Hồi Ký Tị Nạn Của Gia Đình Bà Kim Hà

Posted: Sunday, November 14, 2010 by ttnbg in
0

"Từ xa, có những tiếng súng nổi lên rồi có những tiếng hét thảm thiết của phụ nữ. Chúng tôi đoán chừng chắc là nhóm lính Para khác đang tra tấn, hành hạ những người ty nạn Việt Nam khác. Tiếng kêu thét như tiếng heo bị thọc tiết, ai oán, nghe như xé ruột, vang động cả núi rừng. Rồi thì tiếng gầm thét của bọn lính. Tôi không ngờ mình đã gặp phải một bọn quỷ râu xanh như bọn Para này. Tôi hoảng quá vì sợ chúng hãm hiếp mình. May mà tôi đang có thai sáu tháng, bụng đã to, chứ không thì... Tôi rùng mình và không dám nghĩ hết"

Lời Nói Đầu: Thưa quý độc giả, gia đình chúng tôi là những người tị nạn đường bộ. Chúng tôi khởi sự vượt biên từ Sàigòn, Việt Nam vào ngày 27 tháng 3 năm 1980, đến trại tị nạn Non Chan ngày 10 tháng 4 năm 1980. Sau hơn 7 tháng sống khổ cực trăm bề ở các trại Non Chan, NW9, Pananikhom Holding Center và Rangsit Transit Center, thì cuối cùng, vào ngày 16 tháng 10 năm 1980, gia đình chúng tôi đã đến được mảnh đất tự do, đó là thành phố Los Angeles, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Từ ngày 16 tháng 10 năm 1980 trở đi, tôi đã dùng rất nhiều thì giờ và công sức để viết báo, viết sách nhằm gióng lên tiếng chuông kêu cứu cho người tị nạn, đặc biệt là người tị nạn đường bộ còn kẹt lại ở các trại tị nạn vùng Đông Nam Á. Cũng từ đó, chúng tôi tích cực tham gia trong các phong trào cứu những người tỵ nạn đường bộ cũng như đường thủy.



Câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể sau đây chỉ là một phần nhỏ trích trong tác phẩm Qua Cơn Bão Dữ mà chúng tôi đã xuất bản năm 1992. Nếu muốn tham khảo bằng tiếng Anh thì xin mời quý vị đọc tác phẩm Stormy Escape, xuất bản năm 1997 và Report On The Vietnamese Land Refugees, xuất bản năm 1983. Ba tác phẩm này đều do chúng tôi viết ra để làm tài liệu lịch sử cho đời sau.

Cuộc hành trình của chúng tôi phải nói là gian khổ nhiều vì gia đình đông con, gồm hai vợ chồng và 4 con nhỏ, tuổi từ 4 tuổi đến 9 tuổi, lại còn thêm cái bào thai 5 tháng. Cháu bé thai nhi này được sinh ra tại trại tị nạn NW 9, trên lãnh thổ của Thái Lan, vào ngày 17 tháng 7 năm 1980.

 Cuộc sống thê thảm sau kỳ vượt biên đường thủy thất bại:

Chúng tôi đã đi vượt biên bằng đường thủy vào tháng 6 năm 1978 nhưng bị thất bại. Sau đó, cả hai vợ chồng tôi đều bị mất việc vì bị ghép tội là thành phần “Phản động” và “Phản quốc”. Chồng tôi bị đi tù, còn 5 mẹ con tôi chỉ bị tù ba ngày rồi được trả về.

Sau đó, tôi lặn lội đi buôn thúng, bán bưng ở các vỉa hè, nơi ngã ba Hàng Xanh xa lộ, vùng Thị Nghè, Bà Chiểu, Sài Gòn. Khi nào bán ế thì về nhà luộc bắp, nướng bắp mà ăn trừ cơm.

Một hôm, chị hàng xóm tốt bụng rủ tôi đi mua mít Tố Nữ ở Lái Thiêu về Sàigòn bán lẻ. Khi hai chị em vừa xuống xe, mỗi người gánh một gánh mít đi bán ở vùng xa lộ thì trời đổ mưa tầm tã. Chúng tôi phải nép vào một cái quán để tránh mưa. Mưa ướt ngoài trời mà mưa lệ cũng ướt đầm đià trên đôi mắt tôi.

Cả đời tôi chưa hề một lần buôn thúng bán bưng mà giờ phút ấy, hai vai của tôi quằn lại vì gánh nặng của hai thúng mít. Mưa ròng rã suốt buổi nên cuối cùng, tôi gánh về nhà để ăn. Hàng xóm thấy tội nghiệp nên mua giúp cho tôi. Sau đó, tôi đổi nghề đi buôn thuốc tây, nhưng vì không quen làm ăn nên làm gì cũng thua lỗ. Từ từ, tôi đem đồ đạc đã gửi nơi nhà bà con để bán dần, lấy tiền mua gạo cho con cái ăn uống để cầm cự qua ngày.

Mãi đến mấy tháng sau, chồng tôi được thả về. Anh lặn lội đi buôn bán chợ trời nên gia đình tôi bớt vất vả. Trong thời gian ở tù, anh có quen một người tù khác. Ông này vì là triệu phú bị kiểm kê tài sản mà bị ở tù. Khi ra khỏi tù thì tính chuyện đi vượt biên bán chính thức. Ông ta cho vợ chồng tôi mượn 8 cây vàng, và nói rằng khi qua Mỹ, ông ta sẽ đòi tiền nơi mẹ của tôi. Sau đó, chúng tôi khám phá ra rằng trong số 8 cây vàng mà ông ta cho mượn thì có 1 cây vàng giả. Sự khám phá ra vàng giả cũng làm cho tôi đau đớn và suýt lên cơn đau tim vì e rằng không đủ tiền trả cho những người dẫn đường.

Trong lúc ấy, chồng tôi là anh Vĩnh móc nối đường dây đi vượt biên bằng đường bộ. Người ta hứa rằng chỉ lấy một nửa số tiền, khi nào thành công thì chúng tôi sẽ viết mật hiệu về Việt Nam cho em gái tôi trả thêm một nửa số tiền còn lại.

Cuộc hành trình tìm tự do đầy gian nan:

Đến ngày đi, vợ chồng tôi chia gia đình ra làm hai nhóm, ngồi chung xe nhưng làm mặt lạ với nhau để khỏi bị lộ. Khi đi xe lên đến vùng Gò Dầu thì người dẫn đường đưa chúng tôi vào một căn nhà tranh lụp xụp. Họ đổi cho chúng tôi quần áo của người Miên, và bắt chồng tôi đem hết vàng và giấy tờ quan trọng để đi vượt biên qua biên giới Việt Miên vào buổi trưa, khoảng 1, 2 giờ trưa. Tôi có nói với chồng tôi rằng khi anh đã vượt biên thành công thì xin viết mật hiệu báo tin là anh qua lọt để tôi ở bên này biên giới, tức là vùng Gò Dầu, Tây Ninh, sẽ cảm thấy yên tâm. Anh đồng ý và ra đi.

Trong lúc ấy, bốn đứa con của tôi ở trong căn nhà tranh bắt đầu kiếm chuyện vì bị tù túng. Chúng than van là trời nóng, chúng khát nước và đòi uống nước đá. Chúng đòi đi cầu, đi tiểu. Tôi không dám thò đầu ra ngoài vì sợ hàng xóm của gia chủ nghi ngờ và đi báo cáo cho công an. Thế mà cũng có những ngừơi hàng xóm tò mò sang bắt chuyện và hỏi thăm. Tôi phải làm bộ ngủ, quay mặt vào trong để tránh các câu chuyện không cần thiết và bất lợi.

Buổi chiều, các người dẫn đường đòi đưa tôi và hai con nhỏ đi trước qua biên giới, còn hai con lớn của tôi sẽ qua biên giới sau. Tôi sợ mất con nên nhất định không đồng ý. Thế là đêm ấy tôi lo sợ, không ngủ được, phần thì không có tin chồng báo về và sợ chồng bị cướp của và bị giết chết, phần thì con quấy rầy, phần thì bị cơn ho hành hạ.

Cuối cùng, vào ban đêm, có hai người lái xe Honda đến chở năm mẹ con tôi lên xe để vượt biên giới bằng đường ruộng, không bằng đường lộ. Đi lòng vòng một hồi lâu, hai xe dừng lại, và năm mẹ con tôi phải đi theo một người dẫn đường người Miên giữa đêm khuya, không trăng, không đèn.

Vì phải leo lên leo xuống các bờ đê trong ruộng nên mẹ con tôi bị ngã hoài. Chúng tôi không biết tiếng Miên, mà ông Miên dẫn đường lại không biết tiếng Việt. Phần thì ông ta đi quá mau còn bà bầu như tôi và lũ con trẻ lại đi quá chậm. Vì phải chạy theo ông ta nên chúng tôi cứ té ngã mãi. Tôi còn phải cõng đứa con bé nhất trên lưng.

Trên vùng đất Campuchia:

Ði mải miết ba bốn tiếng đồng hồ thì chúng tôi qua được biên giới. Ở bên đất Miên, người ta đốt lửa và họp chợ. Tới biên giới, người ta cho năm mẹ con chúng tôi ngồi trên ba cái xe đạp thồ và chở chúng tôi đi lên đường rồi xuống ruộng. Sau đó, họ bắt tôi lên mặt đường ngồi chờ họ cả buổi. Lòng tôi lúc ấy rất hoang mang và lo sợ. Phần thì sợ lạc con, phần sợ chồng bị giết rồi, phần sợ không có đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình.

