ít hơn và bớt lộ liễu hơn bọn lính Para người Miên. Mức độ thì vẫn khủng khiếp không kém. Bọn lính Thái còn dùng tiền để mua chuộc hay dùng áp lực để dọa nạt và đòi sự thỏa mãn xác thịt.

4. Tình trạng sa sút tinh thần của người tị nạn ở NW 82.
Trong suốt thời gian chúng tôi ở trại này, không ai thấy tương lai được đi định cư. Không hề nghe có ai hứa hẹn giải quyết việc cho định cư cả. Chỉ nghe là định cư tại chỗ, hoặc cho mọi người trở về Việt nam, hoặc là nằm đây chờ, hoặc là ra ngoài ở chung với người dân Miên.

Lúc tôi gần rời trại NW 82 thì có pháo kích. Nghe đâu Việt cộng đánh vào Non Chan, đạn pháo kích nổ ầm ầm nhưng chưa vào chu vi trại NW 82. Hàng đêm, đàn bà và trẻ con được lệnh ra nằm ngoài khu vực trại, gần bờ đập giao thông hào. Nếu ai chạy lạng quạng đến bờ đập thì bị lính Thái bắn, còn chạy ra ngoài thì bị lính Para Miên bắn.

Tinh thần chúng tôi bị khủng hoảng vì không biết tương lai mình ra sao. Tin đồn từng ngày là trại này không được giải quyết, rằng trại NW 9 là trại tị nạn cuối cùng được giải quyết thôi. Có thể phải ở trại này đến ba, bốn năm nữa. Các tin đồn, tin vịt và dự đoán làm cho bà con lên ruột. Ngồi buồn, bà con dựng chuyện lên rồi truyền khẩu đủ thứ tin vịt. Lâu lâu lại đồn ”gần rồi”, có nghĩa là trại gần được giải quyết cho đi.

Khi cha Tom phát cho dân tị nạn một bộ đồ quần áo thì có tin đồn là gần được đi nên cha mới phát đồ cho để có quần áo mà mặc khi đổi trại. Họ còn bàn tán là ở trại NW 9, lúc sắp được giải tán người ta cũng phát đồ, dép và bàn chải đánh răng để chuyển trại. Thế là mọi người lại lên tinh thần., bàn tán hươu vượn và hy vọng dài dài.

Lâu dần, từ ngữ ”gần rồi” được lập lại nhiều lần một cách khôi hài, tiếu ngạo và đùa cợt. Nó trở thành một lối nói chuyện khôi hài giữa các đồng bào tị nạn. “Gần rồi” có nghiã là không bao giờ có hay sắp được đi rồi.

Thế rồi, lâu lâu lại có người đem tin giật gân và sốt dẻo đến bằng cách chìa lá thư của thân nhân anh ta ở ngoại quốc đến và nói là ở bên ấy, người ta đang lập phong trào tranh đấu để trại này sắp được giải quyết. Thế là bà con lại phấn khởi và lên tinh thần.

Nhưng rồi cơn phấn khởi và hồ hởi ấy chỉ khơi động lên một lát thì lại có một người nữa đem lá thư khác của thân nhân từ ngoại quốc gởi đến, nội dung thư này trái ngược với tin của thư trước. Thế là bà con lại xuống tinh thần ngay. Như thế đủ hiểu là tinh thần người tị nạn bất ổn, bị giao động mạnh, cứ lên xuống như trái banh khi căng lên, khi bị xì hơi thì xiù xuống.

Từ đó, trại NW 82 lại có thêm từ ngữ ”thua” và ”thắng”. Hễ nghe tiếng ”Thua, thua rồi!”có nghĩa là trại không được giải quyết cho đi, là bà con giật thót người lên, bụng quặn đau, rồi xôn xao lắng nghe thử thua như thế nào. Còn ”thắng” thì có nghĩa là trại sắp giải quyết cho đi thì bà con lại nhảy lên, bàn tán và mừng rỡ.

Có lần, chúng tôi được đọc một lá thư của một người tị nạn hồi trước ở trại NW 9 và đã đi định cư tại Úc. Ông này viết thư kể lại kinh nghiệm của ông hồi ở trại NW 9, cứ mỗi lần nghe tin đồn đủ thứ là lo sợ và mất tinh thần. Nhưng giờ này ông ta cũng đã được định cư như bao nhiêu người khác. Vậy thì mong bà con đừng lo sợ về chuyện tin đồn, cứ kiên tâm bình tĩnh mà chờ đợi. Lá thư ấy giúp bà con ổn định tinh thần được phần nào. Có lần, nghe nói trại NW 82 sắp được giải quyết, bà con tị nạn mừng rỡ, cười nói tíu tít. Một hôm, ông trưởng trại tuyên bố là ngày mai sẽ có một phái đoàn đến thăm và sẽ cho biết là dân ở đây được đi định cư hay bị trả về nguyên quán. Thế là cả trại xôn xao và chuẩn bị đón rước.

