Bài Viết Của Ông Lê Văn Hưng
Posted: Thursday, November 11, 2010 by ttnbg in
0
"Ngay từ những tiếng pháo đầu tiên, khu vực Site I dành cho dân Miên
đã di tản vào Site II, còn chúng tôi chạy theo dân Miên ở Site A hướng
về Site II. Đến nửa đường, lính Thái bảo chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở
đó.
Gần sáng ai cũng hy vọng Cộng quân đã ngưng đánh. Một số
người trở về Site A để lấy đồ đạc. Bất ngờ, Cộng sản dùng ”Pháo bầy” bủa
xuống hướng Dongrek cũ. Dân tị nạn tốc cả đồ đạc, bỏ gạo, bỏ hành lý để
chạy lấy thân. Có người lạc cả vợ con."
Bài Viết Của Ông Lê Văn Hưng
Ông Lê Văn Hưng: một người tị nạn đường bộ ở các trại Non Chan, Non Samet, Dongrek và Site II.
Lời nói đầu: Anh Lê văn Hưng là em ruột của ông Lê Bá B. Theo lời kể của ông B. thì Lê văn Hưng trước là sinh viên đại học Văn khoa ban Anh văn, năm thứ hai. Sau năm 1975, khi Việt Nam đổi chủ, anh Hưng học hỏi và nghiên cứu về Thiền (Yoga) và Thông Thiên học.
Sau đó, anh Hưng bị bắt và bị nhốt chung với những người bị tù về tội vượt biên ở tại Vũng Tàu. Gia đình Hưng phải lo lót mất năm ngàn đồng Việt để anh được trả tự do. Khi ông B. đi, ông có rủ Hưng đi chung nhưng Hưng không dám đi.
Cuối cùng vì phải trốn tránh và tù tội nhiều nên Hưng mới vượt biên bằng đường bộ sau ông B. Anh Lê văn Hưng đến trại Non Chan ngày 24 tháng 9, năm 1982 và bị nhốt ở trại tù Non Chan. Được ít lâu thì bộ đội Việt nam tổ chức một trận đánh đại quy mô để tấn công Non Chan. Và Non Chan bị đánh tan tành.
Nhân đó, Hưng và các bạn đồng cảnh ngộ phải phá trại tù để chạy bừa đi, nếu không sẽ bị bắn hay bị Việt cộng giải về các nhà tù ở Việt nam. Hưng chạy bừa qua vùng Ancelar, cách đó vài cây số. Sau đó, Hưng được chuyển tới trại Non Samet, ở sát trại NW 82, nhưng lúc ấy trại đã được giải tán rồi.
Sau đó, trại Non Samet bị giải tán và tất cả dân tị nạn ở đây đều bị đẩy lùi vào sâu trong đất Cambodia thêm ba cây số. Tên của trại mới này là Phnom Dangrek or Dongrek.
Ở nơi đây cũng có sự hiện diện của hội HTTQT. Dân tị nạn Việt và Miên bị chở đến trại mới này bằng xe GMC. Có một số người chống cự thì bị lính Thái đánh đập. Còn những người mưu toan trốn đi thì bị bắn chết. Lính Thái còn dọa là sẽ trả họ về biên giới Việt nam. Đó là một điều đáng sợ vì họ có thể chết dưới lằn đạn ở vùng biên giới.
Hiện nay, sau năm năm trời sống triền miên trong đau khổ và tủi cực, anh Lê văn Hưng đã định cư ở Orange County, California vào năm 1987. Anh có sưu tầm rất nhiều hình ảnh và tài liệu về các trại tị nạn mà anh đã sống qua. Anh Hưng đã cho phép Kim Hà sử dụng các bài viết của anh và hình ảnh để giúp cho tập hồi ký chung của người tị nạn được phong phú và đa dạng hơn.
Ngoài ra, Ông Lê bá B. đã cho phép Kim Hà đăng lá thư kể lại chuyến vượt biên nguy hiểm của anh Lê văn Hưng, do chính anh Hưng viết gửi cho gia đình. Anh Hưng viết dưới dạng kể chuyện về một người tên Lê.
Cuộc Hành Trình Gian Khổ
Non Samet ngày 28, tháng 7, 1983.
Khởi hành từ Sàigòn vào sáng sớm, Lê đáp xe đò tại xa cảng miền Tây để đi Châu Đốc. Xế chiều thì đến nơi. Đoạn đường đi cũng khá vất vả: nhiều ổ gà và nắng nôi... Trọ một đêm tại nhà một người quen của người dẫn đường. Chiều hôm sau đi đò ngang qua Tân Châu rồi đi xe lôi đến bến đò Tân Châu.
Từ đây, đò nhỏ sẽ đưa khách ra đò máy neo giữa sông. Đến gần đêm đò mở máy đi về hướng Nam Vang sau khi chất đầy hàng hóa. Đò đã vượt nhiều trạm xét để tránh né sự kiểm soát nguy hiểm. Lê chỉ biết là mình đã vào lãnh thổ Miên khi nghe người lính xuống xét đò nói bằng tiếng Miên trong đêm tối.
Khoảng 10:00 giờ sáng hôm sau thì đò tiến vào địa phận Nam Vang. Từ xa đã thấy mái ngói đỏ của Thành ông vua, tức là dinh của Hoàng tử Sihanouk xưa kia. Trong suốt cuộc hành trình trên sông, Lê phải vấn khăn mà người Miên gọi là Kroma hay kàma để che mặt và nằm co quắp lại cho giống một đứa trẻ hầu cho công an chìm không nhận diện được.
Bốn người dẫn đường và Lê đi xe lôi qua cầu Sàigòn, tên một cầu lớn ở Nam Vang, về ở nhà một người quen của các người dẫn đường khoảng năm ngày để chờ đường xá êm và chờ có xe để đi Battambang. Đường đi Battambang cũng hư nát nhiều chỗ, nên xe chạy bị xóc, đi hết một ngày tròn mới đến nơi.
Tại bến xe, bọn Công an chìm của Miên đầy rẫy nên rất dễ bị bắt. Phải lên xe, xuống xe, nói chung là phải hành động thật ăn khớp với dấu hiệu của người dẫn đường. Tiếng Việt trong lúc ấy thật nguy hiểm, khi tối cần thiết mới dùng đến mà phải nói thật nhỏ, thật kín đáo. Còn tất cả phương tiện thông tin là ánh mắt và dấu hiệu bằng tay. Cứ như là một phim trinh thám.
Xuống khỏi xe đò, len lỏi trong đám đông rồi phóng lên một xe lôi thật nhanh, đi về nhà một người quen của các người dẫn đường. Chờ đến tối mới về nhà của họ ở sâu trong rẫy.
Trong khi chờ đợi, Lê xin chủ nhà đi tắm cấp tốc để tẩy đi cả kí lô đất bụi và mồ hôi bám trên người. Tối đến, mẹ của người dẫn đường, độ 70 tuổi, ra dẫn Lê về nhà họ. Vì đường đi mất an ninh, Lê phải ở đó cả nửa tháng. Thật bực bội! Ăn rồi phải bó chân trong một căn buồng cỡ ba thước vuông trên nhà sàn cất theo lối người Miên. Khi muốn tắm và đại tiện thì phải chờ đến tối mới được xuống nhà sàn và ra ngoài, nhưng phải thật lẹ!
Đến ngày đi, cả nhà thức dậy sớm, lo hóa trang cho Lê bằng cách bôi lọ nồi lên mặt cho đen bớt, rồi họ chỉ cho Lê cách vấn khăn cho đúng và cách xức bùa. Xong Lê lội ruộng ra bến xe Battambang cùng với bà cụ 70 tuổi và hai người cháu của bà.
Cuộc mạo hiểm đến giai đoạn này gay go hơn trước. Thường thì người tị nạn bị bắt ở đây. Đi xe đò từ Battambang đến Swai, Sisophon. Tới bến xe Swai, đi xe ngựa, vào một con đường núi, có nhà dân rải rác hai bên đường.
Theo chương trình, bọn người dẫn Lê có hẹn với một người đánh xe bò khác tại khúc đường rầy, nên cả bọn vào một quán nước nhỏ bên lề đường để chơ đợi. Người dân chung quanh nhìn Lê một cách tò mò, soi mói đến rợn tóc gáy! Thật không ổn, người cháu trai bèn dẫn Lê vào một bụi rậm trong ruộng, bảo ngồi nấp ở đó, chờ y trở lại. Nếu y muốn bỏ rơi Lê lúc đó thì thật dễ như trở bàn tay!
Ngồi đó khá lâu mà không thấy y trở lại, Lê bắt đầu lo. Bất chợt một người đàn ông từ xa rẽ bụi rậm tiến ngay lại nơi Lê nấp. Y bảo Lê đứng dậy và theo y. Thế là xong! chắc về Chí Hòa quá(Chí Hòa là nhà tù ở Sàigòn, Việt Nam). Nhưng về đến nhà, y bảo Lê nằm trên bộ ván ngựa và ngủ đi. Còn y sẽ đi canh bắt người dẫn đường và giao họ cho công an vì những người này, theo y, đã bỏ rơi Lê. Đứa con gái của y, trông cũng dễ thương và nhí nhảnh, nhưng khá lễ phép, cười trấn an Lê và ra dấu bảo không sao đâu.
