Hồi Ký Của Ông Lê Tấn Lý

Posted: Sunday, November 14, 2010 by ttnbg in
0

"Đi chừng vài cây số thì đau đớn thay, chúng tôi thấy xác chết của bảy người bạn đồng hành trên chuyến đi ấy. Đây là những người bạn đã từ giã chúng tôi để ra đi đêm hôm trước. Họ bị giết chết bằng súng vì chỉ nhìn các vết thương của họ, chúng tôi cũng đoán được.
Thường thì người Miên giết người bằng giáo mác hay dao búa, nhưng bảy người này bị bắn chết. Có lẽ họ bị một trong các lực lượng chiến đấu bắn chết. Nạn nhân không nằm gần nhau: Bốn người thì nằm cách gần nhau, còn ba người kia thì nằm chết cách xa đó độ hai trăm thước. Có lẽ họ đã chạy được mà bị đuổi theo để bắn chết..."

Ông Lê tấn Lý vượt biên bằng đường bộ cùng với hai con trai. Ông cùng hai con đến trại Non Chan, sau đó qua trại NW 9,rồi trại Panatnikhom và một vài trại khác trước khi đến Hoa Kỳ vào tháng 7, năm 1981.
Hiện nay ông đã được đoàn tụ với vợ và hai con gái. Gia đình ông hiện đang cư ngụ ở Anaheim, California.

Gia đình ông đã may mắn tới nơi, trong khi bảy người bạn đồng hành của cha con ông đã bị bắn chết trên đường đi.

Tuy tôn trọng quan điểm của ông khi nhận xét về lực luợng Para, nhưng tôi không đồng ý với sự nhận xét đó. Lý đo vì chính ông và gia đình ông không ai bị hãm hiếp hay giết hại bởi bàn tay của lực luợng này.


Cuộc Hành Trình Vượt Biên Bằng Đường Bộ Từ Việt Nam Qua Thái Lan.


Ba cha con tôi ra đi từ Sàigòn vào ngày 2 tháng 4, năm 1980. Mỗi đầu người phải trả bốn lạng vàng cho ban tổ chức. Tôi bắt liên lạc với đoàn xe vận tải chuyên chở gạo từ Sàigòn đến Battambang ở Cambodia.

Tổ chức này làm giấy giả cho tôi để giả dạng làm lơ xe và phu khuân vác gạo. Đoàn xe này khi rời Sàigòn đến Nam Vang thì có mười lăm chiếc. Nhưng từ Nam Vang đến Battambang thì chỉ có ba chiếc xe thôi. Vì thế, con đường đi của chúng tôi rất gian nan và nguy hiểm. Lý do chính là nếu đi mười lăm chiếc thì dễ trà trộn hơn là chỉ có ba chiếc thôi.

Khi tới Nam Vang thì xe vận tải đậu ở ngoại ô thành phố. Chúng tôi ở tại đây được hai ngày. Sau đó thì đi Battambang. Tới Battambang, chúng tôi sợ luôn những người tổ chức trong đoàn xe vận tải ấy. Lý do vì họ không phải là người nhận tiền của chúng tôi.

Người nhận tiền vì lý do nào đó đã kẹt ở Sàigòn, nên anh ta giao chúng tôi cho một nhóm người khác để họ đưa chúng tôi đi. Nhóm này hỏi chúng tôi có vàng thêm thì đưa cho họ. Dù trong túi còn vàng, chúng tôi vẫn làm bộ hết tiền để khỏi chi thêm cho họ.

Vì thế, họ để cho nhóm lính kiểm soát thẳng cánh xét hỏi chúng tôi mà họ không hề binh vực chúng tôi điều gì. Trên đoạn đường đi từ Nam Vang đến Battambang dài độ hai trăm năm mươi cây số, mỗi lần gặp trạm kiểm soát, chúng tôi phải đưa giấy tờ giả ra cho họ xem. May mắn là qua thoát được hết cả. Chúng tôi run sợ trong suốt cuộc hành trình đó.

Khi đến Battambang, cha con tôi rời ngay đoàn xe vận tải để tìm đến địa điểm hẹn mà người trong ban tổ chức đã chỉ dẫn. Chúng tôi đến được một quán ăn có bán hủ tiếu và nước ngọt. Nơi đây, tôi gặp người dẫn đường là một người Miên nhưng có vợ là người Việt Nam. Ông này nói tiếng Việt rất giỏi. Ông ta đưa chúng tôi đi từ Battambang đến Sisophon bằng xe mô tô ba bánh, kiểu xe thồ.

