Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI" - Giáo sư Trịnh xuân Đính: Đi Bát Tam Băng

Posted: Wednesday, November 7, 2018 by ttnbg in
0


Chương Bốn

Đi Bát Tam Băng





Năm giờ sáng hôm sau chúng tôi rời căn nhà đó đi đến ga xe lửa. Trời còn tối mịt, không thấy đường, chúng tôi chia ra làm bốn tốp nhỏ đi từng tốp một, cách nhau mươi phút và phải đi bộ ba cây số, tôi đi sau hết với Hai Học. Đến nơi thì đã sáu giờ, trời đã ửng sáng và cảnh vật đã bừng tỉnh khỏi cơn mộng sau một đêm đã trôi qua.
Ga xe lửa Nam Vang rộng lớn. Nhà ga chưa làm việc, cửa chưa mở, chúng tôi đứng nơi một công viên lớn trước ga, hai bên có những nhà hàng. Đêm qua, cũng như hàng đêm, hàng trăm người đã ngủ nơi đây, ngủ ngay trên cỏ, trên thềm cửa, hay trên vỉa hè đợi sáng mua vé đi Bát Tam Băng. Thật như hội chợ nhỏ, một rừng người cộng thêm hàng hoá, những kiện hàng lớn, những chành, những đống trái cây, nào dừa, nào thơm, những va li to, xe đạp , đủ loại hành lý thấy trên đời. Thật chẳng khác gì cảnh ga xe lửa Saigon sau ngày “giải phóng”.

Trong khi chờ ga mở cữa, Hai Học dẫn Bác Lũy và tôi đi ăn sáng. Chúng tôi ăn hủ tiếu, tôi uống cà phê, Hai Học uống đế. Bác Lũy đòi uống sô đa chanh mà quán lại không bán sô đa chanh vào sáng sớm. Hai Học trợn mắt nhìn bác Lũy và gắt với bác vì bác đòi uống thứ giải khát mà bác thích. Nhìn bác, tôi không nhịn cười đuợc, mặt thì bôi nhọ nồi chỗ đen chỗ trắng, tóc thì bạc phơ, đầu đội mũ phớt, tay chống ba toong. Bác kêu đau khớp vì đêm qua trời trở lạnh, phải chống gậy mới đi được.
Ăn xong chúng tôi sang phía trước, nơi công viên chờ. Đối với tôi chờ đợi thật là một cực hình vì tôi chẳng biết làm gì, cứ đứng hút thuốc hết điếu này đến điếu khác, mắt thì chẳng thấy rõ vì không đeo kính. Nhiều người xung quanh cứ nhìn tôi chầm chập làm tôi càng khó chịu và lo lắng. Những tên cán bộ Việt lấc cấc, mặt vênh vênh váo váo, đứng tụm năm tụm bẩy ba hoa nói chuyện. Ở Nam Vang, chúng là những tên lính ngoại xâm nên có nhiều ưu quyền. Đêm hôm trước, chúng tôi ngồi ăn tối, bên cạnh là một bàn toàn cán bộ bộ đội Việt ăn uống cười đùa hả hê. Chủ quán đã xum xoe đứng gần. lễ phép chầu chực, hầu bàn.
Tôi nhớ lại cảnh bồi bàn Việt hầu hạ thực dân Tây Mỹ thời xưa tại quê nhà. Tuy nhiên theo những người dẫn đường Miên thì cán bộ bộ đội ở Nam Vang tương đối còn kỷ luật. Ở nông thôn cũng vậy. Nhưng đến vùng gần biên giới Thái, bộ đội Việt là những ông trời con, tha hồ tung hoành.
Trong rừng và trên núi, bộ đội chặn con buôn ăn cướp hoặc buộc họ phải nộp tiền mãi lộ. Chúng còn chặn đàn bà con gái để hãm hiếp, chống cự là bị bắn chết, chặn những ai mang nhiều vàng để cướp rồi thủ tiêu nạn nhân để phi tang. Sau này nhiều người đến được trại tị nạn NW9 cũng khai như thế. Đàn bà con gái thì bị hiếp, vợ thì mất chồng vì đã bị bắn chết. Hơn nữa nơi vùng biên giới thường xuyên xẩy ra những vụ đụng độ giữa bộ đội và những tổ chức buôn lậu có vỏ trang. Và chính bộ đội cũng tổ chức buôn lậu và đưa người đi vượt biên. Nạn buôn lậu trong hàng ngũ bộ đội cũng phổ biến như nạn tham nhũng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Còn những cuộc vượt biên do bộ đội tổ chức thì rất qui mô. Những thanh niên muốn vượt biên được cho ăn mặc giả bộ đội, được chở đi bằng quân xa đến tận gần vùng biên giới Thái chỉ trong vòng hai ba ngày là đến nơi. Có tổ chức còn làm giấy đi công tác giả và đến tận nhà đón người đi bằng xe díp (jeep). Khi ở trại NW9 tôi đã biết cả một gia đình sáu người được bộ đội đưa rước từ Saigon đến vùng biên giới. Họ đã đến tận nhà chụp hình lăn tay làm giấy tờ rồi đưa đi bằng xe của nhà nước.
Nhưng dù đi với con buôn hay với bộ đội thì đoạn chót từ Xi xô phôn đến biên gìới cũng phải đi bằng xe đạp, đi bộ, hoặc bằng xe bò qua sự dẫn đường của người dân địa phương, không thể đi bằng xe hơi.

Đúng tám giờ ga mở cửa cho hành khách vào. Sau khi bốn người kia trong nhóm tôi đã vào ga, Hai Học buộc tôi chờ thêm một tiếng ở ngoài rồi mới vào. Khi tôi, Bê và Sơ Rin leo được lên xe
lửa thì đã hết chỗ ngồi nên chúng tôi phải đứng. Hành khách hàng hàng lớp lớp chen chúc nhau đứng. Tôi không thấy cháu bé đâu và hỏi Bê thí hắn trả lời “Không sao đâu! Đã có Sô phi (Sophie) lo”.
Tôi đoán chừng Sô Phi là người đàn bà tôi đã gặp đêm hai hôm trước và đã được giới thiệu lá em gái của một đại uý trong lực lượng para thuộc nhóm khờ me xanh tức khờ me sơ ri ka của mặt trận giải quốc gia phóng Kăm pu chia.
Bên kia biên Thái là nơi những phe phái quốc gia của Son San (Son Sann) và Si a núc (Sihanouk) đóng quân. Nơi tôi đã đi qua và bị bỏ tù là Nông Chan, nơi đó bọn lính man rợ mặc đồ rằn ri và tự gọi mình là pa ra, chữ tắt cho pa ra xu tít (parachutistes), tiếng pháp chỉ lính nhẩy
dù. Gọi là lính dù nhưng tôi nghĩ bọn này có biết cái dù nó như thế nào, thậm chí có bước chân
lên máy bay bao giờ? Bọn para chẳng có phù hiệu dù mà cũng không mũ đỏ.

Tôi vẫn có ấn tượng đẹp về những anh lính dù hiên ngang, anh dũng, kỷ luật, cao thượng và đánh trận giỏi vào hạng nhất trong tất cả các binh chủng, hình ảnh của lính dù trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Ngày tôi còn nhỏ tôi đã bao lần thấy anh tôi, một thiếu tá dù trong quân đội pháp thời đó, hiên ngang oai hùng trở về nhà sau những trận đánh ác liệt ở Ninh Bình, Hưng Yên, Sa va na khét ở Lào, và Điện Biên Phủ. Lần anh về trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, bọn lính pháp đầu hàng Việt Minh, anh đã về trên chiếc băng ca (brancard). Sau đó hiệp định giơ neo (Genève) được ký kết chia đôi nước tôi ra làm hai, và gia đình chúng tôi phải di cư vào nam. Ngày ấy tôi mới mười ba tuổi, chưa y thức được hoàn cảnh đau thương của quê hương yêu dấu.

Tôi đã thất vọng khi thấy lính pa ra của ông Son San chỉ là một lực lượng hổn tạp không có kỷ luật, những tên bất hảo mặc đồ lính lên người để đi hà hiếp dân, cướp của, giết người, hãm hiếp đàn bà con gái nào chẳng may rơi vào bàn tay chúng. Chúng đã cướp hết những gì mà những người đi vượt biên như tôi có: vàng, tiền, đồng hồ, bút máy, kính, giầy dép, thuốc men, lương thực, thậm chí cả thuốc lá. Chúng tịch cả thu giấy tờ của chúng tôi. Không một tị nạn nào qua tay chúng mà còn lại được một cái gì. Đàn bà con gái bị chúng luân phiên hãm hiếp có người đến chết, đàn bà chửa lạy van cũng không được buông tha, phải mất cả bào thai, những người mang theo nhiều vàng bị chúng cướp rồi đem đi thủ tiêu trong rừng. Chúng bắn chết tại chỗ những ai cả gan chống lại chúng. Chẳng khác gì hơn bọn khờ me đỏ, chúng cũng dã man bạo tàn như thế.
Tôi không hiểu lãnh đạo của mặt trận quốc gia giải phóng Kămpuchia nghĩ gì mà lại thành lập và duy trì một lực lượng như thế, vừa vô kỷ luật, bất tài, không có tinh thần chiến đấu, vừa dã man tàn bạo vô nhân đạo. Cả dân Miên tị nạn cũng thù ghét chúng. Không hiểu ông Son San có hy vọng gì người dân Miên ủng hộ mặt trận của ông hay không? Hay là ông quá ngây ngô đâm ra ngu xuẩn?



Tôi không biết vì Hai Học thiếu óc tổ chức, hay vì lý do an ninh mà chúng tôi sẽ phải đứng suốt hành trình dài tám giờ đưa chúng tôi từ Bát Tam Băng đến Puốc Sát (Pursat). Bê và tôi đứng ở góc toa nơi để hành lý. Bọn Miên nhìn tôi chằm chắp, hỏi tôi hết câu này đến câu khác. Bê phải trả lời thế, còn tôi thì giả câm giả điếc, làm mặt ngây ngô, nhưng bọn Miên tỏ vẻ nghi ngờ. Bê mỗi lần muốn nói gì với tôi phải vừa nói tiếng Miên vừa ra dấu bằng tay hoặc nháy mắt gật đầu lắc đầu làm dấu hiệu.
Đừng chán mỏi chân mà xe lửa vẫn không chịu chạy, tôi đi ra cửa nhìn. Những hàng bán rong cầm những thùng kem hay mẹt trái cây, thuốc lá, kẹo bánh, ào lại gần hành khách để chào hàng, làm cho tôi nhớ lại Bến Lức và những khay thơm ngọt lịm mà tôi được ăn mỗi khi qua đó. Những bà mẹ Miên đưa con nhỏ, chưa đầy một tuổi, trần truồng, ra ngoài cửa sổ để cho những ông bố sối nước lạnh từ trên đầu xuống đến chân. Ỡ xứ Kămpuchia cháy da cháy thịt, dân có thói quen ngày tắm sáu bẫy lần, gọi là tắm nhưng kỳ thực chỉ xối cả thùng nước lên người cho mát. Nhìn những đứa bé đen thui thủi vùng vẫy vui vẻ khi được sối nước, tôi liên tưởng đến các con tôi và nghĩ nếu tôi cũng làm như thế thì chúng sẽ ré lên mà khóc, rồi sẽ bị cảm lạnh chứ
không thể không được. Những hình ảnh khó quên đó, đối với tôi, tiêu biểu cho mảnh đất mà tôi đã phải qua, nơi tôi đã thấy bao nhiêu hình ảnh kinh hoàng, sau này ám ảnh tâm trí tôi mãi mãi. Kămpuchia, nơi tôi đã trải qua những ngày hãi hùng, lúc đầu chỉ cho tôi những ấn tượng kỳ quái hay đôi khi êm đềm. Êm đềm như buổi tắm giữa sông Bát Sắc mênh mông nơi có những cồn cát lớn, êm đềm như lần tắm sông ngày sau đó tại Puốc Sát, tắm xong lên bờ ngồi nói chuyện ăn dưa hấu. Những lúc đó tôi có cảm giác đi nghỉ mát chứ không phải đi chạy trốn cộng sản, một cuộc chạy trốn mà tôi phải sẵn sàng đổi cái chết để lấy cái sống, lấy hiểm nguy, kinh hãi làm cái giá phải trả cho một cuộc đổi đời.

Tôi nghe lần đầu tiên danh từ “đổi đời” từ miệng ông Đ. X. Sảng, người anh họ mà cha tôi buộc tôi đi gặp năm một ngàn chín trăm bẩy mươi lăm, sau khi cộng sản vừa tràn xâm chiếm miền nam. Ông là một trí thức “cũ” được cộng sản Hànội đưa vào công tác ở miền nam. Trí thứ cũ vì ông đã là một trong những người đậu tiến sĩ luật đầu tiên ở pháp về, ông đã theo cộng sản từ năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, sau khi được bố mẹ cưới cho một cô gái nhà giầu. Ông thuộc loại trí thức tiểu tư sản, như bọn Việt minh đã gọi thời đó, và vì là tiểu tư sản nên không được tin cẩn, không được trọng vọng, không được coi là thuộc hàng ngũ lãnh đạo. Tôi không biết ông có được vào đảng hay không, tôi chỉ biết ông được giao cho chức vụ chủ tịch đảng xã hội kiêm đại biểu quôc hội, hai chức vụ bù nhìn chẳng giúp ích gì cho nhân dân và chẳng làm gì tốt được cho đất nước.
Làm sao ông có thể sử dụng luật tư bản dưới chế độ cộng sản, tôi không biết nữa? Thế là toi công cha mẹ ông nuôi ông lớn lên, cho ông sang Pháp học, rồi khi về cưới cho con gái nhà giầu! Ông và bao nhiêu trí thức khác thời ấy đã bị lý thuyết mác xít làm mê muội, bị cái lý thuyết không tưởng của chủ nghiã cộng sản làm ngu đần mà không hay biết. Lúc biết ra thì đã quá muộn, ném lao thì phải theo lao, may mà còn được cho hai cái chức vụ bù nhìn để mà hàng tháng còn lãnh được trăm bạc và mang ít tem phiếu ra mậu dịch mua với giá rẻ ít thực phẩm
đem về cho vợ, cho con!
Tôi nói ông còn may là vì ông đã không bị cho về vườn vào thời kỳ trăm hoa đua nở, nhân văn giai phẩm khi mà đảng đã lừa những trí thức tiểu tư sản đưa họ vào tròng và gạt họ ra khỏi hàng ngũ cách mạng. Bao nhiêu trí thức khoa bảng, nào thạc sĩ, nào tiến sĩ, nào bác sĩ đã nhắm mắt theo Việt minh lúc ấy mới sáng mắt ra, mới thấy cách mạng vô sản không dành chỗ đứng nào cho họ. Mấy chục năm theo cách mạng để rồi bị cho về vườn, họ đã kể lại cho các bạn ở trong “vùng mới giải phóng” những kinh nhiệm chua cay của những kẻ bị lừa gạt, bị loại trừ, không còn được hưởng tí bổng lộc của đảng và nhà nước.
Không biết ông có ý thức chuyện ông làm bồi cho đảng khi đứng ra làm chủ tịch cái đảng vẽ hươu vẽ vượn và lãnh cái chức vụ dân biểu quốc hôi bù nhìn? Tôi chỉ thấy cái mặt vênh vênh váo váo của ông khi tôi vào gặp, vì cha tôi muốn ông là người đi trước chỉ đường đi nước bước cho chúng tôi là những kẻ đi sau. Cha tôi tưởng ông là người trong họ, sẽ thành thật chỉ cho chúng tôi xem bấy giờ phải làm gì.  Tôi đã không muốn đi vì tôi đã biết ông sẽ chẳng giúp ích được gì cho chúng tôi. Tôi cũng chẳng biết ông ta mặt mũi người ngợm thế nào, nhưng cha tôi lấy cớ là tôi đã học luật đến thăm ông là phải và buộc tôi đi.

Sau khi chào hỏi lạnh nhạt, phần vì ông tự coi là kẻ chiến thắng, phần vì tôi đã có định kiến với những kẻ như ông, hèn hạ bám đuôi bọn ngu xuẩn vô học để được hưởng chút bổng lộc, tôi hỏi ông câu hỏi mà cha tôi muốn hỏi “bây giờ chúng tôi phài làm gì?”. Tôi nhớ mãi nụ cười đểu cáng và câu trả lời sặc mùi cộng sản bảo rằng chúng tôi “phải chịu một cuộc đổi đời”. Rồi ông giải thích rằng chúng tôi phải gọt bỏ hết những tư tưởng tư sản, hấp thụ cho nhanh những tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Riêng với tôi, ông khuyên tôi nên quên những gì đã học được tại trường luật tư sản, quên đi lối sống tư sản để chuyển sang một giai đoạn mới của cuôc đời, quên đi quá khứ, quên đi cái vốn hiểu biết luật của tôi để dấn thân vào cuộc sống mới, học tập tốt, lao động tốt, sản xuất tốt.
Nghe lời ông, tôi đã bỏ nghề thầy giáo để yêu “lao động chân chính”, để đi làm nghề đạp xích lô mà sống,  cái nghề đem lại cho lợi tức mười lần hơn là lương thày giáo. Chỉ tiếc rằng cha tôi
không còn sống để thấy rằng lời ông nói với tôi khi tôi còn nhỏ “con không chịu khó học, lớn lên
chỉ có mà đi làm cu li xích lô!” đâu có đúng, vì tôi đã nghe ông cố đi học lấy hết bằng này đến
bằng kia mà rốt cuộc cũng làm cu li xích lô. Tôi cũng tiếc rằng không gặp lại ông anh họ của tôi để mà nói “ cám ơn anh đã soi sáng cho em, đã chỉ cho em đi con đường chân chính là đi lao động vì “lao động là vinh quang”, nay em đạp xích lô, mời anh lên xe đi một vòng Saigon để nhìn em đổ mồ hôi, thở hổn hển, nén đau thương mà cười với anh”. Thật chua sót cho cuộc đổi đời lần đó!

Khi thấy bọn Miên cứ nhìn tôi chằm chặp và luôn miệng hỏi Bê về tôi, tôi thấy hơi lo sợ vì đang ở xứ lạ không biết tập tục, không biết đường đi nước bước, không nói được tiếng điạ phương, mặt mũi trông lại chẳng giống ai, tất nhiên dễ bị lộ. Từ khi đến đất Miên, hôm nay tôi mới thưc sự chạm trán với sư đe dọa bị bắt. Ai trong số những tên đen thui lủi này là công an mật vụ, là tình báo viên? Ai có thể còng tay tôi đưa về sở công an để rồi đưa tôi vào nhà tù?  Mà trong chế độ cộng sản, “nhân dân là tai là mắt”, thế mới thật đáng sợ, đáng đề phòng.
Nhưng sau đó tôi lại tự trấn an, tôi tự bảo là tôi đã quá lo xa, đã quên đi rằng không phải ai cũng ủng hộ cái chế độ tàn bạo này, không phải ai cũng sẵn sàng làm cái việc không công là đi báo, phần lớn dân đã cảm thấy bất hạnh sau mười năm bị cộng sản đô hộ, mặc dù không dám chống đối nhưng trong lòng vẫn muốn một sự nổi dậy lật đổ chính thể độc ác bất nhân tâm này. Chẳng qua là vì tò mò mà những người xung quanh tôi muốn biết tôi là ai, có thế thôi.
Rồi tôi lại nghĩ lỡ mà trong đám đông này có vài tên công an mặc thường phục trà trộn vào để rình bắt những kẻ phản động, những người vượt biên, những người đi buôn lậu thì sao? Và tôi lại lo, tôi lại sợ.

