Đến Panatnikhom Holding
Center
Panatnikhom Holding Center, cũng còn có tên
là Panatnikhom Processing Center, là trại mà tất cả những dân tị nạn đường biển
và đường bộ ở Thái Lan đến để được phái đoàn
các nước nhận tị nạn trên thế giới phỏng vấn. Nơi đây có văn phòng đại
diện thường trực của các cơ quan quốc tế như UNHCR, các JVC’s (joint voluntary
agencies, hội thiện nguyện), và các cơ quan từ thiện. Nơi đây cũng là nơi tôi
thấy có trường École Sans Frontières dạy tiếng pháp cho những ai xin đi tị nạn
tại Pháp.
Nhà dành cho dân tị nạn làm bằng bằng
fibro-ciment lợp tôn, từng giẫy dài, cứ bốn giẫy như thế tạo thành những ô
vuông, ở chính giữa là khoảng đất trống mà dân tị nạn dùng làm nơi trồng các thứ
rau và khoai. Đường đi là đường đất đỏ, không có điện nên đêm đến tối thui. Chỉ
những đường chính và khu làm việc của các cơ quan là có đèn. Tôi được chỉ định ở
tại căn nhà số 2G37.
Ngay ngoài trại, cách một hàng rào là một khu chợ nhỏ bán
đủ thứ thực phẩm, quần áo, tạp hóa, cửa hàng ăn uống mà chúng tôi được tự do
lui tới.
Trại
Panatnikhom rất lớn đi từ nơi này đến nơi kia rất xa, mỏi cả chân. Ban ngày
nóng như thiêu như đốt, có muốn ngủ cũng không ngủ được, thế mà ban đêm thì lại
lạnh mà không có chăn mền, nên cũng lại không ngủ được ngon giấc. Cơm cho ăn
thì tha hồ nhưng đồ ăn thì dở, nên phần lớn dân tị nạn phải đi chợ mua thêm thực
phẩm về nấu riêng. Tôi sống với một số thanh niên nên được giúp đỡ nhiều.
Tại
Panatnikhom, tôi gặp lại đươc anh Tâm là bác sĩ đã tốt nghiệp Đại học Y Saigon.
Anh là
sinh viên trong những lớp pháp văn chuyên môn y nha mà
tôi đảm nhiệm vào những năm bẩy sáu cho đến bẩy tám. Anh rất mến tôi từ những
ngày còn ở đại học và nhận ra tôi, chứ tôi đâu còn nhiều trí nhớ sau những năm
lao động khổ sở.
Nói chuyện với Tâm làm tôi nhớ lại những kỷ
niệm vui buồn của những ngày sau khi cộng sản vào miền nam. Tôi vốn là nhân
viên trường đại học Luật. Sau bẩy mươi lăm, trường Luật tạm ngưng hoạt động,
các nhân viên ban giãng huấn vẫn được ăn lương nhưng không dạy học mà chỉ danh
toàn thời gian tham dự lớp nghiên cứu chủ thuyết mác lê nin. Lớp này kéo dài cả
năm trời, với những giảng viên cao cấp từ trường đảng ở Hà nội vào thuyết giảng.
Chúng tôi vừa học tập vừa phê bình và tự
phê, tự kiểm thảo xem mình đã tiến bộ đến đâu. Mỗi tuần đều phải làm bài viết để
bầy tỏ những gì mình đã hấp thụ được, đồng thời phê phán những ý niệm mới học về
chủ nghiã cộng sản. Tha hồ mà ca tụng, mà tăng bốc Mác Lê nin, tha hồ mà nói
hay nói tốt về cái biện chứng pháp, nâng bi đảng và nước ta đã khôn ngoan áp dụng
uyển chuyển chủ thuyết cộng sản vào hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, để đưa dân
tộc ta tiến thẳng lên chế độ xã hội chủ nghĩa mà không kinh qua chế độ tư bản
chủ nghĩa, vân vân và vân vân. Đến ngày phải bàn luận, phải bầy tỏ lập trường,
phát biểu ý kiến, ai nấy cũng nhìn ai, xem ai nói trước và nói ra làm sao, vì mẹ
kiếp, nói láo trên giấy thì dễ, nay phải đứng lên mà dùng cái mồm mà nói phét
đâu có dễ, nó ngượng ngùng làm sao! Và nói phét vừa đủ để đừng bị kết tội là
chưa học tập tốt, chưa hấp thụ những tư tưởng mới, chứ nói phét quá thì lại bị
đồng nghiệp nhìn với một con mắt nghi ngờ, bảo rằng thằng này nằm vùng mà mình
không biết, hay là thằng này ba mươi tháng tư muốn được kết nạp đảng. Thế nhưng trong cái thời buổi rối ren, có lắm
kẻ theo thời cơ chủ nghĩa, lắm kẻ tán tận lương tâm, sẵn sàng “hót cứt cho chủ
mới của đất nước”. Khốn nạn cho cái thân
tôi, cũng bị “cuốn theo chiều gió”, cũng phải nói ngược lại những gì mình nghĩ
trong đầu, đi ngược lại lòng mình, chỉ vì hoang mang sợ đi tù.