Dọc đường, có hai trạm kiểm soát của người Miên, chúng tôi cũng giả làm người Miên nên đi qua trót lọt. Đến thành phố Sisophon, người dẫn đường dắt chúng tôi vào nhà một người quen để ăn uống và chuẩn bị cho cuộc đi bộ vào ban đêm. Họ nói từ Sisophon đến biên giới Thái độ chừng tám mươi cây số. Nhưng tôi tính ra thì chỉ độ khoảng năm mươi hay sáu mươi cây số mà thôi.

Chúng tôi nhập bọn với bảy người đàn ông trai tráng nữa . Trong số ấy cũng có người lớn tuổi như tôi, cỡ trên năm mươi tuổi. Thế là chúng tôi đi bộ trong rừng mà không có đường mòn. Mỗi lần đi phải vạch cây lá mà đi.

Từ Sisophon đến Non Chan, chúng tôi phải đi trong bốn đêm. Cứ tối, độ 7:00 giờ hay 8:00 giờ tối là bắt đầu đi cho đến độ 5:00 giờ sáng thì được nghỉ. Thường thì người dẫn đường dắt chúng tôi gửi vào nhà người quen để khỏi bị lộ, và để ăn uống và ngủ lấy lại sức, chờ đến tối thì đi tiếp.

Tối đến thì chúng tôi lại được giao cho một toán dẫn đường khác. Như thế họ cứ thay đổi người dẫn đường mãi. Nhờ chúng tôi đi số đông, hết thảy là mười người đàn ông nên chúng tôi bênh vực và bảo vệ cho nhau, do đó những kẻ dẫn đường dù có tà tâm cũng không thể giết chúng tôi được.

Sau ba đêm, đến một chỗ vắng, chúng tôi bị giao cho một nhóm dẫn đường khác. Nhóm người này cầm búa và rìu trông vẻ mặt thì dữ tợn và bất lương. Họ đưa chúng tôi vào rừng rồi bắt cởi hết quần áo để họ xét và ăn cướp tất cả.

Lúc đầu họ còn nói ngọt ngào để chúng tôi viết giấy về gia đình nói là đã đến biên giới rồi. Như quy ước, nếu đến nơi, nếu như viết đúng nội dung mật hiệu đã quy định thì người nhà tôi mới giao đủ số vàng còn lại. Tôi đã dùng mật hiệu báo cho vợ tôi biết là tôi chưa đến nơi. Chứ nếu không viết thư thì chúng làm khó dễ và bỏ rơi mình.

Ở tại khu rừng ấy, có lẽ chỉ cách trạm gác của Bộ đội Việt Nam độ vài cây số, thì bọn cướp này cướp tất cả mọi thứ của cải của chúng tôi. Khi chúng tôi vùng vằng phản đối thì bọn chúng dọa sẽ tố cáo với Bộ đội Việt Nam để chúng tôi bị bắt.

Vì thế, chúng tôi nghi là bộ đội Việt nam chắc là ở không xa nơi này là bao. Bọn chúng cướp tất cả những quần áo lành lặn mà chúng tôi đang mặc trên người. Khi thấy chúng tôi trần truồng, trông khó coi qúa thì chúng bèn vứt cho chúng tôi vài cái quần đùi, vài cái áo rách rưới và hôi hám, và vài khăn quàng của người Miên.

Lúc ấy, chúng tôi thấy cái chết trước mắt, không còn cách gì mà đến được biên giới nữa rồi. Chỉ còn một hy vọng mong manh làkhi bọn hắn đã lấy khá nhiều vàng, đồng hồ và quần áo rồi, chắc là chúng sẽ tiếp tục dắt mình đi nữa.

Khoảng 7:00 giờ tối, bọn cướp bèn dùng đèn pin dắt chúng tôi đi tiếp độ hơn nửa cây số. Đến một lộ đất, chúng nói gạt chúng tôi rằng chỉ còn có hai cây số nữa là đến trại của quân Kháng Chiến chống Cộng sản Việt nam, đó tức là lực lượng Para. Nghe như vậy, chúng tôi rất nôn nóng và thèm khát được đến đó vô cùng.

Khi vừa ra khỏi lộ đất thì bọn chúng tắt đèn và rút lui mất dạng hồi nào mà chúng tôi không hay biết. Chỉ còn mười người chúng tôi tiếp tục lần mò đi theo hướng mà chúng đã chỉ. Đi độ chừng một cây số thì con tôi là cháu Tiến bị xỉu ngay tại chỗ mà không còn đi được nữa. Có lẽ Tiến bị xáo trộn tinh thần qua việc bị cướp bóc mà xỉu.