Cuối cùng, sau một hồi lâu, họ đến đón tôi về xum họp với chồng con ở trong một ngôi nha bằng tranh. Họ dặn chúng tôi không được nói tiếng Việt. Lúc gặp lại chồng, anh Vĩnh cho biết là khi qua biên giới xong thì họ quay ngay xe đi, không đợi cho anh ấy viết vài chữ về cho tôi. Anh còn kể là họ dùng mỹ nhân kế để quyến rũ anh. Anh phải giả vờ ngủ và phải tranh đấu lắm để không rơi vào lưới tình của người đàn bà trẻ kia.

Sau đó, họ hoá trang cho tôi bằng cách bôi khuôn mặt tôi cho đen hơn. Họ cho tôi cái khăn quàng gọi là “cà ma’ để đội. Tôi phải cải trang mặc áo sà rông, giống như một cái váy ra ngoài cái quần đen của tôi. Rồi họ chia gia đình tôi ra làm hai nhóm và cho ngồi hai xe vận tải khác nhau. Tôi và hai con gái ngồi ngay trên xe vận tải, bên cạnh tài xế, còn chồng tôi và hai con trai ngồi dấu mình ở đàng sau một xe vận tải khác.

Cứ mỗi khi sắp đến trạm kiểm soát thì chúng tôi phải xuống đi bộ, đi vào ruộng và khi qua khỏi trạm kiểm soát thì lại leo lên xe vận tải. Trên đoạn đường từ Gò Dầu Thượng đến Soài Riêng có cả mấy chục trạm kiểm soát, mà cứ đến mỗi trạm thì chúng tôi đều phải xuống đi bộ, bọc qua ruộng để tránh các trạm kiểm soát.

Có một lần vì thương hai đứa con gái nhỏ phải đi bộ vất vả nên tôi đề nghị chúng ngồi lại trên xe vận tải cùng với một giỏ quần áo để khi chúng tôi đi bộ, bọc qua ruộng xong thì sẽ gặp lại chúng. Khi ấy, cháu Kim, 4 tuổi nhất định khóc và đòi đi với mẹ, nên cháu Trang 8 tuổi cũng nhảy xuống theo. Tôi bèn để cái giỏ đồ, trong đó có cái kiếng cận thị của tôi trên xe.

Sau đó, khi chúng tôi đi bọc xong, lên lại đường lộ thì chiếc xe ấy chạy đi mất hút. Nếu tôi buộc hai con gái tôi phải ngồi trên xe ấy thì tôi đã thất lạc hai con rồi. May mà chỉ mất một trong hai cái giỏ của gia đình mà thôi, nhưng cũng khổ cho tôi là từ khi mất kiếng cận thị, tôi đâm ra mù lòa, khốn khổ trong suốt bẩy tháng trời ở trại tị nạn.

Khi chúng tôi đón một xe khác đi tiếp thì nhóm dẫn đường gài cho chúng tôi bị công an bắt, giải ngược lại con đường mà chúng tôi đã đi qua. Sở dĩ chúng tôi biết là họ gài cho công an bắt là vì khi chúng tôi đang ngồi ăn cơm trưa trong quán, thình lình có một xe công an đến quán và ra hiệu đòi chúng tôi đi với họ.

Vì biết rằng khi trở về thì sẽ bị tù, nên vợ chồng tôi bàn với nhau định chôn dấu mớ giấy tờ bảo lãnh của mẹ tôi làm từ Mỹ gửi về. Nhưng Chúa thương các con của tôi cách riêng, nên khi bị bắt, lính Miên chỉ đuổi chúng tôi về lại Việt Nam chứ không bắt giữ.

Khi được thả ra thì chúng tôi không còn thấy những ngừơi dẫn đường của gia đình tôi nữa. Lòng bối rối lo âu, gia đình tôi đi lang thang giữa đường của thành phố Soài Riêng như một đám ăn mày. Bản thân tôi lo sợ như kẻ mất hồn nên đi nghênh ngang giữa đường và bị xe đạp đụng làm rách cả cái áo.

Lúc ấy, chồng tôi dặn tôi trong nom 4 đứa con để anh ấy đi lùng tìm bọn dẫn đường. Anh đi tìm một cách vô vọng thế mà lại gặp bọn chúng. Cuối cùng chúng phải dắt gia đình chúng tôi đi ăn tối. Sau đó, chúng tôi xin ngủ tạm ở nhà một gia đình người Miên. Đêm mùa hè mà nằm lăn lóc trên nền xi măng còn hực lửa nắng hè, tôi lo buồn nên không dám ngủ vì sợ ngủ hết lỡ họ cướp tiền và giết mình thì sao.

Sáng hôm sau, bọn dẫn đường đành phải đưa gia đình tôi đi tiếp. Lộ trình đi vào thủ đô Phnom Pênh (Nam Vang) cũng gian nan không kém lộ trình từ Gò Dầu đến Soài Riêng.

Sống lo âu ở Phnom Penh:

Qua bao nhiêu gian khổ, chúng tôi đến được Phnom Penh. Bọn đẫn đường cho gia đình tôi vào ở trong một gia đình người Miên và rồi chúng lại trốn đi, để mặc gia đình chúng tôi bơ vơ nơi xứ lạ quê người.

Giờ phút ấy, chúng tôi chỉ biết quỳ xuống cầu nguyện để xin Chúa và Đức Mẹ Maria cứu nguy mà thôi. Chúa lại thương nên chồng tôi tìm được hai tên dẫn đường đang ngồi xe xích lô để chuồn về Việt Nam. Khi chồng tôi bắt chúng về lại nhà trọ thì chúng nói thẳng là chúng không biết đường đi đến Thái Lan. Lúc đó, chúng tôi mới biết là chúng đã gài cho lính Công an bắt chúng tôi khi còn ở phạm vi của tỉnh Soài Riêng.

Chúng tôi làm dữ với bọn dẫn đường và dọa sẽ ra công an tố cáo chúng lừa gạt chúng tôi. Cuối cùng, chúng phải trả lại gần một nửa số tiền mà chúng đã lấy của chúng tôi.

Sau đó, chúng dẫn gia đình tôi gặp một người dẫn đường khác. Họ dắt chúng tôi đến một nhà khác để đợi chờ. Trong suốt thời gian chờ đợi, lòng vợ chồng tôi bồn chồn và lo lắng như ngồi trên lửa.

Đi xe lửa đến Pursak và Battambang:

Rồi khoảng một tuần sau, anh chàng dẫn đường tên Sán mới dắt chúng tôi đi tiếp để đến biên giới Thái Lan. Lần này, anh ta đưa chúng tôi đến nhà ga và bảo chúng tôi leo lên xe lửa. Xe lửa đầy những người. Người ta ngồi trong các toa xe. Rất nhiều người khác thì ngồi lắt lẻo trên các mui xe lửa. Còn gia đình chúng tôi thì phải cố gắng leo lên trên một cái toa ở sát toa đầu xe lửa, nơi chất đầy củi để nhét vào lò, hầu làm cho xe lửa chạy.

Đây là một cực hình cho gia đình tôi vì các tàn lửa bay ra tấp vào quần áo chúng tôi và lửa châm vào da thịt chúng tôi, để lại những vết cháy trên da thịt. Lại nữa, toa này không có mui vì là toa chở củi, nên cơn nắng làm nóng khủng khiếp. Lại thêm cái đói và khát hành hạ gia đình chúng tôi. Lúc ấy, tôi cứ cầu nguyện để xin Chúa cho tôi được chết phứt cho xong kiếp đời đau khổ.

Vợ chồng tôi và các con ngồi chỉ cách nhau có 2 thước nhưng chỉ biết im lặng mà nhìn nhau một cách đau đớn. Lòng chúng tôi xót xa đến đứt ruột vì thương các con nhỏ dại mà phải chịu khổ. Cả gia đình tôi chịu cảnh khát nước đến cháy cổ nhưng không biết làm cách nào mà có nước uống vì xe lửa cứ chạy mãi.

Cuối cùng, tôi đánh bạo móc ra 5 đồng bạc Việt Nam để đưa cho những người ngồi gần, rồi ra dấu chỉ vào những trái bắp luộc và một ổ bánh mì đang nằm trong các chiếc giỏ hàng của họ. Họ bèn đưa cho gia đình tôi 5 trái bắp luộc và 1 ổ bánh mì. Thế là giải quyết được việc ăn. Rồi tôi lại ra dấu xin họ cho nước uống. Chị hàng xóm mở bi-đông rót ra một chút nước đen ngòm. Tôi vội cầm chiếc nắp bi-đông ấy để cho bé Kim, đứa con nhỏ nhất của tôi. Còn lại thì cả gia đình đều chịu trận khát khô cổ.

Trong cái nắng gắt của mùa hè nhiệt đới, chúng tôi ngồi im lặng như chết mà không trao đổi với nhau một câu nói vì sợ người ta biết mình là người Việt Nam vượt biên.

Đến 9 giờ tối, xe lửa mới ngừng trước ga Pursak. Chúng tôi mất trọn một ngày mà mới đi được có nửa đường.

Tôi hôm ấy, chúng tôi được anh Sán dắt đi ăn. Sau đó, anh chàng dặn chúng tôi hãy ngủ ngay phía đường rầy để mai đi tiếp.

Vợ chồng tôi rất run sợ vì nghĩ rằng anh ta có thể bỏ rơi gia đình mình bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tôi phải lôi hết áo quần trong giỏ ra để làm chiếu cho các con nằm xuống. Chung quanh tôi, mọi người đều nói chuyện vui vẻ, chỉ có gia đình tôi là im lặng, sợ hãi và buồn bã.

