Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI" - Giáo sư Trịnh xuân Đính - Đến NW9

Posted: Saturday, November 17, 2018 by ttnbg in
0



Đến NW9

Trại NW9 được thiết lập ngay tại vùng biên giới Thái-Miên vào tháng tư năm một ngàn chín trăm tám mươi cho riêng những người tị nạn Việt nam, mặc dù có một số ít người Miên, người Hoa và người Lào. Trại này đóng cửa khoảng hơn một năm sau đó, vào tháng bẩy năm một ngàn chín trăm tám mươi mốt và đã bị thiêu hủy. Trại được quản lý trên nguyên tắc bởi tổ chức UNBRO (United Nations Border Relief Operation) tức là cơ quan thuộc liên hiệp quốc cứu nạn
tại vùng biên giới Thái-Miên. Nhiều cơ quan từ thiện cũng đã hoạt động giúp người tị nạn tại NW9 như là CRS (Catholic Relief Services), IRC (International Rescue Committeee), MSF (Médecins Sans Frontières) và ICRC (International Committee of the Red Cross).
Vì trại nằm trên đất Thái nên có một lực lượng thũy quân lục chiến Thái do một thiếu tá tên Viroh Tobias lãnh đạo đứng ra bảo vệ an ninh chống lại những vụ truy kích của bộ đội Việt Nam. Tôi nghe nói những lúc cao nhất trại có đến năm ngàn người tị nạn và khi trại đóng cửa, dân tị nạn được chuyển tới Panat nikhom một phần và tới trại Sikev một phần.

Khi tới NW9, tôi được đưa đến nơi ban đại diện trại đón tiếp những kẻ xin gia nhập trại. Đó chỉ là một căn nhà lá nhỏ ở lối vào trại, trên một con đường đất đưa đến một cây cầu nhỏ băng qua một giao thông hào vào bên trong. Giao thông hào chạy xung quanh trại là vết tích của thời kỳ trước khi mà trại thường hay bị pháo kích vào và đôi khi các lực lượng kình địch tại khu biên giới xáp chiến rồi bộ đội Việt nam truy kích đến tận cửa trại, buộc dân trong trại trốn xuống giao thông hào hay phải tản cư.
Tại văn phòng tiếp đón, một số người vượt biên đường bộ cũng đã có mặt ở đó. Từng người một, chúng tôi bị kiểm tra lý lịch để biết chắc chúng tôi không là cộng sản. Những lính cộng sản vượt biên đều bị chuyển đến trại tị nạn Sikev nơi đây, tôi nghe nói, họ bị nhốt để điều tra cả sáu bẩy tháng và sau đó tùy trường hợp được cứu xét để được hưởng chế độ tị nạn.
Đến lượt tôi, tôi được phát giấy tờ để khai lý lịch và sau đó bị tra vấn. Tôi khai trước tháng tư
năm bẩy mươi lăm tôi làm phụ khảo tại đại học Luật Khoa Saigon nên ban tiếp đón đặt trọng tâm những câu hỏi vào trường Luật. Tôi nghĩ trong đám bốn, năm người trong cái gọi là “ban đại diện trại” đang ngồi oai vệ hoạch họe tôi, có một hai người biết về cái trường Luật ở Saigon thời xưa.
Như thế tôi được hỏi nhiều câu về cái trường thân yêu của tôi, như ai là khoa trưởng, ai là trưởng bộ môn này bộ môn kia, ai là tổng thư ký, ai dạy môn này môn kia, tôi làm ở đó có biết
người này người kia hay không, tôi về làm phụ khảo từ năm nào, ai làm phụ khảo cùng với tôi,
trước đó tôi làm gì, vân vân.. Tôi đã trả lời thoả đáng những câu hỏi đó và được cấp cho một số căn cước là TC #155905. Rồi tôi được chỉ đến chỗ phát những đồ cứu trợ như xà bông,  khăn mặt, bàn chải đánh răng, giấy viết thơ, bút viết …