Tôi bèn yêu cầu cả đoàn ở lại nghỉ mệt để chờ con tôi bớt mệt rồi cùng đi tiếp. Ban đầu, bọn họ làm thinh. Sau đó, họ bàn bạc và quyết định để ba cha con tôi ở lại, còn họ đi tiếp vì họ không thể vì một người xỉu để mà ở lại hết.

Thế là họ chào chúng tôi và tiếp tục lên đường vào lúc độ 9:00 giờ tối. Buồn tủi và bàng hoàng, ba cha con tôi đành ở lại vì không còn đi được nữa. Chúng tôi đi sâu vào trong rừng, rồi đạp cỏ tranh dẹp xuống để làm thành một chỗ mà nằm ngủ tạm. May là không bị rắn cắn trong đêm ấy.

Đêm đó, tôi sợ hãi mà không dám ngủ, trong khi hai cậu con trai của tôi ngủ say và ngáy vang trời. Vốn là sĩ quan của chế độ VNCH, tôi đã biết cách di chuyển ở những vùng biên giới nguy hiểm. Lại nữa, tôi nghĩ rằng nơi đây là vùng ranh giới, nơi có nhiều lực lượng quân sự khác nhau như quân đội của Cộng Sản Việt nam, của Cộng Sản Miên, của lực lượng Kháng chiến, và của Khmer Đỏ tức là Pol Pot. Ngoài ra, còn có lực lượng du kích hoạt động về đêm và cả dân buôn lậu nữa.

Chính vì tính cách đa dạng và nguy hiểm của vùng biên giới, bởi bất cứ lực lượng nào cũng có thể bắn mình nếu họ khám phá ra có bóng người di chuyển. Vì vậy tới đây, ta không thể di chuyển ban đêm được nữa, mà phải di chuyển vào ban ngày để bảo đảm sự an toàn hơn.

Sẵn dịp Tiến bị xỉu, tôi phải chờ đến lúc rạng đông có mặt trời lên để biết hướng tây mà đi. Tôi nghĩ mình cứ chực chỉ hướng tây thì thể nào cũng đến được biên giới Thái. Lúc ấy tôi cũng chưa biết gì về lực lượng lính Para cả.

Sáng 10 tháng 4, năm 1980, lúc đi dọc đường, chúng tôi thấy từ xa có đoàn xe bò từ biên giới về, nên cha con tôi lại nhảy vào bụi rậm để trốn núp. Đoàn xe đi ngược lại hướng chúng tôi đang đi. Khi họ đi qua, chúng tôi thấy trên xe bò chỉ có đàn bà và con nít chứ không có vũ khí. Biết họ chỉ là dân lành nên tôi cũng yên tâm. Tuy nhiên chúng tôi cũng chờ họ đi qua một đoạn khá xa rồi mới đi tiếp nữa.

Vì thế nên chúng tôi đi rất lâu. Độ một tiếng sau, tôi quay lại dặn hai con:

- Ba đã lớn tuổi rồi có chết cũng được, không sao cả. Còn hai con còn trẻ, chết sớm tội nghiệp lắm. Bây giờ ba đi trước, còn tụi con đi sau khoảng vài trăm thước. Nếu thấy ba bị bắt thì tụi con phải nhảy vào rừng trốn ngay, chứ để bị bắt chung cũng không có lợi gì. Rồi từ từ, các con đi sau. May ra thì cũng tới nơi!

Các con tôi không chịu, chúng sợ tôi đi một mình nguy hiểm nên chúng cứ đi theo sát tôi. Vì thế tôi lại càng phải cẩn thận hơn. Đi độ một lúc nữa, chúng tôi vì khát qúa mà lại ở trong rừng khô, không có nước, nên chúng tôi phải đi tiểu vào bi đông để uống lại nước tiểu của mình.

Một chập, chúng tôi thấy bóng năm, sáu người đi bộ từ đàng xa. Họ đang gánh một cây sào dài, trên đó có bao gạo, sô nước và đồ dùng. Chúng tôi lại trốn núp chờ họ đến gần. Biết chắc là nếu gặp họ thì cũng không có gì nguy hiểm, nên tôi bèn nhảy ra chận họ lại để xin nước uống. Ban đầu họ nghi ngờ tôi, mà tôi cũng sợ họ.