Nền đất đá cứng và gồ ghề làm cho chúng tôi đau lưng, lại thêm cái nóng của mặt đất bốc lên làm cho chúng tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được .

Sáng hôm sau, anh Sán dắt chúng tôi lên xe lửa đi tiếp. Lại thêm một ngày nóng và khát. Suốt bảy tiếng đồng hồ ngồi phơi trên xe lửa không nóc, chúng tôi mệt muốn xỉu.

Khoảng 3 giờ chiếu thì xe lửa vào đến địa phận tỉnh Battambang. Sau một hồi tìm kiếm, anh Sán cho chúng tôi vào một căn nhà trống trơn. Nơi đây có một lu nước. Không ai bảo ai, cả gia đình tôi nhào đến lu nước, rồi người dùng gáo, kẻ dùng tay để múc nước và uống ừng ực.

Vừa uống xong, tôi bủn rủn tay chân và đầu óc quay cuồng. Tôi cảm thấy chóng mặt và tim đập mạnh. Tôi nghĩ mình sẽ chết ngay tại đó. Chồng con tôi cuống quít cạo gió cho tôi. Tôi cố dằn cơn xúc động, nhưng nước mắt cứ chảy ra dào dạt. Tôi dặn anh Vĩnh, chồng tôi rằng:

“Anh ơi, nếu rủi em có chết tại đây thì xin anh cố gắng dắt các con đi tiếp cho đến đích, vì chỉ còn có 60 cây số nữa thôi. Xin anh đừng lo gì cho em, đừng tính chuyện chôn cất gì cả. Mình không thể bỏ cuộc một cách dễ dàng. Mình đã tốn quá nhiều công sức rồi!”

Nghe lời trăn trối của tôi, cả gia đình tôi khóc thổn thức. Vừa sợ cảnh chia ly, vừa sợ người thân chết, vừa sợ bị người dẫn đường bỏ rơi, lòng chúng tôi đau đớn, xót xa.

Khoảng 4 giờ 30 chiều, anh Sán trở lại. Anh cho gia đình ăn cơm và đưa chúng tôi đi ra biên giới bằng 2 chiếc xe mô tô thồ.

Cứ trước mỗi trạm gác, những người tài xế xe lại ra hiệu cho gia đình tôi xuống xe đi bộ qua trạm gác. Anh Vĩnh luôn luôn phải đi trước để thoát thân, vì nếu vợ con bị chận lại thì anh sẽ không bị bắt. Đàn bà, con trẻ thì có bị bắt cũng không lâu, còn đàn ông thì ở tù không có ngày về.

Trong khu rừng vắng gần biên giới Thái-Campuchia với nỗi lo âu:

Qua biết bao gian nan, chúng tôi thoát nạn qua các trạm gác. Đến tối, anh Sán cho chúng tôi vào một khu rừng và bảo rằng anh ấy sẽ trở lại vào sáng ngày hôm sau. Cơn mệt buổi trưa lại đến. Tôi lập lại lời dặn dò và trăn trối. Chồng con tôi lại hốt hoảng vì sợ tôi chết tại đấy. Tôi cố gắng trấn an và nhất quyết dặn chống tôi phải vượt bỏ tất cả những ủy mị, đau buồn để đưa các con đến nơi, nếu như tôi có chết dọc đường, bỏ cuộc trên con đường đi tìm tự do.

Lúc ấy tôi cảm thấy Thiên Chúa thật gần. Gia đình chúng tôi cầu nguyện như là đang nói chuyện với Ngài. Chúng tôi lại cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Chúng tôi khấn xin các thánh, các linh hồn ông bà, cha mẹ chồng đã khuất để xin sự che chở và bảo vệ.

Chỉ có những lúc như thế, chúng tôi mới cảm thấy thân phận con người thật nhỏ bé giữa trùng vây của nguy hiểm và lo âu hãi hùng. Có trải qua những phút âu lo đó, tôi mới thấy cái hạnh phúc là có một người bạn đường bên cạnh, tôi mới cảm thấy Thiên Chúa thật linh thiêng, sự sống thật đáng quý, tình cảm gia đình thật cao đẹp và ý nghĩa của hai chữ tự do thật cao cả.

Suốt đêm hôm ấy, gia đình tôi được ở trong một cái lán giữa chốn rừng hoang. Cái lán này còn sơ sài hơn một túp lều. Vợ chồng tôi lo lắng vì sợ bị bỏ rơi và sợ cướp giết mình hay bị rắn cắn. Chúng tôi lại lôi quần áo trong giỏ ra để làm chiếu cho các con nằm. Hai vợ chồng tôi lại nằm theo hình chữ V, hai đầu quay gần nhau, bốn đứa con nằm giữa. Tôi nằm yên lặng, thần kinh căng thẳng nên không chợp mắt vì quá sức sợ hãi.

Tôi nhìn lên bầu trời, mở mắt thật to để tìm một chùm sao hình chữ T. là tên tắt của thánh nữ Têrêsa, thánh quan thầy của tôi để xin thánh nữ cầu bầu cho gia đình tôi. Tôi xin Đức Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình cầu bầu cho gia đình được ơn bình an, thoát khỏi tai nạn, nhất là nạn cướp trong rừng biên giới.

Đem đen như mực, tiếng côn trùng kêu rả rích. Vợ chồng con cái nằm im, chả ai buồn nói với ai một lời. Một sự bất an bao trùm. Thần kinh căng thẳng. Chúng tôi lắng nghe để xem có tiếng ai đi đâu đó không. Giữa rừng cây um tùm, ví thử bọn cướp có đến giết gia đình để cướp của thì cũng chả ai mà biết, và nếu gia đình tôi có hét lên thì cũng chả ai nghe được mà cứu.

Trời bắt đầu lạnh, sương xuống mỗi lúc một nhiều. Nhìn bầy con nhỏ vô tội đang nằm lăn lóc giữa sương gió, tim tôi nhói đau như bị ai bóp. Giữa lúc ấy, mạng sống con người còn nhỏ nhoi hơn một con giun, con dế. Cứ mỗi lần có tiếng động là vợ chồng tôi ngồi bật dậy để quan sát và nghe ngóng. Cứ thế, chúng tôi nằm chờ sáng trong muôn ngàn nỗi âu lo, sợ hãi và trong niềm hối hận vì đã hành xác con cái trong cơn đói khát, khổ cực.

Bị cướp và bị bỏ rơi trên đường đi:

Sáng hôm sau, khi thức dậy, chúng tôi thấy có hai người đàn ông người Campuchia đến gần. Không hỏi ý chúng tôi mà họ tự ý lục lọi đồ đạc trong giỏ của chúng tôi. Sau khi chẳng kiếm được cái gì mà họ muốn lấy, họ đề nghị chúng tôi đi tắm mát. Đó là để khi chúng tôi xuống hồ ao thi họ lục lấy vàng hay tiền trong quần áo chúng tôi.

Vợ chồng chúng tôi biết là gặp bọn người bất lương nên tôi bàn với chồng tôi là anh Vĩnh nên đi chậm với hai người ấy để cản đường, còn tôi thì lùa các con chạy trước. Nhưng để có thể biết hướng đi ra khỏi rừng, chúng tôi phải đi theo hướng bọn họ sẽ đi. Khi thấy con đường đất đỏ trải dài trước mắt, lòng chúng tôi mừng khấp khởi vì biết là đến nơi an toàn hơn.

Một lúc sau, tôi thấy bóng một đứa bé ngồi trên lưng trâu, tôi quay nhìn anh Vĩnh và nói to:

“Chuẩn bị chạy!”

Rồi tôi nói với các con:

“Chạy ra theo đường kia, các con ơi! Chạy lẹ kẻo bọn cướp kia bắt được mình đấy!”

Thế là như bầy ong vỡ tổ, các con tôi ùa ra chạy thật lẹ, tôi cũng ì ạch chạy theo các con.

Trong lúc ấy, anh Vĩnh bị hai tên người Miên kèm sát để mong cướp của và vàng bạc. Tôi lại quay ngược đầu về phía sau kêu chồng tôi:

“Chạy theo em, anh ơi!”

Lúc ấy, chồng tôi phải hết sức khéo léo để giựt lại cái giỏ đồ và thùng đựng nước. Anh cũng cố tình trì hoãn lại để mẹ con tôi có thêm thì giờ mà chạy thoát. Thế là cả gia đình cắm đầu chạy như ma đuổi.

Trời đã về chiều mà chúng tôi không có nơi ăn, chốn ở. Lúc đó khoảng 2, 3 giờ chiều, tôi bèn bàn với chồng tôi:

“Anh ơi, có lẽ em và các con sẽ trở về lại Việt Nam. Em ra trình diện với bộ đội Việt Nam để trở về nhà, tiền mình còn ít qúa, chắc không đủ cho cả gia đình mình đi đến Thái Lan đâu. Còn lại số tiền này, anh hãy giữ lấy mà tìm đường đi tiếp. Chứ mình đi như vầy hoài, tiền gần cạn hết rồi, biết tìm ai mà đi tiếp?”

Khi nghĩ đến chuyện chia tay, kẻ ở người đi, lòng chúng tôi ngậm ngùi và tan nát. Thế là chúng tôi bị bỏ rơi lần thứ hai rồi.

Vừa đau khổ, tôi vừa cầu nguyện. Không một lối thoát, ngôn ngữ không đủ để xin người bản xứ cứu giúp hay dẫn đường cho gia đình mình đến biên giới. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vấn đề nan giải hiện ra. Tôi ước ao được chết ngay lúc đó, chết chung với chồng và các con, để khỏi phải lo âu và khắc khoải nữa, để khỏi phải chịu cảnh đói khát dưới cơn nắng khủng khiếp ấy nữa.

Trong tuyệt vọng thì tìm ra đường sống.

Khi chúng tôi đi ra đường thì gặp một người phụ nữ Miên chừng 25 tuổi, chị ấy hỏi chúng tôi rằng : “Việt Nam?” Tôi buồn bã gật đầu. Chị ấy chỉ ra phía trước, ra dấu hai tay sẽ bị còng và nói liên tiếp. Tôi chỉ hiểu rằng chị bảo chúng tôi coi chừng ra ngoài ấy sẽ bị bộ đội Việt Nam bắt còng tay và cho vào tù.

Biết chị là người có lòng tốt, tôi kể lể bằng tiếng Việt Nam về nỗi khổ của mình. Không biết chị có hiểu gì không nhưng chị ấy dắt chúng tôi về căn lều của gia đình chị. Chúng tôi vui mừng vì thấy một lu nước. Vừa xin phép chị, gia đình tôi vừa nhào đến thi nhau uống nước. Dù nước rất đục nhưng có nước còn hơn không. Cơn khát đã hành hạ chúng tôi từ lúc sáng đến giờ.

Câu chuyện thì dài lắm, nhưng kết quả là gia đình chị ấy chịu hướng dẫn chúng tôi đi qua biên giới Thái với điều kiện là chúng tôi phải trả hết số tiền bằng chiếc nhẫn kin cương mà tôi đã dấu trong cạp quần và một số tiền mặt khác.

Đêm hôm ấy, gia đình tôi được tắm mát nơi cái giếng cạn của gia đình chị Miên. Đêm ấy, vợ chồng tôi được bình an vì biết rằng mình đang ở trong tay một gia đình tốt lành.

Ngày hôm sau đó, gia đình chị cho chúng tôi lên ba chiếc xe bò trong một đoàn xe bò, rồi họ trả tiền cho ba người chủ xe bò. Từ đó trở đi, họ và chúng tôi không còn gặp nhau nữa vì gia đình tôi nay thuộc quyền của ba người chủ xe bò. Đến khi khám phá ra là họ bỏ mình cho những người chủ xe bò, vợ chồng tôi hoảng hốt và lo âu trên suốt cuộc hành trình ấy. Giữa đường đi, chúng tôi lại bị cướp thêm một lần nữa. Anh Vĩnh ngồi chiếc xe bò thứ hai, tôi và hai con gái ngồi trên xe bò thứ ba, còn hai con trai của chúng tôi ngồi trên xe bò thứ bốn.

Cuộc hành trình qua biên giới đầy gian khổ vì đói khát và sợ hãi. Ở vùng biên giới này, nhiều người tị nạn Việt Nam bị bộ đội Việt Nam bắt giữ và gửi về Việt Nam để bị giam trong các nhà tù. Cũng tại rừng biên giới này mà nhiều phụ nữ Việt Nam bị hãm hiếp bới bọn lính Miên, tức là lực lượng Para, một thứ linh chống chính phủ Phnom Penh. Tại nơi đó, nhiều người tị nạn bị giết chết vì lằn đạn pháo, vì bị lính Miên nghi ngờ, hay vì bị rắn cắn.

Sau đây, tôi xin được kể lại ngày thứ 15 trong cuộc hành trình vươt biên của gia đình chúng tôi:

Điển hình là ngày cuối cùng của lộ trình:

Ngày 10 tháng Tư năm 1980, tức là ngày 25 tháng Hai năm Canh Thân), cũng là ngày thứ mười lăm của lộ trình.

Sáng tinh sương, khoảng bốn giờ sáng, bà già Miên chủ xe bò đánh thức chúng tôi để đi tiếp. Đoàn xe bò lại lọc cọc lăn bánh dưới ánh trăng mờ nhạt. Tôi không đủ ngôn ngữ để hỏi bà già đó xem bao giờ thì tới Thái. Lòng phân vân, hoang mang, lo nghĩ, tôi ngồi ngủ gật trên xe bò. Khoảng năm giờ sáng, bà già quay lại nói:

"Bộ đội Việt Nam"

Tôi giật mình ra dấu hỏi. Bà ta chỉ về phía trước mặt. Thế là chúng tôi lại cho các con tôi nằm chôn dưới bao rơm, đậy miếng nilông lên. Tôi lại được mượn cái nón đội che nửa khuôn mặt. Cơn hãi sợ lại ập đến bủa vây tôi. Tôi cố giấu mặt trong chiếc nón gồi và liếc nhìn qua vành nón tỏa rộng. Nếu không được bà ta cho mượn nón, có lẽ tôi đã bị lộ rồi.

Đoàn xe vẫn lăn bánh lọc cọc trên đường mòn gập ghềnh sỏi đá Mỗi bước đi đến gần trạm kiểm soát là mỗi chút hồi hộp tăng dần. Tôi có cảm tưởng như máu trong cơ thể mình đông đặc lại.

"Càng gần biên giới, sự kiểm soát càng chặt chẽ, liệu mình có an toàn đến nơi không?"

Câu hỏi như gắn chặt trong tâm trí. Tôi run rẩy chờ đợi. Khoảng năm giờ rưỡi sáng, chúng tôi đã đến đầu bìa rừng biên giới - sau này tôi mới rõ. Đó cũng là trạm kiểm soát cuối cùng có Cộng Sản Việt Nam. Từ xa, tôi thấy lố nhố một số lính bộ đội. Họ la lớn bằng tiếng Việt:

"Đứng lại hết, chờ xét đã!"

Thế là đoàn xe bò dừng hẳn lại. Đám đàn ông trên xe bò lật đật leo xuống xe, đứng rải rác gần đó. Anh Vĩnh, chồng tôi, cũng vội vàng bước xuống xe và trà trộn ngay vào đám đàn ông Miên ấy. Tim tôi hồi hộp và đập thình thịch. Tôi cảm thấy rét run như bị cơn sốt rét. Hai tay run lẩy bẩy như bị động kinh phong. Giờ phút sống còn đã điểm. Một là tới Thái, hai là vào tù lần nữa.

Có sáu người lính Việt Cộng. Họ vác súng chạy rầm rập từ phía đầu của đoàn xe bò đến phía cuối. Họ lục xét để kiếm gà. Tiếng họ nói oang oang:

"Gà đâu? Gà đâu? Có gà thì "tâu", ót gà ót tâu!" (Có gà thì đi, không gà không đi!)

Vừa lục xét họ vừa cười nói và chửi thề luôn miệng. Giọng nói quê và nặng của dân quê miền Bắc Việt Nam. Tôi hơi mừng thầm vì thấy họ chỉ nhắm đến việc xét bắt gà vịt của người Miên đi xe bò hơn là nhằm mục đích xét người Việt Nam vượt biên. Có lẽ họ sống đói khát và thèm thuồng ở vùng núi biên giới này đã lâu nên chỉ mong cướp cạn để thỏa mãn sự thiếu thốn.

Hai tên lính xét xe bò thứ nhất, ba tên lính chạy xuống xét xe bò đi sau chót. Còn một tên đứng cách xe bò của tôi độ hai mét, tay hắn cầm cây súng chĩa lăm lăm về phía đoàn xe chúng tôi.

Đến xe bò thứ nhất, họ lật các bao rơm để kiếm gà. Tôi sợ đến ngộp thở. Chắc chết đến nơi rồi vì chỉ còn có một xe nữa là đến xe các con trai của tôi đang núp trong lớp rơm. Tàn đời rồi. Lại vô tù lần nữa thôi.

"Chúa ơi, cứu con với!"

Tôi hét thầm trong lòng. Rồi, họ xét đến xe Vĩnh đã ngồi là xe thứ hai. Họ lục lọi và lật tìm gà nơi các bao rơm. Họ bóp giỏ đồ của Vĩnh treo nơi xe mà không mở ra - nếu họ mở ra, chắc họ sẽ biết ngay chúng tôi là người Việt vì quần áo người lớn, con nít tùm lum. May mà anh Vĩnh đã trà trộn trong đám đàn ông kia rồi!

Khi họ bước qua xe bò thứ ba - nơi mà hai con trai của tôi đang được dấu dưới lớp rơm che kín-thì trái tim tôi như ngừng đập. Thôi rồi, lộ tẩy rồi! Thay vì tìm ra gà, họ sẽ tìm thấy ra hai cậu bé Việt Nam. Tôi lẩm bẩm cầu xin Thượng Đế che chở.

Lại một phép lạ của Thượng Đế! Khi họ định lục xe bò có hai con trai tôi thì bỗng ba tên lính Việt Cộng ở phía xe bò đàng sau chạy lạch bạch tới, tay họ cầm hai con gà. Họ vui mừng hét thật to:

"Có gà rồi! Có gà rồi chúng mày ơi! Đến hai con gà cơ!"

Hai tên lính này mừng quá, bỏ chuyện xét xe bò thứ ba và xe thứ tư - nơi tôi ngồi - để xúm lại bàn tán về thành tích cướp cạn vừa kể. Họ hý hửng cười, đập tay vào lưng, vào vai nhau một cách khoái trá và quên đi chuyện xét xe bò tiếp.

Trong khi ấy - cháu Kim 4 tuổi, vì bị chôn dưới lớp rơm và bao ni lông trên xe bò quá lâu nên mệt. Cháu la lên:

"Nóng quá! Khát quá mẹ ơi!"

Tôi lại giựt mình vì những người lính Việt Cộng chỉ đứng cách xe tôi ngồi có hai thước mà thôi. Tôi vừa sợ vừa giận nhưng chỉ biết im lặng vỗ vỗ vào lớp rơm che cho cháu để dỗ nó mà thôi. Con bé vẫn khóc y ỷ như chè thiu. Chắc là có ơn trên che chở, làm cho các anh lính bộ đội Việt Cộng bận chú ý về mấy con gà nên họ không thể nghe tiếng bé Kim khóc và nói bằng tiếng Việt Nam. Vả lại, lúc ấy trời còn mờ mờ tối nên đám lính này không thấy cảnh chúng tôi ngụy trang.

"Con bé này cứng đầu quá chừng, chuyên mang nỗi khó khăn đến cho cha mẹ!"

Tôi nghiến hai hàm răng để cắn chặt cơn giận và tiếng la mắng:

"Chuyến này mà lộ thì ăn đòn chết, nghe con!"

Tôi giận tái người vì đứa con dại khờ, cái chết bên mình mà vẫn không biết.

Trong lúc ấy, bà già Miên, chủ xe bò của chúng tôi cũng sợ hết hồn. Bà ta thò tay vào lục trong giỏ mãi mới kiếm được một quả xoài xanh nhỏ bằng trái trứng gà. Rồi bà ta đưa trái xoài cho tôi. Tôi bèn giả bộ cúi xuống, vén lớp rơm và để quả xoài vào bàn tay con bé. Con bé nắm chặt quả xoài rồi nín ngay, không khóc nữa.

Nó bắt đầu tìm cách đưa quả xoài vào miệng, vì thế tấm ni lông lại sột soạt di động. Tôi phải gõ gõ để nó hiểu mà tạm nằm yên. Trong lúc ấy mấy anh lính Việt Cộng lấy súng gõ vào thành gỗ của một vài chiếc xe bò và hét to lên:

"Tâu đi! Tâu đi!" (Đi đi, đi đi!)

Đoàn xe bò chậm rãi chuyển bánh. Anh Vĩnh và đám đàn ông lẹ làng đi bộ qua mặt nhóm lính Việt Cộng. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi một gánh nặng.

Trời đã hơi sáng, đoàn người đi lặng lẽ vào rừng thưa. Lúc này đã vào rừng rồi - rừng biên giới Cambodia và Thái Lan. Qua khỏi trạm gác khá xa, các con tôi mới được trút bỏ lớp rơm che đậy chúng để ngồi lên như cũ. Trời vẫn còn sớm nên người đi lại thưa thớt. Dần dần, trời đã sáng bạch, chúng tôi đã tiến sâu vào rừng, qua con đường mòn cỏ cây đan nhánh. Tôi ngồi trên xe bò mà nhủ thầm:

"Mình còn sướng hơn các người đi bộ kia, chắc là họ mệt lắm - mình còn hên nhiều!"

Tôi chợt nghĩ đến cảnh những người vượt biên đi sau tôi - nếu họ đi vào tháng Năm, tháng Sáu mà gặp mưa thì chết cóng vì lạnh và ướt thôi. Suốt cuộc hành trình là nằm ở ngoài bờ bụi, làm sao họ chống trả nổi với cơn mưa suốt đêm? Rồi họ phải lội ruộng, lội đồng. Nếu nước ngập làm sao họ có thể bước đi mau được khi mà đường thì dài vô tận? Đã có bao nhiêu người bị chết vì cóng lạnh dưới cơn mưa, trên đường đi vượt biên, trước gia đình tôi? Và sẽ còn bao nhiêu người chết vì cơn nóng, cái đói khát sau gia đình tôi?

Tôi không trả lời được mà chỉ biết thương xót cho họ. Người dân Việt Nam - có cả chúng tôi - đã trả giá quá đắt cho sự kiếm tìm tự do. Họ trả giá bằng chính sinh mạng của họ và gia đình họ. Tôi đã nếm mùi vượt biên. Nếu yên lành đến nơi, tôi sẽ viết thư về để ngăn cản, không cho bà con, bạn bè đi bằng đường bộ nữa.

Ghê gớm quá, khủng khiếp quá. Tôi ngồi thừ ra suy nghĩ mãi. Xe bò đi sâu vào rừng. Chung quanh là cây cao bóng mát. Bóng mát ở đây nhiều nhưng riêng tôi, tôi vẫn chưa tìm thấy bóng mát của cuộc đời. Một cuộc đời trôi nổi, đầy thiệt thòi và mất mát. Hai lần bỏ xứ ra đi: Một lần từ Bắc di cư vào Nam, và lần này, từ Việt Nam bỏ tất cả để dấn bước phiêu lưu đi tìm tự do.

Tôi lớn lên để bị chứng kiến những cảnh đổ vỡ của gia đình và của đất nước. Tôi đã khóc rất nhiều trước những cơn bão táp ấy. Tôi còn nhỏ lúc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963, nhưng tôi đã khóc khi thấy hình Tổng Thống Diệm bị đốt. Tôi thấy đau đớn khi ngọn lửa ăn dần hình ảnh hiền hậu của vị Tổng Thống ấy. Hình như đôi mắt ông Diệm đã khóc khi lửa liếm dần và thiêu rụi. Tôi nhủ thầm, nếu Tổng Thống Diệm không bị ám sát thì chắc đất nước mình vẫn còn thanh bình và thịnh vượng như thời kỳ 1960, có đâu mà dân tộc mình phải chịu đắng cay và đau khổ như bây giờ? Có đâu mà mình và gia đình phải chịu đủ mọi khổ sở như vầy?

Cảnh rừng thưa vào ban mai thật đẹp và hùng vĩ. Cây mọc chằng chịt, chỉa cành ra phía đường mòn, ánh nắng như được lọc qua bóng cây, đổ xuống tràn đầy. Tiếng chim hót líu lo, tiếng bánh xe bò kêu lọc cọc đưa tôi về thực tại. Các người đàn ông đi bộ nay đã leo lại lên xe bò. Xe vẫn đi chậm như rùa bò.

Tôi đưa trả bà già Miên chiếc nón mà bà đã tử tế cho tôi mượn để hóa trang. Tôi mở luôn chiếc khăn quàng để hít thở thoải mái bầu không khí trong lành của buổi sáng sớm trong rừng đầy cây xanh. Một cách cẩn thận, tôi chỉ tay về phía trước, ra dấu và hỏi xem còn bộ đội Việt Nam ở trong rừng không thì bà già Miên lắc đầu. Tôi mừng rỡ, thở phào nhẹ nhõm rồi ngửng mặt lên nhìn ngắm vòm cây xanh cao trước mặt. Những trái xanh treo lửng lơ trên cây. Tôi không biết là loại trái gì nhưng vẫn cầu mong cho một vài trái rớt xuống để mút đỡ khát. Tôi thì thầm câu nói của một bà già trong truyện Tấm Cám:

"Thị ơi! Thị rụng bị bà
Bà để bà ngửi chứ bà không ăn.”

Buồn thay, chả có trái nào rụng xuống. Tôi nuốt nước bọt mà thèm. Một chút gì êm ả, một chút gì ngọt ngào thoáng đến trong hồn tôi. Hình như hồn quê hương tôi còn quanh quẩn đâu đây với cảnh đẹp thiên nhiên này. Tôi sung sớng hít thở mãi.

Lúc này, người ta đi lại tấp nập hơn. Người đi bộ, người đi xe bò, kẻ đi xe đạp. Những người đi cùng chiều với tôi thì đa số đi tay không hay xách giỏ nhỏ. Trái lại, những người đi ngược chiều với tôi - từ biên giới Thái về - thì chở đầy hàng hóa, thuốc lá và vải vóc mà họ đã mua từ biên giới về.

Họ dùng xe đạp để chở đồ đạc. Người thì dắt xe, người thì tải hàng, cứ thế, họ đi bộ về chợ trời Soay - gần Sisophon. Còn các xe bò ở biên giới về thì chở đầy các bao gạo, loại một trăm kí lô gram. Xe bò đi về cũng khá nhiều. Tính ra, họ cũng rất giàu. Khi đi thì chở người Việt Nam vượt biên, khi ở biên giới về thì chở gạo về Miên bán, hay chở vải vóc, thuốc lá, đồng hồ về bán. Xem ra người dân Miên buôn bán tự do hơn người dân Việt Nam ở quê hương tôi.

Thỉnh thoảng, tôi thấy một người ngồi bên đường để bán nước đá sirô, dưa hấu và xoài chín. Những ly nước sirô có đá màu đỏ, màu cam như trêu, như chọc cơn thèm khát. Những miếng dưa hấu đỏ óng như mời, như gọi. Những trái xoài vàng đậm như đợi, như chờ chúng tôi với tay đến. Những thỏi nước đá trắng trong vắt, trông đẹp như pha lê.

"Trời ơi! làm sao mình có tiền để mua được đây?"

Tôi dán chặt mắt vào các món giải khát ấy rồi nuốt nước bọt. Các con tôi cũng nhìn một cách thèm thuồng. Chúng tôi cứ mơ và ước đến các món giải khát mãi.

Thình lình, từ trong lùm cây rậm rạp, có hai tên lính Miên mặt non choẹt, trông chỉ độ mười bốn, mười lăm tuổi, mặc quân phục rằn ri như lính nhảy dù, chúng xông ra chận xe bò của tôi lại. Chúng lăm lăm chĩa súng vào người mẹ con tôi và hét lên:

"Việt Nam, Việt Nam, xuống, xuống ngay!".

Tôi sợ điếng hồn. Tưởng là đã thoát ách bộ đội Việt Cộng thì hết sự nguy hiểm rồi. Thế mà nay lại bị bắt nữa rồi. Tôi lúng túng đứng lên. Bọn chúng - sau này tôi mới biết chúng là lực lượng Para, một loại lính biệt kích của kháng chiến quân Cambodia. Có người thì nói là lính của Sihanouk, của Lon Nol, của Son Sann, của chính phủ Thái thuê để đánh lại bộ đội Việt Cộng và lính Cộng Sản của Miên - lại la lên:

"Xuống! Nếu không thì "ông lớn" bắn chết!"

Chúng nói tiếng Việt không rõ. Rồi chúng hung hăng chụp cháu Kim vứt xuống đất. Con bé hoảng sợ, khóc thét lên. Chúng túm lấy cháu Trang đuổi xuống. Tôi sợ quá, vội vàng nhào xuống xe. Rồi tôi quay lại bà già Miên để nhờ lấy đồ đạc của tôi ở trên xe xuống hết.

Đàng trước, chiếc xe bò chở hai con trai tôi cũng đã ngừng lại, ông già Miên cũng lật đật bỏ hai con tôi xuống đất. Thế là năm mẹ con tôi riu ríu đi theo hai người lính Para vào bụi rậm để chúng lục xét. Trong khi ấy, xe bò chở Vĩnh đã đi thoát về phía trước. Tôi vái trời cho Vĩnh đi thoát, bề nào thì anh ấy là đàn ông, nếu bị bắt lại thì lại bị tù tội gk có ngày về. Bọn Para hỏi lớn:

“Chồng bòn đâu?” ("Bòn" là anh hay chị).

Tôi lắc đầu quầy quậy và làm bộ ngớ ngẩn để tránh câu trả lời. Bọn lính Para bực tức hỏi to hơn:

-Chồng bòn đâu? Nói! Nói đi! Không thì ông lớn Para bắn chết!”

Tôi hoảng hốt nên làm thinh và chỉ tay về phía đoạn đường vừa đi qua. Bọn Para không tin, chúng quay lại hỏi vói tới mấy người Miên trong đoàn xe bò. Lập tức, một trong số những người ấy chỉ tay về phía trước và nói tía lia.

Ngay tức khắc, một tên lính Para đạp xe đạp chạy đuổi theo xe bò chở anh Vĩnh. Thôi rồi! Anh Vĩnh cũng sẽ bị bắt rồi! Thằng còn lại lấy báng súng đánh mạnh vào lưng tôi, rồi thuận chân, hắn đá vào người tôi một cách giận dữ vì tôi đã đánh lừa nó. Đôi giầy săng đá - bốt đờ sô - đánh vào mông tôi. Tôi đau đớn rú lên. Tuy vậy, cái đau của thể xác không làm cho tôi đau bằng cái nhục nhã của một con người bị một đứa con nít đáng tuổi con cháu mình xúc phạm mình.

Lúc ấy, cả năm mẹ con tôi ngồi thụp xuống đất, co ro và run rẩy như bầy chiên ở trước nanh vuốt cọp dữ. Từ đâu không biết mà bọn lính Para người Miên kéo tới khoảng mười tên. Tất cả đều còn rất trẻ, chỉ độ hai mươi lăm tuổi trở xuống đến mười bốn, mười lăm tuổi. Thằng nào cũng mặc đồ lính dù, rằn ri hoa lá. Thằng nào cũng đeo súng, đeo bùa màu đỏ tòn ten trên cổ. Chúng đeo tượng Phật vàng trên cổ. Sau này tôi mới hiểu tại sao mà chúng có vàng vòng nhiều vậy - đó là do việc cướp bóc tài sản của dân ty nạn đường bộ người Việt Nam. Nơi cổ, nơi ngực, nơi tay chúng đều xâm hình Phật và nhiều chữ Miên.

Khi đó, chúng cười hằng hặc vì đã túm được con mồi là gia đình tôi. Tôi sợ quá rồi. Chỉ cần nhìn những khuôn mặt đen đúa của chúng, chỉ cần nghe giọng cười khả ố là tôi sợ đến khiếp đảm.

Tất cả những câu chuyện mà tôi được nghe hồi ở Việt Nam chợt hiện đến trong đầu. Nào là dân tỵ nạn Việt Nam bị chặt cổ, nào là họ bị bắn, bị mổ bụng ở rừng biên giới. Nào là chuyện “cáp duồn”: Vào các năm 1970, 1971, người Việt Kiều ở Miên phải hồi hương vì người Miên nổi lên chặt đầu, hãm hại và giết chóc người Việt. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện sử mà thầy giáo tôi đã kể hồi tôi học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) rằng Chúa Nguyễn Ánh đã sai tướng Lê Văn Duyệt đánh phá Cao Miên và tiến đánh Siêm (Thái Lan). Quân lính Việt Nam hồi ấy đã giết hại quân lính Miên rồi dùng dao chặt đầu họ để kê làm bếp nấu cơm - Cứ ba cái đầu người Miên làm thành một cái bếp. Rồi lại cướp đất của người Miên để làm đất của người Việt Nam. Do đó, hai dân tộc căm thù nhau vô cùng. Tôi nhớ đến những câu chuyện ấy mà rùng mình, rởn gai ốc. Không hiểu đó là sự thật hay do thầy tôi thêm thắt, dệt thêm. Dòng tư tưởng đưa tôi liên miên suy nghĩ và liên hệ đến thực tại. Tôi nhủ thầm:

"Chắc bọn họ chờ dịp này để hãm hại dân mình rồi đây, mình là nạn nhân của sự trả thù ngàn đời về trước rồi!"

Chúng tôi run sợ như lũ nai tơ bị bầy chó sói bao vây để hãm hại. Sau này, tôi được biết là trong cánh rừng đó, bọn lính người Miên tên Para, Pol Pot và lính kháng chiến quân của người Lào cũng ở đó. Không một ai thoát khỏi nanh vuốt của bọn lính này. Hàng ngày, hàng giờ, bọn chúng chia nhau ngồi ở hai bên đường mòn để chực bắt các người tỵ nạn Việt Nam. Chúng dùng tiếng Miên để kiểm soát và lọc ra những người không hiểu tiếng Miên. Vả lại, nét mặt, màu da, dáng điệu của người Việt khác xa người bản xứ. Chỉ cần quan sát kỹ cũng đủ nhận ra. Nếu may ra mà gặp lính của vị tướng người Lào thì đỡ hơn vì tương đối họ tử tế và có tác phong tốt hơn.

Bọn lính Para ra dấu hiệu cho chúng tôi đi theo chúng vào sâu trong rừng cây. Ba thằng lôi tôi vào bụi rậm, bắt tôi cởi hết áo quần. Trong lúc tôi đứng tơ hơ thì bọn chúng chia nhau lục xét áo quần và xà rông của tôi. Rồi chúng chia nhau xét cái giỏ quần áo của tôi. Chúng bắt tôi chổng mông để chúng móc ở hậu môn, ở cửa mình để kiếm vàng. Bàn tay chúng thô và to như những trái chuối. Tôi đau đớn và hổ thẹn, muốn khóc mà khóc không được. Cái nhục không thể nào kể xiết được. Nỗi hận thù chất đầy tâm trí. Tôi không dám chống cự và la hét vì sợ bị giết ở ngay tại đó, tội nghiệp cho bầy con vô tội ngây thơ.

Sau đó, bọn lính bóp miệng tôi để xem có vàng nhẫn dấu trong miệng tôi không. Rồi chúng nắm tóc tôi gỡ ra từng đám để xem tôi có cột nhẫn vàng trong tóc không. Xét kỹ lưỡng mà chúng chả tìm được một xu nhỏ nơi tôi, bọn chúng tát cho tôi mấy cái tát tóe lửa rồi xô tôi té nhào vào bụi gai. Tôi rú khẽ vì quá đau. Máu từ vết thơng bị gai đâm rỉ ra. Tôi đau quá, ứa nước mắt sống ra. Trong lòng tôi, tôi nhủ thầm:

"Bọn khốn nạn, chúng mày sẽ phải trả giá đắt cho việc làm chó má của chúng mày!”

Tới phiên các con tôi, chúng lôi các cháu vào nơi khác để xét. Chúng bắt các cháu cởi quần áo để chúng mong tìm chút vàng hay tiền. Cuối cùng, chúng lôi được tờ bạc hai mươi dollars mà tên lính Miên hôm qua đã thí lại cho chúng tôi từ chiếc quần của cháu Trang. Thế là chúng đánh con tôi túi bụi vì con bé đã không chịu đưa cho chúng ngay, phải đợi chúng xét mới thấy.

Con gái tôi khóc rấm rứt vì bị đòn. Chúng cũng xét miệng các cháu, bóp miệng, nắm tóc móc hậu môn. Xét chưa xong thì tên lính Para kia đã đưa được anh Vĩnh đi ngược về. Chúng xô Vĩnh té nhào xuống đất, rồi đánh anh bằng báng súng. Mặt anh tái nhợt. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau mà ứa lệ. Ngôn ngữ không đủ để diễn tả cho phút nhục nhã cực điểm ấy Thế rồi chúng bắt anh Vĩnh tới lùm cây khác để xét của. Chúng bắt Vĩnh cởi truồng, chổng mông để chúng tìm nhẫn vàng trong hậu môn. Rồi lại một màn bị bóp miệng, bị đánh đấm nữa. Chúng bực bội vì gặp một bọn nghèo mạt như gia đình tôi. Chúng hung hăng như bầy quỷ dữ. Chúng nói đủ thứ mà tôi không thể hiểu được. Rồi chúng hất hàm cho phép chúng tôi mặc quần áo. Chúng tôi cắm đầu mặc đồ vội vàng, không dám nói chuyện hay hó hé gì cả.

Từ xa, có những tiếng súng nổi lên rồi có những tiếng hét thảm thiết của phụ nữ. Chúng tôi đoán chừng chắc là nhóm lính Para khác đang tra tấn, hành hạ những người ty nạn Việt Nam khác. Tiếng kêu thét như tiếng heo bị thọc tiết, ai oán, nghe như xé ruột, vang động cả núi rừng. Rồi thì tiếng gầm thét của bọn lính. Tôi không ngờ mình đã gặp phải một bọn quỷ râu xanh như bọn Para này. Tôi hoảng quá vì sợ chúng hãm hiếp mình. May mà tôi đang có thai sáu tháng, bụng đã to, chứ không thì... Tôi rùng mình và không dám nghĩ hết.

Bọn lính Para hằn học đá tung mấy cái giỏ của chúng tôi và ra dấu cho gia đình tôi ngồi lại một chỗ chung với nhau. Từ nãy đến giờ, những người chủ xe bò thấy chúng tôi bị bắt xét, nên họ cũng ngừng xe lại để nghỉ ngơi, cho trâu bò ăn rơm và để nấu cơm cho bữa ăn trưa.

Một ông Miên tuổi trung niên, đi trong đoàn xe bò của tôi bước đến nói rất nhiều với nhóm lính Para. Tôi đoán chừng chắc ông ta kể cho chúng là chúng tôi đã bị cướp sạch từ ngày hôm trước rồi. Rồi bọn Para nói đủ thứ như dặn dò ông trung niên nọ điều gì. Chúng tôi ngồi lo nghĩ, mặt hướng về phía đường mòn và mong cho sớm được thả. Nếu được thả sớm thì còn đi ké theo đoàn xe bò. Chứ nếu được thả trễ, đám người kia ăn cơm xong rồi đi tiếp thì xe đâu mà đi, biết đường đâu mà lần tới biên giới? Tiền đã mất trọn, không có người đưa đi thì chắc chết cả gia đình. Mà còn kéo dài những phút này, còn sợ bị bọn chúng hãm hiếp và giết hại.

Thời gian như ngừng đọng lại, tôi đưa mắt nhìn ông Miên trung niên kia ra vẻ cầu xin ông giúp đỡ. Mắt tôi nhìn ông, rồi quay nhìn chồng con, rồi lại nhìn bọn Para. Ông ta hiểu ý, quay lại nói với bọn Para nữa. Khoảng độ nửa tiếng sau, chúng hất hàm ra dấu cho chúng tôi được đi tiếp. Chúng tôi mừng quá chạy vội đến xe bò, không dám chần chờ vì sợ chúng đổi ý thì chết. Nắng lên đã cao. Dù ở trong rừng, cơn nắng vẫn quái ác, tác hại đến chúng tôi. Cái khát làm bỏng cổ họng.

Chúng tôi leo lên lại hai xe bò. Tôi và hai cháu gái một xe, hai cháu trai một xe, hai xe này khác hai xe chúng tôi đã đi. Còn anh Vĩnh thì bị ông Miên trung niên đòi hết số giấy tờ quan trọng của gia đình chúng tôi. Ông ta bọc số giấy tờ của chúng tôi vào người ông rồi ông dắt Vĩnh đi bộ với ông ta. Tôi không hiểu ý ông ta muốn gì mà lại giữ giấy tờ của gia đình tôi và lại còn bắt Vĩnh đi bộ sát ông ta. Chắc bọn kia đã dặn dò ông ta làm như thế. Bây giờ chúng tôi như cá trong rọ, chim trong lồng nên chỉ biết nghe lời người ta.

Trời đã về trưa, chúng tôi đi giữa cái nóng, cái nắng và sự lo âu. Cháu Ninh kêu mệt và nằm ngửa trên xe bò, dưới cơn nắng. Dù đang ở trong rừng nhưng nắng vẫn ác nghiệt đổ xuống đầu chúng tôi. Tôi đau xót nhìn con trai nhưng không làm gì giúp con được vì cháu ngồi xe phía trước, còn tôi ngồi xe phía sau. Bố nó lại phải đi bộ một cách khổ cực.

Cứ thế chúng tôi câm nín đội cái nắng mà đi. Các con trâu, con bò cũng mệt mỏi, chúng chẳng thèm bước, chủ chúng phải rút ra cái roi có đinh nhọn để đánh chúng, buộc chúng đi. Chúng kêu lên đau đớn. Trông thật tội nghiệp. Đi khoảng nửa giờ, chúng tôi lại gặp một bọn Para khác, chúng lại bắt chúng tôi xuống xe bò, vào bụi. Lại một màn xét, lục lọi, nắn bóp và đánh đập, và chửi rủa. Chúng tôi làm thinh chờ. Bọn lính này tức giận vì không kiếm được một xu nơi chúng tôi. Còn gì nữa đâu mà cướp mà lấy?

Lúc này, cháu Ninh đã mệt lả, cháu xỉu luôn tại lùm cây đó. Mặt cháu tái xám, đôi mắt nhắm chặt như chết rồi. Tôi thương con quá. Rồi chúng tôi xúm lại lôi dầu cù là ra để bôi và giựt tóc mai cho cháu. Tôi biết chắc là cháu không trúng gió gì cả mà chỉ vì đói, khát và trúng nắng mà thôi. Sức cháu yếu, sự chịu đựng chỉ có hạn mà sự khổ sở thì vô vàn. Cháu xỉu là phải. Tôi quay nhìn bọn Para hung dữ, cổ chúng toàn màu đỏ và đủ loại bùa. Chúng xâm hình tượng Phật đầy mặt mũi tay chân. Mặt thằng nào cũng đen đúa. Tôi chỉ cháu Ninh, rồi chỉ một bình nước ra ý muốn xin cho cháu một ngụm nước. Chúng gật đầu, chúng tôi liền đưa vào miệng đứa con. Đứa bé vội mở mắt, uống ngay. Nhưng, cháu vừa uống được một hớp thì một tên Para giằng bình nước lại và cất đi. Tôi tức muốn khóc. Cháu Ninh vẫn nằm thiêm thiếp, mặt tái mét.

Ở góc cây phía xa, tôi thấy hai cô gái Việt Nam đứng run rẩy, nét mặt còn hằn vẻ đau đớn, nước mắt còn lưng tròng. Quần áo các cô rách nát tả tơi. Tôi đau nhói trong lòng, không dám hỏi han, chỉ biết thương và xót cho các cô gái xinh tươi đó. Anh Vĩnh ghé sát tai ông Miên giữ giấy tờ của chúng tôi, anh ra hiệu để ông ta nói với bọn Para cho đi tiếp.

Đoàn người đi buôn lậu vẫn tấp nập qua lại trên đường rừng. Một số người thấy cảnh tình con tôi bị xỉu thì họ đứng lại xem và bàn chuyện. Chúng tôi biết chỉ có cách là chịu nhịn, năn nỉ bọn lính Para mà đi thì mới mong yên thân, nếu còn ở lẩn quẩn đâu đây, nếu chúng buồn tình lia cho một tràng đạn thì uổng công, uổng đời quá.

Đã đến lúc cùng cực ấy, tôi chịu nhục, chắp tay lạy bọn Para để xin cho đi tiếp; chúng cười ha hả vì thấy có kẻ lạy chúng. Tôi chỉ tay liên tiếp về phía cháu Ninh đang nằm bất động để mong chúng động lòng thương hại. Chúng suy nghĩ rồi gật đầu. Thế là Vĩnh cõng con trai chạy thật lẹ đi kiếm xe bò.

Đoàn xe bò đã đi khuất từ lúc nào, có lẽ từ lúc chúng tôi cạo gió cho con. Chúng tôi đành lếch thếch kéo nhau đi bộ dưới cái nóng tàn bạo. Ông người Miên dẫn chúng tôi đi tiếp. Tôi dặn Vĩnh phải bám sát ông ta kẻo lạc ông ta là mất hết giấy tờ quan trọng của mình. Cứ thế, chúng tôi lại đi bộ như lết. Vĩnh cõng cháu Ninh, tôi cõng cháu Kim, còn hai cháu lớn lếch thếch chạy bộ phía sau. Tay chúng tôi còn hai xách giỏ quần áo, thùng nước và hai chai nước. Hai chai nước còn quý hơn mọi thứ gì khác, mất chúng là chết khát.

Như một bọn ăn mày lem luốc, chúng tôi bước đi nặng nhọc. Hai chân mỏi rã rời. Cơn khát làm bỏng cổ, cháy họng. Cái nắng chói chang làm chúng tôi tối tăm mặt mày, hoa cả mắt, mắt nổ đom đóm. Các con tôi hết sức để mà nói, mà than thở. Chúng phải chạy mới theo kịp ông Miên dẫn đường. Tôi bâng khuâng tự hỏi không biết mình còn chịu cảnh "vác thập giá" này đến bao nhiêu lâu nữa?

Tôi đoán chắc năm xưa, Chúa Giêsu vác thánh giá chắc cũng đau đớn như chúng tôi lúc đó là cùng, khác hơn là Chúa chỉ có một mình. Còn chúng tôi phải lo nghĩ, băn khoăn cho sự sống và an sinh của gia đình gần bảy người.

Cái nắng bây giờ đã ở trên đỉnh đầu nên càng làm chúng tôi mệt mỏi hơn. Phân bò rơi rải rác đầy đường mòn nên chúng tôi phải đi cẩn thận để khỏi đạp trúng các đám phân bò ấy. Chân chúng tôi bắt đầu sưng tấy lên và gây cơn nhức nhối. Tôi lên tiếng kêu Vĩnh kéo ông Miên dẫn đường đứng lại để chúng tôi được nghỉ dừng chân một tí cho đỡ mệt. Nhưng kệ, ông ta vẫn cắm đầu bước thật mau. Hình như ông đã quá quen với việc đi bộ và với lộ trình này. ông ta nói tía lia và chỉ tay về phía trước. Vĩnh chẳng hiểu gì nhưng anh vẫn hỏi:

"Xiêm? Xiêm?" ý là "Tới Thái Lan chưa?"

Ông Miên gật đầu và ra dấu cho gia đình tôi bước mau hơn. Trên lưng Vĩnh, cháu Ninh mắt nhắm chặt, mặt xám ngắt. Cháu đã bất động từ hồi lâu rồi. Tuy cơn mệt mỏi đã lớn và giãn nở ra, nhưng chúng tôi buộc lòng phải cố mà lết về phía trước để hy vọng đến trại tỵ nạn sớm mà xin cơm, nước và thuốc cho cháu Ninh và các đứa con khác của tôi.

Trên lưng tôi, cháu Kim rên rỉ vì quá khát, nó cũng chẳng còn sức đâu mà khóc, mà nói nhiều nữa, nó chỉ rên khẽ trong miệng. Thời gian như ngưng đọng lại. Từ phía sau của chúng tôi, một cô gái người Miên - người mà tôi đã gặp lúc chúng tôi dừng lại để nấu cơm cùng với bọn người đi xe bò chiều hôm trước - đã đi bắt kịp chúng tôi và sau đó, ông Miên và cô gái vừa đi vừa thảo luận. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì. Cơn mệt quá sức. Cơn khát quá sức chịu đựng. Tôi đứng lại thở hắt ra và la lớn:

"Tắc, tắc, bòn ơi! Tắc, tắc!" (Uống, uống, ông ơi, cho tôi uống!)

Hai người Miên kia quay lại nhìn tôi và nói thật to những tiếng Miên mà tôi chẳng hiểu gì, nhưng qua ngôn ngữ quốc tế, tôi đoán là chắc sắp đến nơi rồi.

Hai đứa con lớn của tôi vừa đi vừa chạy, mặt chúng đã xạm đi vì cháy nắng. Chúng đưa mắt nhìn tôi cầu cứu và van lơn. Hai chai nước đã trống rỗng vì hết đã từ lâu nhưng chúng tôi vẫn phải giữ cái vỏ chai để dành khi gặp vũng nước ao tù hay ao nước bùn thì lấy nước dùng. Hai cái vỏ chai mà chị Tư đã cho lúc này đập long coong vào nhau vì cháu Khang đã đuối sức, nó cứ để cho hai cái vỏ chai trống rỗng tha hồ đập vào nhau.

Lúc ấy, tôi chỉ sợ lỡ hai chai đó bể thì sẽ chết khát vì không còn gì để đựng nước. Vì thế tôi quay về hướng Khang và hất hàm ra dấu cho cháu đeo hai chai nước lên vai. Làm như vậy thì cháu đỡ phải xách vì một chai ở phía trước còn chai kia ở sau lưng. Sau này, cũng nhờ hai cái vỏ chai tầm thường đó mà chúng tôi có đồ chứa nước để chạy giặc và để dấu kỹ trong lều tỵ nạn.

Đối với dân ty nạn đường bộ như chúng tôi thì những đồ đựng nước còn quý hơn vàng bạc. Ở các trại tỵ nạn sâu trong rừng hoang, cho dù có tiền vẫn không thể mua gì được vì không có chợ cũng không được đi ra ngoài vòng rào của trại. Về sau, người ta ăn cắp chai nước của nhau đều đều. Kẻ bị mất chai nước thì sáng hôm sau dậy khóc la thảm thiết vì tiếc của.

Rồi dưới cơn nắng đổ lửa, chúng tôi lết đi theo sự dẫn đường của hai người Miên. Cực hình đeo đẳng, chúng tôi chỉ mong chết ngay lập tức để tránh nỗi khổ sở đó. Con đường trước mặt như cứ dài thêm lên. Đứa con trên lưng cứ chực muốn rớt tuột xuống. Lâu lâu, tôi phải đứng dừng lại để sửa vị trí đứa con lại cho ngay ngắn. Mỗi lần như vậy, tôi phải chạy mới theo kịp những người khác.

Đến khoảng một, hai giờ trưa ngày 10 tháng 4 năm 1980, gia đình chúng tôi đến một đồn lính. Lúc đó, tôi chẳng biết ở trong đó có những ai, nhưng vì tưởng tượng nhiều quá nên tôi nghĩ rằng chắc nơi đây có hội thiện nguyện, có người Âu Mỹ. Chắc họ sẽ đón tiếp mình ân cần lắm vì hội thiện là một tổ chức nhân đạo. Tôi lại hình dung đến những ly nước đá mát rượi, những chai nước si rô màu đỏ, màu cam hay những miếng dưa hấu đỏ óng ánh và những trái xoài chín vàng thơm ngon. Có lẽ họ sẽ cho mình các thức ăn đó.

Tôi cố nuốt nước miếng và quay ra hỏi ông Miên dẫn đường, dù biết rằng ông ta không hiểu tôi nói "trại ty nạn.” là cái gì. Ông Miên đáp:

"Ông lớn Para!"

Từ ngữ "Ông lớn" này được tất cả những người Miên mà tôi gặp trên xe bò hay trên đường đi dùng để nói về bọn lính Para. Họ nói chữ "Ông lớn" bằng tiếng Việt Nam. Bọn lính trẻ Para mà tôi gặp ở trong rừng cũng từng tự xưng là "Ông lớn". Về sau tôi còn được biết nghĩa chữ ông lớn dịch ra tiếng Miên là "Lục thum" hay "Lục thung.”

10. Kết Luận:
Cuối cùng, khi chúng tôi đến được biên giới Thái Miên thì ai cũng tơi tả và rách rưới như những người hành khất.

Đến được trại Non Chan, chúng tôi nhập đoàn vói nhóm ông Phạm Thanh và gia đình ông Lê Tấn Lý. Chúng tôi sống lây lất trong 7 tháng trời trong cơn đói khát và khổ cực.

Những gì xẩy ra trong các trại tỵ nạn mà gia đình chúng tôi ở như ở các trại Non Chan, Northwest 9 (NW9), Panatnikhom Holding Center, và Rangsit Transit Center thi cũng đã được mô tả kỹ lưỡng trong các phần kể chuyện của những người bạn tỵ nạn của chúng tôi ở các chương trước.

Trong lúc mang thai cháu bé, gia đình chúng tôi phải chạy giặc nhiều lần, mỗi lần chạy giặc về thì rơi mất dép, mất các chai nước để dành trong lều và mất luôn quần áo.

Cùng với những người tị nạn khác sống trong trại Non Chan và NW 9, chúng tôi luôn phải chạy trốn vì trại tị nạn nằm giữa hai lằn đạn của Việt Công và Thái Lan. Nhưng nỗi thống khổ vô cùng lớn lao, bút mực không tả xíêt. Cảnh đói khát, áp bức, tranh giành và hiếp đáp xẩy ra hằng ngày như một tấn bi hài kịch trên sân khấu.

Một điều đặc biệt là tôi sinh ra một cháu gái có tên là Hà Thái Thiên Hương vào đêm rạng sáng 17 tháng 7 năm 1980. Cháu sinh ra mà không có nước để tắm, không có quần áo tã lót để mặc. Mẹ cháu phải đi bộ rất xa để đến các hố vệ sinh, dù vừa sinh con. Gia đình tôi phải xin một miếng vải bao gạo để làm võng cho cháu bé nằm. Thấy con sinh ra giữa cảnh không nhà, không tiền bạc, không quần áo, không nước tắm, lòng chúng tôi xót xa ngậm ngùi.

Ngày nay, sau 27 năm, cháu Thiên Hương đã tốt nghiệp đại học UCI. Cháu là đứa con rất thông minh, tài giỏi và ngoan ngoãn nhất trong gia đình. Vợ chồng tôi luôn cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria vì hồng ân cao cả mà gia đình chúng tôi đã nhận được. Lòng biết ơn của gia đình chúng tôi thể hiện nơi cái tên mà chúng tôi chọn cho cháu Thiên Hương. (Hương Thơm của Thiên Chúa.)

Đi vượt biên đường bộ mà không bị bắt hay bị giết, không lạc thân nhân, không bị hãm hiếp thì đó là một hồng ân mà muôn đời chúng tôi không ngớt ngợi khen Danh Chúa. Tuy nhiên, chúng tôi không quên cầu nguyện cho các bạn tị nạn xấu số. Họ mãi mãi bị vùi xác nơi rừng hoang biên giới, chết tức tưởi mà không ai biết nơi chôn.

Xin quý vị cùng các bạn cùng giữ thinh lặng trong giây lát để dâng một lời cầu nguyện chân thành cho các hương hồn người tị nạn đường bộ Việt Nam đã dám hy sinh mạng sống để tìm tự do. Xin Thiên Chúa đầy Lòng Thương Xót giải oan và giải thoát cho linh hồn các nạn nhân này sớm hưởng Nhan Thánh Chúa!

Kim Hà
22/4/07 (Những Ngày Của Tháng Tư Đen)

0 comments: