Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI" - Giáo sư Trịnh xuân Đính: Con đường Đi Tị nạn. -Đến Nông Chan

Posted: Wednesday, November 14, 2018 by ttnbg in
0


Chương Sáu

Con đường Đi Tị nạn.



Đến Nông Chan

Nông Chan là tên một thị trấn nhỏ ngay tại biên giới Thái-Miên nơi mà hàng mấy chục ngàn người Miên đói khổ vì chế độ Khờ me đỏ và sau đó vì chiến tranh đã tràn đến vào những năm một ngàn chín trăm bẩy mươi chín cho đến một ngàn chín trăm tám mươi chín. Nơi đây đã trở thành một trại tị nạn đặt dưới sự kiểm soát và quản lý của lực lượng KPNLF của cựu thủ tướng Miên Son San (Son Sann). Vì trại rất rộng nên nó đả được chia ra làm mười ba khu vực do những lãnh tụ khác nhau của mặt trận quốc gia giải phóng Kămpuchia điều hành. Những lãnh tụ này đua nhau lạm dụng quyền hành để buôn lậu, cướp bóc, ăn chặn đồ cứu trợ, hà hiếp dân ti nạn. Họ bắt những người Việt đi vượt biên đường bộ để buộc những cơ quan quốc tế phải chuộc ra bằng gạo. Nông Chan là nơi hay xẩy ra những vụ truy kích của bộ đội Việt Nam và là nơi thường xuyên bị pháo kích. Do đó, những nhân viên quốc tế làm việc tại đó đến đêm phải rút về những nơi an toàn sâu trong đất Thái.

Khi tôi đến Nông Chan, tôi không thấy cái bệnh viện mà người ta đã nói tới. Tôi chỉ thấy có một ngôi trường tiểu học, và vì đã mệt tôi không tính đi nữa nên đi vào đó hỏi thăm. Tôi đã không biết, hay đã dại khờ, hay đã bị u mê khi bước chân vào cái ngôi trường nho nhỏ tại cái khu nắng cháy không nhà cửa gọi là Nông Chan ấy? Tôi cứ đinh ninh là khi vào một nhà trường Miên, dù là trường tiểu học, thì cũng có nhiều cơ may là tìm một người biết nói tiếng pháp để tôi có thể xin được giúp đỡ.
Tôi bước vào ngôi trường ấy và một người đàn bà Miên nghe tôi nói tiếng pháp đưa tôi đến văn phòng, nơi đó tôi gặp một người thầy giáo Miên còn trẻ, nói được chút tiếng pháp. Anh ta nghe tôi nói là người Việt vượt biên, xin giúp đỡ để được gặp Hồng Thập Tự Quốc Tế hay được đưa đến một trại tị nạn, cho tôi ly nước và bảo tôi ngồi đó chờ có người sẽ đến nói chuyện với tôi. Sau đó chừng mười lăm phút có hai tên Miên mang súng M16, đi vào văn phòng trường hỏi lý lịch tôi và khi tôi khai tôi là một trí thức người Việt đi tìm tự do thì hắn hỏi tôi tại sao tôi có cái áo lính Mỹ mà lại đi đôi dép của bộ đội Việt cộng. Tôi thành thật trả lời rằng một người đưa đường Miên cho tôi, thì chúng bảo tôi nói láo, và đổ tội cho tôi là gián điệp Việt cộng. Chúng dí súng vào người tôi đưa tôi đến trại lính nơi đóng quân của lực lượng giải phóng của Son San, vị thủ tướng dưới thời Lon Non, còn được gọi là lực lượng pa-ra.
Tôi thấy đời tôi lại khốn nạn, lại gặp chuyện không may, sắp sửa lại bị bắt giữ. Sau đó tôi tiếc là đã không đi lòng vòng tìm cho ra cái bệnh viện nơi có cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế làm việc vì nếu đến đó tôi đã được đưa ngay đến trại tị nạn NW9. Tôi đã khôn mà không ngoan, tôi đã thiển cận, tôi đã chỉ nghĩ đến thầy cô giáo là người biết nói tiếng ngoại quốc, có thể vì tôi đã méo mó nghề nghiệp. Tôi đã không nghĩ rằng tôi phải đi tìm những người ngoại quốc, những
người làm việc cho những cơ quan quốc tế, thì mới được giúp đỡ thẳng, giúp đỡ liền, không
phải qua trung gian. Thật là trăm cái dại, ngàn cái dại, không cái dại nào giống cái dại nào, tôi
đã đâm đầu vào nơi đó để bị lục vấn, bị khám xét, bị nghi ngờ, rồi bị bắt cầm tù.