Sau họ thấy tôi ra dấu muốn xin nước uống, họ liền cho tôi uống ngay. Tôi bèn đổ bi đông nước tiểu để xin họ cho một bi đông nước uống. Họ cũng vui vẻ cho tôi nước. Trông họ rất thật thà và tử tế, khác hẳn với những người Miên cầm quân và những kẻ dẫn đường đã cướp hết của cải của chúng tôi. Lũ người kia thật là ác độc và tham lam.

Vừa khi ấy, hai con trai tôi lững thững từ trong rừng bước ra. Tôi đưa tay chỉ con đường phía trước và hỏi họ:

”Xiêm?”

Họ bèn gật đầu và hỏi tôi xem phía sau lưng tôi có Bộ đội Việt Nam hay không? Họ nói được bốn tiếng ”Bộ đội Việt Nam” bằng tiếng Việt. Chúng tôi hỏi đường rồi tiếp tục đi nữa.

Đi chừng vài cây số thì đau đớn thay, chúng tôi thấy xác chết của bảy người bạn đồng hành trên chuyến đi ấy. Đây là những người bạn đã từ giã chúng tôi để ra đi đêm hôm trước. Họ bị giết chết bằng súng vì chỉ nhìn các vết thương của họ, chúng tôi cũng đoán được.

Thường thì người Miên giết người bằng giáo mác hay dao búa, nhưng bảy người này bị bắn chết. Có lẽ họ bị một trong các lực lượng chiến đấu bắn chết. Nạn nhân không nằm gần nhau: Bốn người thì nằm cách gần nhau, còn ba người kia thì nằm chết cách xa đó độ hai trăm thước. Có lẽ họ đã chạy được mà bị đuổi theo để bắn chết.

Tôi không thể gom họ lại và chôn xác họ được, mà chỉ biết van vái cho họ giúp chúng tôi đến nơi chốn bình yên. Chỗ họ chết chỉ cách biên giới Thái chừng mười lăm cây số mà thôi! Ôi, giá của tự do qúa đắt! Họ đã trả giá bằng chính mạng sống của chính mình! Định mệnh thật đáng sợ. Tôi chợt nhớ đến số phận mình. Nếu Tiến không xỉu đêm ấy, chắc ba cha con tôi cũng chịu chung số phận bất hạnh như họ rồi.

Thế rồi chúng tôi lại đi tiếp, mỗi lần gặp những người đi ngược chiều với mình, thì đó là những người đi buôn lậu và xin gạo từ Miên về, là chúng tôi hỏi tiếp đường đi. Đến khoảng 10:00 giờ sáng thì chúng tôi gặp một người đàn ông Miên đang đi ngược chiều với chúng tôi, tay anh ta cầm chiếc búa đẽo cây.

Một điều lạ lùng là khi anh ta thấy chúng tôi thì vội xoay người lại để đi cùng chiều với chúng tôi. Dáng vẻ anh như đang suy tính điều gì quan trọng. Chừng như anh ta là quân thám thính và đang muốn trở về báo cáo với cấp trên về sự hiện diện của ba người lạ mặt là chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi sợ hãi vô cùng. Muốn chạy mà chạy cũng không được. mà muốn trốn thì sợ họ nghi. Tôi còn một niềm hy vọng là sớm gặp các lực lượng binh sĩ chống Cộng.

Đi khoảng nửa cây số thì tôi gặp một đám lính tóc dài, mặc quần áo dù rằn ri như quân phục của Quân đội VNCH ngày xưa. Tôi mừng thầm vì nghĩ rằng họ là lực lượng chống Cộng Sản, tức là đồng minh của mình. Bọn họ chận chúng tôi để lục xét tiền bạc và quần áo. Con trai tôi là Nhân còn giữ được một miếng vàng nhờ nó kẹp giữa bó vải bó cái chân bị sưng phồng.

Thế là họ cướp miếng vàng ấy và dặn chúng tôi khi vào trong trại Para thì không được khai là đã bị họ cướp vàng. Nếu khai đã bị họ cướp thì họ sẽ giết chúng tôi ngay. Cũng may là chúng tôi còn chút vàng để cho họ cướp thì họ mới cho đi ngay. Còn nếu không, chúng tôi không biết sẽ bị đối xử ra sao.

Sau đó, đám lính Para này cho chúng tôi vào trại Para. Tại văn phòng của lực lượng nàycó một vài người biết nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Họ vặn hỏi lý lịch của chúng tôi. Họ còn hỏi xem chúng tôi có thân nhân ở nước ngoài không. May cho tôi là xấp giấy tờ tùy thân còn nguyên vì bọn cướp đường không thèm lấy. Họ lục coi từng chữ một, xong họ cho chúng tôi ra ngồi phía trước văn phòng. May là tôi có thân nhân ruột thịt ở Mỹ quốc nên họ cũng không đối xử tử tế hơn với chúng tôi.

Sau đó, họ cho chúng tôi ra ngoài bụi tre. Tại đây tôi gặp gia đình ông Mỹ là bốn nguời, gia đình ông Nê là bốn người, anh em anh Hoà, anh Trung, vợ chồng anh Cho, vợ chồng anh Vĩnh (gia đình Kim Hà). Còn cô Oanh đến trước và bị nhốt ở trại bên kia. Cô ta tới trại lúc 12:00 giờ khuya.

Tại đây, nhóm lính Para phát gạo cho dân tị nạn ăn và cho muối để làm thức ăn. Sau đó, khoảng ba, bốn giờ chiều, cả đoàn tị nạn gồm ba mươi tư người được đưa qua nhà thương Non Chan.

Lực Lượng Para



Lực lượng Para nằm ngay biên giới Thái và Cambodia. Họ là lính vô kỷ luật. Dù có tinh thần chống Cộng nhưng sức yếu, chống không nổi Cộng Sản Việt và Cộng Sản Cambodia.

Ở chiến khu, họ tìm quỹ tiền bạc để sống bằng cách chận những người buôn lậu từ biên giới Thái Lan về để cướp của. Họ còn chận bắt những người tị nạn Việt Nam để bắt bớ, cướp của, hãm hiếp và giết hại.

Đương nhiên ở tại vùng biên giới, họ là ngưỡng cửa để chận cả hai bên mà ăn cuớp. Xong xuôi, họ còn bắt giữ dân tị nạn Việt Nam lại để làm gia mặc cả và đòi hội HTTQT nếu muốn cứu dân tị nạn thì phải trả cho họ khoảng 5 tạ gạo cho mỗi đầu người dân tị nạn.

Lực lượng kháng chiến Para vì chuyện chận bắt người buôn lậu và người Việt tị nạn để cướp của, hãm hiếp và giết hại. Nên từ đó, những người đứng đắn và có chính nghĩa ở trong Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Cambodia đã rút lui hết. Chỉ còn lại toàn phường đầu trộm đuôi cướp mà thôi.

Nhân số của lực lượng này chỉ độ năm trăm người lính vô kỷ luật, toàn là quân ăn cướp và sát nhân. Những lần đụng trận với Cộng Sản Việt Miên thì họ đều bị đánh bật ra, phải tràn qua Thái Lan và nhờ lính Thái đánh trả lại lính Cộng sản.

Có thể nói lực lượng Para là những con thú dữ chống Cộng Sản. Họ phải tự tìm phương kế sinh sống nơi biên giới bằng cách cướp của giết người.

Hãy thử tưởng tượng năm trăm con người chiến đấu ở vùng biên giới. Trước mặt và sau lưng đều có kẻ thù: Lực lượng Khmer Đỏ Pol Pot và lực lượng Cộng Sản Việt Nam. Nếu họ không được tài trợ và nuôi đưỡng đầy đủ thì họ làm gì để sống và để duy trì cơ sở căn bản của mặt trận của họ. Tuy nhiên, họ đã đối xử độc ác với những người tị nạn Việt Nam đi ngang qua căn cứ địa của họ. Họ sống ở trong rừng, thiếu thốn mọi nhu cầu, kể cả nhu cầu sinh lý. Vì thế họ đã làm bậy bằng cách hãm hiếp các phụ nữ của dân tộc khác.

Những thanh niên Para này lại ít học và ngu dốt. Sau khi đã cướp của, hãm hiếp và giết người, họ sợ tiếng xấu loan truyền ra ngoài. Vì thế, họ phải giết người để ngăn tiếng xấu. Ai ngờ tiếng xấu cũng vẫn lọt ra và làm cho giá trị mặt trận thấp kém và mất uy tín đi.

Lực luợng Para muốn mua lòng dân chúng Miên. Họ dùng dân tị nạn Việt nam để đổi lấy số gạo từ hội HTTQT, nhưng phát gạo cho dân chúng Miên. Hễ dân Miên nào đói khổ, tới xin gạo thì họ đều cho gạo để mang về nhà ăn. Cũng nhờ vậy mà dân Miên lên xin gạo, để rồi người tị nạn Việt mới có lối đi vượt biên.