Sau đó tôi về nơi tôi được chỉ định tạm trú trong thời gian ở NW9. Đó là một căn nhà tranh dài cả trăm thước chỉ che có ba mặt, còn mặt trước để trống. Căn nhà làm có tính cách tạm thời cột chống bằng tre, chia ra làm từng phòng ngang khoảng ba thước, mỗi căn như thế có ba hay bốn người ở. Căn tôi đến đã có hai thanh niên là hai anh em Hải và Thiện trú ở đó rồi.
Khi thấy tôi khập khiểng tiến tới, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn, Thiện không tránh khỏi rũ lên cười. Căn phòng ấy trống chơn, chỉ có nền đất, chẳng hơn gì những nhà tranh dựng lên tại những khu kinh tế mới. Để có chỗ nằm nghỉ hay nằm ngủ dân tị nạn lấy những bao gạo xé ra làm thành võng, treo giữa các cột tre.
Tôi mới đến chẳng biết u tê gì, rất may được Thiện thương tình giúp đỡ. Anh lo đi xin bao tải về làm võng cho tôi. Anh nói chuyện với tôi cho tôi đỡ buồn, những ngày ở NW9 không có Thiện, tôi không biết tôi sẽ cô đơn thế nào. Chúng tôi ăn cơm với nhau, ngồi tâm sự với nhau, tôi giúp chỉ cho anh ít anh văn, anh giúp tôi đi lấy thức ăn và nước uống. Tôi nhớ mỗi ngày chúng tôi chỉ được có sáu lít nước để dùng trong mọi việc, nấu cơm, giặt rũ, tắm rửa. Sau này chuyển sang mùa mưa chúng tôi bớt phải lo vấn đề nước. Từ ngày sang Mỹ, nhiều lần tôi cố hỏi thăm mà không bìết giờ này anh ở đâu.

Tôi ở trại này bốn mươi bẩy ngày, thời gian đau đớn nhất trong cuộc đời tị nạn. Tôi thường trực bị lương tâm cắn rứt vì tôi đã ra đi để lại đứa con nhỏ, sống chết ra sao không biết, ở phía bên kia biên giới. Đêm đến, hình ảnh cháu bơ vơ một mình chống trọi với bao nhiêu khó khăn nơi đất lạ quê người, cứ lởn vởn trước mắt tôi làm tôi không làm sao chợp mắt cho được. Tôi thường ra ngồi một nơi vắng vẻ nào đó, tay cầm điếu thuốc, mắt nhòa những lệ, tưởng tượng ra nếu tôi là cháu thì bây giờ tôi phải ra sao, phải làm gì để mà sinh tồn, để mà báo tin hay tìm đường về nhà? Và tôi cứ nghĩ luẩn quẩn, không giải quyết được gì, để rồi ngày hôm sau nó vẫn như thế, vẫn trở lại ám ảnh tôi. Tôi không nhận được tin gì mới từ những vị bác sĩ làm việc tại
Nông Chan. Họ đả từng hứa với tôi rằng họ sẽ cố gắng nhờ những người Miên dọ hỏi tin tức về cháu bé cho tôi và giúp tôi đưa cháu qua biên giới đến NW9 để hội tụ với tôi. Nhưng tôi nghĩ chẳng có kết quả gì.
Thêm vào đó có tin nói rằng chính phủ Thái chuẩn bị đóng biên giới, không cho những dân tị nạn, nhất là người Việt, sang bên đất Thái nữa. Dân Thái cũng như dân Miên vốn không có cảm tình với dân Việt, nay lại thường xuyên có những cuộc vi phạm biên giới do bộ đội Việt đóng quân bên Kămpuchia, nhà cầm quyền Thái lại càng khắt khe hơn. Tôi cảm thấy rất may mắn đã sang được tới nơi đây, nhưng con tôi thì sao? Nếu cháu bị cầm tù một hai tháng tại Xi xô phôn rồi được thả ra, thì cháu cũng sẽ bị trở ngại khi muốn vượt biên sau khi lệnh đóng cửa
đã được chấp hành.
Và tôi cũng chẳng nhận được tin tức gì từ Saigon, vì thơ từ qua lại rất chậm chạp, có khi cả tháng một lá thơ gởi đi mới đến tay người nhận. Nhiều lần tôi phãi gởi qua trung gian một nước thứ ba có liên hệ ngoại giao với cộng sản Việt Nam, như Pháp chẳng hạn. Sự khó khăn liên lạc với bên nhà làm tôi vốn đã sốt ruột lại càng sốt ruột hơn, tôi cứ như ngồi trên lửa mà không tìm được sô nước để dập tắt ngọn lửa đang nung nấu đít tôi!

Tình trạng bê bối trong việc quản lý trại, việc ban đại điện ăn trộm ăn cắp đồ tị nạn cung cấp cho dân trong trại để đem bán, sự việc những tên trong ban điều hành hổng hách, quấy nhiểu dân trong trại, cắt xén đồ phát ra, ăn chặn cơm cháo của dân, thông đồng với những tên lưu manh trong đám dân tị nạn để buôn lậu bán chợ đen, v.v… làm tôi càng nhụt chí và quả thật con người ở nơi nào cũng tham lam, bất nhơn, vô tư cách, không phải chỉ trong cái thế giới cộng sản. Ở đâu con người cũng coi trọng đồng tiền, cũng cần đồng tiền để mà có hạnh phúc ấm no. Chẳng thế mà trong trại tị nạn NW9 bao nhiêu đàn bà con gái nhà lành đã chịu làm đĩ, đi ngủ đêm với những kẻ có quyền hành trong trại hay những kẻ có tiền do người nhà ở ngoại quốc gởi cho, để có cái vật chật cần thiết thỏa mãn nhu cầu thể xác của họ. Ở bất cứ nơi nào, khi con người cùng cực thì nó đả trở thành con vật, không còn lương tri, không còn trí khôn, chỉ còn bản năng hưởng thụ. Hịện tượng đó thật rỏ ràng nơi cái trại vùng biên giới ấy.