Đường đi trong trại được quét sạch và tưới nước cho khỏi bay bụi. Trẻ con được sắp thành hàng ngũ chỉnh tề nhưng quần áo các cháu thì rách mướp. Cả trại đứng đợi chờ từ sáng đến trưa dưới cơn nắng rực lửa. Ai cũng khát nước đến muốn xỉu. Trông thật tội nghiệp cho mọi người, nhất là các trẻ con.

Khi phái đoàn đến, hội HTTQT mừng rỡ chạy xe đến trại báo tin trước để dân chúng chuẩn bị cho chu đáo. Phái đoàn vừa đến là một đoàn con nít đồng cất tiếng hát. Các em hát rất nhiều bài mà tôi không nhớ được, nhưng cảm động nhất là bài hát ”Việt Nam, Việt Nam”. Mình là người trong cuộc nên cảm động đến chảy nước mắt, cả người nổi gai ốc lên trước cảnh tượng một bầy trẻ con, quần áo rách bươm, đứng dưới cơn nắng thiêu đốt để gân cổ lên hát chào mừng phái đoàn, những người có thể gọi là ân nhân vì có thể họ giúp đỡ cho dân tị nạn được đi sớm.

Khi phái đoàn đi ra về thì các em hát bài”Tạm biệt”. Có rất nhiều trong phái đoàn tỏ ra rất cảm động. Một trong những người của phái đoàn ấy là bà Mai Khôi, người Việt Nam. Bà là vợ của một sĩ quan tùy viên quân sự Mỹ ở Thái Lan. Bà này rất đẹp và có lòng thương người đồng hương. Bà đặc trách về vấn đề tị nạn. Trước đó, trại NW 9 cũng được bà Mai Khôi giúp đỡ rất nhiều trong việc cho dân tị nạn định cư sớm.

Chúng tôi được thông báo là phái đoàn đến thăm có khoảng mười một nước nhưng hôm đó chỉ có độ năm, bảy người đến thăm mà thôi. Họ đi ra rồi đi vào, chẳng nói năng hay tuyên bố điều gì mới lạ cả. Trước khi ra về, họ nói là:

”Phái đoàn chúng tôi chỉ đi thăm thôi chứ không có vấn đề gì khác!”

Khi họ về rồi, tất cả chúng tôi đau khổ, thất vọng và buồn chán vô cùng. Lúc ấy, sự mệt mỏi và chán nản làm mọi người buồn phiền và tuyệt vọng. Khi chờ đón thì hy vọng và vui mừng bao nhiêu thì khi tiễn khách về thì đau khổ và chán chường bấy nhiêu.

Chính lính Thái cũng muốn cho dân tị nạn Việt được sớm đi định cư. Vì thế họ đã căn dặn chúng tôi không được ăn đồ ăn ngon mà phải ăn đồ ăn tồi để phái đoàn quốc tế thấy khổ cực mà cho đi sớm.

Tuy vậy, sau đó hai tháng, cả trại chúng tôi được từ từ giải quyết cho đi. Điều đó cũng là nhờ sự can thiệp của phái đoàn quốc tế hôm ấy.

Từ đấy, cứ từng đợt được chuyển đến Panatnikhom Transit Center ở Chonburi, Thái Lan. Gia đình tôi được rời trại NW 82 vào ngày 4 tháng 2, năm 1983. Có được thoát khỏi NW 82, mới biết chắc là mình còn sống.

Ngày chúng tôi được đi định cư, bà con tị nạn còn lại khóc lóc thảm thiết vì chậm đi một ngày là thêm một ngày khổ sở và nguy hiểm, vì tai họa đến từ đủ mọi phía. Thật là trên đe dưới búa. Ngay cả hội HTTQT cũng không hề hứa hẹn hay nói những gì cho mình hy vọng cả. Hội chỉ cho nước uống và thực phẩm để dân tị nạn sống tạm qua ngày. Họ chỉ ghé đến trại NW 82 trên đường đi đến Non Chan vào ban ngày rồi buổi chiều là họ đi về.