Tôi nhớ lại vào những năm bẩy lăm, bẩy sáu bẩy bẩy, chúng tôi hàng tuần phải đi họp tổ họp phường để học tập chính trị. Cán bộ nhồi óc chúng tôi những chính sách của nhà nước, khuyến khích chúng tôi đi kinh tế mới, buộc chúng tôi thể hiện tinh thấn tập thể bằng cách mỗi cuối tuần đi “lao động xã hội chủ nghĩa”, tức là đi đào mương, thông rạch, đắp đường, dựng nhà lá. Họ tuyên truyền rằng chúng tôi phải luôn luôn đề cao cảnh giác, luôn luôn đề phòng, tố cáo những kẻ phản động, lột mặt nạ những kẻ thù của nhân dân, sớm ngăn chặn và phá tan những âm mưu của “địch”, vân… vân. Chúng còn đe dọa chúng tôi là không tố cáo những kẽ phản động là đồng lõa với địch, là đi tù, là đi cải tạo mút mùa. Chúng nói rằng tất cả chúng tôi vì sống dưới chế độ cũ đều mang tội, đều phải sớm giác ngộ, phải tích cực tham gia, đóng góp với cách mạng để lấy công chuộc tội.
Ngoài một số “cách mạng ba mươi”, hèn hạ bán rẻ lương tâm, lợi dụng thời cơ để được tí ơn mưa móc, nhẫn tâm đi làm chó săn cho cái chế độ phản dân hại nước, thì phần lớn dân chúng đã ý thức đươc rằng chính cộng sản là địch chứ không ai khác. Chính cộng sản đã phản bội và ức chế nhân dân, đã có tội với đất nước, với lịch sử, đáng bị loại trừ chứ không phải là ai khác. Chính cộng sản đã đi ngược lại nguyện vọng của dân, đã bóp cổ bẻ họng dân, đã đàn áp bóc lột dân, đã chà đạp lên nhân phẩm của dân. Nhân dân nào mà lại đi tố cáo nhân dân? Mà tố cáo cái gì cơ chứ? Đề cao cảnh giác cái gì?
Những ngày tháng tôi chạy xích lô, tôi đã có dịp tìm hiểu dư luận quần chúng , đã biết rõ nguyện vọng của người dân. Ai nấy đều chán ngán căm thù chế độ cộng sản, cái chế độ đã đưa người dân miền nam từ con người xuống thành con vật, đã cướp đi cuôc sống hạnh phúc của họ.

Xã hội miền Nam đã bị bị thay đổi đột ngột bởi sự xâm chiếm của cộng sản. Với sự xụp đổ của miền nam là sự xụp đổ của lòng tin ở tự do, dân chủ, ở khái niệm quốc gia vì bổng nhiên ông thành thằng và thằng thành ông, bổng nhiên xuất hiện những kẻ vì quyền lợi ích kỷ cá nhân đã coi bạn là thù  và thù là bạn. Nhiều gia đình đã tan nát vì sự “đổi đời” ấy. Nhiều vợ bỏ chồng để theo cán bộ vì miếng ăn manh áo hay vì chờ chồng đi cải tạo lâu quá không về, thấy mình quá cô đơn trong khi phải chống chọi với những khó khăn của một cuộc sống nay đã đổi thay. Họ là những kẻ yếu đuối, đã không giữ được thân mình trong hoàn cảnh khó khăn đầy cám dổ. Và những tên cán bộ khốn nạn thừa nước đục thả câu, lợi dụng tình thế để mà ve vãn, mà cướp vợ người. Tôi không trách những người đàn bà phải sống trong hoàn cảnh nhiểu nhương ấy. Tôi không thể phê bình được họ khi không thấu hiểu những nổi khổ tâm của họ, những day dứt trong tâm hồn họ. Tôi cũng chẳng muốn bào chữa cho họ vì dĩ nhiên họ đã lầm lỗi, nhưng cũng
chẳng lên án được họ vì sự lầm lỗi này là do hoàn cảnh, do sự sáo trộn của xã hội, do sự biến
đổi kinh tế của đất nước.

Con người nhiều khi không chịu đựng được hoàn cảnh phải đi tìm cho mình một lối thoát. Như tôi vì không chịu được sự tàn bạo vô nhân đạo của cộng sản nên đã phải lià bỏ quê hương mà ra đi. Ra đi là có tội với tổ quốc, với giống nòi vì ra đi là vĩnh viển từ bỏ dĩ vãng, từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn, là xa rời tổ tiên, là từ bỏ quốc tịch vốn dĩ của mình. Vì nếu ngày mai quê hương không còn cộng sản, yên ấm trở lại và thanh bình thưc sự ai sẽ trở về và ai sẽ không? Ai dám quả quyết là sẽ trở về? Ra đi sống ở nước người đã quen, hoàn cảnh kinh tế xã hội đã đổi thay, thiếu gì lý do chính đáng để không trở về? Cũng vậy, không thể lên án họ vì mỗi người có hoàn cảnh riêng, mỗi người phải định đoạt cuộc đời riêng của mình. Không phải ai cũng có thể hy sinh cuộc đời mình để trở về. Con người nào cũng có tình cảm, cũng yếu đuối, cũng ích kỷ ít hay nhiều. Không yếu đuối về mặt này thì yếu đuối về mặt khác, không ích kỷ ở điểm này thì ích kỷ ở điểm khác. Có thế mới là con người. Nói ngược lại là giả dối, là nói mị.

Miền nam sau bẩy mươi lăm có lắm cảnh đau thương, tang tóc. Hết chiến tranh tưởng được sống trong thanh bình, trong yên ổn và hạnh phúc, đâu dè lại càng nhiều khổ tâm nhiều đớn đau hơn. Nhìn cái chết của người thân yêu trong thời chiến chưa hẳn là đau sót hơn là nhìn cảnh tan cửa nát nhà trong thời bình. Tôi đả chứng kiến cảnh người cha ở tù nghe tin con gái lấy bộ đội, người chồng đi cải tạo về thấy vợ mình nay sống với một tên cán bộ. Ôi thật là phũ phàng! Nhưng có ai biết đâu vì người mẹ phải hy sinh thân mình để nuôi con, người vợ phải đi bước nữa để nuôi chồng đang ở trại cải tạo, và người con phải hiến thân để giúp mẹ già? Ai cũng chỉ nhìn cái mặt xấu bên ngoài mà đâu có thấy cái mặt đẹp bên trong? Tại sao lại trách nạn nhân của hoàn cảnh trong khi đáng lẽ phải trách kẻ gây ra hoản cảnh đó? Không có sự vô luân hay lỗi đạo trong sự hy sinh cao cả đó. Biết bao nhiêu bà vợ phải lăn lộn sớm chiều để kiếm tiền nuôi các con thay chồng đang đi học tập xa nơi rừng núi? Nếu trước kia họ đã từng buôn bán làm ăn thì đã đành, nhưng nếu họ đã chỉ ở nhà nuôi con làm công việc nội trợ thì thật là cả một sự “đổi đời” như Việt cộng nói! Mà đâu có phải buôn bán là dễ đâu, nhất là sau ngày “giải phóng”? Tiền đâu mà nuôi con? Tiền đâu mà đi thăm nuôi chồng ? Chạy ngược chạy xuôi, mua đầu này bàn đầu kia vẫn không đủ, bán đủ mọi thứ trong nhà cũng không xong! Từng vật kỷ niệm một, từng vật kỷ niệm một, những bàn ghế tủ giường đã ra đi vĩnh viển, ti vi tủ lạnh quạt trần, ra đi ô cát sét máy ảnh ra đi theo, rồi đến những bộ quần áo đi chơi, nữ trang, những kỷ vật một đời người. Ra đi để người bán đau sót nhìn theo, đôi mắt rươm rướm. Những kỷ niệm đẹp thời ấy đâu còn nữa? Kỷ vật đã biến mất, chỉ còn lại ngậm ngùi đớn đau. Xóa nhòa mất rồi, những hình ảnh đẹp của quá khứ, những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời!
Thế rồi trong hoàn cảnh đau thương ấy, khi mà không còn gì nữa để ứng phó với hoàn cảnh, khi đang trong cơn tuyệt vọng thì có sự cám dổ của vật chất, sư mời mọc của kẻ muốn lợi dụng. Người đến bên cạnh dùng những lời đường mật để quyến rũ “Em cứ cầm số tiền này mà mua quà cho các cháu và đi thăm anh ấy! Đừng ngại gì cả! Anh hiểu hoàn cảnh của em và chỉ muốn giúp em mà thôi!” Những lời nói ngọt ngào cộng với cuộn giấy bạc đưa ra vào những phút vô vọng ấy làm mủi lòng người đàn bà đang bí không biết phải làm gì. Nàng có thể biết rằng đó là giả dối, đó là lợi dụng, là dùng tiền bạc để mua chuộc, nhưng biết làm gì hơn?  Có thể phản ứng đầu tiên là thấy mình bị xúc phạm bị coi thường, là thấy khó chịu muốn chửi vào mặt người đàn ông ấy. Rồi về nhà nhìn đàn con nheo nhóc, thấy gần đến ngày đi thăm nuôi chồng, cần đến vài trăm mà không lấy đâu ra, buôn bán thì lỗ lã, đồ trong nhà thì đã bán hết, thấy mình bất lực, nổi buồn dâng lên cao, chỉ còn muốn chết đi cho rồi. Nhưng chết đâu có dễ, còn đàn con ai nuôi? Còn chồng ai đi thăm? Để rồi bị lôi cuốn bởi những lời mời mọc, nàng nghe theo, rồi lại nghe theo vì đã lỡ nghe theo. Với thời gian mọi chuyên đâu vào đó, nàng nhận thức được mình tội lỗi nhưng vẫn coi đó là một sự hy sinh.
Tội lỗi hay hy sinh, không ai hiểu hơn là người đàn bà đã dấn thân vào sự thử thách để rồi bị dị nghị, bị coi thường hay nguyền rủa. Ai hiểu được cho thân phận mình đau khổ và tủi nhục, kể cả người chồng thân yêu cũ? Phải, cũ vì nay mình đã có chồng mới, cũ mới, vì hoàn cảnh mà có sự đổi thay. Ai hiểu cho người đàn bà đó rằng khi phải đi bên cạnh anh chồng mới ngu xi dốt
nát, răng đen mã tấu nhưng có nhiều tiền nhiều quyền, nàng vừa xấu hổ với mọi người, vừa xấu hổ với lương tâm mà vẫn phải cắn răng chịu?
Và người chồng ở trại cải tạo về thấy vợ mình đã theo người khác thì đau đớn, càng đau đớn hơn nữa vì “người khác” lại là kẻ thù không đội trời chung của mình. Nhưng nếu nhận thức được rằng vì mình mà nàng phải “phản bội” thì sự đau đớn còn hơn nhiều nữa.