Khoảng một tiếng sau, người đàn ông ấy dẫn các người dẫn đường về. Hai bên bàn bạc với nhau bằng tiếng Miên. Người đàn ông ấy là người Chàm, ông ta bằng lòng che dấu Lê, chờ đến tối Lê sẽ lên đường.
Theo sự thỏa thuận từ trước, Lê chỉ đưa tín hiệu về khi nào tới trại và chụp hình gửi về kèm với tín hiệu để gia đình Lê đưa tiền. Nhưng tới đây, người cháu trai của bà cụ 70 tuổi phân trần, nài nỉ Lê viết tín hiệu, và nói lần trước gia đình người anh của Lê cũng đưa tín hiệu tại một làng Miên chứ chưa tới trại tị nạn. Quan trọng là tin tưởng nhau và uy tín của lần trước đủ để bảo đảm cho lần này. Sau khi cân nhắc lợi hại và kèm theo một chút liều, Lê đành viết tín hiệu.
Người cháu trai ấy bảo Lê sẽ đi theo hai người Khmer khác, còn y sẽ đạp xe đạp theo một đường khác công khai, vì y biết tiếng Miên. Y nói là vào sáng hôm sau, Lê sẽ vào trại người Miên ở một ngày, hôm sau y sẽ thuê người dẫn Lê đến trại người Việt. Tại đó, Lê sẽ được phát quần áo, bàn chải đánh răng và khăn.
Đến tối, trời mưa lất phất, Lê theo hai người thanh niên Khmer khác lần mò xuống ruộng nước. Khi thì Lê phải bương theo đám cỏ gai và cây mắc cở. Chân tay bị đâm nát bấy, có lúc phải bị dính lùng bùng trong ấy rất lâu mới gỡ ra được. Khi thì Lê phải lội qua nơi nước sâu qúa đầu, Lê lại không biết bơi, phải bám vào một cái thùng bằng nhựa để cố gắng bám theo hai người Khmer ấy.
Trong đoạn đường lội nước đó, Lê uống nước sình khá nhiều và bị đỉa đeo cũng dữ. Lê không quen đi trên bờ ruộng trơn trợt. Hơn nữa, đêm tối đen như mực, tay giơ lên không thấy, nên Lê té lên té xuống nơi ruộng sình lầy hàng trăm lần. Hai ống quyển bị va vào các ụ mối nhỏ trên bờ ruộng đau đến tê tái.
Có lúc Lê phải lội qua những cánh đồng cỏ ngập nước, cỏ ba khía bén như dao cạo đã cứa nát các kẽ ngón chân. Các bắp thịt ở háng và hông đã rã rời, không còn tính dẻo dai nữa, cho nên cử động rất khó khăn. Có lúc Lê phải đi ngang như cua, có lúc đi giống một người què, có lúc không cất nổi chân lên một độ cao chỉ mười phân. Lê bị vướng vào cỏ, té nhào xuống, không muốn ngồi dậy nữa.
Chàng cứ thế mà nằm dụi xuống dưới lớp bùn, nếu không có sự thúc hối của hai tên dẫn đường. Bộ não không còn làm việc, chỉ còn một ý tưởng duy nhất trong đầu là: ”Gắng đi tới!”
Đêm thì mù mịt, không biết bao giờ mới sáng. Nhưng không hiểu lúc ấy Lê mong sáng để làm gì? Vấn đề không phải là sáng hay tối, mà là chấm hết con đường. Trong khi ruộng nước bao la, đi hoài không thấy hết. Xỉu lên xỉu xuống cả trăm lần, hai tên dẫn đường có khi phải xốc nách Lê mà lôi đi.
Sức đã kiệt! Nhiều lúc trên đường đi, Lê không dám nghĩ rằng mình có thể vượt qua sự thử thách kinh khủng này, rằng mình có thể đi hết con đường tị nạn. Hai tên dẫn đường đi rất nhanh, cứ bỏ xa Lê hàng chục thước trong đêm tối. Lâu lâu, Lê phải ngồi thụp xuống, căng mắt ra để cố phân biệt hai bóng đen mờ, nhấp nhô của hai tên dẫn đường với các bóng cây in trên nền trời mờ mờ xám.