Tôi đã nghe nói nhiều về bọn para man rợ này, khi còn ở Nam Vang và sau đó được nghe tại trại NW9 những giai thoại kinh hồn do những nạn nhân còn sống sót kể lại.
Chúng đón đường những người đi vượt biên để ăn cướp. Chúng lục soát, đánh đập, tra tấn đàn ông, dàn bà, con nít để kiếm vàng bạc châu báu, tiền đô la và khi không thấy chúng tra khảo những nạn nhân cho đến chết hay bị thương tàn tật. Không kiếm được đố quí thì chúng lột tất cả những gì chúng có thể lột được như quần áo, thuốc men, thực phẩm, thậm chí cả kính đeo mắt, giây thắt lưng, bút viết, vv.. Đàn bà con gái thường bị chúng uy hiếp đưa vào các bụi
rậm thay phiên nhau hãm hiếp, nhiều khi cho đến khi ngất xĩu, hay mệt lã không còn đứng dậy
hay đi nổi mới thôi. Nhiều tên para mười ba mười bốn tuổi cũng đả tham gia, chúng khoái chí vổ tay, cười phá, có khi còn hành hạ thể xác như cào cấu cắn nạn nhân. Đôi khi hành lạc trước
mắt mọi người xong chúng giết nạn nhân chơi. Những ai cả gan chống đối chúng đều bị chúng giết chết, có khi ngay trước mặt của thân nhân. Để làm kinh hoàng những người khác, chúng đập đầu cho bể sọ phọt óc ra ngoài, chặt cổ treo đầu lủng lẳng trên cành cây, chúng còn mổ bụng moi gan tay dính máu đỏ lòm di lòng vòng cười ha hả, xả súng bắn chết hàng năm bẩy người một lúc.
Một điều đáng nói là bọn para không chỉ lộng hành ở trong rừng, mà chúng lộng hành ngay tại các trại tị nạn ở vùng biên giới mà chúng kiểm soát, như trại Nông Chan, trại Nông Samet, Dong Krek. Những nhân viên các tổ chức quốc tế giúp những người tị nạn cũng bó tay, không làm được gì, nhiều khi không dám động đến chúng vì sợ bị trả thù. Đàn bà, con gái vào những trại tị nạn rồi nhưng vẫn không được yên. Đêm đến họ hồi hộp lo sợ, ngủ không được vì luôn luôn có những tên para đi lùng bắt họ đem đi hãm hiếp, có người đi rồi không thấy trở về. Chín mươi chín phần trăm những đàn bà con gái ở cái trại tị nạn trên đều bị hãm hiếp, nhiều người cả chục lần, có thai thì được đem đi bệnh viện phá, ốm đau thì y tế quốc tế cứu. Nhiều người trở nên điên diên dại dại, nhiều cô nhiều bà chán đời trở thành gái mãi dâm, kiếm tiền sống trong khi ở trại.

Như thế tôi được đưa vào một căn nhà gổ ngoài có treo cờ xanh với một ngôi chùa tháp mầu vàng ở chính giữa, cờ của mặt trận quốc gia Kămpuchia, nơi đây một tên Miên ăn mặc quần áo xi-vin (civil), có lẽ là một tên thông ngôn vì y nói được tiếng pháp và một chút tiếng anh, đưa cho tôi giây bút, bảo tôi khai lý lịch và tôi đã đi qua những nơi nào, làm những gì, ai đưa đường, đi bao lâu đên được nơi đấy. Sau đó hai tên para mặt hung dữ tay mang súng, đưa tôi vào một căn phòng bên trong, bắt tôi cởi hết quần áo ra để chúng khám xét. Tôi chẳng có gì, tiền không, vàng không, vật dụng quí giá như đồng hồ, giây chuyền hay vòng đeo tay cũng không, chỉ có cái áo lính, cặp kính và cái quần tây, thế là chúng tịch thu cái áo lính mầu nhiệm, cái quần tây dài, cặp kính và đôi dép của tôi. Tôi nói không có kính thì tôi không thấy đường, chúng cũng không nghe. Sau đó chúng đưa tôi đi lòng vòng qua những nơi vắng vẻ, và sau đó nhốt tôi vào một phòng nhỏ xung quanh có giây kẽm gai. Trước đó, tôi tưởng chúng đã đem tôi đi bắn rồi. Tôi vừa đi, vừa run, vừa cầu kinh. Tôi nghĩ thật số ăn mày, tưởng đến biên giới là thoát nạn, ai dè.
Trong phòng đã có một người Miên khác đứng tuổi, đã bị nhốt từ mấy tháng trước. May phúc cho tôi, người bị nhốt đó là một đại úy trong một phe phái khác của lực lượng quốc gia giải phóng Kămpuchia bị tụi pa-ra bắt trong khu vực kiểm soát của pa-ra nên bị bỏ tù. Ông biết tiếng pháp nên chúng tôi đã có thể nói chuyện với nhau trong những lúc buồn không biết làm gì. Vì ông cùng phe phái quốc gia nên mặc dù bị giữ trong tù nhưng ông được bọn pa-ra đối xử tử tế, và vợ ông được đến thăm và mang đồ ăn đến cho ông mỗi ngày. Vì vậy tôi nẩy ra ý nghĩ là xin cơ quan quốc tế đến cứu. Tôi xin ông bạn cùng ở tù những bao thuốc lá không và tôi xé ra rồi viết ở mặt sau những giòng chữ như sau bằng hai thứ tiếng:

“S.O.S --- To the International Red Cross authorities operating in Nong Chan,
I am an intellectual who fled Vietnam and arrived at the Thai border. Unfortunately, I was arrested by the Kmer Serika forces and am actually detained in Nong Chan, Please come to my rescue. Thanks. Name and signature”

“S.O.S --- Aux autorités de la Croix Rouge Internationale opérant à Nong Chan,
Je suis un intellectuel Vietnamien. J’ai quitté mon pays clandestinement et je suis arrivé à la frontière  thailandaise.  Malheureusement,  j’ai  été  arrêté  par  les  forces  Kmer  Serika  et emprisonné à Nong Chan. Je vous prie de venir me sauver. Merci. Nom et signature”

( S.O.S --- Gửi các phái đoàn Hồng Thập Tự Quốc Tế đang hoạt động tại Nong Chan.
Tôi là một nhà trí thức Việt nam đã trốn khỏi nước tôi và đến được biên giới Thái. Không may cho tôi, lực lượng Khờ Me Xê ri ca đả bắt tôi bỏ tù tại Nong Chan. Xin quí vị đến cứu tôi. Xin cám ơn.    Tên và chữ ký )
Tôi đã gấp những tờ giấy đó lại và mỗi ngày đưa cho người vợ của viên đại úy bị cầm tù cùng với tôi, nhờ bà đem đến cái bệnh viện gần đó giao cho những người ngoại quốc ở đó. Và bà ta
đã giúp tôi, đã đưa những tín thư đó đến tay những người nhận. Rồi tôi cứ hồi hộp ngồi chờ
xem có ai đến giải cứu hay không.