Tôi chờ lâu lắm xe lửa mới chạy. Tôi không biết tôi phải chờ bao lâu nơi cửa sổ, chỉ biết rằng bao lần tôi đã tưởng xe chuyển bánh vì nghe thấy tiếng còi rít lên vang dội. Nhưng  xe chỉ chạy một đoạn rồi lại ngừng, chỉ để móc những toa vói nhau. Nhưng rốt cuộc thì đoàn xe cũng phải chạy, tôi vẫn đứng nơi cửa sổ nhìn thành phố Nam Vang lui về sau mà không lưu luyến, không thương tiếc, lạnh lùng như người ta bỏ người yêu cũ nay đã phản bội.  Tôi đã chẳng có cảm tình gì với Nam Vang nên chẳng muốn giữ kỷ niệm nào về nơi đó.
Khi chúng tôi leo lên tầu đi Bát Tam Băng  thì chỉ còn mươi ngày nữa là Tết của dân Miên nên trên chuyến xe lửa đó có nhiều người về quê ăn tết với gia đình. Họ có vẻ mặt hân hoan va hồn nhiên, cười nói luôn miệng, ra vẻ thích thú lắm. Đứng trong đám người rộn rã đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn và quên đi nổi lo lắng sợ sệt, quên đi nổi buồn của một kẻ ly hương, quên luôn cả cháu bé cùng đi. Tôi chìm đắm trong một cơn mê, hay một giấc mơ, hay một cơn say đưa hồn tôi đến nơi nào?

Xe lửa ra khỏi thành phố, tôi chỉ thấy một ít cánh đồng ruộng và làng mạc, vài con trâu, vài người dân quê làm ruộng. Sau đấy là những cánh đồng nắng cháy với những bụi cây khô, những vùng đất hoang vu mang một mầu đen ghê tởm của thiên nhiên cay nghiệt, của sự chết chóc. Trên một tuyến đường dài bẩy tám mươi cây số, chỉ là cánh đồng hoang vu như thế, lâu lâu băng qua một con suối khô, mầu đất vẫn đen như thế, những bụi cây vẫn khô cằn, chỉ có cành mà không có lá. Nhìn kỹ phía xa cũng chẳng thấy làng mạc hay nhà cửa, chỉ thấy những con đường đất dẫn vào, chứng tỏ là có dân cư. Như vậy mảnh đất khô cằn, nắng cháy, nghèo nàn này vẫn có người sinh sống trên đó. Tôi nghĩ đến những người dân sống ở nơi đây mà thấy bùi ngùi, thương cho thân phận hẩm hiu mà họ phải chịu, những khó khăn mà họ phải trải qua trong cuộc đời, những cay nghiệt mà thiên  nhiên đã dành cho họ. Tôi hình dung ra lòng can đảm và tinh thần phấn đấu của họ khi sống trên mảnh đất cằn cổi này.

Một giờ sau khi rời khỏi Nam Vang, kể từ khi xe lửa đi qua vùng cây cỏ xanh tươi và đến vùng đất cằn cõi này, tôi thấy vô số những đứa bé Miên tuổi từ năm đến mười lăm, đứng dọc theo đường rầy nhìn đoàn xe đi qua. Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều đứa nhỏ đứng dưới trời nắng gay gắt như thế, những đứa nhỏ đen đủi, nước da đen xẩm như mầu gỗ gụ, vẻ mặt hốc hác, thân thể gầy gò, đầu tóc bù xù, chân đi đất, mình chỉ quấn một chiếc sà rông. Chúng đứng như vậy từng đám, từng đám dăm ba đứa một, trai có, gái có, cứ cách quãng nhau, dài bất tận. Xe lửa chay hết giờ này sang giờ kia mà chúng vẫn còn đó, vẫn những đứa bé đen đủi hốc hác, nước da đen mầu đen gụ, đầu tóc bù xù, mình quấn chiếc sà rông. Tôi tự hỏi chúng đứng đó mỗi lần có xe lửa đi qua hay sao? Chúng nhìn gì? Đoàn xe lửa quen thuộc này ư? Và làm sao chúng biết được có xe lửa đi qua vào giờ đó? Giờ đó lẽ ra chúng phải trong lớp học chứ! Có phải vì vậy mà đa số dân Miên mù chữ hay không?
Trong lúc đang thắc mắc như thế thì bổng nhiên tôi tìm được câu trả lời. Tôi thấy một người, hai người, tăng lần lên đến mấy chục người ồ ra cửa sổ hay cửa lên xuống, ném tiền ra ngoài miệng la lớn bằng tiếng Miên, tay chỉ những tờ giấy bạc đang bay lượn trên không trung trước khi rơi xuống đất. Những đứa trẻ nhào tới, chạy theo những tờ giấy bạc để chụp giựt, tranh dành nhau, la hét inh trời. Một số em không thèm chạy theo, dửng dưng đứng đó nhìn, như có một Thái độ khinh khi những đứa bạn mình.
Bê và Sơ Rin đổi tiền lẻ, đưa tôi chục tờ bảo tôi ném. Tôi cũng làm theo vì nghĩ rằng có thể đấy là tục lệ Khờ me vào những ngày tết, lì xì cho những đứa nhỏ nhà nghèo để lấy hên. Sơ Rin và Bê đứng hai bên tôi nơi cữa sổ, ló đầu ra ngoài, vừa cười la to vừa liệng tiền xuống đường. Tôi thấy những đứa trẻ lúc đầu đứng ngơ ngác nhìn những cái đầu nhô ra khỏi cửa sổ của con tàu rồi bổng ùa ra chạy theo những tờ giấy bạc rơi rải rác trên mặt đất, dưới hố, hai bên đường rầy,
hay trong những đám bụi rậm. Nhiều tờ bị gió thổi bay lượn đi rất xa, lơ lửng trên không một lúc rồi mới rớt xuống để những đứa bé tranh nhau vồ. Và trên đoàn xe lửa bao nhiêu người cười ồ, tỏ vẽ vui thú.

Cảnh bố thí này làm tôi khó chịu. Tôi có cảm tưởng như đây là một cuộc mua vui, những kẻ có tiền tung ra những tờ giấy bạc để cho những đứa bé khốn khổ chạy theo, và lòng tôi chạnh buồn. Có thể vì tôi có định kiến hay tôi bị ám ảnh, nên tôi thấy buồn khi con người đối xử với nhau một cách vô nhân đạo. Có thể tôi không hiểu mối liên hệ xã hội giữa con người, cái tính chất tân tiến của một xã hội máy móc dựa trên nhu cầu vật chất hơn là tình thương. Có lẽ tôi quá bảo thủ, quá tình cảm. Mỗi lần tôi thấy con người với vẻ mặt hằn những nét đau khổ chịu đựng thì tôi lại rơi nước mắt. Như những đứa bé kia, chúng đã được hưởng gì chưa mà trên mặt chúng đã hằn những nét nhọc nhằn và chịu đựng? Tại sao chúng lại không được hưởng sự vui thú và hồn nhiên của tuổi thơ, tại sao mặt chúng lại mất đi sự hồn nhiên, lại không thấy những nụ cười thể hiện tương lai và hy vọng mà chỉ thấy nét đăm chiêu, thụ động và an phận? Nhìn chúng, tôi thấy thương  sao cho thân phận của con người. Nhìn chúng, tôi nhớ lại những đứa bé trên quê hương tôi, tuy không không mang hình ảnh đáng thương như những đứa đứng đó, dọc dài theo con đường xe lửa trên hàng mấy chục cây số của một cánh đồng hoang nắng cháy dường như dài bất tận, nhưng cũng bất hạnh vì chiến tranh, vì thời cuộc, bất hạnh vì những kẻ tàn ác đang chà đạp lên cuộc đời của các em, đang bôi đen những ước vọng của các em và đưa các em vào con đường cùng của tương lai, của hy vọng.