Những lúc rảnh rổi, tôi hay tới ngôi trường nhỏ trong trại lập lên để dạy cho những ai muốn học một ít sinh ngữ trước khi đi định cư. Tôi làm quen với người trông coi cái ngôi trường ấy và những người tự nguyện dạy tại nơi đó miển phí cho học viên. Tình cảm gắn bó con người với con người, và sinh hoạt nơi ngôi trường đậm tình anh em. Khi người đứng lo cho ngôi trường được giấy chuyển trại, anh biết tôi cũng là thầy giáo nên nhờ tôi giúp đỡ làm công việc kế tiếp thay anh. Tôi đang buồn và không có viêc gì làm nên nhận. Tôi không hay rằng khi nhận làm công việc ấy, tôi có được chút bổng lộc, như được ở ngay tại ngôi trường, nơi đây có một căn phòng khá tươm tất cho hiệu trưởng trong đó có chõng tre, có nhà bếp, có thùng chứa nước tắm. Ngoài ra, mỗi ngay tôi được một khẩu phần do hội từ thiện Ke thô lích che ri ti (Catholic Charities) cho, ngoài phần cơm với cá hộp của mỗi dân tị nạn. Tôi dạy cả tiếng pháp cho những ai tính đi pháp và tiếng anh cho những ai tính đi Mỹ hay đi Úc. Trong hoàn cảnh khó khăn của người đi tị nạn, tình thầy trò càng thắm thiết, làm tôi bớt suy tư và bớt buồn, ít ra lúc ban ngày khi bận bịu.
Nhưng về đêm những lo âu và suy tư vẫn gậm nhấm hồn tôi cho đến ngày tôi rời trại NW9 để đi Chonburi, khi tôi nhận được tin cháu bé đã về đến Saigon và đang bị nhốt ở nhà tù trung ương Chí Hòa. Tuy còn đau buồn vì cháu vẫn phải đi tù, nhưng ít ra là cháu còn sồng sót và đã khôn ngoan tự mình tìm được đường về đến Tây Ninh, để rồi lại bị bọn công an bắt giải về Saigon, tính làm tiền chúng tôi. Nhưng vợ tôi không còn tiền để chạy và chúng tôi nghĩ trước sau gì thì chúng cũng phải thả thằng bé ra, vì không ai bỏ tù một đứa bé mười hai tuổi lâu quá một hai
tháng.
Nhưng chúng tôi đã lầm. Bọn khốn nạn đó, không ăn được tiền của chúng tôi, đã trả thù và nhốt cháu bé sáu tháng trời! Lòng dũng cảm của cháu bé đã thể hiện qua sự chịu đựng bền bỉ và sự khôn ngoan, cháu đã lợi dụng khả năng nhào lộn của mình để giúp vui cho những người trong tù và được bà con thương mến, cho ăn thêm quà trong khi bọn cai tù không cho mẹ cháu tiếp tế thực phẩm.
Ngày cháu được thả về, cháu gầy gò ghẻ lở, lúc gọi cửa, mẹ cháu lại tưởng là một tên ăn mày, xua tay đuổi, cho đến khi cháu lên tiếng “ mẹ ơi, bé đây này!” (bé là tên ở nhà gọi cháu) thì mới nhận ra con mình! Ôi thật là đứt ruột đau lòng!