Ở tù bọn pa-ra không khốn nạn như ở tù ở Tiền Giang lần tôi đi vượt biển không thành.  Lần đó, sau khi lên bến Vàm Láng chúng tôi bị giam ở Gò Công một đêm rồi sáng sớm hôm sau bị tống lên hai chiếc vận tải nhà binh lớn có công an cầm AK canh gác như thể chúng tôi là tù binh, rồi đưa đi nhà tù Mỹ Tho mà Việt cộng gọi là nhà tù Tiền Giang.

Khi đến nơi chúng tôi phải ngồi thành hàng ở sân nhà tù, với những hành trang mang theo khi đi vượt biển bầy ra trước mặt để cho bọn chó săn khám xét. Mục đích của cuộc khám xét này là để chúng ăn cướp vàng bạc châu báu và đô la Mỹ mà chúng tôi mang theo. Do đó một tên công an đi từng người trong bọn chúng tôi lục lọi trong những túi quần áo, những giỏ sách, những hộp bánh, những lon ghi gô xem có vàng hay đô la giấu trong đó hay không và mỗi khi chúng tìm được một món bở là cả chục cặp mắt của bọn chó săn đó sáng lên, rồi dăm ba đứa chạy lại gần dòm ngó, ghi ghi chép chép vào môt cuốn sổ nhỏ. Vì chúng không tin nhau nên chúng sợ sau đó lúc chia chác sẽ có đứa ăn gian, bởi vì những của tịch thu của chúng tôi đâu có bỏ vào quĩ nhà nước? Tất cả đều vào túi chúng nó, thế mới khốn nạn, của nhà nước hay của nhân dân là thế, chúng là nhà nước và chúng cũng là nhân dân, ai kiểm soát, ai điều tra? Khi mà chúng tham nhũng từ trên xuống dưới, thì chỉ có trời kiểm soát hay điều tra. Tôi không biết bao nhiêu lượng vàng, bao nhiêu đô la chúng đã ăn cướp được của chúng tôi, nhưng tôi nghĩ nhiều lắm vì trong chuyến đi đó toàn là bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ, chúng tôi đã đi với nhau vì tin cẩn nhau và giới thiệu cho nhau. Chúng tôi ra đi mang theo tất cả gia tài còn lại, vì có dè đâu đi không xong, rồi có ngày phải trở về.
Khi chúng đến trước măt gia đình tôi, chúng lục lọi túi quần áo không thấy có gì, mở các lon ghi-gô đổ xuống đất ngay đó, chỉ thấy toàn chanh muối là chanh muối, chúng đã hơi thất vọng. Trong khi đó thì tôi và vợ tôi đang nhịn thở và chúng tôi trong đầu đang đọc kinh cầu nguyện. Tên công an nhìn gia đình chúng tôi, vợ chồng, đứa con gái mười hai tuổi, ba đứa con trai mười một, chín và ba tuổi, nó nhìn cái giỏ đựng một chục hộp sữa con chim mà chúng tôi đem theo, lưỡng lự một lúc, tính bước sang gia đình bên cạnh. Tôi tưởng đã thoát nạn. Khốn nạn thay! Nó lại bước trở lại, lấy một hộp sữa trong cái giỏ, lắc lắc, rồi  để xuống đất lấy con dao găm cắm cái phập vào hộp sữa. Tôi có cảm tưởng nó đâm vào tim tôi. Tôi ngoái cổ nhìn hộp sữa ấy. Tôi không thấy sữa trào ra từ cái lỗ dao găm!
Thật vô phúc cho chúng tôi! Tôi nhìn vợ tôi, mặt nàng cắt ra không còn một giọt máu. Tôi nghĩ “thế là xong đời!” vì mánh của chúng tôi đã bể. Tên công an không thấy sữa phòi ra từ cái hộp sáng hẳn mắt lên. Hắn đưa con gao găm xuống cái lỗ ở hộp sữa, quay bàn tay một cái là khoét một lỗ tròn to tướng nơi nắp hộp, rồi đưa cái hộp lên cao hơn nửa thước, úp ngược nó xuống. Mắt tôi theo cái bàn tay thô bạo ấy từ đầu, suốt cái thời gian kéo dài một hai ba phút đó, tôi đã nhịn thở, tôi đã bị thôi miên bởi hành động của tên công an khốn nạn ấy. Lạ thay! Chẳng thấy sữa đặc con chim đổ xuống đất mà chỉ thấy có một giỏng cát mịn trắng, rồi lần lượt rớt xuống một sợi giây chuyền vàng, một tấm lắc đeo tay vàng, một cái nhẫn kim cương, một cái nhẫn có nhận đá ngọc, và sau hết hai cái nhẫn trơn vàng tây một to, một nhỏ. Tên công an liệng cái hộp sữa không xuống, chộp lấy mấy đồ vàng bỏ vào cái túi vải nặng những vàng và đô la, rồi chẳng thèm nhìn chúng tôi, hắn chộp ngay lấy một hộp sửa nữa trong cái giỏ, đưa con dao găm xuống cắm cái phập vào cái nắp hộp. Tôi có cảm giác như con dao cắm ngay vào ngực, vào tim tôi một lần nữa! Ôi khốn nạn cho cuộc đời chúng tôi! mười mấy năm dành dụm, ba phần tư đã đi theo con tầu không đưa chúng tôi đến bến bờ tự do mà lại đưa chúng tôi vào ngục tù cộng sản, một phần tư còn nằm đó trong những hộp sữa con chim. Nay bị phanh phui ra, thì còn lại gì cho cái tương lai đen như mõm chó của chúng tôi nữa?
Nhưng lạy Phật, Phật đã chứng giám cho lòng chúng con, Phật đã nghe những lời cầu nguyện của những đứa con khốn khổ này, chúng con xin cám ơn Phật. Vì sữa đặc hiệu con chim thứ thiệt đã phọt ra, bắn vào mắt thằng công an khốn kiếp. Nó vội liệng hộp sữa xuống, đưa cái bàn tay thô bạo lên mắt quệt lớp sữa đi, miệng lưỡi liếm liếm những hạt sữa đọng trên môi. Tôi biết hắn đang nghĩ gì trong đầu: một câu chửi thề đại khái như “đù má, sao lại sữa? kỳ dậy!” Sữa đã đổ ra thành một vũng nhỏ trước đôi mắt thèm khát của thằng con ba tuổi của chúng tôi. Tên
công an chưa chịu thua. Nó lại chộp thêm một hộp nữa từ trong cái giỏ, lần này ngước lên nhìn sáu cặp mắt kinh hoàng của chúng tôi. Con dao găm lại phập xuống, tim tôi lại nhói lên, người tôi lại run rẩy một phút. Nhưng sữa đặc lại phun ra, lần này bắn lên ngực hắn. Hắn vừa lấy ngón tay gạt sữa khỏi chiếc áo công an vừa nhìn đứa con út của chúng tôi, rồi chẳng hiểu vì sao, hắn không đổ sữa ra mà lại để lại hộp sữa vào trong giỏ, rồi bước sang người bên cạnh. Thế là thoát! Sáu lượng vàng lá chúng tôi dấu trong những hôp sữa kia vẫn còn nằm yên trong đó. Lạy Trời, lạy Phật, chúng con xin cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho chúng con. Nhưng sáu lạng vàng đó rồi cũng tiêu tan trong chưa đầy một năm! Phần thì nuôi con sau khi ở tù ra, phần thì nuôi tôi còn ở tù, và phần lớn để chạy cho tôi ra. Thật là khốn nạn! Đời là bể khổ là thế đấy!