Và như thế đoàn tầu cứ chạy, chạy mãi  rồi đến một lúc nào đó các em bé đen đủi nước da mầu gụ, với nét mặt thụ động, ánh mắt đăm chiêu, rồi cũng phải biến đi. Tôi chẳng biết các em ra đi lúc nào vì khi đó đầu tôi nặng chĩu nhưng ưu tư, tôi đã không nhận thức được những gì đang xẩy ra bên ngoài. Các em đã từ giã tôi vĩnh viển, để lại một ấn tượng khó quên chất chứa trong tiềm thức tôi.
Đầu tôi đâu phải một bộ óc điện tử để có thể giữ lại được bao nhiêu hình ảnh của quá khứ? Tại sao tôi lại phải ghi lại trong tâm khảm những gì của một quãng đời trôi qua với vô số những kích động, những gì đã mạnh mẽ đập vào tai, vào mắt, vào những bộ phận cảm xúc của tôi và nhất là vào con tim tôi? Tôi muốn xoá đi những hình ảnh đó như người ta xóa đi một băng vi đê ô, tôi muốn quên đi dĩ vãng như quên đi một câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết mà không được. Tôi ao ước được ngu xi đần độn, được vô tri vô giác, tôi ao ước được vô nhận thức, vô cảm, vô tình. Ao ước như thế để được yên bình, được sống lẳng lặng, an phận và không vui không buồn như muôn vàn người khác. Mắc mớ gì đến tôi những chuyện của người khác mà tôi phải bận tâm? Thương yêu gì tôi đâu những kẻ đó, mà tôi phải thương yêu? Tôi là ai, là thế nào đối với họ, những người mà tôi cứ thương yêu như gia đình hay bạn bè hay đồng bào tôi? Họ đâu cần tình thương của một kẻ xa lạ như tôi? Thật là vô lý, điên khùng! Nhưng thế đó, làm sao giải thích được sự vô lý điên khùng của con tim?



Đoàn xe dừng lại ở nhiều trạm để lấy thêm dăm ba người lên mà chẳng thấy khách xuống. Tôi vẫn đứng ở cửa sổ, hai bên tôi vẫn là hai người dẫn đường, giống như hai người hộ vệ, Bê thì nhỏ thó còn Sơ Rin thì to lớn. Và quả thật đi với Bê và Sơ Rin tôi thấy an toàn hơn vì mỗi khi có ai hỏi, họ trả lời trong khi tôi lầm lì nhìn. Họ xã giao lấy thuốc Sa Mít ra mời những người đứng xung quanh để cho thân thiện và cũng là để tôi bớt bị nghi ngờ.
Đến trưa thì xe lửa ghé một trạm lớn và dừng lại ở đó lâu. Ai nấy đều mua cơm cá hay cơm gà nướng, cơm thì gói trong lá chuối, cá trong lá dừa, còn gà thì từng sâu một. Những bà già, con gái bưng từng thúng, từng thúng, đi dọc theo hai bên xe để chào bán. Trên xe khách đua nhau lòi đầu ra khỏi cửa để chọn, để mua. Bê và Sơ Rin mua cơm gà cho tôi nhưng tôi chẳng ăn được bao nhiêu vì bụng tôi đang cồn cào khó chịu. Chúng tôi ăn trái thốt nốt, trông tựa như trái dừa nước bên mình, vừa ăn vừa phải nhằn vỏ nhổ phì phì. Chúng tôi cũng uống nước dừa. Cảnh ồn ào náo nhiệt, với những tiếng nói tiếng cười tiếng gọi nhau, tiếng rao hàng tiếng máy ghi âm inh tai làm tôi đã sẵn nhức đầu lại càng nhức đầu thêm.
Từ lúc xe ngừng chỗ cửa sổ không còn là của chúng tôi nữa. Chúng tôi đã phải dịch sang bên cạnh để những người khác mua cơm ăn và khi xe lửa chuyển bánh thì chỗ cửa sổ đã bị người khác chiếm mất. Tôi phải đứng lưng dựa vào thành toa xe, cạnh đám đông hôi hám, nồng nặc mùi mồ hôi và mùi thuốc hút. Chiếc toa xe lửa đong đưa, thành xe rung rung, và tiếng bánh xe đều đặn làm cho tôi buồn ngủ. Tôi nhắm mắt thiếp đi được chừng mươi phút thì Sơ Rin vỗ mạnh vào vai tôi, bảo tôi ra chỗ cửa sổ nơi Bê đã dành lại đuợc một phần nhỏ. Bê xích sang bên cạnh để nhường chỗ cho tôi. Trên thành cửa sổ, một tên Miên trông có vẻ một tay anh chị ngồi dựa lưng vào một bên cửa, ung dung hút thuốc. Bê làm quen bắt chuyện với hắn.
Đoàn xe bây giờ đi qua một khu rừng hai bên cỏ cây xanh tươi. Dọc bên hai đường rầy trải đá xanh, những tên bộ đội đứng rải rác canh gác. Lâu lâu xe đi ngang qua một trạm gác của bộ đội cộng sản Việt hay một trại lính nhỏ đóng quân ven rừng. Trước kia những trại lính này do quân của Lon Nôn trấn đóng để chặn Miên cộng tấn công đoàn xe lửa. Bây giờ quân việt cộng kiểm soát để ngăn ngừa sự đánh phá của lực lượng Khờ me tự do muốn giải phóng Kămpuchia. Nhiều cột điện bị phá đổ, nhiều đường dây bị cắt đứt, nhiều toa xe lửa bị lật vẫn nằm chình ình bên đường. Trụ đèn và tường ngoài những lô cốt mang những vết đạn bắn phá. Sự hiện diện đông đảo của quân cộng sản Việt Nam ở nơi này chứng tỏ rằng mặt trận quốc gia giải phóng Kămpuchia đang nổ lực chống lại quân cộng sản Kămpuchia để kiểm soát vùng Tây Bắc giáp danh với Thái Lan.

Khoảng bốn giờ thì chúng tôi đến Puốc Sát, một thị trấn nhỏ nằm giữa Nam Vang và Bát Tam Băng. Tôi không hiểu tại sao xe không đi luôn đến Bát Tam Băng mà lại phải dừng qua đêm nơi đây. Tất cả hành khách phải xuống xe.
Chúng tôi vừa xuống khỏi toa thì thấy Hai Học cùng với Hinh và Huân. Tôi hỏi cháu bé đâu thì Huân bảo cháu đang đi với Sô Phi và người đàn bà kia. Hai Học ghé vào tai Sơ Rin nói nhỏ câu gì rồi tôi thấy Sơ Rin đi theo ngược theo đường rầy  thay vì đi theo những hành khách kia ra cổng chính của nhà ga. Tôi cũng đi theo Sơ Rin và sau tôi là Bê. Chúng tôi đi như vậy khoảng năm sáu trăm thước rồi quẹo phải đi băng một cánh đồng hoang trên những con đường đất đỏ, đi rất lâu, mãi tận trong, gần những làng của dân địa phương. Sau đó, chúng tôi lại đi ngược trở lại, qua những cánh đồng mênh mông. Trời nắng gay gắt, tôi đổ mồ hôi đầm đìa và khát nước vô cùng. Tôi hỏi Bê chỗ nào có nước uống thì hắn lầm lì không trả lời.
Sơ Rin và Bê đi như ma đuổi, tôi vì đuối sức, không theo kịp, lòng thì lo không biết chúng dẫn tôi đi đâu. Tôi tưởng tượng ra rằng chúng đưa tôi đến một nơi vắng vẻ và buộc tôi viết giấy về nhà để chúng lấy số vàng còn lại, rồi thủ tiêu tôi. Tôi lo không biết cháu bé đang ở đâu. Vẻ mặt lầm lầm lì lì của Sơ Rin lại càng làm tôi e ngại. Đang đi, tôi bổng ngừng lại rồi ngồi bệt xuống đất gần một bụi cây để xem phản ứng của Bê và Sơ Rin ra sao.
Một người Miên đi qua hỏi tôi câu gì tôi không hiểu và tôi ngoảng mặt đi chỗ khác, lấy chiếc khăn đen đỏ quàng lên cổ và lờ đi không trả lời. Hắn bực tức đứng lại, nhìn tôi chằm chặp một
lúc trước khi bỏ đi. Một lát sau Bê lật đật trở lại tìm tôi  và nói “Gần tới nơi rồi cậu hai. Gắng chút nữa đi!” Tôi đứng dậy loạng choạng bước theo. Tôi đã phải đứng bẩy tám tiếng trên xe lửa, và nãy giờ chúng tôi đã đi hơn năm cây số đồng ruộng, sao chẳng mệt?
Chúng tôi leo một con đường dốc và bổng nhiên nhiều nhà sàn khá lớn hiện ra. Tôi thấy nhiều dân cư và đủ loại thú vật như trâu, bò, chó, gà vịt. Tôi biết đây là vùng ngoại thành của Puốc
Sát. Nhiều người dân tò mò nhìn tôi nhưng tôi cứ vờ như không biết, khập khiểng bước mau qua vùng này. Chúng tôi  băng qua một con mương đến một con đường thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Phải đi hết đường xe bò mới thấy sông vì trước đó con sông bị che khuất bởi một hàng cây cao, um tùm lá. Vì đang là cuối mùa nóng nên nước sông đã gần cạn, lòng sông chỉ còn là một bãi cát không, trắng và rất sạch. Đấy là một đặc điểm của sông Mê Kông và những
nhánh của nó làm tôi nhớ lại những cồn cát mênh mông giữa sông Bát Sắc nơi tôi đã tắm trước
đó mấy hôm.

Vừa xuống đến nơi, Sơ Rin cởi quần áo, lấy một cành cây cắm xuống đất để máng quần áo rồi phóng xuống nước lội lấy lội để. Tôi đã cởi quần và đang tính cởi sơ mi ra thì Bê ngăn và bảo người tôi trắng dễ bị lộ. Tôi chỉ một tên Miên có lẽ gốc tầu da trắng còn hơn tôi đang bì bõm dưới nước, lúc đó Bê mới cho tôi xuống sông.
Sau một ngày nắng gắt, nước sông tuy vào buổi chiều nhưng vẫn còn âm ấm. Bên kia sông nhiều đàn bà con nít cũng đang vẫy vùng và nhiều người đang múc nước gánh đi. Họ đào những hố lớn trong lòng sông nơi đã cạn và lấy nước từ những “giếng” đó. Tôi tắm được một lúc nhớ ra là mình khát, bèn lại đó múc nước uống. Nước ở đó trong và mát rượi. Uống xong tôi leo lên bờ sông ngồi nghỉ, nhìn Bê và Sơ Rin đùa như con nít dưới sông. Họ vẫy tay kêu tôi xuống nhưng tôi giả vờ như không thấy.
Lát sau cả ba chúng tôi mặc quần áo rồi lên ngồi dưới bóng mát của những bụi cây nói chuyện. Mùi xu uế nồng nặc bốc lên làm tôi khó chịu. Lâu lâu lại có một chiếc xe do hai con bò kéo đi qua. Tôi hỏi Bê chúng tôi ngồi đấy làm gì thi hắn trả lời rằng phải chờ đến chiều tối mới vào thị trấn Puốc sát tìm chỗ ngủ, bấy giờ còn sáng e bị kiểm soát và bắt giữ.
Puốc sát là nơi kiểm soát gắt gao những ai đi về phiá biên giới. Rất nhiều người đi vượt biên bị bắt tại đó vì có nhiều trạm kiểm soát và lính tuần đi suốt ngày đêm kiểm tra giấy tờ của những người lạ mặt, nhất là gần khu vực nhà ga.

Khoảng hơn năm giờ thì Sô Phi, bác Lũy và Hinh lù lù từ đâu đến. Sô Phi ôm theo một trái dưa hấu. Tôi hỏi Hinh cháu bé dâu thì nó nói cháu và em nó đang lội ở dưới sông và có người đàn bà kia trông lúc đó tôi mới yên bụng.
Sô Phi có con dao nhỏ, chúng tôi bổ dưa ra ăn. Bác Lũy vui ra mặt. Bác hớn hở cho rằng mọi chuyện đang tốt đẹp và sẽ tiếp tục tốt đẹp vì bác luôn luôn cầu nguyện Đức Mẹ. Nhìn ông già đầu bạc phơ ngồi bên bờ sông ăn miếnh dưa hấu, nét mặt tươi vui, ai dám bảo bác là một người liều mạng đi vượt biên?
Chúng tôi ngồi nói chuyện được một lúc thì thấy Hai Học đến. Y bàn với ba tên bộ hạ một lúc rồi quay sang chúng tôi, y nói rằng từ đấy trở đi sẽ rất nguy hiểm, rất dễ bị bắt, do đó phải thật thận trọng. Y nói lúc nãy ở nhà ga, nhiều người đã bị chặn xét và một số đã bị bắt, rồi y quay sang Hinh trách nó lúc trên xe lửa đã bô bô nói tiếng Việt và đùa giỡn với em nó. Y dọa nếu cứ tiếp tục nói chuyện với thằng Huân hay chọc phá nó mà vỡ lẽ ra thì dáng chịu.
Y còn trách thằng Hinh đã nghi ngờ y lừa gạt khi chuyến đi qua ngã Tây Ninh kỳ trước đổ bẻ. Hai Học kể lễ rằng y đã mất toi vàng cho tên dẫn đường đưa Hinh và một người nữa đi chuyến đó. Tên dẫn đường này đã bị bắt, bị đánh đập tra khảo đến gần chết và cho đến lúc đó vẫn chưa được thả. Rồi y nói kỳ này y tính toán kỹ, moị chuyện sẽ tốt đẹp, giống như chuyến đưa anh Nhơn và đứa con trai kỳ trước nũa. Y nói lần đó đi có ba ngày là đã đến biên giới. Nghe y nói hăng say, tôi đoán chừng y đã làm hai ba ly đế rồi, tôi biết y ba sạo, khoe khoang khoác lác nhưng tôi thấy bác Lũy có vẻ phấn khởi. Có lẽ vì cho đến lúc ấy mọi chuyện đã xuôi xẻ, chưa xẩy ra chuyện gì đáng lo ngại nhiều.

Chúng tôi ngồi đó cho đến khi tối xẩm. Hai Học bảo Bê và Sô Phi đi đâu đó, tôi không biết. Sau khi họ ra đi, chúng tôi vẫn ngồi đó chờ. Cả tiếng sau, khi chưa thấy Bê và Sô Phi trở về, Hai Học bảo tôi và Sơ Rin đi trước, bác Lũy, Hinh và y sẽ đi sau. Chúng tôi lững thững vừa đi theo bờ sông thì thấy Bê và Sô Phi trở về, tay cầm đèn pin. Bê thì thầm câu gì rồi đi tìm Hai Học.
Trời đã tối đen như mực mà đường lại không có tí đèn nào. Xa xa nơi cây cầu cho xe lửa qua sông, ánh đèn pha hắt lại. Những toán lính vẻ mặt đằng đằng sát khí tay cầm đèn pin đi lục soát các hang cùng ngõ hẻm xem có ai ẩn trú hay không. Lâu lâu một xe díp trở bộ đội súng đạn đầy mình chạy qua. Tôi có cảm giác như sống trong một nơi đang mất an ninh hay đang có chiến tranh.
Chẳng bao lâu chúng tôi vào đến thị trấn với những con đường rộng nhưng bị hư hỏng nhiều mà không được sửa chữa và những căn nhà gạch lớn quét vôi, trệt có, villa có. Lác đác có người đi bộ trên đường phố, trên tay cầm đèn pin và có người đi xe đạp có đèn rọi sáng.
Tiếng rè rè của cái đi na mô (dynamo) làm tôi nhớ lúc tôi bẫy tám tuổi, khi còn ở Hà Nội, bố tôi đèo tôi trên chiếc xe đạp pơ dô (peugeot) vào những buổi tối đi ăn ở bờ hồ về, trên đường phố bao nhiêu là xe đạp rọi đèn trông thật vui mắt.

Sau này ở Saigon tôi không còn thấy ai dùng đi na mô nữa, ngay cả sau ngày cộng sản vào khi mà ai cũng đi xe đạp vì làm gì còn xăng mà đi honda hay xe hơi? Dầu lửa cũng không có, nấu cơm phải nấu bằng than hay củi, rồi sau đó không hiểu vì lý do gì than cũng không còn, nhiều
nhà phải dùng mạt cưa đun nấu. Saigon hồi ấy bán những cái bếp chuyên để đốt mạt cưa, một thứ bếp mà cả đời tôi chưa bao giờ thấy, cũng như xe hơi chạy bằng than và ăn bo bo là thứ đồ ăn ở liên sô dành cho trâu bò hay ngựa.
Sau những năm thịnh vượng trước bẩy mươi lăm, xã hội miền nam đã thối lui hơn hai ba thập niên, đi ngược giòng lịch sử tiến hóa để trở về hình thái của dĩ vãng. Tiêu biểu nhất là Saigon. Saigòn trước đó đã là Saigon hoa lệ, với những xe hơi bóng loáng, những nhà lầu cao chót vót, những xí nghiệp canh tân, những nhà máy ngày càng phát triển vĩ đại. Con người miền nam cũng đã đổi biến với đà tiến đó. Những người thợ, chuyên viên đã là những người giỏi không thua gì những người ở những nước ở Á Châu khác, những trí thức trẻ đi du học ở ngoại quốc,
nhất là ở Mỹ, về đã học hỏi được nhiều kỹ thuật và phương pháp tân tiến để áp dụng vào quản
lý kinh doanh và hành chánh, vào sản xuất và cung cấp dịch vụ. Đại học cũng đang cải tiến và phát triển để đáp ứng nhu cầu canh tân của xứ sở.
Nay chỉ mới hơn sáu năm, với cái gọi là “tiến lên xã hội chủ nghĩa” cả miền nam đã đi thụt lùi, không còn làm ăn buôn bán, không còn nhập cảng để sản xuất mà chỉ còn xuất cảng để trả nợ các nước đàn anh trước kia, nhất là Liên Sô “vĩ đại” đã “viện trợ” hàng bao nhiêu tỷ đô la để theo đuổi cuộc xâm lăng miền nam, không còn quản lý điều hành vì tất cả chuyên viên đã bỏ nước ra đi, không còn sản xuất vì về mặt kỹ nghệ không có nhiên liệu và nguyên liệu, về mặt nông nghiệp thì gặp sự phản đối tiêu cực của người dân trước việc nhà nước buộc mọi người phải tham gia những hợp tác xã. Đã thế bao nhiêu nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc sản xuất tân kỳ của miền nam đã bị chở ra miền bắc cho đảng và nhà nước, những cán bộ gộc ăn cắp được ở miền nam chở về xe hơi, tủ lạnh, bàn ghế tủ giường sang đẹp, ti vi, máy hát, máy may, còn những cán bộ tép riu thì đem về tất cả những gì họ có thể cướp được từ nồi niêu soong chảo bát điã máy móc dụng cụ quần áo đến cả những đôi đũa cái bát thậm chí cả cái lọc cà phê mà lúc đầu họ gọi là “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Nói tóm lại miền nam đã trở nên kiệt quệ, nghèo đói, ngu xi, chậm tiến, dân miền nam trở nên đói rách, khổ sở.
Trên đường đi định cư, tôi đả ghé lại Băng Cốc (Bangkok) và Tân Gia Ba (Singapore) và đã như anh nhà quê ra tỉnh nhìn những tòa nhà trọc trời, những con đường thênh thang hàng ngàn xe hơi chạy, những cầu lưu thông, những siêu thị vĩ đại bán hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm đủ loại, những thương xá mênh mông đi mỏi chân chưa hết, bán những hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ và qúi phẩm đủ kiểu, đủ loại.
Nhìn dân Băng Cốc và nhất là dân Tân Gia Ba ăn diện sang trọng, làm việc hăng say và tiêu
sài, hưởng thụ tận cùng, tôi buồn tủi cho dân Saigon nay quê mùa, đói rách, không có việc gì làm ngoài “lao động xã hội chủ nghĩa”. Nếu không có biến chuyển năm bẩy mươi lăm thì giờ này Saigon cũng như Băng Cốc và Tân Gia Ba hay hơn nữa chứ không thua.

Trời nóng như thiêu như đốt và oi ả vô cùng. Kămpuchia là quê hương của nắng cháy da cháy thịt, của khô cằn và hoang vu. Sơ Rin cởi chiếc sơ mi ướt đẫm mồ hôi và cứ mình trần lầm lũi bước, tôi lẽo đẽo theo sau đã cả tiếng rồi. Hắn đưa tôi đi quanh quẩn hết chỗ này đến chỗ kia, hết đường này đến hẻm nọ mà tôi chẳng biết đi đâu. Hỏi hắn câu gì, chỉ thấy hắn lầm lì ngậm miệng mà không trả lời, có lẽ vì hắn không thông thạo tiếng Việt. Chúng tôi liên lạc với nhau bằng dấu hiệu, ngoắc tay, gật đầu hay nháy mắt. Thực ra chúng tôi cũng chẳng có gì nhiều để nói với nhau. Bổn phận của hắn là dẫn đường và của tôi là theo hắn. Chỉ có thế thôi.

Bổng nhiên Sơ Rin ra dấu cho tôi ngừng lại. Hắn lầm lũi đi vào một căn nhà lụp xụp, phía trước có sạp bán thuốc lá, kẹo bánh, và đồ giải khát. Hắn hỏi cô gái vài câu rồi trở ra với vẻ mặt hơi hoảng hốt lo âu. Tôi đoán đây là điểm hẹn mà Sô Phi đã chủ động kế hoạch cho chúng tôi nghỉ đêm tại Puốc Sát vì lúc trước Sô Phi và Sơ Rin đã đi trước xem xét tình hình trong khi chúng tôi ngồi chờ.
Nhìn vẻ mặt lo âu của Sơ Rin tôi đâm ra sợ, tim đánh thình thịch trong lồng ngực tôi. Đi được đến Puốc Sát là đã hai phần ba đường rồi. Nếu bị bắt ở đây thì thật khốn nạn. Thế mà tôi nghe nói con đường từ Bát Tam Băng đến biên giới mới thật là đáng sợ!
Sơ Rin dẫn tôi đi ngược trở lại. Tôi hỏi hắn đi đâu thì hắn trả lời “đi tìm ông Hai” tức là Hai Học. Tôi cảm thấy hành trình từ Nam Vang tới Bát Tam Băng là do Sô phi chủ động chứ không phải Hai Học, nhưng y vẫn chịu trách nhiệm.
Sơ Rin dừng lại ở đầu đường để mua thuốc lá và hai miếng thơm. Tôi ăn ngon lành vì trời vẫn còn nóng và tôi lại khát nước. Chúng tôi vừa đi vừa ăn và chỉ chút sau đó thì thấy Bê. Sơ Rin nói nhỏ với Bê, rồi Bê ra dấu cho tôi đi theo. Chúng tôi đi trở lại căn nhà vừa đến. Bê vào và khi trở ra chỉ chỏ và nói với Sơ Rin, rồi chúng tôi lại đi tiếp.
Chúng tôi đi qua một quán nước và Bê đề nghị vào uống nước. Cô bán quán khá xinh trông rất lẳng lơ, móng tay sơn phết đỏ chót, bận chiếc áo mỏng rất đẹp. Sơ Rin vừa uống nước vừa ghẹo cô bán quán và Bê cũng phụ họa vào. Thấy tôi ngồi yên không nói gì, cô ta chỉ tôi và hỏi Sơ Rin. Tôi không biết hắn nói gì mà tôi thấy cả ba cười ồ. Sơ Rin trả tiền xong thì chúng tôi lại đi tiếp và khi đến gần cây cầu thì chúng tôi  thấy có một xe đạp lôi đậu ở trước một căn nhà có đèn măng xông (manchon) sáng rực. Sơ Rin vào thuê xe và sau khi hai bên thỏa thuận giá, chúng tôi leo lên và người phu xe đạp đi. Chừng năm phút sau chúng đến khu phía sau nhà ga Puốc Sát.
Khu này bấy giờ rất náo nhiệt, đông người ra vào những quán ăn, tiếng nhạc kămpuchia ing ỏi nhức cả tai. Đèn măng xông trước các quán ăn và quán trọ soi sáng cả một quãng đường. Trước những nhà thường không có đèn nên tối om. Khi đến khu nhà ở, Bê vổ vai người phu xe bảo ngừng. Chúng tôi xuống và Bê bắt tôi đứng sau nó và Sơ Rin trong bóng tối để tôi không bị ai thấy trong khi họ dò xét tình hình. Sơ Rin bước qua bên kia đường nơi có một quán trọ trong khi Bê và tôi đứng đó chờ. Tôi thấy Sơ Rin hỏi dò những kẻ đứng đó một lúc, rồi mới bước vào. Vài phút sau hắn trở ra miệng cười và tôi đoán chắc hắn đã gặp Hai Học hoặc Sô Phi, nhưng không phải.
Chúng tôi tiếp tục đứng ở đó, rồi bổng chợt Bê nắm áo tôi mà kéo về phiá sau hai đứa. Một chiếc xe díp đi qua ánh đèn pha chiếu sáng cả con đường. Trên xe lố nhố vài tên  bộ đội tay cầm súng tay cầm đèn pin. Tim tôi đập dồn dập. Chiếc xe chạy tiếp rồi dừng lại tại ngã ba gần đó. Lại một cuộc kiểm soát gì đây! Tôi chẳng có giấy tờ nào trong người dù là giấy tờ giả và tôi cũng chẳng nói hiểu được một câu tiếng Miên! Rồi làm sao đây khi tôi bị sét hỏi? Bấy giờ tôi mới thấy Hai Học ẩu. Y nói y sẽ mua giấy thông hành giả cho tôi khi ở Nam Vang nhưng y lại không mua cho đỡ tốn tiền.
Tôi đang lo cuống lên thì Sơ Rin nháy mắt và làm dấu bảo tôi đi theo hắn. Chúng tôi lại băng qua đường đi theo con đường đất dẫn đến hàng rào giây kẽm gai ngăn cách sân ga, Ba chúng tôi lẳng lặng đi, không ai nói lời nào, đi trong bóng tối. Đi một quãng xa, chúng tôi ngừng và ngồi xuống bên đường. Chưa bao giờ tôi lo sợ bằng lúc này. Nếu Hai Học có mặt lúc đó, chắc tôi đã gây với y. Tôi không nhớ chúng tôi ngồi đấy bao lâu, bụng tôi đang đói, đầu tôi nặng chĩu, thân tôi mệt lả. Tôi chỉ muốn ăn một tí cái gì rồi đi ngủ.
Bê đã đi thám sát và một lát sau hắn trở về tươi cười, lúc ấy tôi mới hơi yên bụng. Mỗi lần Sơ Rin lầm lì là tôi biết hắn đang lo sợ vì nếu tôi bị bắt và khai tên hắn thì hắn cũng vào tù. Đây là lần đầu tiên hắn tham gia vào tổ chức đưa người vượt biên cho tới biên giới nên hắn chưa có kinh nhiệm. Trước kia hắn chỉ có nhiệm vụ đưa người từ Châu Đốc đến Nam Vang cho nên hắn đã quen và rất bình tĩnh trên tuyến đường đó.
Chúng tôi về trở lại căn nhà trọ lúc trước và khi đến gần thì tôi thấy Hai Học. Y đang đứng đó với bác Lũy chờ chúng tôi. Y bảo tôi theo bác Lũy vào cất đồ rồi ra đi ăn cơm. Bác Lũy nói nhỏ với tôi rằng Hai Học cũng đưa bác đi lòng vòng mãi rồi mới đến đấy. Bác đã ăn cơm rồi nên không trở ra nữa. Tôi vào đến căn phòng nhỏ thì thấy cháu bé tôi đã ngủ với Hinh và Huân. Ngồi bên cháu là cô giáo dẫn đường mà tôi vẫn chưa biết tên. Thấy cháu đang ngủ say tôi vừa bùi ngùi vừa sung sướng. Cả ngày hôm đó tôi đã chỉ được gặp mặt và nói với cháu hai ba phút. Chúng tôi đi tới một quán nhỏ gần đấy nhưng tôi chẳng ăn được vì quá mệt và đã qua cơn đói. Đêm hôm ấy tôi ngủ say như chết, Sáng khi tỉnh dậy tôi thấy mọi người đã chuẫn bị xong , sẵn sàng để ra ga, chỉ còn Huân và cháu bé là còn đang ngủ. Tôi đánh thức cháu dậy và chúng tôi ra nhà sau rửa mặt đánh răng và đi vệ sinh. Cả toán chúng tôi đến nhà ga nhưng ga chưa mở cửa nên chúng tôi lại phải đứng chờ.

Xe lửa rời nhà ga Puốc Sát lúc tám giờ và đến Bát Tam Băng lúc mười hai giờ. Trên đoạn hành trình này Hai Học, tôi và Hinh phải leo ngồi trên mui toa xe, nơi để những kiện hàng lớn.  Tôi thấy một số thanh niên đi buôn đường Nam Vang - Bát Tam Băng đã ngồi sẵn trên đó để canh trừng những kiện hàng của mình. Một số người đi vượt biên như tôi cũng ngồi trà trộn trên đó.
Hai Học ngồi cách xa tôi chừng vài thước và chúng tôi làm như thể không quen biết nhau. Khi dừng ở mỗi trạm Hai Học và Sơ Rin nhẩy xuống và lợi dụng lúc y không ở đó tôi và Hinh thì thầm nói chuyện một lúc.

Khi xe lửa ngừng ở một trạm nhỏ cách Bát Tam Băng khoảng bốn mươi cây số, một tên người Miên leo lên và ngồi nói chuyện với Hai Học rất lâu, chỉ chỉ chỏ chỏ về phía tôi. Tôi chưa gặp hắn bao giờ nên tôi đoán chừng hắn cũng là một con buôn như bao nhiêu con buôn khác mà Hai Học đã làm quen. Khi xe lửa dừng ở trạm kế tiếp, Hai Học nhẩy xuống và Hinh nhẩy xuống theo vì cũng buồn đi tiểu. Thấy còn mình tôi ở đó, tên Miên kia lại gần tôi nói dăm câu tiếng Miên đồng thời chỉ vào cái khăn quàng tôi đang đeo ở cổ làm dấu bảo tôi đeo lên đầu và chỉ vào cặp kính mát của tôi bảo tôi bỏ vào túi áo. Lúc sáng Hai Học đã nói rằng tôi có thể đeo kiếng mát. Tôi không biết hắn là ai nên giả vờ như không hiểu hắn muốn gì và không nghe theo. Trong hắn lại có vẻ một tay anh chị , đầu đội mũ bê rê (beret) tướng trông du côn nên tôi cũng hơi sờ sợ.
Khi Hai Học trở lên mui, tên Miên lại gần, nói với y cái gì đó tôi không biết mà tôi thấy y lại nói nhỏ với tôi là không nên đeo kính và lấy khăn mà quấn lên đầu. Y nói ở đấy ai cũng làm như thế và quả thật xung quanh tôi ai cũng quấn khăn lên đầu. Tôi làm theo điều y bảo và lúc đó tôi đoán chừng tên Miên kia là một tay làm ăn với Hai Học. Sau này tôi được biết hắn là anh họ cùa Sô Phi và sẽ thuộc nhóm dẫn đường cho chúng tôi đi đến Xi xô phon.

Nhiều tên Miên đứng đón người vượt biên ở Bát Tam Băng và Puốc Sát để hứa đưa đi đến biên giới ăn một hai chỉ vàng. Cũng có nhiều người dẫn đường lương thiện làm đúng lời hứa, nhưng phần lớn là những lưu manh chuyên đi gạt, lấy vàng rồi đi nửa đường bỏ rơi khách, hoặc nhẫn tâm hơn đi báo công an đến bắt. Do đó rất nhiều kẻ tự đi vượt biên bị bắt hay bị chết nửa đường đến Xi xô phôn vì bị bỏ rơi rồi tự mình tìm đường mà đi một mình. Trên con đường đi tới Xi xô phôn và nhất là từ Xi xô phôn đến Nông Chan có biết bao nhiêu hiểm nguy chầu chực người lữ hành, bộ đội Việt, bộ đội cộng sản Miên, khờ me đỏ, khờ me xanh, mìn chôn trên lối đi, chết đói chết khát, chết mệt, vì đi lạc đường không tìm được lối ra… Tôi nghĩ đó cũng là trường hợp của hai tay phi công trẻ mà tôi gặp lần chót tại Nam Vang vì tôi không thấy họ đến trại NW9.
Lúc gặp tên anh họ của Sô Phi không hiểu tại sao tư nhiên tôi có linh tính rằng sẽ có một chuyện gì ghê gớm bi thảm xãy ra cho hắn sau này. Thật là lạ lùng và cái linh tính ấy cứ theo tôi cho đến khi chúng tôi chia nhau lên đường đi Xi xô phôn. Quả thật sau này trên con đường lên biên giới y đi đầu toán để dẫn đường và sau khi qua khỏi Xi xô phôn vài cây số y đã bị bộ đội bắn chết trước mắt cháu bé khi y  chạy trốn không chịu để bị bắt trong khi chúng tôi bị nhốt vào tù.
Sau khi xe lửa đến Bát Tam Băng chúng tôi lấy xe đạp lôi đi về nhà Sô Phi ở vùng ngoại ô. Bát
Tam Băng là một trong những thành phố lớn của Kămpuchia, nhà cửa rất lớn và đường xá rộng còn trong tình trạng tốt, trên vỉa hè có những hàng cây cao tươi tốt, có bóng mát. Những công viên tuy không rộng lắm nhưng đẹp mắt.
Bát Tam Băng, một thành phố thuộc địa pháp, phảng phất hình ảnh của Hải Phòng nơi tôi đã trải qua những năm tiểu học cùng những năm đầu của trung học và tự nhiên tôi nhớ về quá khứ xa xôi thời còn niên thiếu và có cảm giác êm đềm về những ngày cắp sách đến trường, cố tìm trong tâm khảm hình ảnh của vài bạn thân thời xưa như Tước, Hảo, và vài người nữa mà nay không còn nhớ tên. Những căn nhà một tầng quét vôi mầu vàng, những vi la (villas) tây phía trước có vườn rộng trồng chuối và dừa nước tự như ở Mỹ Tho hay Saigon hay một nơi đâu đó của miền nam, quê hương thân thương đã chất chứa bao nhiêu kỷ niệm quá đẹp của đời tôi, bao nhiêu mộng mơ ao ước, và con đường của lý tưởng, của cao thượng, của tương lai sáng ngời. Thế nhưng nay đâu còn nữa những gì đó mà tôi thương nhớ, những hình ảnh sáng ngời của một thời nay đã trôi đi, không còn tìm được lại nữa, không bao giờ trở lại.
Thật là kỳ lạ. Sao những con đường của một thành phố xa lạ xứ người, những con đường có bóng mát của những hàng cây, những công viên có dáng dấp thuộc địa, những vi la quét vôi trắng, vôi vàng có cổng sắt sơn phết mầu xanh lá cây lại cho tôi bao nhiêu suy tư, bao nhiêu hình ảnh của quá khứ? Để rồi tôi tỉnh lại và nhận thức rằng tôi đâu còn trên quê hương nữa.
Vẫn những xe nước mía in hệt như ở Saigon, cũng thế thôi những xe nước miá mà tại sao nơi
đây lại là nơi xa lạ? Tại sao đây lại không là Saigon thương mến?
Tôi đã xa rời Saigon không luyến tiếc như xa rời một tình nhân bạc tình đã nhẫn tâm bỏ tôi đi theo một kẻ khác. Xa rồi nhưng vẫn nhớ vẫn thương, xa rồi mới thấy rằng dù kẻ ấy đã phụ tình, mình vẫn không thể quên được những lúc mình hạnh phúc, những lúc mình ôm nàng trong vòng tay ấm, những lúc mình cùng nàng đi tay trong tay trên những con đường đầy kỷ niệm. Tôi xa nàng mãi mãi hay sao đây? Hay một ngày nào đó nàng sẽ trở về để cho tôi ôm lại trong vòng tay ấm, để cho tôi lại tay cùng nàng trong tay đi trên những con phố cũ, để tôi lại được sống những ngày hạnh phúc như xưa trong tình thương ấp ủ mặn nồng? Tôi mơ ưóc sẽ có một ngày tôi và Saigon yêu dấu lại quấn quít bên nhau, lại sống trong hạnh phúc tưởng như đã mất đi vĩnh viển.

Viết đến đây sao tim tôi lại se lại, ngực tôi lại bị đè nén làm tôi không thở được và nước mắt tôi lại trào ra lăn xuống tay tôi? Viết đến đây sao tôi lại cảm thấy đau đớn trong lòng, ruột gan tôi thắt lại, tôi run rẫy trong thổn thức? Phải chăng vì tôi đả mất đi rồi cái gì đó mà tôi quí nhất trên đời, quí hơn cả chính tôi, quí hơn cả những gì tôi quí nhất khi còn nhỏ, như cha mẹ và anh chị em? Cái gì mà tôi quí đến thế, cái gì mà làm tôi se lòng, làm nước mắt nước mũi tôi chảy ra khi liên tưởng đến nếu không phải là Việt Nam, quê hương tôi, mảnh đất hình chữ S mà tôi sẽ ấp ủ thương nhớ đến hết đời mình.
Chỉ những kẻ đã bị buộc phải lià tổ quốc như tôi, mới cảm thấy được những xúc động mạnh như thế. Chỉ những kẻ vô tổ quốc như tôi mới vọng về quê hương với nhiều sót sa, nhung nhớ. Ngày xưa đọc tiểu thuyết tôi đã không hiểu tâm trạng của những nhà văn bị lưu đầy xa mảnh đất quê mẹ. Tôi đã không cảm thông được nổi buồn của kẻ đứng bên này nhìn về bên kia mà thấy tất cả những gì của dĩ vãng gắn liền mình với bên kia, tất cả những gì xấu, gì đẹp, gì vui, gì buồn đã làm mình và bên kia là một. Đứng bên này mà ao ước bước trở về mà không được.
Không phải vì có cách trở thiên nhiên như có sông có núi, có đại đương biển cả, không phải vì
vậy. Vì nếu khi mình ra đi mình đã qua sông qua núi, vuợt đại đương, biển cả để sang được bên này, thì nay mình cũng lại vuợt đại đương, biển cả, qua sông qua núi trở về. Không trở về được là vì hoàn cảnh do con người gây ra, vì khó khăn nhân tạo. Không bao giờ thiên nhiên lại buộc con người phải ra đi rời mảnh đất mà mình thương yêu.

Tôi đã điên dại hay đã sáng suốt khi viết những giòng chữ trên, tôi đã say hay đã tỉnh, đã thức tỉnh hay đã chìm đắm trong trong một giấc mê sảng của sót sa đau đớn? Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng sau khi tim tôi se lại, lồng ngực tôi bị đè nén, lòng quặn đau, nước mắt trào ra rồi thì giờ đây tâm hồn tôi trống trải nhưng đầu tôi vẫn còn nặng chĩu và thể xác tôi mệt mỏi kỳ lạ, như thể tôi vừa tỉnh ra khỏi một cơn ác mộng hay vừa trải qua môt cuộc ái ân kéo dài.