Quan sát thái độ ấy của hai tên Khmer, một ý nghĩ đến với Lê lần thứ hai làm tim chàng co thắt lại:
”Cứ cái đà này thì chúng sẽ bỏ rơi mình!”
Nhưng chúng đã đi luôn. Lê không thể tả nổi sự kinh hoàng và tuyệt vọng mà Lê có lúc ấy! Đứng giữa trời đêm đó, Lê lớn tiếng cầu nguyện và nghiến răng chờ trời sáng. Chàng tin rằng Thượng Đế sẽ chỉ cho Lê một con đường đúng.
Đến sáng, Lê càng bàng hoàng khi thấy quanh mình chỉ toàn là ruộng nước mênh mông. Ruộng nước chạy mãi đến chân trời, không có lấy một mái nhà. Nhưng không thể đứng đó chờ chết được! Lê đi đại về một phiá, lạc vào một rừng thông xơ xác. Lê quay lại và đi theo một hướng khác, rồi nhiều hướng khác nữa.
Chợt thấy từ xa có mấy người nông dân Miên vác cuốc đi lại, đồng thời có tiếng máy phóng thanh. Chắc chắn gần đây có dân ở, có ”phum”, tiếng Miên dùng để chỉ làng. Những người Miên ngoắc Lê lại và ra dấu hỏi, vì nhìn mặt chàng là họ dư biết chàng là ”Dzun”, tiếng Miên dùng để chỉ người Việt một cách khinh bỉ.
Sau đó, họ bảo chàng với hảo ý rằng hãy lấy khăn quấn lên đầu và che mặt, tay áo buông xuống để che nước da trắng hầu khỏi bị du kích Miên bắt và họ chỉ hướng để chàng đi vào ”phum” của họ. Tại đó, Lê vào nấp trong một căn nhà của một bà cụ Miên. Bà đã cho chàng ăn cơm.
Chàng đã tận dụng khả năng Miên ngữ cũng như khả năng thông tin bằng tay chân, giống như một người câm để thuyết phục các người dân ở đó dẫn chàng đi tiếp tới trại Non Chan. Họ hỏi Lê có nhẫn vàng không, Lê bảo không. Thế là họ cười xòa và lắc đầu. Mặc dù Lê có dấu trong lưng quần, nhưng không dám đưa ra vì sợ họ giết và cướp.
Thất bại trong việc thuyết phục, Chàng bảo họ đưa chàng ra đầu thú tại đồn công an địa phương, họ bảo đừng làm như thế. Ở lại cũng chết, đi cũng chết. Thôi thì cứ tận nhân lực. Lê quyết định đi về phía lùm cây mà đàng xa có tiếng máy phóng thanh. Càng tới gần, chàng càng có hy vọng nhiều hơn.
Chàng thấy có những đám đen nhỏ di chuyển một cách trơn tru trên một đường chỉ. Có lẽ đó là những chiếc xe đạp chạy trên đường. Cứ thế, Lê đi tới và cố tránh chạm mặt với dân địa phương trên đường đi. Tới nơi, Lê thấy có nhiều người, vừa đi bộ, vừa đi bằng xe đạp, mang theo nhiều bao hàng hóa đi về cùng một hướng.
Sau này chàng mới biết đó là dân buôn lậu từ Thái về đất Miên. Chàng bặp bẹ mấy tiếng Miên để hỏi đường về Battambang. Sau khi tính toán nát óc, chàng thấy đây là con đường duy nhất khả dĩ cứu được mạng sống của mình.
Không biết tiếng Miên, không biết đường, không có tiền, bụng đói và khát, nước da khác hẳn với nước da của dân địa phương. Chung quanh đường độc đạo dẫn về Battambang không có hàng quán hoặc nhà cửa. Cứ thế, chàng cứ lê từng bước nặng nề đi.
Tới khi sắp ngất đi vì mệt và đói, Lê xuống bờ ruộng dọc theo đường để uống đầy một bụng nước ruộng mà lấy sức đi tiếp. Nhưng chàng quên rằng càng uống no thì lại càng không thể đi xa được. Trên đường đi có nhiều đoạn bị nước xoi đứt cả hai hay ba thước, bộ hành phải lội qua.
Bầu trời chiều thật xanh, nhưng sao nó cứ chạy giật lùi ra xa, có lẽ tại mắt mình hoa rồi, chàng nhủ thầm. Dân buôn đi qua mặt, quay lại nhìn và xầm xì với nhau:”Dzun”. Có một người đi xe đạp, cột một nải chuối be bé, từ trước mặt chạy tới, Lê chận lại xin mua một riel (tiền Miên do một dân buôn trên đường cho), y đưa cho Lê hai trái. Ăn xong, Lê còn thấy đói hơn lúc chưa ăn.
Lạ thật! Đầu óc đang suy nghĩ cách tìm thức ăn để có thể đi tiếp, nếu không có lẽ sẽ chết trên đường vắng nầy đêm nay, thì thấy một người lính Việt Nam vượt qua mặt...( bỏ một đoạn)...
... Do một sự việc, Lê mất chiếc nhẫn dấu trong quần, nhưng lại có 40 riels. Đêm đó, Lê được ngủ trên giường đàng hoàng, có hai dĩa cơm, canh cá và hai ly rượu đế, có cả bánh ngọt và kẹo để ăn nữa!
Sáng sớm hôm sau, Lê đáp xe ngựa từ chỗ ấy, Sla Cahom tức là Trường đỏ, để ra bến xe Swai Sisophon, qua nhiều trạm gác mà người Miên gọi là Controle, một cách an toàn. Đúng thật là trời cứu.
Tới nơi, Lê lại dùng tiếng Miên mà chàng mới học hôm sáng từ một người... để hỏi tài xế xe đò, và trả giá về Battambang, nhưng xui là hôm ấy, không có một xe nào về Battambang cả. Thêm một rắc rối.
Lê quay sang một tài xế xe Honda ôm. Y đồng ý đi về Battambang với giá 30 riels. Lê chỉ còn 30 riels chót. Mười riels đã trả cho xe thổ mộ ban sáng rồi. Đường ngược về Battambang rất an toàn và ít xét hỏi. Người ta chỉ xét những người từ Battambang về Swai mà thôi, vì đó là đường ra biên giới để vượt biên.
May mắn thế nào, người tài xế xe Honda bỏ Lê xuống ngay nơi bến xe Battambang, gần ngõ dẫn vào dãy nhà của người dẫn đường, đúng như kế hoạch thoát hiểm của Lê dự định trong đầu. Chàng lội tới, lội lui hàng chục lần dưới trời nắng chói chang để tìm nhà, nhưng không thấy.
Đường rất lầy lội. Quần áo của Lê lấm lem. Dân hai bên đường chú ý. Da mặt chàng cháy đỏ vì chói nắng. Khi đi từ nhà người dẫn đường ra bến xe trong đêm tối hôm ấy, Lê có để ý quan sát một số chi tiết quan trọng của con đường, bây giờ vẫn còn nhớ. Thú thật, đêm hôm ấy, Lê chớm có ý nghĩ về trường hợp phải đi tìm lại nhà người dẫn, nếu bị bỏ rơi.
Đúng là con đường này, mà sao không thấy căn nhà ấy đâu cả? Lê đánh bạo ngoắc một xe thồ chỉ đường đến nhà người quen của người dẫn đường đã cho Lê tắm hôm mới đến, mặc dù túi không có tiền. Lê tìm mãi không ra vì lộn đường. Nguy quá, Lê chỉ đại một con đường khác, may sao lần này tìm thấy.
Lê xuống xe vào nhà xin tiền. Năm riels để trả tiền xe. Sau đó, chàng nhờ nhà này dẫn về nhà của người dẫn đường . Tìm một vòng cũng không thấy, Lê quay lại nhà quen ấy thì bị họ la lên một cách bực bội vì căn nhà đối diện là nơi công an hay tụ tập.
Lê vội chạy ra và đi tìm một mình. Khi chàng đi lang thang trong xóm, có một số người dân tốt bụng đã cho chàng bánh tét và nước uống. Ăn xong, Lê đi tìm tiếp và đã tìm được. Sự vui mừng lớn biết chừng nào!
Cả gia đình của người dẫn đường có mặt đầy đủ. Họ tròn mắt ngạc nhiên, vì tưởng rằng Lê đã đi mất đất rồi. Hai hôm sau, họ thuyết phục Lê lên đường tiếp. Lần này sẽ có hai người trong gia đình đi kèm với chàng để tránh trường hợp bị bỏ rơi.
Cả người chàng đau nhức như dần, nhưng phải chấp nhận lên đường. Lại đáp xe đò đi Swai để vào đường núi chờ tối rồi xuống ruộng nước lội suốt đêm. Chàng chịu đựng giống y như lần trước: ngất xỉu nhiều lần, gai và cỏ cắt đứt chân tay. Những con đỉa trâu to có bề ngang to bằng ba ngón tay, bám vào thân người hút máu, đến sau này còn để lại nhiều vết sẹo, rồi lại bị muỗi rừng châm chích.
Gần sáng, cả bọn tới ”phum” Sang. Sức của Lê thật sự kiệt rồi. Không cách gì cất bước nổi. Họ dấu Lê trong một gò mối giữa ruộng nước cao độ một thước, rộng độ ba thước vuông trong một ngày trời.
Tại đây, Lê suýt bị lộ, một người dân Miên đi đốn cây, cứ đốn quanh quẩn ở gò mối. Có lần y leo lên cả lên gò, nhưng khi không thấy chàng nên hắn bỏ đi. Đến tối, người dẫn đường thuê hai thanh niên khác dẫn Lê đi tiếp và bảo đảm với Lê là không có chuyện bỏ rơi nữa đâu.
Cuộc hành trình tiếp tục, Lê cố gắng đi tới ”phum” Roun thì không thể tiếp tục được nữa. Họ dấu Lê trong nhà một ngày để chàng dưỡng sức. Đến tối, họ chở Lê đi bằng xe bò (tiếng Miên gọi là Rơ-te-ku) đến thẳng trại tị nạn Non Chan rồi tài xế xe bò đi về tự nhiên.
Tới nơi, chàng bị tù sáu tháng thật cực khổ. Chỉ tới đây mới thấy các lời quảng cáo đều láo khoét cả: nào là trại tị nạn Việt Nam, trại tị nạn Miên, dò danh sách, bàn chải đánh răng, quần áo... Không có kẻ nào dám vào Non Chan để dò danh sách cả, vào là bị còng đầu ngay.
Ở đây chỉ có đói lạnh, hãm hiếp, đánh đập và lao động. Nếu không có vụ chạy khỏi Non Chan thì có lẽ suốt đời Lê không thấy ánh sáng văn minh. Lê đã cám ơn Thượng Đế đã cho Lê sống lại.
Ở Non Chan, hội HTTQT, mà dân ở đó thường gọi là Pờ-Răng (France, Pháp), không có thực quyền gì cả. Cho nên việc can thiệp và trao đổi với nhà cầm quyền ở đó để lấy người tị nạn ra rất là khó khăn. Đến bây giờ thì kể như không hy vọng. Cho nên người Việt Nam không nên đi nữa. Đi là chết. Người Thái cũng không muốn sự có mặt của người tị nạn Việt nam trên đất nước họ. Chúng ta chỉ là gánh nặng cho họ thôi.
Đến bây giờ, con đường này vẫn còn nhiều phức tạp. Lê vẫn phải ở trại tị nạn trong một thời gian vô hạn định, chưa biết bao giờ được giải quyết. Anh của Lê trước kia phải ở trong một kỷ luật sắt thật sự, hơn cả kỷ luật nhà binh rồi mới được đi.
Còn Lê, gần một năm rồi, chàng hết ở khu rừng này tới khu rừng khác, mùa khô thiếu cả nước uống. Không biết bao giờ chàng mới tìm thấy an bình, cả đời sống bên ngoài lẫn đời sống nội tâm.
Hành Lang Tự Do Về Đâu? Trại Site II
Sau đây là một trong các lá thư mà anh Lê văn Hưng viết về một trong những trại mà anh đã sống.Thư đề ngày 17 tháng 3, năm 1985.
“Ở vùng biên giới Thái và Miên này, hai tiếng ”mùa khô” dù được nói lên bằng một giọng dịu dàng và nhẹ nhàng thế mấy cũng vẫn mang một âm hưởng đe dọa, một âm hưởng có khả năng tạo kinh hoàng cho dân tị nạn Việt Miên.
Mùa khô năm 1983, tôi đứng bên bờ đập O Bychon, dưới mây trời nắng lóa. Toàn vùng chỉ là một cánh đồng cỏ tranh bị đốt cháy đến tận gốc. Dân tị nạn ngơ ngác đứng chờ đợi cơn pháo kế tiếp đuổi theo từ sau lưng.
Bên này là khốn khổ, là chết chóc, còn bên kia là tự do, là an bình. Hai bên chỉ cách nhau có một bờ đất cao một thước. Tôi và đồng bào tôi ở bên này đứng ngóng cổ nhìn sang bên kia với những đôi mắt thèm khát. Ôi những tàn cau lung lay trước gió, những tàu dừa lả ngọn, những thôn xóm ẩn hiện sau lũy tre kia. Chúng tôi đã tìm thấy ở đó hình ảnh quê hương thanh bình thuở trước.
Mùa khô năm 1984, tại Non Samet, chúng tôi lo âu lắng nghe tiếng ”depart” của Việt cộng và nhìn theo những lằn đạn pháo bay qua đầu, rơi vào đất Thái. Chúng tôi, những người làm ở phòng y tế (Việt Nam Outpatient Department) lo di tản những người bệnh nặng và tàn tật đi trước, vì ARC (American Red Cross?) được biết Việt cộng đã dàn xe tăng chuẩn bị tấn công lớn vào chỗ dân tị nạn Việt Miên.
Chúng tôi thức hầu như suốt đêm trong đợt tấn công mùa khô 1984. Sự ồn ào cũng như sự yên tĩnh làm chúng tôi lo sợ và bực bội trong tình huống ấy.
Hạnh phúc đối với tôi bây giờ thật là đơn giản và nhỏ nhoi. Tôi không mơ đi định cư. Tôi cũng không mơ những tiện nghi vật chất. Tôi đang chờ hứng đủ một xô nước để dội mạnh đi những mồ hôi và đất cát đã bám trên cơ thể sau một ngày và một đêm chạy giặc từ Dongrek Platform (Site A) rồi sau đó nằm dài trên mặt đất ngủ để lấy lại sức.
Dưới ánh nắng gay gắt của buổi chiều, dân tị nạn Việt lẫn Miên bu đen nghẹt quanh những bồn nước của UNBRO. Suốt một ngày và một đêm, chúng tôi không có một hạt cơm hay một giọt nước để uống.
Những đôi mắt héo hắt nhìn một cách vô-cảm-ứng về những diễn biến chung quanh vì quá mệt mỏi. Chúng tôi đi lấy nước vì thấy mọi người lũ lượt đi, và vì một ý thức mờ mờ chứ không rõ ràng, rằng đi lấy nước cốt để làm việc này hay việc kia.
Ngay từ những tiếng pháo đầu tiên, khu vực Site I dành cho dân Miên đã di tản vào Site II, còn chúng tôi chạy theo dân Miên ở Site A hướng về Site II. Đến nửa đường, lính Thái bảo chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở đó.
Gần sáng ai cũng hy vọng Cộng quân đã ngưng đánh. Một số người trở về Site A để lấy đồ đạc. Bất ngờ, Cộng sản dùng ”Pháo bầy” bủa xuống hướng Dongrek cũ. Dân tị nạn tốc cả đồ đạc, bỏ gạo, bỏ hành lý để chạy lấy thân. Có người lạc cả vợ con.
Tiếng pháo lúc gần, lúc xa, kéo dài đến khoảng trưa. Dân tị nạn đã tiến về tới Site II. Xế chiều, chúng tôi lo ổn định lều ở tạm. Vài ngày sau, ban đại diện phân lô và sắp xếp lều thành đường lối.
Mặc dù thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng súng và có nhiều tin đồn không lành rằng Việt Cộng sẽ đánh vào Site II để lùa dân về đất Cambodia, chính quyền Thái vẫn cho rào trại Việt và Miên lại một cách quy mô bằng trụ xi măng và kẽm gai. Một hình thức trại tù theo khuôn mẫu NW 82 chăng?
Nhiều lần tôi hỏi các giới chức hội HTTQT về tình hình an ninh ở Site II, họ trấn an rằng:
”Đây là đất Thái rồi, anh cứ yên tâm!”
Nhưng dân Việt nam chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về Cộng sản rồi, làm sao chúng ta tin rằng Cộng sản sẽ tôn trọng lằn biên? Hằng đêm chúng tôi cứ sống trong lo sợ và phập phồng. Không biết ngày nào Site II lại phải bỏ chạy dưới lằn đạn pháo.
Đầu mùa khô năm 1985, chúng tôi cũng sống trong lo âu như thế. Dân chúng bỏ nhà, bỏ cửa lên ODP, nhà CARE, và ban đại diện để ngủ cùng với hành lý vì họ sợ rằng nếu ở quá xa ngoài bìa trại, họ sẽ khó thoát ra ngoài khi bị pháo kích.
Có lần mọi người la hét một cách kinh hoàng vì họ nghe thấy tiếng xe tăng, nhưng sau đó, lính Thái đến xác nhận đó là xe tăng của Thái. Có đêm chúng tôi bỏ chạy vào chân núi khi có tiếng pháo, vì lúc chiều có tin báo cho biết Cộng sản chuẩn bị tấn công. Vị trí của chúng chỉ cách Dongrek có hai hay ba cây số.
Nhưng chiến tranh đã không xảy ra mãi đến một buổi chiều thật yên tĩnh. Vào lúc 5 giờ chiều hôm đó, mọi người đang lo sửa soạn ăn tối, thì sau một hai tiếng ”depart”, đạn đã rơi chớp nhoáng vào Dongrek.
Trại Việt nam chỉ bị pháo xung quanh, ông già Nê đã cầm loa đốc thúc mọi người ra khỏi trại. Dân tị nạn đã theo con đường độc nhất vào đất Thái. Đến nửa đêm, Thái ra lệnh ngừng lại chờ lệnh trên. Suốt đêm ấy, hội HTTQT đã phái cô Eureka và Dr. Ian đi cứu thương ở Dongrek. Chỉ có mội ít người bị thương nhẹ về phía Việt nam. Một người Việt ra khu Miên chơi, bị trúng pháo và chết trên trại Khao Y Dang.
Về phía Khmer thì có khoảng ba mươi người chết. Đến trưa hôm sau, có một số người được đi Panatnikhom Transit Center. Họ được tập trung tại bãi đất trống trong rừng rồi đi bộ qua Site II. Ở đó, xe buýt đón họ đi Panatnikhom. Tình trạng đó đã làm những người ở lại tủi thân và xuống tinh thần.
Trước khi Dongrek mất, tôi đã gửi một lá thư để có đôi lời biết ơn các vị ân nhân đã lên tiếng nói giúp đỡ trại Dongrek, và một thư kêu cứu, báo động rằng Dongrek đang hấp hối. Bây giờ thì Dongrek đã thực sự chết, và những người ở Dongrek còn sống sót sau cơn bão lửa đang chờ đợi một phát ân huệ. Dân tị nạn đang sống trong ngắc ngoải vì chờ được định cư quá lâu, vì đau khổ ở biên giới, vì bệnh tật, vì thiếu dinh dưỡng.
Còn một nơi chốn nào để dân tôi đến hay không? Thế giới tự do hãy nói đi! Hãy cho chúng tôi biết một cách thành thật về lý tưởng, quan đểm của quý vị đi. Chúng tôi là những người yêu tự do đã từ chối Cộng sản và cũng đã bị Cộng sản từ chối, không lẽ cũng bị đồng minh mình từ chối nốt hay sao?
Tôi tin tưởng nơi thế giới tự do và nhất là người Mỹ, vì người Mỹ có liên hệ trực tiếp vào cuộc chiến Việt Nam. Người Mỹ phải có trách nhiệm đối với dân tị nạn ba nước Đông Dương. Chúng tôi ngày nay phải lãnh chịu những cơ cực thế này, một phần cũng vì chính sách buông tay của người Mỹ.
Tuy là tin tưởng vậy, nhưng không khỏi có những lúc tôi phải băn khoăn, liên tưởng đến câu nói của thủ tướng Sirik Matak của Cambodia lúc mà ông từ chối chạy trốn khỏi nước:
”Chúng tôi cầu chúc qúy vị được vui vẻ hạnh phúc. Chúng tôi chỉ phạm một lỗi, đó là lỗi quá tin tưởng nơi người Mỹ!”
Ở đây, chúng tôi cũng xin cầu chúc Mỹ quốc được hạnh phúc, bình an, để trong sự yên vui ấy, người Mỹ sẽ có đủ lòng quảng đại và quay nhìn lại một trách nhiệm mà họ đã lơ là: đó là trách nhiệm đối với dân tị nạn Đông Dương nói chung và dân tị nạn đường bộ Việt nam ở Dongrek nói riêng.
Cuối thư, tôi xin gửi đến thế giới tự do lời kêu cứu này:
-Nếu Dongrek không được giải quyết sớm, e rằng đồng bào tị nạn sẽ gánh chịu một trận chiến lùa dân, và lần này ai có thể cả quyết rằng chúng tôi sẽ may mắn hơn những lần trước? Nếu Cộng sản thành công, một thảm kịch O'Smack năm 1982 lại tái diễn như cảnh một đoàn tị nạn bị xâu thành xâu bằng giây kẽm gai, lùa xuống bunker rồi bị ném lựu đạn giết chết.
Tôi biết rằng dù việc ấy có xảy ra cũng chẳng có một tổ chức nào đụng đến lông chân của các nước tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng LƯƠNG TÂM của các vị lãnh đạo, của từng người dân tự do, là lịch sử thế giới trong cuối thế kỷ 20 này sẽ đeo đưổi phê phán những người có trách nhiệm đến muôn niên.
Xin qúy vị cầu bình an cho đồng bào tị nạn chúng tôi tại trại Site II này!”
(Lê Văn Hưng)