Sau khi kiểm soát hành lý chúng tôi mang theo, bọn công an bắt chúng tôi từng người vào trong một phòng kín tụt hết quần áo ra cho chúng khám người. Hai thằng công an khám tôi mần mò khắp các túi quần, túi áo, cạp quần, gấu áo, gấu quần mà chẳng thấy gì. Một tên nhìn tôi cáu kỉnh nói “thôi mặc đồ vào đi cha nội!” Và tôi chỉ chờ có thế, vì tôi cảm thấy nhục nhã quá, tôi chưa hề cởi truồng trước mặt một người đàn ông nào ngọai trừ vị bác sĩ khám tôi khi tôi bị kêu đi lính.
Khám xong, chúng tôi bị đưa đi nhốt riêng, tôi vào nhà tù cho đàn ông, vợ tôi và các cháu bé vào nhà tù cho đàn bà. Trước khi chúng tôi bị cách biệt, tôi còn thấy nhà tôi nhìn tôi và ra dấu hỏi tôi còn không. Tôi gật đầu. Tôi thấy nàng mỉm cười. Thế là chúng tôi đã giấu được nó mà không mất. Nó chẳng đáng là bao, nhưng còn còn hơn mất. Nó đây là tờ một trăm đô mà tôi dấu trong bao thuốc lá  Samít tôi đang hút dở. Tôi đã gỡ một bao thuốc ra, để tờ trăm đô vào giữa lớp giấy bạc bên trong bao thuốc và lớp giấy bên ngoài rồi dán lại, và cho những điếu thuốc trở lại vào trong bao. Tôi để bao thuốc trong túi áo. Khi xét, hai tên công an không nghĩ ra cái mánh của tôi, do đó “nó” còn đó.
Nhưng nó đã làm tôi khốn khổ gần một tháng trời, vì tôi đâu có thể để mãi bao thuốc mà không hút, người ta sẽ nghi, do đó tôi phải giấu nó trong người. Mà giấu như thế chỉ sợ làm rơi mất, lâu lâu lại phải kiểm tra, mà phải làm việc đó lúc không có ai nhìn mình. Thế mới khổ! Trước khi vợ tôi và các cháu bé được thả về, sau hơn một tháng bị nhốt, tôi đã lén đưa cho đứa con trai lớn để nó đưa lại cho mẹ nó.  Trăm đô không đáng là bao khi kiếm được ra tiền, nhưng đối với chúng tôi hồi đó, nó là một tháng chi tiêu cho gia đình.

Ngày đầu tiên tôi bị đưa vào phòng giam tôi hết hồn hết vía. Trong căn phòng bề ngang hai chục thước bề dài năm chục thước có đến hai ba trăm người bị nhốt trong đó.
Khi tôi bước vào, tay cầm bó quần áo, tôi thấy năm sáu trăm con mắt đổ dồn vào nhìn tôi, những con mắt to tướng trên nhưng khuôn mặt chỉ còn xương với da, những con mắt ngố như mắt ma, không di động, nhìn chằm chặp làm tôi phát sợ. Và những cái đầu trọc, chưa bao giờ tôi đã được nhìn nhiều đầu trọc như thế, những cái đầu trọc trên đôi vai, bộ ngực trơ xương, những con người gầy gò ốm yếu ghẻ lở, chỉ mặc có cái xà lỏn, vì trời nóng như lửa mà chỉ có bốn cái cửa sổ nhỏ có song sắt để cho không khí vào. Tôi không biết làm sao mà chúng tôi đủ không khí để mà thở, để mà còn sống trong cái thế giới không ánh sáng, không gió, không không khí, và tối đến không đèn. Tôi đã có cảm giác tôi đang đi vào điạ ngục chứ không phải là nhà tù, và chúng tôi là thú vật chứ không phải là con người.
Tất cả những người trong phòng giam đều ngồi đùi khoanh tròn trên hai tầng ván gổ, rộng khoảng hai thước, chạy dài hai bên căn phòng, tầng dưới cao nửa thước trên mặt đất và tầng trên cao khoảng thước rưỡi. Mỗi người được một chỗ nhất định rộng chưa tới một thước trên hai tầng ván đó. Vì số người bị nhốt nhiều hơn là số chỗ trên ván, một số đã phải ở chui dưới gầm ván.
Vì tôi đến sau, tôi cũng được cho một chỗ ở dưới gầm, nằm ngay trên nền xi măng. Cái nền xi măng của căn phòng này mới thật lạ lùng. Nó không giống những nền xi măng khác ở hai điểm: thứ nhất nó không có cái mầu xam xám của xi măng mà nó lại đen như gổ gụ, đen láy và bóng nhoáng như thể được đánh xi ra (cirage) đen; Thứ hai nó không bằng phẳng mà lại chỗ lồi chỗ lõm, nhưng nhẳn thín chứ không như những ổ gà ngoài đường. Tôi không hiểu tại sao, và
những người tôi hỏi sau này cũng không ai hiểu tại sao. Thật là một sự kỳ quái!
Tôi đã không buồn vì phải ở dưới gầm, trái lại tôi lại thấy đó là điều may cho tôi. Vì ở dưới ấy không ai tranh dành, không đụng chạm, một mình một giang sơn. Và quả thật một giang sơn, vì không có nhiều người ở dưới ấy, nên ai cũng được một chỗ rộng cả hai ba thước, tha hồ mà lăn! Hơn nữa tôi còn được cái lợi là làm gì ít ai thấy. Những tháng đầu trong tù, tôi hay khóc cho thân phận tôi, khóc thiệt, có nước mắt chẩy nhưng không lên tiếng, không nức lên nên chẳng ai biết. Chỉ có mình tôi biết là tôi đã khóc, đã buồn khổ, đã cảm thấy mình bất hạnh. Tôi thích cắn răng chịu đựng, và có lẽ vì thế ngoài mặt không ai thấy tôi đau khổ, nhưng khi nằm một mình thì tự nhiên nước mắt nó cứ trào ra mặc dù tôi muốn ngăn lại. Dường như vào những lúc đó, tôi đả trở nên yếu hèn, kém cỏi, không là cái tôi tươi cười hay ca hát. Và khi ở dưới gầm như thế, thì tôi đã được tự do buồn, tự do khóc, tự do sống theo cái nội tâm của tôi.

Ngày thứ hai tôi ở tù, tôi bi lôi ra cắt tóc chọc lốc. Một người ở trong phòng chúng tôi đã là anh thợ cắt tóc, và anh đã cắt hàng chục cái đầu chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Tôi chẳng thấy cái đầu tôi ra sao vì anh thợ không có gương không có dao cạo, không có phấn rôm hay chiếc khăn choàng như những anh thợ cắt tóc khác.
Tôi nhớ lại những ngày đi học lớp ê-lê-măng-te-oong (élémentaire un) đầu tôi bị húi cua (court) đi vào lớp, cả nhóm bạn nhao nhao lên hát “Đầu trọc lông lốc bình vôi, mẹ ngồi mẹ -- mẹ bôi lên đầu” để rồi tôi như điên lên, đuổi theo thằng đầu nêu tên Hảo, đòi đành cho nó một trận.
Cắt tóc xong chúng tôi đâu có được đi tắm, trời thì nóng nực, tóc vụn làm chúng tôi ngứa ngáy khó chịu, ngồi gãi xồn xột giống như một lũ khỉ đột.
Tôi nhớ vào những ngày đó, mỗi tuần chúng tôi được đưa đi tắm nơi chỗ có những bể nước rộng lớn, đi qua chỗ đàn bà con gái tắm xa xa, chúng tôi cứ tha hồ tưởng tượng ra những hình ảnh thơ mộng, để rồi thèm rỏ rãi. Ngày được đi tắm là một trong những ngày hạnh phúc nhất của bọn đi tù chúng tôi. Mỗi đứa chỉ được tắm hai ba phút, tắm chậm xà bông dội chưa hết cũng đành chịu. Sau này rút kinh nghiệm tôi chỉ xoa xà bông ở những chỗ cần thiết như đầu,
nách và chỗ … đó rôi múc nước dội ào ào. Ôi sướng ơi là sướng, không gì bằng trời nóng mà
được dội nước lạnh lên đầu. Nhìn cảnh những thân mình gầy guộc ghẻ lở, trơ xương vai, xương sườn ra, tôi thấy khốn nạn cho thân phận những kẻ đi tù cộng sản.

Mỗi ngày chúng tôi chỉ được hai lưng bát cơm, vừa được kêu ra sân, ngồi xuống, và cơm vào miệng một cái, là đã đứng dậy để đi trở lại nhà tù. Chúng tôi đi đâu cũng đi thành hàng một, và không được nói chuyện. Độc điạ nhất là khi mình đã lỡ làm lỗi lầm gì đó và bị cắt phần cơm. Khi đó mình phải ngồi lại trong phòng, tưởng tượng ra bát cơm, những hạt cơm nâu nâu vì đó là loại gạo rẻ tiền, nó cứ lơ lửng trong đầu óc mình, nó cứ từng hạt rơi xuống cổ họng để làm mình nghẹn, không phải làm tắc cổ họng mình, mà là làm mình nghẹn ngào, như muốn khóc! Ôi chưa bao giờ trên đời mà hạt cơm lại ngon, lại quí như thế! Ăn xong, còn lấy những ngón tay nhặt đôi ba hạt vãi xuống đất, đưa lên mồm.

Hơn một tháng đầu, khi cả nhà tôi còn đi tù, khi mà mẹ tôi và em tôi chưa biết chúng tôi đã bị bắt lại, không có ai đi thăm nuôi chúng tôi hết. Đến ngày thứ sáu, là ngày thăm nuôi, thấy tên công an đứng ở cửa phòng gọi tên từng người ra cửa lấy đồ mà người thân mình gởi đến, cả phòng chúng tôi mừng rỡ, mắt sáng lên.
Từ khoảng tám giờ sáng cho đến trưa, tên tù nhân đươc gọi, những anh em vui mừng ra cửa nhận quà của gia đình, rồi lễ mễ khiêng vô, tay cầm không hết có khi phải cắn cả bằng răng, bằng miệng. Những kẻ ngồi nhìn tha hồ ma suýt soa, tha hồ mà thèm. Khốn nạn nhất là những đứa chúng tôi chờ mỏi cổ đến trưa mà không thấy được kêu tên. Ôi cái cảm giác đau thương ấy! Nghe những tên còn được rời rạc gọi, sao mình mong ước có cái tên mình như thế không biết. Để rồi người bạn thân bên cạnh thương tình bẻ cho quả chuối, đưa cho cục đường thẻ, hay miếng kẹo đậu phọng và nói “chắc chị ấy bận! tuần sau thế nào chẳng có!” Ôi sót sa làm sao!
Cả một tuần, nhìn những người khác ăn những quả chuối tây béo tròn, bẻ từng quả một, từ không phải nguyên nải, mà từ nguyên buồng treo lủng lằng bên chỗ mình nằm, những quả chuối đến ngày thứ năm sau đã thâm đen và chín nhũn, ngọt như đường mật, ngon ơi là ngon, ôi nhìn người ta ăn mà mình nuốt nước miếng ừng ực! Hay là cái bánh tét to bằng bắp vế, bóc
ra lấy sợi giây ngoài cắt từng khoanh một. Hay là cục đường thẻ, những cục đường vuông đỏ đỏ đen đen, chưa bao giờ lại ngọt đến thế! Hay là những miếng kẹo lạc bùi ơi là bùi, dòn tan trong miệng. Hay là đủ thứ bánh kẹo, sản phẩm của địa phương là Mỷ Tho hay Bến Tre, như bánh men, bánh in, bánh đậu xanh, bánh phồng sữa, kẹo chuối, kẹo dừa, sao mà cái gì cũng ngon, cũng thèm. Người nhà mua thứ này thì mình nhìn người ta ăn, lại thèm thứ khác, kẻ đi thăm nuôi không biết đâu mà rờ!

Đi thăm nuôi từ Saigon xuống phải đi sớm, lấy xe đò, rồi từ bến xe đi xe lam đến nhà tù. Đi như thế chỉ đi tay không, mang tiền theo, đến trước cổng nhà tù vào ngày đi thăm nuôi ôi đủ hàng quán, tha hồ mua gì thì mua. Đi sớm, đưa đồ cho thân nhân sớm và về Saigon sớm, đi muộn chờ đến phiên mình để đưa đồ vào lâu chết cha, sốt cả ruột, đi ra bến xe trễ hết xe đò, nhiều khi phải đi xe lam từng chặn một, về đến nhà đã tối mà lại còn bở hơi tai!

Đi thăm nuôi một lần, hai lần không sao, đi hoài hết muốn đi, trước đi hàng tuần, sau hai tuần mới đi một lần, và dần dần không còn muốn đi nữa, một tháng mới cố gắng đi cho khỏi thấy lương tâm cắn rứt. Đi để rồi kể công đi nuôi tù, để rồi than vãn là đi cực khổ! Dần dần tôi đã quen đi với cái nếp sống ấy, tôi không còn suy nghĩ nhiều, không còn để chảy nước mắt. Tôi nghĩ đó là cuộc chơi ở đời, có ăn có trả, lòng tôi càng ngày càng chai đá, tuy đau thương vẫn còn thấm thiá, nhưng không làm tôi bộc lộ ra ngoài.
Nghĩ lại cách đó mươi mười lăm năm trước, trong một đêm đi canh trường Cao Thắng, trong cái phong trào nhân dân tự vệ gì đó, nằm bên những khẩu cạc bin (carbine), tôi nghe anh Hoằng, người bạn có tài xem tử vi, bảo tôi “không hiểu sao tôi thấy ông sẽ ở trong một chỗ rộng lớn có lính canh gác!”, tôi tự nói trong đầu “mẹ kiếp! mình làm gì mà có lính canh? Bố mày lại nói phét hay sao đây?”. Bây giờ mình mới biết là mình đi tù. Chín tháng ở tù tôi đã mất đi ba chục kí, mất đi cái vẻ bệ vệ mà các bạn cứ dựa vào đó để nói đùa “Mày có sắp làm lớn hay
không mà trông mày phát tướng ra!”

Một hai tháng đầu, tôi không được ra ngoài làm việc. Tôi chỉ phải làm những công việc trong phòng giam như lau nhà, dọn nhà cầu. Sàn xi măng của căn phòng lúc nào cũng bóng lẫy, vì một ngày chúng tôi chùi nó hai lần, sáng chiều. Công việc này làm bằng tay, cong lưng mà lau cho kỷ cũng phải mất hai ba tiếng đồng hồ vì không phải chỉ lau cho sạch mà phải chùi cho bóng. Một tay đầu nậu anh chị đứng canh chúng tôi, làm không vừa ý hắn là có chuyện.
Vì nhà tù nhốt chung, đủ cả thành phần, từ ăn cướp ăn trộm, đến hiếp dâm giết người, đảng phái chính trị, chống đối nhà nước, người thuộc các tôn giáo, và như tôi, những kẻ đi vượt biên bị bắt lại, bọn công an dùng những tên mất dạy làm tay sai trông chừng chúng tôi, và báo cáo những hành động vi phạm lên cho chúng để trừng trị.
Nhiều buổi sáng sớm tinh mơ, tôi đang ngủ thì nghe tiếng sôn sao trong phòng, tỉnh dạy thấy bao nhiêu người thay phiên nhau nhìn ra ngoài những cửa sổ nhỏ, tôi không hiểu chuyện gì, hỏi ra thì được biết có vụ sử bắn người ở ngoài sân, tôi nghe mà rùng mình. Những người bị bắn chết là những người hoạt động chống đối ở điạ phương, bị nhốt tù chờ ngày ra toà xử, và sau khi bị xử, bị nhốt trở lại chờ ngày đem ra hành quyết.

Trong phòng tôi, có một người, sau này tôi được lên nằm cạnh, là chiến sĩ Hòa Hảo đã bị bắt từ hai năm trước khi anh về hoạt động tại Tiền Giang. Anh khoảng bốn mươi lăm tuổi, trông rất phương phi, được mọi người trong phòng kính nể vì anh là võ sư, ngày nào cũng luyên tập tại chỗ, đặc biệt là luyện thở. Ai cũng gọi anh là Ông Thầy, chẳng hiểu vì anh là thầy tu hay là thậy dạy võ. Anh rất mến tôi, và thường chia những thức ăn anh có cho tôi. Tôi nằm gần anh có cái lợi là tự dưng những tên anh chị trước kia hay bắt nạt tôi bổng thôi không đụng đến tôi nữa. Thật là may phúc cho tôi.
Mỗi lần có một vụ xử tử, anh lại buồn rầu cả tuần. Anh gọi những người bị bắn đó là những đồng chí, và anh không biết khi nào thì đến phiên anh. Anh chờ đợi cái ngày đó một cách bình thản, chẳng lo âu sợ sệt. Vì anh là tù nhân loại chính trị nên anh không hề được ra lao động bên ngoài, có lẽ vì sợ anh trốn hay được các đồng chí của anh đến giải cứu. Mà ở trong phòng thì ai cũng nể anh, nên anh không bao giờ bị phân công làm một việc gì.
Ở mãi trong phòng cũng chán, ai cũng thèm ra lao động bên ngoài trời. Những tháng đầu, tôi bị phân công chùi nhà và dọn nhà cầu là hai công việc khốn nạn nhất. Sau đó tôi phải đi đổ thùng, tức là đem những thùng phân từ trong phòng giam đi đổ xuống những ruộng rau ở phiá sau nhà giam. Phân người được dùng bón cho rau cỏ mà những tù nhân trồng để ăn. Công việc này tuy cũng khốn nạn nhưng được ra ngoài thở không khí trong lành, vì trong phòng giam luôn luôn có hơn hai trăm buồng phổi đua nhau hít hà chút khí ốc xi, thở hoài dường như hết cả dưỡng khí. Sau đó tôi được đi ra ngoài làm phu khuân vác, khuân vác đủ thứ nào gạo, nào thực phẩm, nào xi măng, và sau chót là còn được tín nhiệm cho đi theo những xà lan khuân vác phân bón và các thứ hàng do bọn công an chủ chốt làm ăn buôn bán.

Trong khi đó vợ tôi lo chạy cho tôi ra, mất đây một cây, kia hai cây mà không đi đến đâu, tôi ở tù vẫn ở tù. Sau đó, có ông chú vợ tôi ở ngoài bắc vào, ông nghe nói tôi đi vượt biên không xong bị đi tù chín tháng rồi, ông nói “nó học tập tốt, để tao tìm cách cho nó về!”. Và quả nhiên nửa tháng sau tôi được gọi lên ban quản lý nhà tù để nhận giấy ra về.

Trong tất cả những người cộng sản, tôi chỉ thương có mình ông, vì tôi nghĩ ông là nhà cách mạng chân chính, đầy lòng nhân đạo. Là một bác sĩ tốt nghiệp trước năm bốn mươi lăm, ông đã theo Việt Minh và đã lên đến hàng thiếu tướng chỉ huy trưởng quân y. Ngày đầu tiên ông vào miền nam, ông đi tìm vợ tôi là đứa cháu ông đã bế trước khi ra đi theo tiếng gọi của cách mạng. Gặp tôi, ông không hề nói đến “đổi đời”. Ông chỉ nói cố gắng chịu cực một thời gian. Đi công tác khắp miền nam, ông cho cháu Định, đứa con trai lớn của chúng tôi đi theo. Những thứ kẹo bánh ông mua được, ông đem cho các cháu vì ông thương chúng nó “đang sướng bỗng phải khổ”.
Câu “nó học tập tốt, để tao tìm cách cho nó về!”, ông đã nói với bao nhiêu con cháu có anh em hay có chồng bị đưa đi cải tạo! Bao nhiêu cháu đã được ông ra tay cứu giúp, kể cả người anh họ mà tôi đã nói tới ở phần trên, người đã tự đi tìm cái chết khi mới từ nhà tù về nhà chưa bao lâu. Khi biết tin ấy, ông chỉ buồn và nói “Sao mà phải đến nổi ấy?”
Nay ông đã ra đi mất rồi. Ngày ông chết, tôi đang ngồi tại Cựu Kim Sơn, cách xa ông bao nhiêu chục ngàn dậm. Tôi đã chỉ ước sao ông còn sống để nhìn các cháu ông nay đã thành tài, và gia đình chúng tôi nay đã an cư lạc nghiệp. Chỉ một ước mơ tầm thường như thế mà trời không cho nên cũng không được!