Nói về NW9, tôi còn vài ba kỷ niệm tô đậm đoạn đầu của cuộc hành trình đi tị nạn của tôi. Khi tôi nhận quản lý ngôi trường nhỏ bé ấy, thiếu tá Tobias, người đặc trách an ninh trại, gọi tôi lên văn phòng ông. Ông muốn tôi mỗi ngày nửa tiếng dạy ông nói tiếng Việt. Thật là một chuyện ngạc nhiên vì bình thường  người Thái không ưa người Việt và họ thường nói tiếng Miên khi liên lạc với chúng tôi rồi kiếm một tên Miên biết tiếng Việt thông dịch. Như thế, mỗi khi tôi lên dạy xong buổi học, tôi thường được ông tặng vài cái kẹo, bao thuốc, ít gói đường hay cà phê nho nhỏ, và như thế cuộc đời tôi thấy bớt khổ. Vì thời gian tôi ở NW9 quá ngắn, tôi chưa kịp nhận được tiền viện trợ của bà con thân thuộc ở ngoại quốc, những ngày không có cà phê thuốc lá, tôi thấy cuộc đời tôi thiếu thốn làm sao!
Mười ngày trước khi có tin được chuyển trại, vì cứ đinh ninh là sẽ phải chờ cả năm tại NW9, tôi đã được một người quen giới thiệu đi làm thông dịch viên cho một cơ quan tình báo hổn hợp Mỹ Thái. Cơ quan này đưa nhân viên đi phỏng vấn những tên bộ đội vượt biên hiện bị giữ điều tra tại nhiều trại tị nạn ven biên, và nhất là tại trại Sikev. Tôi đã gặp nguời Mỹ phụ trách tuyển người, và được cho biết mỗi tháng được năm trăm đô la lương, nhưng số tiền này không được lãnh ra mà phải để trong một chương mục, khi đến Mỹ mới được sử dụng. Thời gian ở Thái tôi được lo cho ăn ở đàng hoàng, không tốn kém gì hết và phải ký hợp đồng hai năm. Như vậy không còn vấn đề phãi xin đi tị nạn, sau hai năm muốn làm tiếp thì làm, nếu không, thì đương nhiên được cho đi Mỹ. Tôi đã xin một tuần để suy nghĩ và đã tính nhận thì có tin tôi được lên danh sách đi Chon bu ri để làm giấy tờ đi một đệ tam quốc gia. Do vậy mà tôi đổi ý định, không nhận công tác đó nữa.
Sau khi ở trại NW9 được một tuần, tôi đã mần mò làm quen được với một số nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế làm việc tại đấy. Cứ đến cuối tuần là họ về Băng Cốc. Và trước khi họ đi, tôi nhờ họ gởi hộ thơ qua hội HTTQT nên không mất tiềm tem. Như thế tôi gởi thơ xin cầu cứu được tới cả chục người ở Thái lan, Tân Gia Ba, Pháp và Mỹ, những người này là bạn của bác và cô tôi ở Saigon. Trong số những người tôi viết thơ cho có Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Tân Gia Ba, Thanat Khoman, cựu thủ tướng Thái Lan, lúc đó là thượng Nghị Sĩ ờ Băng Cốc, Bác sĩ Gellerman và Dân Biểu Norman Lent ở Nữu Ước, Bác sĩ C. C. Congdon, thấy của cô tôi khi bà đi du học ở Hoa Kỳ, Thạc sỉ giáo sư Pierre Catala ở Đại Học Luật Khoa Paris, và Giáo Sư Tiến Sĩ Luật Varee Vichayanonta ở Đại Học Luật Khoa Bangkok. Sau đó tôi nhận được những thơ nhận đỡ đầu của Bác sĩ Gellerman, Dân Biểu Norman Lent, và giáo sư Pierre Catala. Giáo Sư Varee Vichayanonta đã đích thân lái xe xuống tận trại NW9 thăm tôi cho quà và tiền. Giáo sư Varee, đậu tiến sĩ ở Pháp, là bạn của cô tôi. Bà nói chuyện với tôi bằng tiếng pháp, thân tình hỏi thăm cô và bác tôi còn ở lại Saigon. Bà cũng tỏ ra lo lắng cho tình trạng của tôi lúc bấy giờ. Tôi đã cảm động, thành thật cám ơn bà và xin nhận quà nhưng từ chối nhận tiền. Sau này khi lên Băng Cốc bà còn đón tôi đi chơi và đưa về nhà. Thật là một nghiã cử tốt mà tôi vẫn còn nhớ cho đến ngày nay.

Thế rồi cái gì phải đến đã đến. Ngày mười hai tháng sáu, tôi cùng với khoãng một trăm năm chục người tị nạn khác rời NW9 đến trại Pa nát ni com hâu đinh sen tơ (Panatnikhom holding center) ở tỉnh Chon bu ri. Phái đoàn của toà đại sứ Mỹ ở Băng Cốc, trong đó có một phụ nử Việt trẻ đẹp, mà ai cũng biết tiếng trừ tôi, là bà Chấn, cũng có mặt trong buổi chuyển trại này. Nhân viên hội Hồng Thập Tự quốc tế đã điều động cuộc ra đi. Chúng tôi lên xe buýt đi lúc mười một giờ ba mươi sáng và xe chạy vù vù qua một vùng quê Thái trông không khác vùng quê ở miền tây nước mình, với những ruộng lúa chín vàng, thẳng cánh cò bay. Xe đi hơn ba trăm cây số và đến nơi lúc hai giờ ba mươi trưa. Nhìn trại Pa nát ni com, tôi thấy phấn khởi, vì trại khang trang và đẹp mắt hơn NW9 nhiều.