Mà đâu phải chỉ học tập tốt
là đủ? Còn phải lao động tốt và chúng tôi cũng có những ngày đi đào mương, vét
cống, những bàn tay trước kia chỉ quen cầm bút chấm bài phê điểm, nay cũng phải
thò xuống bùn mà nâng những tảng đất rồi chuyền tay từ người này đến người kia,
đến người chót tảng đất lớn chỉ còn bằng hai nắm tay, vì nó đã rơi rớt trên con
đường vận chuyển. Nhưng rồi rốt cục trường Luật cũng bị đóng cửa, nhân viên giảng
huấn nhận được giấy cho nghỉ việc, nhất là những người trong ban tư pháp, vì
làm sao mà áp dụng luật tư bản vào xã hội xã hội chủ nghĩa? Vả lại như đã bàn đến
trước đây làm gì có luật trong chế độ cộng sản?
Thế là ai nấy cố mà đi tìm nghề khác mà sinh
sống. Có anh đi sửa đồng hồ, có anh đi dạy anh văn, có anh đi buôn, còn tôi may
phúc đức tổ, có ông chú đi cách mạng về thấy thằng cháu đi
bán than cực đã đành,
nhưng trông nó lại đen đủi như thằng ăn mày, mới nói “ thôi anh về dạy pháp văn
bên trường y khoa. Để chú nói cho đồng chí bí thơ đảng bên đó!” Tôi đươc sang dạy
pháp văn chuyên môn, dạy toàn những danh từ y nha khoa, dạy riết, đọc riết các
báo y nha khoa bằng tiếng pháp, tôi nói chuyện y khoa nghề tới độ nhiều sinh
viên năm thứ ba, thứ tư hỏi tôi “Thầy là bác sĩ hả thầy?” Tôi bảo tôi có là bác
sĩ cái khỉ khô gì đâu. Vì đọc hoài tôi nói ra như con vẹt, nói riết thành ra
nói như thể mình tin ở những lời mình nói, thành ra sinh viên mới tuởng như thế.
Nhưng đó cũng là một điều hay bởi vì trước kia tôi có biết giây thần kinh mơ hồ
là cái gì, thế mà sau đó tôi dám nói với các sinh viên rằng cắt cái giây thần
kinh mơ hồ đó đi thì nó không còn kích thích cái bao tử tiết ra chất a xít và
do đó chữa được cái bệnh đau bao tử. Làm sao mà sinh viên không tưởng tôi là
bác sĩ khi những điều tôi nói đó lại chỉ mới phổ biến trong các tạp chí y khoa,
chưa thông dụng trên thực tế.
Sau này đi vượt biển hụt,
đi tù rồi trở về, làm sao còn đi dạy được nửa, tôi bèn quay ra đạp xích lô, khi
chở khách vào Chợ lớn ngang qua trường y, tôi nhớ lại những bạn cũ muốn vào
chơi quá. Trong số bạn nơi đây, tôi có anh Châu chơi rất thân với anh Trung làm
bên khu giải phẫu. Sinh viên thường thực tập giải phẫu trên chó đã bị gây mê.
Sau mỗi buổi thực tập như vậy, có mười mấy con chó được đem cho những nhân viên
nào thèm thịt. Dưới xã hội xã hội chủ nghĩa, thịt heo, thịt bò, thịt gà đều đắt,
ai cũng ăn thịt chó vì nó rẻ. Do vậy mà ai nấy đều dành những con chó đã bị
giãi phẫu đó. Nhưng vì có tay trong, nên lâu lâu anh Châu lại mang về được một
con. Nhưng anh lại không biết làm chó, và càng lại không biết nướng chả chìa
hay nấu rựa mận. Luộc thì dễ quá, nhưng không lẽ luộc cả con chó? Do vậy mỗi
khi mang được một con về nhà là anh kêu các bạn đến nhậu, nhưng không lẽ mang
con chó sống ra mà nhậu, anh đành bảo ba bốn đứa đi tìm tôi ở những nơi tôi thường
đậu xích lô chờ khách. Và thấy mùi chó là tôi bỏ cả khách mà về.
Chúng tôi lên tuốt mái chung cư Nguyển Thiện
Thuật đun nước sôi cạo lông chó, lấy sách y khoa và tự điển ra thui chó, xong rồi
nào chặt, nào băm, nào thái, chúng tôi dùng đủ thứ gia vị tiêu hành tỏi riềng,
lá mơ, mắm tôm. Đứa thì dọn dẹp cho sạch sẽ, đứa thì chuẩn bị bát điã, ly, đế,
bún, bánh đa, đứa thì lo nướng chả, đứa thì canh nồi luộc, còn tôi thì chuyên nấu
nướng.
Khi xong món luộc thì vớt ra cho nguội, khi chả vừa chín
thì bắt đầu ngồi nhậu. Nửa tiếng sau hết chả thì có đứa ra thái thịt luộc, và
thêm nữa tiếng nữa thì đến món rựa mận ăn với bún. Bắt đầu nhập cuộc với mươi
người mà sao chúng nó ngửi thấy mùi ở đâu mà cứ đến thêm, mỗi đứa sách theo
chai rượu, nào thuốc, nào than, nào rắn, nào ông già, cuối cùng đứa nào cũng
say mèm, đi không vững, ăn nói lè nhè. Nhưng ít ra cũng quên đời được một lúc!
Riêng tôi, lại leo lên xích lô đạp về nhà, miệng hát “ Je suis parti, sans un
adieu, il valait mieux pour tous les deux, laisse-moi te dire, laisse-moi te
dire, je t’aimais bien…”
Những ngày ở Panatnikhom, sáng tôi đi dạy
pháp văn ở Ecole Sans Frontières, nhà số 3C20, trưa về làm đơn nộp xin được phỏng
vấn. Tôi được phái đoàn pháp kêu trước tiên. Tôi được một viên đại tá pháp già,
tên colonel Tricorneau phỏng vấn.
Sau khi hỏi tôi tại sao xin đi Pháp, đã học hành đến đâu,
học ở đâu, đi làm những đâu, làm những gì, ông hõi tôi có vợ con không. Tôi trả
lời tôi có một vợ, bốn con. Ông hỏi vợ con tôi đâu, sao không đi theo để được
phỏng vấn, tôi bèn trả lời họ ở lại Việt Nam. Ông vổ vào đùi cái đét, cười phá
lên và nói “Ben alors! Vous êtes géographiquement célibataire!” (Ồ như thế trên
phương diện địa dư, anh chưa có vợ đấy nhé!). Sau đó, ông bảo tôi được chấp nhận
trên nguyên tắc, và nếu không có gì trắc trở, tôi sẽ đi Pháp trong tháng tám.
Sau đó một thời gian ngắn, tôi được phái đoàn Mỹ kêu. Tôi
đến gặp một người Mỹ da đen, ông tự giới thiệu là cựu trung úy thủy quân lục
chiến. Ông hỏi tôi đại khái giống như bên phái đoàn pháp đã hỏi. Sau cùng, ông
nói với một giọng mà tôi nghe tôi thấy khó chịu “ông đã được nhận vào Pháp, tại
sao ông còn xin vào Mỹ?” Tôi trả lời “Pháp không chịu trách nhiệm gì trong vụ xụp
đổ của miền Nam Việtnam. Họ nhận tôi vì tinh thần nhân đạo. Còn Mỹ phải trả món
nợ này cho chúng tôi vì nếu Mỹ không nhúng tay vào Việt Nam, thì giờ này tôi
không phải ngửa tay xin ông một cái gì hết”. Nghe tôi nói một chập như thế y
cáu hỏi tôi “ông tính xin vào Mỹ làm chính trị hả?” Tôi nói tôi không có khả
năng làm chính trị. Y hỏi tôi đã đi học bên Mỹ chưa? Tôi bảo
chưa, y lại hỏi tôi đã làm
cho cơ quan Mỹ nào ở Việt nam chưa. Tôi cũng bảo chưa. Thế là y nói “Ông không
có một ưu tiên nào để vào Mỹ hết. Tôi khuyên ông đi Pháp”, tôi cáu tiết nói “
tôi không cần lời khuyên của ông. Tôi chỉ xin ông cứu xét lá đơn của tôi một
cách công bằng”. Rồi tôi đi về. Hai hôm sau tôi nhận được tờ bảo lãnh của dân
biểu Norman Lent viết trên giấy có ăng tết (entête) “Congress of the United
States of America”, tôi đem đến tính đưa cho phái đoàn Mỹ để bổ túc hồ sơ. Tôi
gặp một cô gái Mỹ trẻ đẹp, tóc vàng óng ánh dài chấm mông, chân đi đất, trông
như một nàng tiên, tôi liền nhờ cô làm một phô-tô-co-pi bổ túc hồ sơ và cho lại
tôi bản chánh. Cô cầm lá thơ đọc, xong cô bảo tôi chờ. Cô đem lá thơ ấy đưa cho
tên Mỷ đen hôm trước phỏng vấn tôi. Tôi thấy sắp sửa có chuyện nên chuẩn bị
tinh thần để đối đáp với tên này. Y ra nhìn tôi, nhớ ra tôi, cười lịch sự rồi
đưa tay ra bắt tay tôi. Tôi chưa hiểu chuyện gì đã xẩy ra thì y nói “ How did you get to
know this big shot?”. Tôi liền nói dóc “He’s a friend of mine. We met in
Saigon” Y nói “I’ll have your application processed immediately. You are
admitted to the US.” Tôi vênh mặt lên nói “Thank you for your quick response! I
appreciate it.” Rồi tôi đi về nhà như cờ nở ra trong bụng. Tôi nghĩ “Mẹ kiếp!
có thế chứ!” (Tôi xin lỗi bạn đọc vì lối ăn nói cu li xích lô của tôi).
Những ngày hôm
sau tôi ra cái bảng trước văn phòng của phái đoàn Mỹ, dương mắt ra nhìn xem có tên
mình hay không, nhưng không thấy có, lòng đã buồn buồn, nhưng không muốn đến hỏi
lại xem sao. Thôi đành chờ vậy. Chừng bốn năm ngày sau quả nhiên tôi có tên đi
Mỹ, tôi bèn đến cám ơn phái đoàn pháp.
Khi nói với bốn đứa bạn tây ở école sans
frontières là Bernard, Christophe, Annie, và Bernadette, thì chúng nói “như thế
chúng tao sẽ không gặp lại mày được!” tôi bèn trả lời “C’est ma destinée! J’espère vous revoir en Amérique alors!” (Đó là cái số của tôi. Tôi mong gặp
lại các bạn bên Mỹ vậy) Thật ra trong bụng tôi sung sướng vô chừng. Chính ông
thầy tôi, thạc sĩ Pierre Catala, người đã nhận bảo lãnh tôi, đã khuyên tôi “Les
horizons sont beaucoup plus ouverts en Amérique. Si vous pouvez y aller,
n’hésitez pas, cher ami…”(Chân trời Mỹ rộng mở
hơn nhiều.
Nếu anh đi được sang Mỹ, anh không nên ngập ngừng …)
Tối hôm đó tôi đổi một đô la ra hai mươi bát
(baht, tiền Thái) và tôi ra cái chợ kia ngồi vào ăn một tô hủ tiếu và uống một
chai bia để ăn mừng một mình! Ôi tôi thấy cuộc đời tôi đã khởi sự nhuộm mầu hồng,
không còn đen như mõm chó nữa.
Sang Panatnikhom Transit
Center
Ngày tôi thấy tên tôi trên danh sách cũng là ngày tôi được
biết rằng đến hai mươi bẩy tháng bẩy tôi sẽ chuyển sang tơ răng dít sen tơ
(Transit Center), nơi tôi được khám sức khỏe và chờ ngày đi đảo. Đi đảo đây
không phải là bị đầy ra đảo. Đảo đây là đảo Ga Lăng bên Nam Dương, gần Tân Gia
Ba (Singapore), nơi các dân tị nạn bên Thái được đi Mỹ phải qua ở đó chờ một thời
gian trước khi được lên lít-đờ-vôn (liste de vol) tức là danh sách những người
được lên máy bay. Như thế tôi đả phải ở tại tờ-răng-dít xen-tơ có bốn ngày.
3 comments:
-
Are you searching for a best cosmetics foundation to begin a vocation as independent wedding cosmetics craftsman in Delhi, consider Maryam Ahmadi professional makeup artist in delhi, the establishment serves the best educational modules to take care of business your profession and makes them flawless to convey the best cosmetics to their customers.
-
Needs to book a gathering cosmetics craftsman under your financial plan, don't look anyplace else when you have Maryam Ahmadi a big name cosmetics craftsman that charges extremely negligible to give you an ideal look and make you look beautiful all through your wedding. Consider us and book your arrangement ahead of time for your wedding.
Visit Here : Best Makeup Artist in new delhi
Blockchain is usually showered with high praises from the users for their services but sometimes users run into an unwanted obstruction when password doesn't work in Blockchain. Are you also into same precarious situation? Don't keep pondering over this issue as it can be dealt with easily by an elite professional at Blockchain customer service. Dial Blockchain phone number to avail the best in class services from an experienced professional.