Lần này, số tôi may, ở tù không bị ngược đãi, nhưng tôi đang mong tin con tôi, tôi đang đi tìm cháu bé, một ngày kẹt ở đây là một ngày xa nó hơn. Tôi cần phải ra khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Có thể giờ này cháu đã đến một trại tị nạn nào đó rồi.
Sáng sớm hôm sau, ngày thứ hai sau khi tôi bị bỏ tù, hai tên para lại đến nơi tôi bị nhốt, dí súng vào hông tôi đưa tôi đi. Thế rồi tôi được đưa đến khu có nhiều nhà xung quanh một cái sân, giữa có cột cờ bằng một cây tre cao treo cờ của mặt trân quốc gia giải phóng Kăm puchia. Rồi tôi được đưa vào một căn nhà gổ khá lớn, được cho ngồi ghế chờ ở ngoài. Hai tên lính đưa tôi đi vẫn còn lảng vàng xung quanh đó. Nhìn sang phiá những căn nhà bên kia tôi thấy vô số những tên lính para mặt còn non choẹt, tuổi chỉ chừng mười lăm mười sáu, ngồi chơi nói chuyện hay nghe ra đi ô, hút thuốc.
Mươi phút sau tên mặc đồ dân sự mà tôi đã gặp hôm qua ra đưa tôi vào một văn phòng có bàn ghế tương đối lịch sự, và tôi được gặp tên thiếu tá chỉ huy. Y bảo tôi ngồi xuống ghế trước mặt và nói bằng tiếng pháp với tôi một cách từ tốn, bình thường. Tôi không hiểu tại sao y lại để ý đến tôi. Y nói y đọc tờ khai của tôi và muốn nói chuyện với tôi rồi hỏi tôi đủ thứ chuyện, như ở Saigon sau khi cộng sản vô tôi làm gì, tại sao tôi ra đi, vợ con tôi đâu, tôi có bao nhiêu đứa con, tôi tính đi đâu?  Tôi nói tôi lạc đứa con nên xin y cho tôi đi tìm cháu xem cháu đã đến trại tị nạn chưa. Tôi nói tôi rất phục những người như ông đứng ra đấu tranh chống cộng sản và ca tụng mặt trận giải phóng Kămpuchia và hy vọng một ngày nào nước tôi cũng có một tổ chức như thế để cứu dân và dành lại quê hương. Y nghe có vẻ bùi tai, y nói y cần một người biết ngọai ngữ như tôi ở đó đề liên lạc với người ngọai quốc. Tôi nói tôi không biết tiếng Miên nên không giúp
y được, thì y nói “mày thông minh, mày học tiếng Miên được”. Tôi không biết làm sao, lạy van y xin cho đi để còn tìm con tôi. Tôi cũng nói vợ con tôi trông chờ tôi được sang Pháp để đón sang. Nghe nói đến Pháp, y nói vợ con y cũng đi Pháp từ năm bẩy mươi lăm, y nhớ con gái y lắm. Tôi không hiểu tại sao y tâm sự với tôi, kể chuyện lung tung từ thời xưa y đi học trường tây, đi lính cho tây, sau làm cho chính phủ Xi a Núc, rồi Lon Non, và bây giờ theo Son San. Trước khi trả tôi về nhà tù, y bảo tôi mỗi ngày đến dọn dẹp văn phòng cho y, làm việc vặt mà y sai khiến.
Suốt thời gian mười ngày bị cầm tù, tôi chỉ bị nhốt ban đêm, ban ngày không phải đi lao động như tôi được nghe nhiều người kể lại sau này. Mỗi sáng, tôi bị môt tên lính đưa tôi lên văn phòng của tên thiếu tá mà tôi gọi là mông-com-măng-đăng (Mon Commandant), giống như lính tây hồi xưa, làm cho y khoái. Tôi phải đánh máy cho y, dọn dẹp nhà cữa cho y, giặt quần áo cho y, ôi làm công chuyện của một tên đầy tớ. Ngược lại y cho tôi thuốc hút, cà phê uống, thức ăn y ăn không hết như những đồ hộp do quốc tế viện trợ hay những trái chuối để quá chín. Ngày ngày tôi được phát cơm và cá hộp, ăn không ngon lành gì nhưng không đói. Và thời gian mười ngày là tương đối ngắn vì đã có nhiều người bị giữ cả hai ba tháng mới được giải cứu.

Rồi một hôm có một chiếc xe díp sơn mầu trắng đi vào trại nơi tôi bị giam. Một lát sau một người Nhật đi cùng hai tên Miên đến gặp tôi, ông chìa ra tờ bao thuốc mà tôi đã ghi những lời cầu cứu và hỏi có phải tôi viết bức tín thư đó không. Tôi bảo phải, và tôi tưởng tôi được phóng thích ngay lúc đó. Nhưng không, viên chức đó trở ra xe đi mất, để tôi đứng lại đó chưng hửng. Khi viên thiếu tá biết tin này, y kêu tôi lên chửi cho tôi một trận, mặt hầm hầm như muốn giết tôi liền. Tôi cuống lên quì xuống vái hắn xin tha tội. Y nói y sẽ khâu miệng tôi lại. Tôi nói vì tôi thương vợ con tôi nên lỡ dại, nói mãi y mới nguôi nguôi. Từ hôm sau trở đi tôi không được lên nhà y nữa.

Những đêm nằm tù ở Nông Chan tôi cũng nghe có những vụ tù binh khờ me cộng sản và cả những người Việt đi vượt biên bị đem ra xử tử. Tôi cũng đâm ra lo cho thân phận của tôi. Tôi không biết bọn khờ me xanh này có trả thù tôi về cái tội viết giấy ra ngoài cầu cứu hay không. Do đó mỗi khi sáng đến mà tôi thấy tôi còn sống là tôi thấy sung sướng vô cùng.
Ba hôm sau, vào ngày hai mươi bẩy tháng tư năm tám mốt, viên chức người Nhật đó trở lại đón tôi trên chiếc xe díp hiệu Isuzu sơn mầu trắng, hai bên cửa có cờ hiệu của cơ quan quốc tế UNICEF. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng bằng lúc ấy. Như vậy là tôi đã thoát chết. Các cơ quan quốc tế đã cứu sống tôi. Họ tươi cười hỏi tôi “Ông có biết ông giá bao nhiêu không?” Tôi ngơ ngác chưa hiểu thì họ nói “Ông chỉ đáng giá có ba tạ gạo”. Thì ra họ đã mang ba tạ gạo đến chuộc tôi ra.

Lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi trong một chiếc xe có máy lạnh! Tôi có cái cảm tưởng tôi là một anh mọi sống ở rừng về, nhìn cái gì cũng thấy lạ, thấy đẹp. Suốt bẩy tám năm qua tôi chưa thấy một cái xe đẹp như thế, tân tiến như thế!
Và cái xe đó đưa tôi đến cái bệnh viện mà tôi đã từng được nghe tới. Tôi phải làm thủ tục giấy tờ để được thả tù, một thủ tục do một viên chức công an trại Nông Chan làm ngay tại bệnh viện. Tôi được cho một bữa ăn trưa khá ngon. Tôi xin những người làm việc tại bênh viện cho tôi ở lại đó để chờ con tôi nhưng họ từ chối, bảo tôi là nơi đó không có an ninh, nhất là cho một người Việt như tôi. Do đó tôi được đưa đến trại tị nạn dành cho người Việt ở vùng biên giới, trại NW9.