Người dân Miên đi xin gạo có hàng đoàn dài, đa số đi bằng xe bò. Có người đem dân tị nạn cho Para để nhận thêm phần gạo đem về. Số này cũng không nhiều vì có truờng hợp nhiều người tị nạn bị dân dẫn đường bỏ rơi dọc đường.

Lực lượng Para là một nhóm quân lính ở trong rừng rú, không văn phòng, không kỷ luật. Người lính thì bản chất còn man dại, mang thú tính, không văn hóa và không có sợ răn dạy.

Người tị nạn Việt nam nếu muốn tới nơi thành công thì cũng phải dùng tất cả mưu trí và sự chịu đựng. Sự cực khổ càng nhiều thì càng chứng tỏ mức độ thông minh và mưu trí của người tị nạn. Mình còn sống đây là vì đã biết chịu đựng nhịn nhục vô cùng. Mình nhịn còn nhiều hơn là ”Hàn Tín luồn trôn”. Đôi khi luồn trôn vẫn còn qúa dễ hơn là những người tị nạn phải chịu nhục nhã bởi sự đàn áp và hành hung của lính Para.

Nguyên nhân nào làm cho lính Para trở thành bọn cướp đường hung ác? Ta hãy nhìn lại qúa trình lịch sử của đất nước Cambodia. Sau năm 1975, dân tộc họ bị Pol Pot tàn sát khoảng hai, ba triệu người. Sau đó vào năm 1979, Việt Cộng xâm lăng Cambodia và áp đặt chính phủ bù nhìn lên dân tộc Cambodia.

Vì thế bọn Para đã chống đỡ hàng ngày, quen thói giết người. Họ giết người theo luật rừng xanh, không cần tòa án. Họ tập trung năm, sáu trăm người gan lì nhất, những kẻ chấp nhận cái chết và sự giết chóc. Họ giết người mà không bị ở tù.

Người Miên lại có mối thù truyền kiếp với dân tộc Việt Nam. Vả lại, người nào trong đám đó hầu như cũng có một tiểu sử thù hận nên mới ở lại trong rừng để chiến đấu. Nếu không thì họ đã đi làm ruộng hay đi tị nạn như một số dân Miên khác.

Trại Tị Nạn Non Chan




Tại trại tị nạn Non Chan, chúng tôi được ban đại diện trại phát cho sáu tấm ni lông xanh để căng lều và ngủ chung với nhau. Hội HTTQT là những người can đảm và đầy lòng bác ái. Trong những nhân viên người Mỹ, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và Pháp thì cô Denyse Betchov là người can đảm và dũng cảm, lai có lòng thương yêu người yếu kém.

Khi ở trại Non Chan, tôi vì già nên được miễn lao động, còn hai con tôi phải làm lao động cho lính Para. Họ đánh đập dân tị nạn, như trường hợp anh B. bị họ đánh đập khi anh ấy đang bị bịnh.

Cũng may là trong nhiều đêm chúng tôi ở Non Chan, nếu giả sử có một đêm mà Cộng Sản tấn công vào Non Chan, chắc chắn lính Para đã giết sạch sáu trăm người tị nạn Việt Nam rồi. Lúc ấy đúng là giai đoạn thập tử nhất sinh.

Khoảng trung tuần tháng 4 năm 1980, khi chúng tôi còn ở trại tị nạn tạm thời ở Non Chan, hội HTTQT đã đem một trăm bốn mươi chiếc xe vận tải để chở gạo đến tại Non Chan. Lúc ấy, gần sáu trăm người tị nạn Việt Nam ngồi trong vòng rào ngó ra. Lòng ai cũng mừng khấp khởi vì tưởng là những xe ấy, sau khi đổ gạo xuống sẽ di chuyển chúng tôi đến trại tị nạn ở trên đất Thái Lan.

Lính Para kiểm soát số gạo xong thì hứa với hội HTTQT là sẽ cho người tị nạn đị đến trại tị nạn trên đất Thái. Tuy nhiên, chúng lại giở quẻ và đi tìm bắt phụ nữ tị nạn để hãm hiếp. Bọn chúng giở trò đánh đập và cô lập người tị nạn, không cho bất cứ người nào được buớc chân ra khỏi vòng rào của trại Non Chan, dù là để đi phóng uế hay tìm nước uống. Ai cãi lại đều bị đánh bằng roi.

Để đối phó với tình hình khẩn trương đó, ban đại diện cử trên mười người họp nhau ở một khu lều xanh để tìm cách đối phó. Vào đêm 20 tháng 4, năm 1980, có chừng trên mười người trong nhóm lính Para đã đến khu lều phụ nữ và con nít để tìm bắt cô Phụng Tiên, một cô gái đẹp người Hoa để đem về cho người chỉ huy tư lệnh của lực lượng Para hãm hiếp.

Mười mấy anh em uy tín, trong đó có tôi, bèn bàn nhau để đối phó. Có anh đề nghị là nên hy sinh cô Phụng Tiên để mà cứu lấy gần sáu trăm người tị nạn khác. Nhưng có anh lại bàn rằng nếu mình nhượng bộ, chúng sẽ đòi được cô ta, rồi chúng sẽ tìm bắt hết các phụ nữ trong trại để làm nhục. Vì thế thì phải chận ngay từ đầu.

Thế là cô Phụng Tiên được dấu trong bao gạo. Họ lục xét không tìm được cô ta, nên họ giở trò đòi bắt sáu anh em trong ban đại diện là những người biết tiếng Miên, Anh và Pháp ra để bắn chết, trong đó có cả anh Vinh. Các anh ấy sợ qúa chạy trốn, chỉ có hai anh giả bộ đánh lộn để đánh thức tất cả mọi người và yêu cầu họ la lên đồng loạt.

Khi bọn chúng tiếp tục lôi kéo tìm các phụ nữ khác thì tiếng la khóc của những người bị bắt nổi lên, rồi cả trại cùng đồng thanh la lên một giọng. Bọn Para tức giận vô cùng. Chúng chỉa súng đòi bắt tất cả những người mà chúng nghĩ là giật giây. Tất cả bà con lại la lên nhiều lần. Cuối cùng, bọn chúng đành phải hậm hực rút lui.

Đến sáng hôm sau, ngày 21 tháng 4 năm 1980, lúc 8:00 giờ sáng có một xe cứu thương của người Nhật Bản đến trại cấp phát thuốc men cho dân tị nạn. Một số người trong ban đại diện yêu cầu nhóm ấy can thiệp để cứu dân tị nạn. Nhưng họ trả lời là họ không có quyền hạn để làm việc ấy.

Khoảng 11:00 giờ trưa hôm đó, cô Denyse Betchov, nhân viên hội HTTQT lọt vào trại. Cô ta dùng máy truyền tin của xe cứu thương Nhật Bản để liên lạc với Thái Lan và xin được phép đưa gần sáu trăm người tị nạn đi vào lãnh địa Thái Lan. Sau đó, các vị chỉ huy của hội HTTQT đều có mặt để săn sóc dân tị nạn. Suốt ngày ấy, dân tị nạn không được phép ra ngoài lấy nước. Vì thế, nhân viên hội HTTQT ở vùng biên giới phải lái xe chở nước đến cho đồng bào tị nạn uống.

Cuối cùng, vào khoảng 5:00 giờ chiều có khoảng chín xe vận tải đến đón dân tị nạn. Bà con mừng rỡ dọn dẹp trại sạch sẽ rồi sắp hàng trật tự để được lên xe. Đến khoảng 5:00 giờ chiều, mọi nguời mới lên xe hết. Xe bắt đầu chuyển bánh và đi về hướng tây bắc để đến trại NW 9.


Trại Tị Nạn Nw 9


Đoàn sáu trăm người này do anh Vinh làm đại diện gọi là trại B. Khi đến trại NW 9 thì ở nơi đó chỉ là một rừng cây, có rải rác vài tấm lều ni lông xanh của lính Thái canh gác. Tại đó có ba trăm người tị nạn vừa ở Non Samet đến vào ba ngày trước. Đoàn ba trăm người này gọi là trại A, do anh PNB làm trưởng trại. Anh B. là cựu trung úy, rất giỏi Anh văn.

Khi chúng tôi đến nơi thì được anh B. và ba trăm người tị nạn đến trước ra chào đón. Họ cũng đã cất một số lều, nấu cơm nóng và cá hộp để đón chúng tôi. Sau đó, cứ mỗi ba người lại được phát một tấm vải ni lông màu xanh để trải ra ngủ tạm trên đất đầy cỏ và cây cối. Cũng đêm ấy, một con rắn bò qua tay cô Oanh. Cô này hốt hoảng la hét lên, thế là cả trại cũng hốt hoảng hét to theo.