Tình hình ở trại NW 82 rất mất an ninh. Việt cộng có thể đến tấn công bất cứ lúc nào. Dân chúng thì đông lúc nhúc, chỉ cần một trái pháo kích là đủ chết như rạ vì họsẽ dẫm bừa lên nhau mà chạy thoát thân.

5. Tình trạng thư tín:
Lính Thái phong tỏa, kiểm duyệt và thủ tiêu hầu hết các thư từ ngoại quốc gửi đến. Có người ở trại cả một năm trời mà không hề nhận được một lá thư của thân nhân. Có người thì đến sáu bảy tháng không có thư, nhưng khi nhận thì một lúc có hai, ba cái.

Lính Thái kiểm soát và muốn để “ngâm tôm” cho mất thời gian tính rồi mới giao cho người nhận. Thư có tiền đều bị lính Thái cướp đoạt hết. Do đó, ai cũng nghèo như nhau, quần áo rách tả tơi và hôi như cú.

Về sau, chính sách được nới lỏng. Nếu ai may mắn nhận được 50 đô trong thư thì lính Thái đòi đổi và đưa cho người nhận chỉ có 200 baht, tức là trị giá có 10 đô, còn 40 đô thì chúng ăn cướp tay trên. Rồi chúng đưa địa chỉ của chúng cho dân tị nạn và nói rằng chúng sẽ gởi tiền cho họ sau khi họ lên trại Panatnikhom. Còn nếu là ngân phiếu (check) thì chúng bảo ngân phiếu còn mới quá, chưa đổi ngay được nên ông lớn đưa cho mượn tạm 200 baht. Ai cũng bị chúng ăn cướp, ăn chận kiểu đó. Hiện nay tôi còn giữ địa chỉ của một tên trưởng trại người Thái ấy.

6.Tình trạng vệ sinh:
Vệ sinh trong trại thì dơ bẩn quá sức. Chu vi trại quá nhỏ mà có đến 30 lều san sát và gần 2 ngàn người chen chúc. Cầu tiêu ở sát bên lều nên ruồi bọ lúc nhúc, mùi hôi thối bốc lên khủng khiếp.

Vào mùa mưa thì đất trở nên lầy lội. Mỗi người tị nạn chỉ có một khoảng diện tích nhỏ hơn miếng ván hòm. Trời mưa lạnh đến cắt da, có lẽ vì chúng tôi ăn đói nên cảm thấy lạnh. Đêm đến, gió rừng thổi ào ào nghe như tiếng mưa bão. Thật là sầu thối ruột, buồn áo não.

(Vượt biên đường bộ tìm tự do)

Kim Hà

Chương II-III Cảm Tưởng Của Ông Lê Bá B


Chúng tôi chỉ ở trại Panatnikhom có bốn mươi lăm ngày rồi phải rời Thái Lan để đến trại Bataan ở Phi Luật Tân vào ngày 22, tháng 3, năm 1983. Chính phủ Thái Lan đã ra hạn với các phái đoàn là họ chỉ muốn chứa dân tị nạn trong vòng 45 ngày ở tại Chonburi mà thôi.

Sau đó chúng tôi ở tại trại Bataan, Phi Luật Tân trong năm tháng. Tại đây có nhiều người Mỹ thiện nguyện đến dạy Anh văn cho dân tị nạn.

Tuy chúng tôi đã được định cư tại California, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng và thương xót cho số phận những người tị nạn đường bộ còn bị kẹt lại ở nhà thương Non Samet. hoặc vì họ không thi đậu tiếng Việt, hoặc vì họ đi vượt biên sau khi trại NW 82 đóng cửa.

Số người đến sau lại phải nằm chờ đợi trong suốt những năm tháng dài dằng dặc, trong các trại tị nạn và sống chung với người tị nạn Cambodia, trong điều kiện kém an ninh, mất vệ sinh và mất tất cả những điều kiện sinh sống tối thiểu.

Hiện nay trong những người tị nạn bất hạnh ấy có cả em trai ruột của tôi là Lê văn Hưng. Tôi sẽ cho chị Kim Hà thêm chi tiết về cuộc vượt biên của em tôi. Có điều đáng buồn là hầu như báo chí ở trên thế giới đều tưởng là ở các trại này đã hết người tị nan Việt nam rồi mà chỉ còn có người dân Miên mà thôi.

Tôi rất mong mỏi rằng chính phủ Mỹ cũng như chính phủ các nước tự do sẽ lưu tâm cứu giúp những người tị nạn đường bộ còn ở tại các trại tị nạn như trại Dongrek và Site II.