Lúc đầu, ông George Verheil, nhân viên hội HTTQT đã chuyển lời của viên đại úy TháiLan có tên là Viroj để dằn mặt chúng tôi:

“Các bạn được ở tạm đây và được coi như là những người nhập cư bất hợp pháp. Cuộc sống của các bạn sẽ không có ai bảo đảm. Các bạn không được đi ra khỏi giao thông hào chống chiến xa ở trước trại, cũng không được đi ra khỏi vòng dây giới hạn làm vòng rào. Nếu ai cãi lệnh sẽ bị xử bắn ngay.”

Các binh lính Thái Lan thì đóng rải rác ngay chung quanh trại này. Từ tháng 4 năm 1980 đến tháng 6, năm 1980, không có phái đoàn nào tiếp đón chúng tôi. Đến tháng 6 năm 1980, viên đại úy Thái là Viroj cho biết là nếu đến ngày 31 tháng 7, năm 1980 mà không có phái đoàn nước nào nhận chúng tôi thì tất cả mọi người sẽ bị đuổi về lại biên giới Thái và Cambodia, chứ không được ở nơi đây nữa.

Ban đại diện và các thân hào, nhân sĩ bèn họp nhau quy tụ những người giỏi sinh ngữ để viết thư cho ba mươi bốn nơi trên thế giới để xin cầu cứu. Chúng tôi viết thư đến các chính quyền Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp và Anh, kể cả việc việt thư cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ở La Mã, Ý và Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng.

Sau đó, chúng tôi họp tất cả khoảng ba ngàn người tị nạn trong trại NW 9, đọc cho họ nghe và xin thêm ý kiến. Rồi chúng tôi nhờ nhân viên hội HTTQT là ông Leon de Riedmatten chuyển thư đi.

Vì tuyệt vọng và lo sợ bị trả về biên giới rồi sẽ bị nhóm lính Para, Pol Pot hay Việt cộng bắn giết, hãm hiếp và bỏ tù, nên một số chúng tôi trong ban đại diện đã bàn với nhau để thống nhất một kế hoạch chung, chuẩn bị nếu người tị nạn bị trả về vùng biên giới sôi động.

(Lúc ấy, các người đàn ông và thanh niên chúng tôi sẽ trở về đầu quân cho cho quân Kháng Chiến chống Cộng Sản của người Cambodia. Sau khi được phát súng để chiến đấu, chúng tôi sẽ tìm đường vượt biên giới Thái, đi về hướng đông nam của đất Thái, lấy tàu bè của của dân Thái để vượt biển lần nữa đi đến Mã Lai hay Singapore. Lý do là vì lúc ấy đâu còn tiền để mua thuyền được. Có thể vào giờ cuối, chính quyền Thái vì lý do nhân đạo sẽ chỉ cứu vớt những gia đình có con nhỏ. Còn đám đàn ông, thanh niên như chúng tôi thì luôn chịu sự thiệt thòi.)

Sau đó một tháng thì có một phái đoàn của vị thứ trưởng bộ Ngoại Giao Mỹ đến thăm trại chúng tôi. Tất cả dân tị nạn trại NW 9 mừng rỡ vô cùng vì nghĩ rằng trại sắp được giải quyết. Khoảng hai tuần lễ sau thì có một danh sách gồm một trăm bốn mươi mốt người được phái đoàn Mỹ chấp nhận cho rời NW 9 để đến trại Panatnikhom ở sâu trong nội địa Thái, gần Bangkok.

Vào giờ chót, chính quyền Thái Lan gạt ra một số người để buộc họ ở lại, chỉ còn hơn một trăm người được tiếp tục đi. Trong số người bị gạt lại đó có tên ba cha con tôi vì chúng tôi không có trẻ con và phụ nữ.

Khi chúng tôi đến trại NW 9 thì nhân số vào khoảng chín trăm người. Nhưng khi chúng tôi rời trại thì nhân số lên đến ba ngàn người. Dân tị nạn đến rải rác hàng ngày và đều do xe của hội HTTQT chở đến từ các trại thuộc quyền kiểm soát của Para và Pol Pot. Mỗi ngày người tị nạn đến chừng vài ba chục người. Lúc ấy có tôi, ông C. và anh H. làm giấy tờ lý lịch (Tracing cards) cho những người mới đến.

Sau khi bị gạt tên trong danh sách, mãi đến hai tháng sau, gia đình tôi mới được đi tới trại Panatnikhom. Chúng tôi còn phải qua trại Galang ở Indonesia cho đến ngày 10 tháng 7, năm 1981 mới được đặt chân lên Oakland, San Francisco thuộc tiểu bang California.”

Lê Tấn Lý

0 comments: